14/11/2024

Kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ

Cách đây 25 năm, ngày mồng 9 tháng 11 năm 1989, bức tường ô nhục Berlin đã sụp đổ, chấm đứt cảnh chia cắt giữa hai miền Đông và Tây Đức, kéo theo sự tan rã của đế quốc Liên Xô và chế độ cộng sản sắt máu vô thần đã cướp đi sinh mạng của 100 triệu người và gây ra biết tai họa cho nhân loại.

Kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ
 
Phỏng vấn Đức Hồng y Jean Louis Tauran


Cách đây 25 năm, ngày mồng 9 tháng 11 năm 1989, bức tường ô nhục Berlin đã sụp đổ, chấm đứt cảnh chia cắt giữa hai miền Đông và Tây Đức, kéo theo sự tan rã của đế quốc Liên Xô và chế độ cộng sản sắt máu vô thần đã cướp đi sinh mạng của 100 triệu người và gây ra biết tai họa cho nhân loại.

Đề cập tới biến cố đáng ghi nhớ này trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mồng 9-11-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bức tường này là biểu tượng của sự ngăn đôi thành phố và sự chia rẽ ý thức hệ của Âu châu và toàn thế giới. Sự sụp đổ đã xảy ra một cách bất thình lình, nhưng nó đã có thể xảy ra nhờ những dấn thân lâu dài và vất vả của biết bao nhiêu người đã đấu tranh, cầu nguyện, đau khỗ, và nhiều người đã hy sinh mạng sống. Trong số những người đó thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có một vai trò tác nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện, để với sự trợ giúp của Chúa và sự cộng tác của mọi người thiện chí, ngày càng được phổ biến một nền văn hóa gặp gỡ, có khả năng đánh đổ tất cả mọi bức tường còn chia rẽ thế giới, và đừng xảy ra nữa cảnh các người vô tội bị bách hại và bị giết chết vì niềm tin và tôn giáo của họ. Ở đâu có một bức tường, là ở đó có con tim đóng kín. Chúng ta cần các cây cầu, chứ không cần các bức tường.”

Bức tường Berlin đã được Nhà nước Cộng sản Đông Đức xây dựng từ ngày 16 tháng 8 năm 1961 dài 155 cây số, cắt đôi thành phố Berlin và tách rời hai miền nước Đức. Trước đó đã có 3,5 triệu người Đông Đức tìm cách vượt biên giới sang tị nạn bên Tây Đức. Tính đến ngày mồng 9 tháng 11 năm 1989, đã có khoảng 5.000 người vượt qua được bức tường ô nhục này, bất chấp 302 tháp canh, 20 công sự chiến đấu, và hàng hàng lính biên phòng canh gác ngày đêm và sẵn sàng bắn gục những ai vượt biên. Đã có gần 200 người bị lính biên phòng bắn chết.

Ngày mồng 8 tháng 12 năm 2009, trong buổi gặp gỡ Tổng thống Đức, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhận định về bức tường này: “Đó là bức tường của cái chết chia cắt đất nước chúng ta trong nhiều năm trời. Nó quyết liệt tách rời con người, gia đình, hàng xóm và bè bạn. Vì vậy đối với nhiều người, những gì xảy ra vào ngày mồng 9 tháng 11 năm 1989 đã bất ngờ mở ra một cánh cửa mới đối với tự do. Đặc biệt là sau một đêm dài và đau đớn của bạo lực và áp bức bởi một hệ thống độc tài toàn trị. Cuối cùng, nó gây ra sự bi quan nặng nề làm trống rỗng linh hồn. Dưới chế độ độc tài cộng sản, không có hành động nào, cho dù khốn nan đến đâu đi nữa, bị coi là sai trái hay vô luân. Bất cứ điều gì củng cố các muc tiêu của chế độ đều được coi là tốt, ngay cả khi nó thật là tàn bạo.”

