Bài 3: Kitô học ứng dụng – Công việc nên làm trong tuần
Nếu chương trình ngày sống ghi các mục thường xuyên phải làm trong ngày, thì chương trình tuần sống xác định ta làm việc gì thường xuyên vào ngày đó trong tuần. Mỗi tuần bạn có thể cần lưu ý đến một vài điểm sau:
Bài 3: Kitô học ứng dụng
Công việc nên làm trong tuần
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lập chương trình tuần sống
Nếu chương trình ngày sống ghi các mục thường xuyên phải làm trong ngày, thì chương trình tuần sống xác định ta làm việc gì thường xuyên vào ngày đó trong tuần. Nó ghi các sinh hoạt khác nhau của bạn trong một tuần lễ. Thí dụ: Ở Chương trình ngày ta ghi: 7g30-11g30: Làm việc, thì ở chương trình tuần, ta ghi T. 2: Dạy học ở Trung Tâm Mục Vụ, T.3: Dạy học ở nhà… Bạn có thể ghi vắn gọn chương trình tuần ở dưới chương trình ngày sống trong bảng bìa cứng để nhắc nhớ mình.
Mỗi tuần bạn có thể cần lưu ý đến một vài điểm sau:
1. Lòng sùng kính và Ý nguyện các ngày trong tuần
Bạn nên chọn cho mình những ý hướng cầu nguyện của riêng mình trong tuần sống, ngoài ý nguyện của Đức Giáo Hoàng mỗi tháng, hoặc của Giáo hội Việt Nam hay cộng đồng giáo phận, giáo xứ… trong từng thời điểm.
Sau đây là một bản gợi ý:
Chúa Nhật: Tôn thờ Chúa Ba Ngôi. Cầu cho mọi người trên thế giới nhận biết và yêu mến Chúa để được ơn bình an.
Thứ Hai: Tôn kính các thần thánh trên trời và cầu nguyện cho mọi linh hồn trong tình trạng luyện ngục được thanh tẩy để hưởng trọn vẹn hạnh phúc với Chúa. Kính nhớ Thánh Bổn Mạng và Thiên Thần Bản mệnh của mình.
Thứ Ba: Tôn thờ Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện cho các thầy cô giáo, sinh viên, học sinh biết dùng ơn Chúa Thánh Thần trong việc giáo dục và đào tạo con người.
Thứ Tư: Tôn kính thánh Giuse. Cầu cho các gia trưởng biết lao động, dạy dỗ và yêu thương con cái theo gương thánh Giuse.
Thứ Năm: Tôn thờ Chúa Giêsu Mục Tử. Cầu nguyện cho những ai sống đời tận hiến gặp được Chúa Giêsu Kitô và gắn bó mật thiết với Người.
Thứ Sáu: Đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Cầu nguyện cho các tội nhân được ăn năn sám hối và cho giới trẻ biết yêu thương nhau cách trong sáng, chân thành.
Thứ Bảy: Tôn kính Mẹ Maria. Cầu nguyện cho các phụ nữ trên thế giới, nhất là những ai đang gặp đau khổ, thử thách, được Mẹ nâng đỡ, ủi an.
Thực hành:
– Bạn có quan tâm đến ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng trong từng tháng của Năm Phụng vụ hay chủ đề của Giáo Hội Việt Nam cho từng năm?
– Ý cầu nguyện trong tuần sống của bạn là gì?
2. Thánh lễ Chúa Nhật
Đây là việc quan trọng nhất trong tuần để bạn đến cảm tạ Chúa về mọi ơn nhận được trong tuần qua và xin Chúa chúc lành, ban ơn cho tuần sống mới.
Bạn cần ăn mặc thật đẹp và đứng đắn vì là dịp được gặp vị Chúa Tể trời đất và ân nhân vĩ đại nhất của đời mình. Bạn nên dành một hai bộ quần áo đặc biệt cho Chúa vì Ngài xứng đáng được vậy. Bạn cũng nên đến sớm ít phút trước lễ để chuẩn bị tâm hồn cũng như có thể ở lại sau thánh lễ để gặp gỡ một số người trong xứ đạo và tham gia vào sinh hoạt chung.
Trong thánh lễ ta được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Đây là nguồn lực quý giá nhất để bạn có thể hành động tốt đẹp và hiệu quả trong tuần.
Giáo hội Công giáo chỉ buộc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, nếu bạn có điều kiện và muốn phát huy sức mạnh siêu việt của Chúa trong mình, bạn có thể dự lễ và rước lễ hằng ngày.
