Bệnh thành tích làm khổ hai cuộc đời
Chín năm sau vụ gian dối từng gây chấn động làng thể thao VN một thời “Hãy trả lại tên cho em”, phóng viên Tuổi Trẻ gặp lại những nhân vật chính trong câu chuyện này để tìm hiểu về cuộc sống của họ ở tuổi trưởng thành.
Bệnh thành tích làm khổ hai cuộc đời
Chín năm sau vụ gian dối từng gây chấn động làng thể thao VN một thời “Hãy trả lại tên cho em”, phóng viên Tuổi Trẻ gặp lại những nhân vật chính trong câu chuyện này để tìm hiểu về cuộc sống của họ ở tuổi trưởng thành.
Ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông 29 tuổi Trần Thanh Ngọc Trọng hay vẫn được biết đến dưới cái tên “VĐV nhảy cao Trần Ngọc Thịnh” trong một vụ gian dối đáng hổ thẹn một thời của thể thao TP.HCM.
“Trả lại tên cho em”
Dù sương gió cuộc đời tôi luyện Ngọc Trọng thành một người đàn ông chững chạc nhưng khuôn mặt anh vẫn vương vấn nỗi ngượng ngùng khi nhắc đến “chuyện cũ”.
Đó là đầu năm 2002, điền kinh VN xôn xao với tài năng nhảy cao trẻ có tên Trần Ngọc Thịnh. Tuổi 14, Trần Ngọc Thịnh đạt mức xà 1,93m, trội hơn cả thành tích 1,90m của nhà vô địch thế giới người Cuba Javier Sotomayor (ở cùng độ tuổi). Nụ cười vui mừng với triển vọng điền kinh nước nhà sở hữu tài năng trẻ tầm thế giới chưa tắt thì năm 2005 câu chuyện vỡ lở khi VĐV Trần Ngọc Thịnh bị phát hiện hóa ra không phải là… Thịnh mà có tên thật là Trần Thanh Ngọc Trọng.
Câu chuyện của Ngọc Trọng bắt đầu từ năm 2001, thời điểm anh đã 16 tuổi và vừa đến với điền kinh. Thấy Trọng có năng khiếu nhưng lại “quá lứa lỡ thì”, các thầy của anh ở Trung tâm TDTT quận 4 (thời điểm năm 2002) bảo Trọng lấy tên em trai mình là Trần Ngọc Thịnh (khi đó 13 tuổi) thi đấu một giải điền kinh học sinh.
Mọi việc cứ thế dắt dây khi Ngọc Trọng xuất sắc vượt trội mọi đối thủ, được vào đội tuyển TP.HCM và đoạt HCV Giải trẻ toàn quốc năm 2002 dưới cái mác “14 tuổi” dù khi đó đã 17 tuổi. Lỡ “leo lưng cọp”, các HLV của Trọng yêu cầu anh phải đổi hẳn sang học bạ của em trai, cộng thêm việc tập huấn xa nhà buộc Trọng phải học lớp 8 đến… bốn năm liền. Năm 2005, được sự động viên từ nhiều người, gia đình Ngọc Trọng và bản thân anh quyết định lên tiếng đòi lại tên tuổi thật cho mình.
Khổ vì không học hành đến nơi đến chốn
Chín năm sau vụ việc kể trên, Ngọc Trọng giờ đây đã là một người đàn ông có gia đình với một con gái và xa rời thể thao chuyên nghiệp từ năm 2008 vì chấn thương. Ngọc Trọng cho biết sau khi nghỉ thi đấu ra đời kiếm sống, anh gặp vô vàn khó khăn vì thiếu kinh nghiệm sống. Ban đầu Trọng trở về quê ngoại hùn vốn nuôi tôm cùng gia đình. Sau hơn nửa năm anh nghỉ công việc này vì không có lời.
Trở lại TP.HCM, Trọng đứng giữa cảnh đời dang dở của một chàng thanh niên thiếu vốn sống và học hành dang dở khi chỉ mới học hết lớp 9. Anh tâm sự: “Lúc đó tôi không biết phải làm gì. Cũng muốn đi học nghề nhưng chữ nghĩa thật sự đã trôi sạch. Tôi học vốn đã không giỏi, việc phải học đi học lại lớp 8 đến bốn lần càng khiến tôi chán nản và nghỉ học luôn sau đó. Giờ nghĩ lại đây là điều khiến tôi hối tiếc nhất”.
Không học được nghề, Trọng đành theo phụ bán ở các sạp hàng của chị mình trong chợ đêm Bến Thành. Sau vài năm phụ bán, Trọng dành dụm được một số tiền và tự tách ra thuê sạp bán riêng. Rồi Trọng lấy vợ, cũng là một VĐV điền kinh tuyển TP.HCM, và đến nay họ đã có một con gái gần 2 tuổi.
