05/01/2025

Nước ‘hợp vệ sinh’ không ai dám uống

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã nói thẳng như vậy sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành liên quan cho rằng “gần 100% hộ dân ngoại thành dùng nước hợp vệ sinh”.

 

Nước ‘hợp vệ sinh’ không ai dám uống

 

 

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã nói thẳng như vậy sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành liên quan cho rằng “gần 100% hộ dân ngoại thành dùng nước hợp vệ sinh”.

 


Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín (phải) kiểm tra nước sinh hoạt tại một hộ dân ở H.Hóc Môn – Ảnh: Đình Phú

 

Ông Tín nói: “Tôi không tin vào con số như vậy. Tôi đi kiểm tra thực tế 5 hộ dân tại H.Hóc Môn và Q.12 thì 3 hộ sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Nói là nước hợp vệ sinh mà trong đoàn đi kiểm tra khi tôi yêu cầu uống thử để xem thế nào thì không ai dám uống. Tôi uống thử thì thấy ngay là không thể nói đảm bảo vệ sinh được vì nước có mùi tanh, chua, nhiễm phèn”.

Mua từng can nước

 

 
 

Có bao giờ các đồng chí xuống tận nhà dân để kiểm tra bà con đang dùng nước gì không? Tôi đi kiểm tra một số quận huyện, khi hỏi cụ thể về thực trạng nước sạch ở các khu dân cư, lãnh đạo quận huyện không biết, phường xã không biết, khu phố cũng không biết nhà nào đã có nước sạch, nhà nào chưa có. Có đồng chí còn thắc mắc sao anh đi mà anh không báo trước cho em biết

 

Phó chủ tịch UBND TP.HCMNguyễn Hữu Tín

 

 

Nằm trong vùng trung tâm 100 km2 của TP.HCM nhưng nhiều hộ dân ở Q.Bình Thạnh vẫn rơi vào tình cảnh thiếu nước sạch. Tại khu phố 2 và 3 (P.12), hằng ngày các hộ dân phải mang can nhựa đi mua nước sạch với giá 50.000 – 75.000 đồng/m3. Ông Bùi Văn Hương, 56 tuổi, kể: “Tôi ở đây mấy chục năm nay là cũng chừng ấy thời gian phải đi mua nước sạch về dùng. Mặc dù tôi có khoan giếng nhưng không uống hay nấu ăn được vì phèn”.

17 năm qua, hơn 100 hộ dân sống tại chung cư 234 đường Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh) cũng thiếu nước sạch trầm trọng. “Trước khi chung cư mọc lên thì nơi đây là nghĩa địa. Nước nhiễm phèn nặng lắm, giặt áo trắng đều bị ố vàng, nước để lâu đóng từng mảng màu vàng nhìn rất kinh”, chị Nga, nhà ở tầng 2, nói và cho biết mỗi ngày gia đình chị phải 2 lần mang can nhựa đi mua nước máy về nấu ăn, tắm cho con nhỏ. Những gia đình ở tầng 7  thì vất vả vô cùng vì chung cư không có thang máy.

Tại H.Củ Chi, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết toàn huyện có hơn 110.000 hộ dân chưa có nước sạch. Một số hộ dân được cấp nước sạch “nhưng thực ra là đơn vị cấp nước bơm lên (từ nguồn nước ngầm – PV) rồi bơm lại cho người dân sử dụng thôi”. Trên địa bàn mỗi xã của huyện bình quân có 2 nghĩa trang, có xã 3 nghĩa trang. H.Củ Chi cũng là nơi chăn nuôi tập trung của TP hiện nay nên chất lượng nguồn nước ngầm rất đáng lo ngại.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trường, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho hay hiện mới có khoảng 41% trong tổng số 139.648 hộ dân của huyện được cấp nước sạch. Riêng xã Đa Phước không có hộ nào được cấp nước sạch.

“Quản lý vậy thì sao bàn được giải pháp ?”