Nhưng sự tàn bao ấy đã có hồi kết thúc. Và người đã góp phần mạnh mẽ vào việc giải thể chế độ tàn bạo ấy là Đức Gioan Phaolô II, người con của đất nước Ba Lan, vị Giáo hoàng đến từ xa. Ông Thorbjorn Jagland, Tổng Thư ký Hội đồng Âu châu, nhận xét về vai trò của Đức Gioan Phaolô II đối với biến cố bức tường Berlin sụp đổ: “Đức Gioan Phaolô II đã là một nguồn cảm hứng lớn vào thời đó, và là người rất quan trọng đối với những gì đã xảy ra. Tiến trình này đã bắt đầu bên Ba Lan với ông Lech WaLesa: Đức Gioan Phaolô II đã là một điểm tham chiếu mạnh mẽ cho tất cả những người đói hỏi hoà bình. Năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngài đã tới thăm Hội đồng Âu châu. Tiếp theo đó, chúng tôi đã thu nhận tất cả các nước đã tìm lại được tự do sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Giờ đây, chúng tôi phải tập trung chú ý không phải vào sự tự do hiểu như quyền bầu cử và tự do diễn tả, nhưng như là quyền được bao gồm vào trong xã hội. Như thế, một lần nữa Đức Giáo hoàng, lần này là Đức Phanxicô, sẽ tới thăm Hội đồng Âu châu ngày 25-11-2014, có thể nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc xây các cây cầu và đập bể các bức tường ngăn cách. Có biết bao nhiêu người bị loại trừ, những người không có tiếng nói. Người ta đang xây một loại tường Berlin trong tất cả các xã hội của chúng ta: giữa những người có công ăn việc làm và được bao gồm trong xã hội và những người bị loại trừ. Nhiều nhóm thiểu số bị tấn công, chủ trương quốc gia qúa khích gia tăng, các khuynh hướng cực đoan gia tăng… Như vậy, trong một kiểu nào đó, lịch sử lại lập lại, và chính vì thế mà chúng ta phải chú ý trở lại trên các giá trị chung.

Ông Luigi Geninazzi, phóng viên nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận của Hội đồng Giám mục Italia, đã kể lại bầu khí mà ông đã tận mắt chứng kiến ngày bức tường Berlin sụp đổ. Hàng chục ngàn người dân Đông Đức đã tràn qua Tây Đức, gương mặt hớn hở vừa khóc vừa hô to “tự do, tự do”, và các đường phố Tây Đức đầy nghẹt loại xe “Trabant” chế tạo bên Đông Đức tạo ra một cảnh lễ hội “hỗn loạn tuyệt vời”. Người dân hai miền ôm hôn nhau như anh chị lâu năm không gặp, tuy chẳng quen biết nhau. Họ ca hát nhảy múa như điên dại trước các “Volpos”, tức các binh sĩ biên phòng của chế độ cộng sản Đông Đức, đứng như trời trồng, không còn hung hăng ngăn chặn phản kháng như họ thường làm trước đó không lâu. Một người cha công kênh đứa con trai trên vai hớn hở bước qua biên giới, thoả mãn ngước mắt nhìn trời, và thấy bầu trời Tây Đức có một mầu khác với bầu trời Đông Đức…

Trong cuốn sách viết về biến cố bức tường Berlin và các chế độ cộng sản theo nhau sụp đổ tựa đề “Kết thúc lịch sử”, chuyên viên chính trị Mỹ ông Fukuyama cho rằng nền dân chủ đã chiến thắng trên thế giới. Dĩ nhiên là đã có các cuộc khủng hoảng, các đối nghịch và cả xung khắc, nhưng cái xung khắc lớn giữa tinh thần tự do và tinh thần áp bức và chế độ độc tài sẽ không còn nữa. Nhưng đó đã là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi vì chính trong năm 2014 này chúng ta đang chứng kiến một thế chiến thứ ba, xảy ra “từng mảnh một”, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: chúng ta thấy chiến tranh bên Đông Âu tại Ucraina; với Nhà nước Hồi chúng ta thấy chủ trương Hồi giáo khủng bố phá hoại trong hình thái tàn bạo nhất. Tuy nhiên, biến cố bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đã là chiến thắng của các phong trào bất bạo động, được linh hứng bởi đức tin kitô và được Đức Gioan Phaolô II yểm trợ.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một vài nhận định của Đức Hồng y Jean Louis Tauran, hồi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đặc trách liên lạc với các nước trên thế giới.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, Đức Hồng y có nhận xét gì liên quan tới biến cố quan trọng này?