Cuộc sống của chàng VĐV nhảy cao năm nào giờ đây cũng có phần tạm ổn. Dù vậy, Ngọc Trọng cho biết những ký ức buồn của câu chuyện gian dối mà người lớn áp đặt vào anh một thời vẫn ám ảnh anh nhiều năm trời. “Thời gian đầu mới ra chợ phụ bán cho chị, tôi luôn cảm thấy sợ sệt khi phải tiếp xúc khách hàng. Có thể một phần vì tôi thiếu kinh nghiệm sống, một phần đến từ tâm trạng nơm nớp lo sợ khi phải “đội tên” em trai mình đi thi đấu trước đây”, anh Trọng tâm sự với giọng buồn buồn.
Nỗi đau của em trai
Những thiệt thòi của Trần Thanh Ngọc Trọng đã là một bi kịch, nhưng những gì xảy ra với cậu em trai Trần Ngọc Thịnh lại càng bi kịch hơn.
Phải “nhường” tên và sang chuyển học bạ cho anh, Ngọc Thịnh tự dưng bị “đá” khỏi ghế nhà trường từ lớp 7. Điều này vốn là nỗi nhức nhối lớn nhất trong đời người anh trai Trần Thanh Ngọc Trọng và ba mẹ anh. Ngọc Trọng nói: “Khi đó các thầy của tôi bảo sao ba mẹ chỉ biết nghe theo chứ gia đình tôi không có chủ ý gì. Họ bảo tôi học lại một năm lớp 8 để “hợp thức hóa” học bạ dưới tên em mình và cũng yêu cầu ba mẹ cho em tôi nghỉ học”.
Phải dừng ngang con đường học vấn lúc mới 14 tuổi, cuộc đời cậu bé Trần Ngọc Thịnh khi ấy buộc phải rẽ hướng. Ở nhà không biết làm gì, Thịnh đi theo phụ việc ở một lò đúc đồng gần nhà. Vài năm sau, anh cố đi học tiếp nhưng cũng như anh trai, số kiến thức ít ỏi do phải ngừng ngang từ lớp 7 khiến Ngọc Thịnh gặp khó trong nỗ lực trở lại việc học. Nhiều năm trời, Ngọc Thịnh loay hoay đi học nhiều nghề, nào sửa xe, nào tài xế và sau cùng anh ra chợ phụ bán hàng với chị mình. Giống người anh, Ngọc Thịnh bây giờ cũng có một sạp hàng và đã lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn về kinh tế là điều tất yếu.
Nhìn cảnh em trai bị lụy vì mình, hay chính xác hơn là vì căn bệnh thành tích của những người làm thể thao, nỗi lòng Ngọc Trọng đau như cắt. “Các anh chị em trong gia đình tôi rất thương yêu và đùm bọc nhau. Một thời gian dài, tôi luôn cảm thấy ngượng ngùng khi nói chuyện với chú út (Ngọc Thịnh) nhưng chú ấy vẫn luôn động viên tôi trong cuộc sống”, anh Trọng nghẹn ngào khi nói về em trai.
Gặp Ngọc Thịnh phụ anh trai bán hàng ngoài chợ, chúng tôi hỏi anh có buồn không khi phải nghỉ học vì chuyện của anh trai, gương mặt chàng thanh niên 26 tuổi này thoáng lộ nét buồn bã rồi đáp: “Không sao anh ơi, đằng nào tôi cũng không giỏi nên nghỉ học đi làm cũng tốt”.
Không vui khi nói đến chuyện cũ nhưng với cả hai anh em Ngọc Trọng, Ngọc Thịnh, cuộc sống vẫn rất đáng sống. Anh Trọng nói: “Ký ức đẹp nhất trong đời tôi đó là khi tôi và gia đình quyết định lên tiếng đòi lại tên tuổi thật cho bản thân. Kể từ đó, tôi sống một cuộc đời thảnh thơi và không còn phải nơm nớp lo sợ nữa. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn con đường thể thao, chọn nghiệp VĐV điền kinh nhưng dưới tên tuổi thật của mình”.
Hằng đêm, ba chị em Ngọc Trọng lại cùng nhau dọn hàng ra chợ đêm Bến Thành. Cảm giác ngượng ngùng hồi mới vào nghề đã mất, Ngọc Trọng giờ đây miệng mồm mau lẹ, chào mời khách hàng bằng đủ thứ tiếng Anh, Pháp, Malaysia…
Ngọc Trọng cho biết dù cả hai anh em đều đã lập gia đình nhưng kinh tế khó khăn không cho phép họ ra riêng.
Ngoài chị hai đi lấy chồng, hiện gia đình Ngọc Trọng, Ngọc Thịnh và chị ba vẫn đang sống chung trong ngôi nhà cũ ở đường 41 (quận 4, TP.HCM) cùng mẹ gần 60 tuổi. Nỗi buồn phiền vì thiệt thòi của các con cộng thêm căn bệnh ung thư khiến ba Ngọc Trọng qua đời năm 2009.