10/01/2025

Làm thịt “Hạ Long trên cạn”

Hàng trăm ngọn núi trong quần thể núi đá vôi của tỉnh Quảng Bình đẹp như “Hạ Long trên cạn” đã bị “xẻ thịt” để phục vụ nhà máy ximăng, công trình xây dựng.

 

Làm thịt “Hạ Long trên cạn”

Hàng trăm ngọn núi trong quần thể núi đá vôi của tỉnh Quảng Bình đẹp như “Hạ Long trên cạn” đã bị “xẻ thịt” để phục vụ nhà máy ximăng, công trình xây dựng.

 

 

Từ một ngọn núi rất đẹp trên tuyến quốc lộ 12A, núi Cây Trỗ  (xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã tan nát sau hơn một năm  được cấp phép khai thác đá xây dựng - Ảnh: Quốc Nam
Từ một ngọn núi rất đẹp trên tuyến quốc lộ 12A, núi Cây Trỗ (xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã tan nát sau hơn một năm được cấp phép khai thác đá xây dựng – Ảnh: Quốc Nam

Chưa đầy 10 năm, gần 100 ngọn núi trong quần thể núi đá vôi của tỉnh Quảng Bình đẹp như “Hạ Long trên cạn” đã bị “xẻ thịt” để phục vụ nhà máy ximăng và các công trình xây dựng. Người dân Quảng Bình nhìn hình ảnh mang tính biểu tượng của vùng đất mình ngày dần mất đi mà tiếc nuối…

Huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa được xem là nơi có số lượng các ngọn núi đá vôi dày đặc nhất của Quảng Bình, cũng là nơi những năm gần đây núi đá vôi bị tàn phá nhiều nhất.

Tan tác cung đường “họa đồ”

Phải giữ gìn những ngọn núi đẹp!

Là người nghiên cứu sâu về hệ thống karst – núi đá vôi ở Quảng Bình nhiều năm qua, tôi biết hệ karst này mang rất nhiều giá trị về địa chất và khảo cổ.

Bên dưới quần thể núi đá có một hệ thống hang ngầm dài khoảng 176km. Cùng với rất nhiều các hang động lộ thiên đang trong quá trình tạo thạch nhũ.

Vậy nên, việc phá đi những núi đá vôi này chắc chắn sẽ tác động đến hệ thống hang ngầm bên dưới.

Mọi hoạt động du lịch trong hay ngoài di sản Phong Nha – Kẻ Bàng đều dựa vào vẻ đẹp tự nhiên của hệ thống núi đá vôi.

Những ngọn núi đẹp cũng như những khu vực có phong cảnh đẹp cần phải giữ gìn. Phải cân đối giữa việc phát triển kinh tế và bảo tồn cảnh quan.

PGS.TS NGUYỄN HIỆU 
(chủ nhiệm khoa địa lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội)

Theo thống kê của UBND huyện Tuyên Hóa, chỉ riêng huyện này hiện có đến 15 mỏ đá hoạt động, đồng nghĩa với chừng đó ngọn núi đá vôi bị gặm dần.

Trong đó, dày đặc nhất là hai bên tuyến quốc lộ 12A đoạn từ xã Châu Hóa lên xã Thạch Hóa. Đoạn đường này chỉ dài 2km nhưng hiện có đến sáu mỏ đá hoạt động.

Trong đó, mỏ lớn nhất là mỏ Lèn Bảng – Lèn Na (thuộc xã Tiến Hóa) với diện tích khai thác hơn 24ha. Lèn Bảng – Lèn Na là hai ngọn núi đá vôi thuộc diện hùng vĩ nhất trong quần thể núi đá vôi ở Tuyên Hóa.

Có mặt tại mỏ Lèn Bảng – Lèn Na mới thấy độ “khủng” của khu mỏ này.

Đây là mỏ được Bộ Tài nguyên – môi trường cấp phép từ năm 2006 cho Công ty cổ phần Cosevco 1 với trữ lượng lên đến hơn 24 triệu tấn, mỏ này chủ yếu khai thác đá vôi để phục vụ Nhà máy ximăng Sông Gianh nằm cách đó chưa đầy 100m.

Theo giấy phép, mỏ đá này được phép khai thác trong 30 năm rưỡi, nhưng mới khai thác được 8 năm cả hai ngọn núi đá vôi khổng lồ đã bị gặm mất gần một nửa. Dáng vẻ uy nghi hùng vĩ của ngọn núi đá đã biến mất, thay vào đó là sự tan nát, xác xơ.

Ông Nguyễn Xuân Vành (người dân thôn Bàu 1, xã Tiến Hóa) cho biết núi Lèn Bảng là tấm lá chắn ngăn gió bão cho xóm làng. “Thấy người ta xẻ đi những ngọn núi này, tui như đứt từng khúc ruột, nhưng chẳng biết phải làm sao” – ông Vành nói.

Ngược theo đường 12A đi thêm hơn 1km là hai mỏ đá của Công ty Mai Thanh và Công ty Cosevco 1.5. Hai mỏ đá này nằm ở hai ngọn núi đá vôi lớn liền nhau tại  xã Thạch Hóa, ngay sát mép phải quốc lộ 12A.

