Chia sẻ Chủ đề Cầu cho Các Linh Hồn của Gia đình vui sống Đức tin
* Câu Hỏi: Tại sao Phật giáo chủ trương đời người phải trải qua nhiều kiếp trong khi Công giáo nói chỉ có 1 kiếp duy nhất là cuộc sống ở trần thế này? * Câu hỏi: Người Công giáo có nên làm các bữa cúng giỗ để tưởng nhớ các người thân yêu đã khuất và chia sẻ với những người ngoài Công giáo không?
Chia sẻ ngày 16/11/2014- Chúa Nhật XXXIII TN A – 2014
Chủ đề Cầu cho Các Linh Hồn
của Gia đình vui sống Đức tin
Sự hiện diện gần gũi của người đã khuất
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
1. Bài chia sẻ (trong thánh lễ tại nguyện đường Đan viện Cát Minh, 33 Tôn Đức Thắng, Q.1, Tp.HCM, vào lúc 8g sáng ngày 16/11/2014 )
Lời mở
Hôm nay chúng ta mừng các bậc tổ tiên, ông bà và những người thân yêu đã khuất của chúng ta đang ở bên Chúa, chung hưởng niềm vui, bình an. Nhưng cũng không thiếu những người trong số họ chưa được hưởng trọn vẹn hạnh phúc bên Chúa và đang cần đến các thánh lễ, lời kinh, việc hy sinh, bác ái của chúng ta để giúp họ thanh tẩy trọn vẹn.
Cuộc sống trần thế, với những bon chen, lo lắng, mệt mỏi , rất nhiều khi làm chúng ta tập trung vào những người đang sống với các công việc hằng ngày mà quên đi việc trợ giúp những người đã khuất. Chúng ta cũng chưa cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi của những người đã khuất nên rất nhiều khi chúng ta quên lãng họ.
1. Những tình trạng sống
Những quan niệm đạo đức lỗi thời về thiên đường, luyện ngục, hoả ngục, mà một số người vẫn còn đang giữ, đã làm họ xa cách người đã khuất và hiểu sai về tình thương của Chúa. Người ta thường nghĩ ngay đến một nơi chốn hơn là tình trạng sống của những người đã qua đời.
Người ta cho rằng thiên đường là chốn cực lạc ở trên cao, “sáng láng, vui vẻ vô cùng” với Chúa, Đức Mẹ, các thần thánh. Còn luyện ngục như một ngục tù tăm tối, mà những người đã khuất bị giam ở trong đó do tội lỗi xấu xa của họ ở trần thế, họ phải khóc lóc, đau khổ, chờ được thanh luyện hoàn toàn mới được “lên” thiên đường. Hoả ngục cũng là ngục tù giam giữ muôn đời những linh hồn tội lỗi, tàn ác, không thể hối cải, họ sống chung với ma quỷ, bị hành hạ, bị thiêu đốt bằng thứ lửa vô hình nên đau đơn khổ sở vô cùng và không bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa! Những quan niệm này bắt nguồn từ những câu chuyện dân gian vay mượn từ các tôn giáo, nhất là từ Phật giáo, về 18 tầng địa ngục do Diêm Vương cai quản, về ác quỷ hành hạ người chết bằng đủ loại khổ hình.
Giáo hội Công giáo, với sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), đang mời gọi chúng ta thay đổi những quan niệm lỗi thời ấy để hiểu rằng thiên đàng (x. số 1023-1029), luyện ngục (x. số 1030-1032) và hoả ngục (x. số 1033-1037) là những tình trạng sống của con người chứ không phải là nơi chốn. Mỗi người chúng ta, ngay khi bước qua ngưỡng cửa cuộc đời là cái chết, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian nên thấy ngay được Thiên Chúa là Đấng tốt lành, nhân từ, trong sạch, công minh vô cùng và còn thấy Chúa mãi mãi trong đời sống vĩnh hằng. Ngài như một tấm gương trong, cho ta soi mình vào đó, để thấy được mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm trong toàn bộ đời sống trần thế. Từ đó ta cũng thấy ngay mình xứng đáng nhận tình trạng sống nào: thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục. Đó là sự “phán xét’ riêng chứ không phải Chúa bỏ con người lên chiếc cân để cân tội phúc của từng người như chúng ta đã được dạy trong các lớp giáo lý “vỡ lòng” thời thơ ấu.