Thực hành:
– Bạn chọn nhà thờ để dự lễ vì bài giảng của linh mục, vì ca đoàn hát hay, vì chỗ giữ xe thuận tiện hay thường đến dự lễ ở nhà thờ của xứ đạo bạn thuộc về?
– Bạn có thường đến nhà thờ đúng giờ hay chậm một vài phút đầu lễ vì kẹt xe, vì trang điểm, vì con cái? Bạn nghĩ nên thay đổi cách sinh hoạt như thế nào để đi lễ sớm hơn?
– Bạn có tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ của bạn và gắn bó với giáo dân? Hay bạn bất mãn, ngại ngùng với ai đó trong giáo xứ nên phải đi dự lễ ở nơi khác? Bạn cải thiện tình trạng này bằng cách nào?
3. Chương trình sống hằng tuần
Người tín hữu Công giáo có thể có một lịch sinh hoạt đạo đức hằng tuần, song song với lịch sinh hoạt ở trường học hay nơi làm việc.
Thực hành:
– Bạn hãy làm một chương trình sống hằng tuần cho riêng bạn, tổng hợp các sinh hoạt của mình.
– Bạn nên chép vào một tờ bìa, đặt trước mặt, nơi bàn làm việc để nhắc nhở chính mình.
4. Lời kinh gia đình
Gia đình ta nên đọc kinh chung với nhau vào mỗi tối, trong khoảng tối đa là 15 phút để nuôi dưỡng lòng đạo đức và nâng đỡ nhau.
Buổi kinh này nên tổ chức như sau: làm dấu Thánh giá, Kinh Chúa Thánh Thần, kinh Tin-Cậy-Mến. Sau đó dành 5 phút để đọc một đoạn hay cả bài Phúc Âm và bài suy niệm của ngày hôm đó trong cuốn Lời Chúa Hằng Ngày. Cha hay mẹ hoặc một người trong gia đình có thể thêm lời cầu nguyện tự phát, nhắn nhủ con cái trong vòng 1 phút.
Tiếp theo cùng nhau Lần chuỗi Mân Côi, chọn một mầu nhiệm theo Mùa (Vui, Sáng, Thương, Mừng) – kinh Lạy Cha – 10 kinh Kính Mừng – kinh Sáng Danh. Cuối cùng đọc kinh Cám Ơn và cùng chúc nhau ngủ ngon.
(Các kinh đọc xem ở mục Một số kinh cần đọc).
Thực hành:
– Bạn hãy thử làm một vài lần Lời kinh gia đình theo đề nghị và hỏi ý kiến các thành viên trong gia đình.
5. Lời Kinh Mân Côi thay đổi trong tuần
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề nghị lịch đọc Kinh Mân Côi như sau: thứ Hai: mùa Vui, thứ Ba: mùa Thương, thứ Tư: mùa Mừng, thứ Năm: mùa Sáng, thứ Sáu: mùa Thương, thứ Bảy: mùa Vui, Chủ Nhật: mùa Mừng.
Tuy nhiên, tuỳ theo hoàn cảnh gia đình, ta có thể thay đổi cho phù hợp. Thí dụ: người con trong gia đình thi đậu, ngày đó vào thứ Ba, thay vì đọc mùa Thương, ta đọc mùa Mừng và chọn 1 trong 5 mầu nhiệm của mùa đó.
Thực hành:
– Bạn có lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để kết hợp với Chúa và Mẹ trong ngày sống?
– Bạn có tham gia vào 1 Tràng chuỗi Mân Côi Sống trong đó mỗi thành phần nhận một Mầu nhiệm của mỗi Mùa và đọc 1 chục kinh Kính Mừng để sống liên kết với nhau?
6. Đàng Thánh Giá và Đường Ánh Sáng
Để tạo sự quân bình trong đời sống đạo đức, xin giới thiệu Đàng Thánh Giá của chân phước Têrêsa Calcutta và Đường Ánh Sáng của thánh Ignatiô Loyola. Bạn có thể dành ngày thứ Sáu cho Đàng Thánh Giá và thứ Bảy cho Đường Ánh Sáng.
Tuy nhiên, trong Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh, bạn có thể dùng Đường Ánh Sáng thay cho Đàng Thánh Giá cho phù hợp với tâm tình vui mừng, hy vọng, bình an. Còn khi bạn gặp đau khổ, buồn sầu, thử thách, bạn có thể đi Đàng Thánh Giá vào bất cứ mùa phụng vụ nào.
