09/01/2025

Cứu học trò khỏi cái chết

Một người đi rừng hốt hoảng báo về: “A Tử đang thoi thóp giữa bìa rẫy với đụn lá ngón còn nhai dở”. Thầy Cương vứt chiếc cặp xuống đất, giọng hét lớn: “Vào rừng ngay!”.

 

Cứu học trò khỏi cái chết

 

Một người đi rừng hốt hoảng báo về: “A Tử đang thoi thóp giữa bìa rẫy với đụn lá ngón còn nhai dở”. Thầy Cương vứt chiếc cặp xuống đất, giọng hét lớn: “Vào rừng ngay!”.

 


 

 

A Tử cùng thầy giáo chủ nhiệm Lê Xuân Sỹ – người trực tiếp cứu mạng em – Ảnh: B.D.

Không thấy học trò của mình đến lớp, nhiều thầy cô giáo ở Trường THCS bán trú xã Ngọc Yêu tỏa ra các ngả rừng đi tìm. Bỗng một người đi rừng hốt hoảng báo về: “A Tử đang thoi thóp giữa bìa rẫy với đụn lá ngón còn nhai dở”. Thầy Cương vứt chiếc cặp xuống đất, giọng hét lớn: “Vào rừng ngay!”.

Một đêm cuối tháng 9-2014, cái tin ông A Phút, một người đàn ông Xê Đăng nghèo khổ, chỉ vì quá buồn chuyện gia đình đã dẫn các con của mình vào rừng nhai lá ngón tự tử chấn động cả làng Ngọc Đoa, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum…

Ngày buồn của làng Ngọc Đoa

Hơn một tháng đã trôi qua, đứng bên đứa học trò của mình là A Tử (lớp 7 Trường THCS bán trú xã Ngọc Yêu, làng Ngọc Đoa), thầy giáo Lê Xuân Sỹ mắt cay cay khi nhớ lại khoảnh khắc sinh tử: “Lúc mình cùng thầy hiệu phó Lê Văn Cương, hai thầy giáo trong trường và cán bộ y tế tới thì A Tử đã nằm thoi thóp, toàn thân tím tái, da thịt lạnh ngắt và mắt đờ đẫn hẳn. Tử đón nhận cái chết trong sự chịu đựng như số phận, nước mắt vẫn chảy thành dòng khi thấy thầy cô giáo đến”.

Cho đến giờ không ai biết chính xác nguyên nhân dẫn đến việc ông A Phút dắt cả ba đứa con vào rừng tự tử.

Những người Xê Đăng ở Ngọc Đoa khi được hỏi về A Phút đều lẳng lặng bước đi, như cố giấu một điều gì đó. “Mình không biết đâu, không biết vì sao nó chết cả” – người Ngọc Đoa lắc đầu trả lời thầy cô giáo.

Ám ảnh lá ngón

Thầy Nguyễn Ngọc Huynh cho biết rất nhiều lần người dân ở các làng Xê Đăng tại Ngọc Yêu đã tìm lá ngón để tự tử. Mỗi khi gặp khó khăn, không tự giải quyết được, trong nỗi bế tắc túng quẫn người dân thường tìm đến cái chết để giải thoát. “Ngoài việc dạy các em ở đây cái chữ, chúng tôi còn phải hướng dẫn các em mọi thứ hằng ngày, kể cả việc quý trọng cuộc sống. Cuộc sống là điều kỳ diệu nhất, không ai có quyền được tước đoạt mạng sống của các em cũng như chính các em phải trân trọng thứ quý giá nhất ấy” – thầy Huynh nói.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Huynh – hiệu trưởng Trường Ngọc Yêu – cho biết từ trước đến nay hầu như mỗi khi trong làng có chuyện thì các thầy cô giáo đều là người được báo đầu tiên, thế nhưng chuyện A Phút dẫn con vào rừng ăn lá ngón tìm đến cái chết thì lại không có sự báo trước nào.

“Mấy hôm đó tụi mình vẫn lên lớp bình thường. Nhà A Phút có bốn đứa con, trong đó A Tử là học trò của mình. Trước ngày xảy ra chuyện em vẫn lên lớp đều đặn, chơi đùa vui vẻ với bạn bè – thầy Huynh kể – Sáng hôm ấy, tiếng học trò đang đánh vần giữa lớp bỗng dưng im bặt đột ngột khi có người hớt hải chạy đến lớp báo: Thầy giáo ơi, A Phút – bố của A Tử chết rồi, cả Y Tỷ – con gái đầu của nó cũng chết giữa rừng vì ăn lá ngón”.

Viên phấn thầy giáo đang cầm trên tay rơi xuống nền đất, thầy cô nghe tin dữ bỗng tập trung về phòng hiệu trưởng.

“Trong làng có chuyện rồi, sáng nay cũng không thấy A Tử đến lớp. Bây giờ thầy Sỹ phải thay mặt tôi cùng hai thầy cô giáo nữa xuống làng, về nhà A Phút xem tình hình thế nào rồi chạy về báo lại cho trường ngay” – thầy Huynh giọng gấp gáp.

Cõng học trò giành giật sự sống

Thầy giáo Lê Xuân Sỹ – người trực tiếp lội rừng đi cứu A Tử – nói trong bàng hoàng: “Lúc xuống đến nhà, thấy ngôi nhà hoang lạnh. Y Liu gần như chết lịm, cả mấy thầy cô giáo chúng tôi chẳng ai dám tin có một phép mầu nào nữa dành cho những đứa trẻ vô tội, tất cả đã lịm tắt”.

Tuy nhiên, giữa lúc đau đớn nhất, một người đi rừng quần áo bê bết bùn đất chạy về thở dốc rồi báo: “Có một đứa trẻ vẫn còn sống”.