Vì thế, thiên đàng là tình trạng của người được kết hợp trọn vẹn với Chúa, được chia sẻ sự sống kỳ diệu vĩnh hằng của Chúa là nguồn của chân thiện mỹ, của hạnh phúc vô biên. Luyện ngục là tình trạng của người thấy mình tội lỗi, nhơ bẩn. Họ muốn kết hợp trọn vẹn với Chúa, nhưng thấy mình không xứng đáng, nên còn ngăn cách về tinh thần, dù lúc nào họ cũng thấy Chúa trước mặt. Họ ăn năn hối hận, nhưng vì họ không còn tự do để tạo nên công phúc cho mình nên cần những lời cầu nguyện, hy sinh, bác ái của chúng ta để giúp họ thanh luyện. Hoả ngục là tình trạng của người đã quyết tâm cắt đứt sự hiệp thông với Chúa, cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Bây giờ thấy Chúa tốt lành, yêu thương như vậy nên họ hối hận, tự dằn vặt mình, đau khổ tột cùng vì không còn hy vọng được tha thứ. Đó mới là ngọn lửa thiêng liêng đốt cháy tâm hồn họ, vì Chúa chẳng phạt ai và dùng hình khổ nào. Những kiểu diễn tả trong Tin Mừng: “bị trói chân tay, ném vào nơi tối tăm, ở đó khóc lóc nghiến răng…” (x. Mt 8,12; 23,42; 24,51; 25,30) chỉ là những hình ảnh diễn tả ý nghĩa ẩn dụ về đau khổ, dằn vặt khủng khiếp mà ta cần phải tìm hiểu khi đọc Thánh Kinh (x. GLHTCG, số 112-119).
Vì Chúa ở khắp mọi nơi nên thiên đàng, luyện ngục, hoả ngục là tình trạng sống khác nhau của tất cả những thụ tạo, bao gồm cả thiên thần, quỷ dữ và con người, dù sống hay đã chết, ở khắp mọi nơi tuỳ vào thái độ, đóng kín hay mở ra cho Thiên Chúa.
2. Mở ra với siêu việt và hướng đến vô biên
Giáo Hội quả quyết rằng: “Mở ra với siêu việt là một đặc tính của con người ( vì họ được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa), con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi loài thụ tạo. Con người mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 130).
Điều xác định này hết sức quan trọng để ta hiểu hơn về việc tiếp cận với những người đã khuất, để cảm nhận được sự gần gũi của họ cũng như để giải đáp cho chúng ta nhiều vấn nạn về tiền kiếp, luân hồi, đầu thai, về việc cúng giỗ tổ tiên, tôn kính các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, về vấn đề ngoại cảm cũng như những vấn đề ma quỷ hiện hình, trừ tà ma, xua quỷ dữ…(x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr. 383-401). Tuy nhiên, nhiều tín hữu, ngay cả linh mục, chưa quan tâm đến điều này, nên vẫn nói rằng: “Người chết là phải vào thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục, chứ không thể đi lang thang như mấy nhà ngoại cảm xem thấy và diễn tả”.
Thật ra, khi không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian, các linh hồn ấy luôn hiện diện bên Chúa và vì Chúa ở khắp mọi nơi nên tình trạng sống của họ cũng có mặt ớ khắp nơi. Do đó, lúc nào họ lúc nào cũng ở gần chúng ta. Vì thế, khi dâng thánh lễ, Giáo Hội nhắc nhở ta về sự hiện diện của tất cả các thần thánh và những người đã khuất, dù họ chết ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ, dù chết cách ta hàng ngàn năm hay mới hôm nay. Tất cả đều quy tụ gần bàn thờ Chúa để cùng hiệp thông với nhau.