Tại buổi họp của UBND TP.HCM ngày 14.11, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín phê bình sự quan liêu của lãnh đạo các quận, huyện, các sở ngành liên quan trong việc giải quyết vấn đề nhu cầu nước sạch cho người dân.

“Có bao giờ các đồng chí xuống tận nhà dân để kiểm tra bà con đang dùng nước gì không? Tôi đi kiểm tra một số quận, huyện, khi hỏi cụ thể về thực trạng nước sạch ở các khu dân cư, lãnh đạo quận, huyện không biết, phường, xã không biết, khu phố cũng không biết nhà nào đã có nước sạch, nhà nào chưa có. Có đồng chí còn thắc mắc sao anh đi mà anh không báo trước cho em biết”, ông Tín bức xúc. “Quản lý vậy thì sao bàn được giải pháp? Mình làm chính quyền, mình phải biết người dân dùng nước gì để mà còn lo chứ”, ông Tín nói thêm.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT, phân trần: “SAWACO (Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên) nói theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2025 mới phủ hết được nước sạch trên toàn địa bàn. Nếu hoàn thành sớm hơn đòi hỏi phải tăng vốn đầu tư…”. Ông Tín nói ngay: “Cứ nói nếu, nếu thì sao mà làm được. Phải có câu trả lời ngay chứ không nói kiểu giả định nữa. Bây giờ là phải dồn sức vào để làm”.

Ông Tín cho rằng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân TP, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành rất cấp thiết, nhưng trong thời gian qua sự phối hợp giải quyết giữa Sở GTVT, các quận, huyện, SAWACO còn chậm, chưa thật sự quyết liệt. Trách nhiệm chính trước hết thuộc về Sở GTVT với vai trò điều phối, quản lý nhà nước.

“Giải quyết vấn đề nước sạch là do các sở ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan không chịu tích cực làm chứ không phải là khó”, ông Tín nói và giao Giám đốc Sở GTVT, Chủ tịch UBND các quận, huyện trong vòng 2 tháng phải hoàn thành việc khảo sát cụ thể thực trạng nhu cầu nước sạch của từng hộ dân. Sau khi có số liệu khảo sát, sở phải có kế hoạch chi tiết về lộ trình đầu tư theo từng năm, từng khu vực cụ thể trình UBND TP xem xét, bố trí vốn để bắt đầu từ năm 2015 tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành cấp nước sạch cho người dân trong vài năm tới, không phải chờ đến 2025.

Giải pháp trước mắt, SAWACO phải khẩn trương lắp đặt, xây dựng các bồn chứa, bể chứa ở những nơi chưa thể kéo đường ống nước sạch đến từng hộ dân.

“Những chuyện này mà các đồng chí không làm được nữa thì nên từ chức. Tôi nói gay gắt như thế mà các đồng chí có buồn tôi thì tôi chịu. Các đồng chí suy nghĩ đi để giúp cho người dân. Những gì tôi chỉ đạo, các đồng chí làm ngay thì sẽ có chuyển biến thôi. Sao cứ rề rà hoài”, ông Tín nói.

 

Hơn 320.000 hộ dân chưa có nước sạch

Nước sạch cho người dân từng được HĐND TP ban hành nghị quyết để thực hiện. Theo đó, đến cuối năm 2014, 100% hộ dân ở 3 quận: Thủ Đức, Bình Tân, 12, và 2 thị trấn Hóc Môn (H.Hóc Môn), Củ Chi (H.Củ Chi) phải được “phủ sóng” nước sạch sinh hoạt.

Tuy nhiên, ông Bạch Vũ Hải, Phó tổng giám đốc SAWACO, nhìn nhận kế hoạch này không thể đạt được do thiếu nguồn vốn, việc kéo đường ống cấp nước đến nhiều khu dân cư gặp khó khăn. Hiện trên toàn địa bàn TP vẫn còn đến hơn 320.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch. Để “phủ sóng” nước sạch cho tất cả các hộ dân TP, theo tính toán đến năm 2025 cần nguồn vốn đầu tư lên đến khoảng 70.000 tỉ đồng.

 

Đình Phú – Công Nguyên – Lương Ngọc