Sau một loạt mìn nổ, từng mảng núi từ độ cao gần 100m đổ ập xuống đất. Những mảng núi xanh đã bị gặm nham nhở, bụi phủ đặc cả một đoạn đường. Một người dân xã Thạch Hóa nói: “Không hiểu sao người ta cứ nhằm những mỏ đá ngay bên đường mà khai thác. Vừa bụi, vừa tắc đường khi nổ mìn, lại mất đi một cảnh đẹp mà sau này muốn cũng không thể có lại được”.

Cấm vẫn khai thác

Đường Hồ Chí Minh dẫn chúng tôi từ Minh Hóa về khu vực giáp ranh giữa hai xã Phúc Trạch, Sơn Trạch của huyện Bố Trạch. Đây là khu vực giáp ranh với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, phong cảnh ở đây đẹp không thua kém gì Phong Nha.

Con đường nhựa như một dải lụa, hai bên là những ngọn núi mọc san sát giữa cánh đồng lúa xanh, đẹp đến ngẩn ngơ. Bỗng “ầm, ầm”, những tiếng mìn nổ phá đá xé tan bầu không khí tĩnh lặng.

Vài chục phút sau, một chiếc xe tải loại 6 tấn chở đầy đá hộc lầm lũi tiến ra từ một con đường đất thuộc thôn 3, xã Phúc Trạch.

Ngay đầu con đường này, một tấm bảng lớn ghi: “Nghiêm cấm khai thác sản xuất vật liệu đá. Nghiêm cấm các loại phương tiện ra, vào vận chuyển đá”.

Thì ra đây là khu vực cấm khai thác đá. Chúng tôi đi sâu vào con đường này, một cảnh tượng khó tin hiện ra ngay trước mắt: cả một đại công trường với trên 20 ngọn núi đá vôi hùng vĩ đang ngày đêm bị “xẻ thịt”. Từng mảng núi lớn bị bóc trắng hếu như những con thú bị lột da.

Đi sâu hơn, có ít nhất 10 nhóm thợ đá đang phá núi ở những ngọn núi quanh đó, mỗi nhóm chiếm một ngọn núi.

Có nhóm đưa cả máy xay đá loại lớn vào ngay dưới chân núi để khai thác, còn lại thường chẻ đá từ các vách núi xuống rồi tập kết vào một điểm chờ xe đến chở. Tiếng búa, tiếng máy xay, tiếng xe tải chở đá ra vào biến vùng rừng giáp ranh Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thành một đại công trường.

Một người dân địa phương cho biết vùng này là cấm khai thác, nên chủ yếu người dân vào khai thác “chui” bằng cách thủ công, chỉ thi thoảng gặp tảng đá lớn mới nổ mìn. Chính vì kiểu khai thác thủ công này nên ngọn núi nào cũng bị gặm một vài miếng.

Bức tranh non xanh nước biếc, đẹp như “Hạ Long trên cạn” bị tàn phá - Ảnh: Quốc Nam
Bức tranh non xanh nước biếc, đẹp như “Hạ Long trên cạn” bị tàn phá – Ảnh: Quốc Nam

Tiếc lắm, nhưng quá muộn rồi!

Ông Hoàng Minh Đề, chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, nói hệ thống núi đá vôi như là “linh hồn” của đất và người Tuyên Hóa từ bao đời nay.

Nói đến Tuyên Hóa là người ta nghĩ ngay đến những rặng núi đá vôi điệp trùng. Hỏi ông có tiếc không? Ông Đề buồn bã: “Tiếc lắm! Nhưng khi chúng tôi nhận ra giá trị tinh thần của những ngọn núi này thì đã muộn mất rồi”.

Ông Lương Văn Luyến, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình, nói rằng việc cấp phép khai thác đá là do Sở Tài nguyên – môi trường tham mưu và UBND tỉnh quyết định. “Vẫn biết là phải phát triển kinh tế, nhưng về lâu dài phải cân bằng việc phát triển kinh tế với việc gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên”.

Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Oxalis, cho hay sắp tới công ty sẽ mở tour du lịch cộng đồng tại vùng Cao Quảng (Tuyên Hóa), hình thức du lịch này gắn liền với những vẻ đẹp tự nhiên của hệ thống núi đá vôi.

Ông Lê Minh Ngân, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Quảng Bình, cho rằng việc cấp phép các mỏ khai thác đá là “đã cân nhắc tất cả yếu tố rồi”, và được HĐND tỉnh đưa vào quy hoạch.

Ông Trương Viết Cư, trưởng phòng khoáng sản của Sở Tài nguyên – môi trường Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh có hơn 50 mỏ, trong đó có hơn 40 mỏ khai thác đá cho xây dựng và nhà máy ximăng. Việc này phục vụ quy hoạch phát triển nhà máy ximăng của tỉnh, nên chắc chắn ảnh hưởng đến cảnh quan. 

Riêng đối với việc khai thác đá ở khu vực giáp Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Nguyễn Văn Lương, chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho biết là những người dân địa phương vào khai thác tự phát.

UBND xã đã tổ chức đẩy đuổi, buộc người dân ký cam kết không khai thác, “nhưng năm nay mùa màng thất bát, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nên họ lại tràn vào khai thác đá”.

QUỐC NAM