Lý do là vì tất cả đều đang sống vì “Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của kẻ chết” (Mt 22,32; Mc 12,27; Lc 20,38), “Chúa đã vĩnh viễn tiêu diệt tử thần” ( Is 25,8), “lau sạch nước mắt họ”, “và không còn sự chết nữa” (Kh 21,4). Tất cả đều nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, “đã chết vì chúng ta” (Rm 5,5) “để hoà giải chúng ta với Chúa Cha” (Rm 5, 10-11). “Ý của Chúa Cha là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con thì được sống muôn đời” (Ga 6,40). Đức Giêsu nói với cô Marta rằng: “Chính Tôi là sự sống lại và là sự sống” và Người đã chứng minh bằng việc cho anh Lazarô chết 4 ngày được sống lại. Sở dĩ chúng ta thấy xa cách các người thân yêu đã khuất bóng chỉ vì chúng ta không còn tin họ đang sống và đang hiện diện ngay bên cạnh ta.
Khi chúng ta tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô và gắn bó mật thiết với Người, chúng ta sẽ gặp gỡ được những người đã khuất cũng như các thần thánh vì tất cả đều là những thụ tạo được Ngôi Lời tạo dựng và làm thành thân thể mầu nhiệm của Người, gặp được cả “vạn vật đang lâm vào cảnh hư ảo, cùng rên siết và quằn quại” (Rm 8,20-23) trong hy vọng sẽ được chia sẻ sự sống vĩnh hằng với con người.
Khi gắn bó với Đức Giêsu là sự thật và sự sống, dù không theo đạo Công giáo, một số người có khả năng tiếp xúc và nhìn thấy người đã khuất. Chúng ta đừng lạ lùng vì đó là ơn Chúa ban. Có những nhà ngoại cảm thật sự, nhưng cũng không thiếu nhà ngoại cảm giả dối. Họ có khả năng nhìn thấy, nghe được những hồn ma, xua trừ tà ma, quỷ dữ không khác những tông đồ của Chúa Giêsu thời xưa cũng như thời nay. Điều này giải thích cho chúng ta hiểu về những chuyện tâm linh khi đọc những cuốn sách như “Tái sinh ở Phương Tây” của Vicki Mackenzie (NXB Phương Đông, 2010,), “Tiền kiếp và luân hồi có thật không?”, “Thông điệp của các chân sư” của Bác sĩ Brian L. Weiss (NXB Tôn Giáo, 2006, Lao Động, 2000), “Tự truyện của một Yogi” của Paramahansa Yogananda (NXB Lao Động, 2014) và nhiều sách tương tự,
Chúng ta sẽ hiểu thêm rằng nhở khả năng mở ra cho muôn loại thụ tạo, mỗi người không cần phải có nhiều kiếp theo vòng luân hồi như anh em Phật giáo giải thích, nhưng có thể tiếp xúc được với những người qua đời cách ta cả ngàn năm trước ở Tây Tạng, Ấn Độ hay ở bất cứ đâu, bởi vì tất cả đều đang sống, đều liên kết với nhau trong Đức Giêsu qua đời sống tốt lành, thánh thiện, đầy tình yêu của mình. Có những trường hợp được Chúa cho phép, các người đã khuất có thể hiển hiện một cách nào đó để xin ta giúp đỡ hoặc chính họ giúp đỡ, che chở ta trong đời sống ở trần gian. Vì chỉ sống một kiếp duy nhất nên ta hãy sống trọn vẹn kiếp này với tinh thần mở ra mãi mãi cho Chúa. Chính khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu trong tình yêu dành trọn cho Người, ta lại có khả năng mở ra cho muôn loại thụ tạo để cứu độ tất cả vì từng giây phút ta sống, từng hành động ta làm đều có giá trị cao cả và sức cứu độ vô biên.
