09/01/2025

Nguồn dược liệu Việt “cung” không đủ “cầu”

Với nhu cầu dược liệu hiện nay, mỗi năm ở nước ta cần khoảng 60.000 tấn, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn. Phần còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…

 

Nguồn dược liệu Việt “cung” không đủ “cầu”

Việt Nam có gần 4.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu được xếp vào hàng quý và hiếm trên thế giới. 

 

Việt Nam có hơn 12.000 loài thực vật, trong đó có gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc. Đặc biệt, có nhiều loài dược liệu được xếp vào hàng quý và hiếm trên thế giới.

Với nhu cầu dược liệu hiện nay, mỗi năm ở nước ta cần khoảng 60.000 tấn, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn. Phần còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…

Nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta còn tự phát, quy mô nhỏ, dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Ngoài ra, dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tùy tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu.

Để giải quyết thực trạng này, cần hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn tại những địa phương có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho nuôi trồng và phát triển dược liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất thuốc từ dược liệu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nguồn dược liệu quý hiếm, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nguồn dược liệu, xây dựng đầu ra cho các sản phẩm dược liệu trong nước…