Đáp: Đức Gioan Phaolô II đã luôn luôn nói rằng hệ thống cộng sản đã bị soi mòn từ bên trong, và một ngày nào đó sẽ sụp đổ. Nhưng đã không có ai nghĩ rằng điều này lại xảy ra một cách nhanh chóng như thế, và nhất là không có một cuộc tắm máu: một cách cụ thể, đã không có các nạn nhân… Vào năm 1978, chính biến cố Đức Wojtila được bầu làm Giáo hoàng đã tạo ra cảnh hỗn độn: thật ra với việc Đức Tổng Giám mục Cracovia được bầu làm Giáo hoàng hệ thống đã không hoạt động nữa. 10 năm sau đó, ai đã có thể tưởng tượng rằng với các lời kêu gọi của ngài: “Anh chị em đừng sợ hãi, sự thật sẽ chiến thăng”, bức tường Berlin sẽ sụp đổ. Tôi tin rằng sự chuyển biến này đã xảy ra bởi bầu khí do các thoả hiệp Helsinhki tạo ra, và rồi bởi hoạt động của hai người, tác nhân của lịch sử: đó là Đức Gioan Phaolô II và ông Mikhail Gorbaciov, cả ba yếu tố cùng với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, một tháng ssu khi bức tường Berlin sụp đổ, ông Mikhail Gorbaciov đã đến Vatican thăm Đức Gioan Phaolô II. Đương nhiên đây đã là một cuộc viếng thăm lịch sử. Đức Hồng y có kỷ niệm nào về thời điểm này không?

Đáp: Tôi rất nhớ điều Đức Gioan Phaolô II đã nói về ông Gorbaciov: ông Gorbaciov là một người của thế giới liên xô lý luận trong các phạm trù mới mẻ.

Hỏi: Để chuẩn bị cho chuyến viến thăm ấy, đã có một bầu khí đặc biệt, đến như gây sốt, có đúng thế không, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Vâng, tôi muốn nói với qúy vị là Đức Gioan Phaolô II đã chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này trong một tháng trời. Ngài đã chuẩn bị cho chuyến viếng thăm một tháng trời bằng cách mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm bằng tiếng Nga. Khi hai vị gặp nhau, một người nói tiếng Ba Lan, người kia nói tiếng Nga, và cả hai đã rất hiểu nhau…

Hỏi: Đức Hồng y có nhớ lại giai thoại nào đã đánh động Đức Hồng y một cách đặc biệt, khi lịch sử chao đảo không?

Đáp: Tôi nhớ là đã nói chuyện với các nhà ngoại giao liên xô tại Hội nghị An ninh và Cộng tác Âu châu, mà tôi đã tham dự trong tư cách là đại diện của Toà Thánh. Tôi nhớ là đã nói chuyện với vài nhà ngoại giao Liên Xô. Điểm thay đổi đã là một ngày trong tháng 5, khi Đức Thượng phụ Pimen cho báo chí phỏng vấn ngài, và bài phỏng vấn sau đó đã xuất hiện trên nhật báo “Pravda”. Trong lúc đó chúng tôi đã hiểu rằng các sự việc đang thay đổi.

Hỏi: Đức Hồng y có các kỷ niệm nào về thập niên 1980, vào thời khối Liên Xô sụp đổ, khi đó Đức Hồng y đang ở trong ngành ngoại giao của Toà Thánh?

Đáp: Trước hết, tôi nhớ tới sự can đảm vô cùng của các giám mục và các linh mục, bị nhốt tù… lòng can đảm vô biên của các giám mục và linh mục bị tù ngục và tra tấn… đối với tôi sự kiện này đã khiến cho tôi rất cảm động. Tôi tin rằng mọi thế kỷ đều có các vị tử đạo của nó. Tôi cũng tin rằng ảo tưởng lớn nhất mà người ta có thể có đó là nghĩ rằng có thể có một “Kitô giáo hợp thời trang” làm hài lòng tất cả mọi người… Thập giá của Chúa Kitô là một thách đố đối với tất cả mọi người: nó luôn luôn hiện diện…

(RG 9-11-2014)