Lời kết
Như thế, việc tưởng nhớ Các Linh Hồn là một ngày vui để ta cảm nhận được sự gần gũi, thân thương của những người thân yêu đã khuất và tập lại bài học mở tâm trí ra để yêu thương muôn vật, muôn loài.
2. Một vài câu hỏi liên quan
* Câu Hỏi: Tại sao Phật giáo chủ trương đời người phải trải qua nhiều kiếp trong khi Công giáo nói chỉ có 1 kiếp duy nhất là cuộc sống ở trần thế này?
Trả lời: Muốn trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải biết ơn cứu độ là gì và sự cứu độ ấy được thực hiện như thế nào cho con người và vạn vật (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm Nang Tân Phúc Âm hoá, tr.391-400).
– Theo Phật giáo, tất cả chúng sinh cứ luân chuyển mãi trong vòng sinh tử ở sáu đường, gọi là lục đạo: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, Atula, nhân gian, thiên giới như bánh xe quay mãi không ngừng. Sở dĩ có vòng luân hồi là do nghiệp. Muốn thoát khỏi vòng luân hồi phải dứt được nghiệp, thoát khỏi dục giới và sự cám dỗ của nó bằng con đường bát chính đạo. Như thế, mỗi người sẽ tự tu thân, tích đức, trải qua nhiều kiếp khác nhau theo vòng luân hồi và theo định luật nhân quả rối mới thoát ra để vào được cảnh giới an lạc tuyệt đối, vĩnh viễn, gọi là Niết Bàn, sống sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, tốt đẹp giống như Đức Phật.
Theo Công giáo, mỗi người chỉ sống một đời ở trần thế để được hưởng ơn cứu độ. Ơn này dành cho hết mọi người và thể hiện cho con người toàn diện: cả về thể xác lẫn linh hồn, cả lịch sử lẫn siêu việt. Khi nói đến ơn cứu độ, người Công giáo nghĩ đến việc Chúa giải thoát, chữa lành bản tính hư hỏng của loài người để đưa họ vào đời sống mới của ân sủng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. “Ơn cứu độ Công giáo là được chia sẻ sự sống kỳ diệu của chính Đức Giêsu Kitô Phục sinh, được hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống siêu việt của Chúa Cha và được hưởng niềm vui với biết bao nhiêu ân phúc của Thánh Thần” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, 2004, số 38).
Con người yếu đuối, tầm thường, tội lỗi không thể tự cứu độ mình. Là con người bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, ta không thể tự làm cho mình trở thành vô hạn, tuyệt đối, siêu việt như Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần phải nhờ Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa cụ thể – để cứu thoát ta. Khi chúng ta tin vào Người, Người sẽ chuyển thông cho chúng ta thần tính của Thiên Chúa vì Người đã giao hoà chúng ta với Chúa, đã đền tội thay cho ta. Vì thế, con người chúng ta chỉ cần sống cuộc sống duy nhất ở đời này với tất cả trách nhiệm là đủ để nhận được ơn cứu độ.
* Câu hỏi: Trên thiên đường có Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử, Đức Lão Tử, Đức Môhamm và rất nhiều những bậc thánh hiền của các tôn giáo không? Chúng ta có được phép kính thờ các vị đó không?
Trả Lời: (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm Nang Tân Phúc Âm hoá, tr.398-400).
* Câu hỏi: Người Công giáo có nên làm các bữa cúng giỗ để tưởng nhớ các người thân yêu đã khuất và chia sẻ với những người ngoài Công giáo không?
Trả Lời: (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm Nang Tân Phúc Âm hoá, tr.397).
* Câu hỏi: Giải thích thế nào về hiện tượng ma nhập, quỷ ám?
Trả Lời: (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm Nang Tân Phúc Âm hoá, tr.108-116).