Thực hành:
– Bạn nên đưa việc đạo đức này vào chương trình sống hằng tuần của bạn.
– Bạn hãy cổ vũ cho bạn bè đi Đường Ánh Sáng để thăng tiến đời sống cộng đồng.
7. Mua sắm cuối tuần
Nhiều bạn ở thành phố bắt đầu làm quen với dịp nghỉ cuối tuần bằng việc mua sắm hàng hoá, thực phẩm trong các siêu thị. Muốn cho đỡ mất giờ, đỡ tốn tiền, bạn nên dự tính trước và viết ra những mặt hàng/thực phẩm cần mua theo thực đơn gia đình cho khỏi phí phạm. Hơn nữa, trữ nhiều đồ ăn lâu trong tủ lạnh cũng không tốt.
Thực đơn này ta có thể định trước cho mỗi bữa ăn trong vòng 2 tuần để có đầy đủ chất bổ dưỡng, tạo đủ số calori cho từng người, đồng thời vừa ngon vừa rẻ.
Người tín hữu Công giáo chúng ta hiểu rằng mình cần sống theo tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu Kitô, không xúc phạm đến các đứa em vạn vật khi đổ phí các đồ ăn thừa và sống tiết kiệm để chia sẻ cho người nghèo. Trước khi mua sắm thêm quần áo mới, bạn nên xem lại những quần áo cũ chưa mặc trong tủ để không xúc phạm đến người ăn mặc rách rưới quanh ta.
Thực hành:
– Bạn là người nội trợ hay quản lý gia đình, bạn hãy phối hợp với những thành viên khác trong gia đình để thử làm một thực đơn 2 tuần cho gia đình mình.
– Bạn soạn lại tủ quần áo vào dịp cuối năm và chia sẻ quần áo ít dùng cho bạn bè hay người nghèo.
– Bạn soạn lại các thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh và loại bỏ những gì để quá lâu, dủ còn thời hạn hay không bốc mùi hôi.
8. Giải trí và nghỉ ngơi cuối tuần
Sau một tuần vất vả học hành, làm việc, bạn có quyền chọn những mục giải trí hấp dẫn, sôi động hay nhẹ nhàng theo sở thích của mình. Tuy nhiên, bạn đừng nghe theo lời rủ rê của các bạn học hay đồng nghiệp vào những quán bia ôm, vũ trường, nhà nghỉ, massage… để chiều theo dục vọng, bản năng vì bạn là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô!
Nếu bạn muốn thật sự thư giãn, lòng tràn đầy niềm vui để rung động với thiên nhiên, hãy cùng đi dã ngoại về miền quê, miền sông nước hay cao nguyên gần nơi bạn sống để thở hít không khí trong lành và bầu khí yên tĩnh.
Nếu bạn muốn ngày nghỉ cuối tuần có ý nghĩa hơn, bạn hãy tìm đến những cơ sở từ thiện nuôi dưỡng người bệnh tâm thần, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn.. để cùng sinh hoạt, cho họ chút hơi ấm của tình người. Bạn có thể cắt móng tay, móng chân, hớt tóc cho họ, viết giùm họ lá thư, đọc cho các cháu nhỏ truyện cổ tích… bạn sẽ thấy bông hoa lòng bạn toả hương thơm ngát!
Thực hành:
– Bạn có chương trình đi chơi mỗi tuần? Những chỗ giải trí ấy có làm cho lòng bạn thanh thản và thân xác bạn khoẻ khoắn?
– Bạn có biết một vài cơ sở từ thiện, bác ái gần chỗ bạn sống? Cơ sở nào đáng giúp đỡ hơn cả? Bạn làm gì cho các người trong cơ sở đó?
9. Sinh hoạt đoàn thể Công giáo
Cuối tuần, bạn cũng có thể tham gia các hoạt động của các đoàn thể Công giáo Tiến hành tuỳ theo tuổi tác và sở thích. Giáo Hội hiện có hơn 20 đoàn thể đang được phép sinh hoạt ở Việt Nam như: Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Giới trẻ Con Đức Mẹ, Hướng Đạo Sinh Công giáo, Phạt Tạ Thánh Tâm, Khôi Bình, Ca đoàn…
Thực hành:
– Bạn đang tham gia hoạt động nào thuộc các đoàn thể của Công Giáo Tiến Hành tại giáo xư hay giáo phận?
– Bạn thấy cần phải làm gì để phát triển các hội đoàn ấy?