Các thầy cô giáo nghe tin, chẳng ai bảo ai tất cả đều vứt cặp chạy theo người đi rừng ngược lên hướng núi nơi A Phút cùng những đứa con đang nằm.

Một người được giao nhiệm vụ chạy về xã báo cho cán bộ y tế mang cáng, võng cùng dụng cụ sơ cứu lên cứu những người còn sống.

Núi Ngọc Yêu dựng đứng và bê bết bùn sau đêm mưa lớn, những con suối trước đó người đi rừng lội qua hằng ngày buổi sáng hôm ấy cũng gầm lên hung xiết.

“Phải đi thật nhanh tới chỗ đứa trẻ, nếu chậm một phút thì nó sẽ chết” – thầy hiệu phó giục hai thầy giáo đi cùng.

Quá 11g trưa, sau hơn ba giờ lội rừng, các thầy cô giáo đã đến được căn chòi rẫy nơi A Phút cùng bốn đứa con tìm đến cái chết.

“Mình không thể diễn tả chính xác lại khoảnh khắc ấy, một cảnh tượng vô cùng đau lòng mà trong mấy năm làm nghề giáo mình chưa bao giờ phải trải qua” – thầy Sỹ nghẹn giọng.

Thầy Sỹ cho biết thấy học trò A Tử của mình nằm thoi thóp, mắt lờ đờ trên bãi đất, bên cạnh là thi thể của chị gái và cha là ông A Phút, các thầy cô giáo đã lao tới ôm Tử lên, vỗ gấp gáp vào người: “Tử ơi, thầy cô đến cứu em đây, em còn sống không?”.

Thấy thầy giáo bế, Tử liếc nhìn, hai hàng nước mắt trào ra. “Em cố gắng lên, thầy sẽ đưa em đi. em đừng chết, bài kiểm tra của em thầy đã chấm xong, em phải sống để xem kết quả của mình, cả lớp đang đợi em ở trường” – thầy giáo chủ nhiệm khàn giọng.

Dạy học nơi nghèo khổ nhất

Nếu như Tu Mơ Rông là huyện nghèo nhất, khó khăn nhất của Kon Tum thì xã Ngọc Yêu là nơi heo hút nhất.

Để có thể bám trụ được nơi ấy, hầu hết giáo viên được tuyển về đây đều là giáo viên nam.

Đường vào Ngọc Yêu cheo leo như sợi chỉ quàng qua những vách núi dựng đứng, mùa mưa giáo viên phải lội bộ hai ba ngày mới tới được trường, đối diện với nỗi ám ảnh mưa lũ và lở núi.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu nhất, Trường THCS Ngọc Yêu lại là nơi dẫn đầu về kết quả vận động học sinh đến lớp với tỉ lệ trên 97%, lượng học sinh khá giỏi của trường trung bình đạt gần 50%. 

Mưa vẫn trút từng đợt tạt vào mặt các thầy cô giáo. Những cán bộ y tế xã cũng đã chạy bộ tới để cứu A Tử.

“A Tử đã rất yếu, A Phút và Y Tỷ thì đã chết, phải gọi người đến khiêng về. Các thầy cô phải gấp rút cõng Tử ra trạm y tế xã kẻo không kịp mất” – thầy hiệu phó quát lớn.

Đường vào núi gấp gáp bao nhiêu thì đường trở ra dồn dập bấy nhiêu. A Tử vẫn còn sống, nhưng thời gian cho cậu học trò ấy chẳng còn nhiều.

Các thầy cô giáo phải bế thốc Tử lên rồi mỗi người một đầu, khiêng bằng chiếc cáng chạy khẩn cấp vượt qua những mỏm đá, những con suối.

Đi được giữa chừng, đường quá xóc khiến chiếc võng rách đôi, các thầy cô lại bế Tử lên lưng chạy bộ.

Hồi sinh

15g, cả làng Ngọc Đoa tập trung ở đầu làng đợi người từ núi ra. Chẳng ai cầm nổi nước mắt khi thấy các thầy cô giáo, cán bộ y tế người bê bết bùn đất, giày dép đứt bương đang thay nhau cõng A Tử lên các con dốc để chạy về trạm y tế xã.

Cả chiều và đêm hôm ấy, gần như tất cả giáo viên Trường bán trú Ngọc Yêu đã tập trung về trạm y tế xã để chăm sóc, thay phiên nhau hỗ trợ các y tá giành giật sự sống cho A Tử. Rạng sáng hôm sau, A Tử mở mắt được, bắt đầu nói được trong sự mừng vui khôn xiết của các thầy cô giáo.

Thầy Nguyễn Ngọc Huynh cho biết sau khi A Tử tỉnh lại, mặc dù đã qua cơn nguy kịch nhưng để chăm sóc tốt hơn cho em, các thầy cô lại tiếp tục chạy xe máy, cử người ngồi sau bế Tử vượt gần 30km đường núi ra trung tâm y tế huyện để chăm sóc.

Trở về từ cõi chết, A Tử cứ quấn lấy các thầy cô giáo, mỗi lần nghe thầy cô hỏi là Tử lại úp mặt vào thầy mà khóc. A Tử kể lại với thầy cô giáo rằng do bố em quá buồn nên đưa cả mấy anh chị em vào rừng, ông lấy một nắm lá ngón chia cho mấy chị em Tử rồi ép ăn để cùng nhau chết.

“Bố nói bố chết đi rồi thì không ai nuôi các con nữa, không ai thương các con nữa nên có chết thì mấy chị em chết cùng nhau” – A Tử nhớ lại.

THÁI BÁ DŨNG