25/12/2024

Ba Duy và 22 đứa trẻ

Đi trong bóng tối của cuộc đời, hơn ai hết thầy giáo mù ấy hiểu rõ những nỗi đau, thiệt thòi của người khuyết tật. Anh đã đứng ra lập một “mái nhà”, nhận nuôi và dạy dỗ các em đồng cảnh ngộ.

 

Ba Duy và 22 đứa trẻ

Đi trong bóng tối của cuộc đời, hơn ai hết thầy giáo mù ấy hiểu rõ những nỗi đau, thiệt thòi của người khuyết tật. Anh đã đứng ra lập một “mái nhà”, nhận nuôi và dạy dỗ các em đồng cảnh ngộ.

Hạnh phúc có cả sự khổ đau

 
Đặng Ngọc Duy lên lớp dạy cho các em bị khuyết tật - Ảnh: Hoàng Sơn

Sinh ra vốn là một người lành lặn và kho mạnh, lúc nhỏ Đặng Ngọc Duy (38 tuổi, trú tại 79 Tiểu La, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng hiếu động như bao đứa trẻ khác. Năm lên 13 tuổi, trong một lần chăn trâu, cắt cỏ, Duy vô tình nhặt được một vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Trong buổi chiều định mệnh ấy, kíp nổ đã cướp đi đôi mắt và nửa bàn tay của Duy, đẩy anh vào cuộc sống tăm tối đầy bi kịch.

Trong một bài viết về cuộc đời mình, Duy nhớ lại: “Thế giới xung quanh tôi đột ngột toàn màu đen mênh mông. Bạn bè tới lui thăm chơi thưa dần. Từ đó tôi rơi vào u uất, nhiều lúc tuyệt vọng. Hằng ngày chiếc đài bán dẫn cùng tôi bầu bạn. Nỗi khao khát được học, hòa nhập vào cộng đồng bắt đầu trỗi dậy trong tôi”. Chính nhờ nỗi khát khao ấy mà Duy bắt đầu đi học lại tiểu học bằng chữ nổi tại một trường dành cho người khiếm thị ở Đà Nẵng vào năm 1992.

Nhưng học hết tiểu học, trường không nhận Duy nữa do tuổi đời của anh đã lớn. Anh khăn gói về quê và lại tuyệt vọng, như Duy nói “lần 2 rơi vào bế tắc như thủy thủ vượt biển mà không có la bàn”.

Về nhà, dù tham gia nhiều hoạt động xã hội nhưng ước muốn được học, được khám phá những điều xung quanh cứ thôi thúc anh. Duy quyết định trốn gia đình vào Nha Trang, rồi vào thẳng TP.HCM, sau đó ra Hà Nội. Chỉ ít tiền giắt lưng, đi đến đâu anh tìm vào các trung tâm giúp đỡ người khuyết tật, xin hỗ trợ ít tiền và tiếp tục đi. Trong bóng tối, Duy dò dẫm từng bước chân của mình. Đó là lần anh cảm nhận, thấm thía được sự bao la của cuộc sống, sự khổ đau của người khuyết tật trong xã hội. “Tôi đi bụi và gặp những chuyện vui buồn, chảy nước mắt. Từ đó tôi tự nhủ với lòng như lời của một nhà triết học, mỹ học từng nói: hạnh phúc không có nghĩa đầy ắp tiếng cười mà có cả sự khổ đau”, Duy trải lòng.

Rồi Duy về nhà. Từ đây, anh đi học tiếp THCS cùng em gái. Sau đó, Duy ra Đà Nẵng học tiếp THPT dù lúc này anh đã lớn tuổi. Năm 2002, Duy ôn thi vào CĐ. Nghe “Duy mù” thi vào “cấp 4” nhiều người tỏ vẻ ái ngại. Ba năm liên tục thi trượt, lời ra tiếng vào càng nhiều, thậm chí đã có nhiều người cười chê Duy. Không nản chí, Duy tiếp tục thi lần thứ 4 và lần này anh đỗ vào ngành ngữ văn (Trường CĐ Sư phạm Quảng Nam).

Khoảng đời sinh viên của mình, Duy đã cố gắng hòa nhập cộng đồng. Duy làm thơ, viết nhạc và đặc biệt ngón đàn guitar tay trái của anh đã khiến nhiều trái tim phải thổn thức. Khát khao được “nhìn đời” Duy gửi gắm trong bài hát Tiếng hát từ trái tim do chính anh biên soạn đã khiến người nghe xúc động: “Cuộc đời ơi! Cuộc đời ơi!/Trái tim thao thức nhìn đời/Trái tim tôi có tình người bao la…”.

“Làm cha” tuy cực mà vui

Khi chưa tốt nghiệp CĐ, Đặng Ngọc Duy đã ấp ủ ý định lập cơ sở để nhận nuôi và đùm bọc những thân phận như anh. Nhưng ngặt nỗi, một người mù lòa như anh lấy đâu ra tiền thuê cơ sở, sắm các vật dụng để lo cho các em. Nhưng đã quyết là làm, Duy tập hợp hàng chục bài thơ đã sáng tác trong vòng 10 năm để in và lấy kinh phí.

Đó là những bài thơ tự sự của “thi sĩ” mù, bài vui bài buồn, lúc suy tư có lúc rộn ràng đầy niềm tin. Tập Sắc màu âm thanh của Ngọc Duy được nhà thơ Đỗ Trung Quân nhận định là “mạnh mẽ và có đam mê thật sự…” được in 2.000 cuốn vào năm 2007. Duy nhận được sự giúp đỡ của nhiều người cùng số tiền hàng chục triệu đồng từ việc bán sách. Anh dành dụm và dốc hết tiền để xây dựng cơ sở Mái ấm Hướng Dương.

Ban đầu, anh nhận 10 em là những hoàn cảnh khuyết tật: khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ… Sau 5 năm hoạt động, cơ sở của anh đã lên đến 22 em. Mọi sinh hoạt, chi phí cho các em do một tay anh cáng đáng.

Anh cho biết, những em đến với trung tâm ai cũng mang một hoàn cảnh và thân phận đáng thương. Các em đều bị khuyết tật nào đó trong cơ thể nhưng có một điểm chung là nhà nghèo.

Dù khổ dù khó khăn bộn bề nhưng mỗi ngày nhìn thấy các em lớn khôn, đọc được con chữ, làm được bài toán, Duy thấy mình hạnh phúc vô cùng. Anh kể, ngày mới vô “căn nhà chung”, Nguyễn Công Tài (nhà ở H.Duy Xuyên) bị khiếm thị không tài nào sử dụng được bảng chữ nổi. Tài cứ dùng “bút xăm” lộn xộn vào ô vở. Nhiều đêm trằn trọc cuối cùng anh Duy đã tạo ra bảng chữ với từng ô to bằng 2 ngón tay.

Anh kiên trì hướng dẫn cho Tài định vị từng chữ. Công sức của Duy được đền đáp khi Tài nhận diện được mặt chữ và đã học lên đến lớp 4. Tài còn thổi được sáo và đi thi hát. Cũng vì nhà nghèo mà Phan Thị Ngọc Hằng (19 tuổi, nhà tại H.Hiệp Đức) đã tìm đến mái ấm để nhờ anh Duy giúp đỡ. Hằng ngày, Hằng giúp anh nấu ăn cho các em và tự ôn tập. Mới đây, Hằng đã thi đỗ vào một trường CĐ, sau khi tốt nghiệp Hằng sẽ ở lại trung tâm để giúp Duy dạy dỗ các em.

 

Hoàng Sơn