23/01/2025

Cô lo áo, thầy lo cơm

Nhiều thế hệ học trò ở thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vẫn truyền tai nhau câu nói vui “chuột chạy cùng sào mới vào… Tứ Kiệt”. Thế nhưng khi đã vào trường THPT này, nhiều em lại ngỡ ngàng trước những tình cảm của thầy cô, từ chuyện lo cái áo cái quần cho trò nghèo đến giờ giấc học tập và cả những bữa cơm ký sổ cho thầy hiệu trưởng.

 

Cô lo áo, thầy lo cơm

Nhiều thế hệ học trò ở thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vẫn truyền tai nhau câu nói vui “chuột chạy cùng sào mới vào… Tứ Kiệt”.

 

Cô Nguyễn Thị Lâu và những chiếc áo dài cũ để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Thành Nhơn
Cô Nguyễn Thị Lâu và những chiếc áo dài cũ để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn – Ảnh: Thành Nhơn

Câu nói vui đó để ám chỉ ngôi trường cấp III Tứ Kiệt chưa bao giờ là lựa chọn số 1 của học trò

Thế nhưng khi đã vào trường THPT này, nhiều em lại ngỡ ngàng trước những tình cảm của thầy cô, từ chuyện lo cái áo cái quần cho trò nghèo đến giờ giấc học tập và cả những bữa cơm ký sổ cho thầy hiệu trưởng.

Kho đồng phục SOS

“Qua điều tra của nhà trường, nếu mời phụ huynh bất chợt thì phải có đến 50% không thể tới dự. Những phụ huynh này đã lên thành phố kiếm sống. Số học sinh sống với đủ cả cha lẫn mẹ không nhiều lắm. Phần lớn các em sống với chỉ cha hoặc mẹ, còn không thì với cô chú, nội ngoại.

Không có người thân kèm cặp hằng ngày nên trách nhiệm của nhà trường càng lớn hơn” – thầy Phan Công Triều, hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kiệt, chia sẻ.

Hồi trống báo hiệu giờ ra chơi, Nguyễn Hồng Phúc – học sinh lớp 10A3 - rón rén bước vào phòng giám thị. Cô Nguyễn Thị Lâu, hiệu phó nhà trường, mái tóc đã hoa râm, khẽ nhìn học trò của mình rồi nhẹ nhàng: “Sao, hôm nay có chuyện gì mà không mặc đồng phục?”.

Cô học trò thở phào nhẹ nhõm rồi trả lời giọng trong trẻo: “Dạ, hôm qua trời mưa, áo dài cô tặng con chưa khô kịp. Còn một bộ gửi ngoài tiệm chưa may xong cô ơi”.

Cô Lâu liền gấp lại giáo án rồi dắt tay học trò lên kho đồng phục mà cô vẫn hay dí dỏm là kho đồng phục SOS. Kho lúc nào cũng sẵn có áo dài, áo trắng, quần tây, kể cả giày để học sinh thay nếu gặp sự cố ngoài ý muốn hoặc “trị bệnh” cho những học trò cố tình không tuân thủ nội quy.

Lên đến kho, cô Lâu lục tìm một bộ áo dài ưng ý nhất rồi gấp cẩn thận, trao cho Phúc và dặn dò: “Em về nhờ tiệm sửa liền bộ này để mặc thay đổi chờ bộ kia may xong”.

Cầm trên tay bộ áo dài, khóe mắt đỏ hoe Phúc tâm sự: “Em bị tật từ nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 1m nên trường đặc cách khỏi mặc áo dài. Khi tựu trường thấy bạn bè đều mặc áo dài em ham quá.

Có lần cô Lâu gọi em lại để hỏi chuyện học hành có gì bất tiện không, em có tâm sự với cô là mơ ước được mặc áo dài đến trường. Tưởng là chỉ thỏ thẻ với cô cho bớt buồn, nào ngờ cô tặng vải và dẫn em ra tiệm may bộ áo dài phù hợp với cỡ người”.

Cô Lâu chính là người đi tiên phong trong việc thu gom áo dài trắng cho nữ sinh nghèo. Những ngày đầu cô đích thân đến từng hộ gia đình trong ấp, trong xã để xin áo dài cũ của những nữ sinh khóa trước. Sau đó cô giặt giũ, ủi thẳng thớm rồi cho vào túi cất giữ cẩn thận.

Năm đầu tiên cô vận động chỉ được vỏn vẹn gần 10 bộ. Những năm sau số lượng áo dài gửi tặng cứ tăng liên tục và mở rộng sang cả đồng phục của nam.

Cô vui mừng cho biết năm học vừa qua cô “bội thu” vì nhận được hơn 200 bộ đồng phục cả nam lẫn nữ, trong đó có cả những mét vải còn mới có thể may theo từng kích cỡ học trò.

Sổ nợ của… thầy

Trường “sở hữu” các em có hoàn cảnh đặc biệt như thế nên các thầy cô không chỉ phát hiện học trò áo cũ sờn vai, mà còn phát hiện nhiều em bụng đói đến trường, học hết tiết ba là… muốn xỉu. Thầy cô hỏi thì các trò này viện đủ lý do vì sợ bạn bè cười.

Những lúc như thế thầy cô liền nhớ đến lời căn dặn của thầy hiệu trưởng: cứ dắt các em xuống căngtin rồi “đặt hàng” với người quản lý căngtin là hễ em này xuống ăn uống thì cứ bán rồi ghi sổ cho… thầy hiệu trưởng.

Em Nguyễn Minh Kha là một trường hợp điển hình như vậy. Ba năm học, Kha quen mặt với các cô chú ở căngtin vì đi ăn nhưng thầy hiệu trưởng trả tiền.

Kha tâm sự: “Em ở với ngoại nhưng ngoại thường bận việc tráng bánh. Nhà nghèo nên em thường không ăn gì hoặc chỉ ăn nửa gói mì rồi đi học. Có lần em đói xanh mặt phải xuống phòng y tế nằm.

Hay tin, thầy Triều đã dẫn em xuống căngtin trường gọi cơm cho em ăn. Em ăn xong thầy còn căn dặn hôm nào đói cứ xuống căngtin ăn. Sau đó thầy nói với cô Dung (nhân viên căngtin – PV) là tính tiền cho thầy.

Không những em mà nhiều bạn khác cũng được thầy dẫn đi ăn mỗi khi chúng em nhai lại điệp khúc “con no rồi”.

Hay như em Huỳnh Duy Hưng, học sinh lớp 10A5, vừa được thầy Triều tặng đôi giày mới. Hưng khấp khởi: “Thấy em gia đình nghèo không có giày như bạn bè, thầy Triều liền móc túi đưa cho bảo vệ trường 200.000 đồng dẫn em đi mua đôi giày. Thầy xem tụi em như con trong gia đình vậy”.

Về phần mình, thầy Triều cho rằng người thầy tốt trước hết phải nắm được hoàn cảnh học trò. Một khi còn những lo toan gánh nặng khác thì các em khó có thể chuyên tâm học được. Còn học sinh cá biệt nếu bỏ bê các em dù chỉ một ngày thôi thì khả năng các em bị game, bạn bè xấu dụ dỗ ngay. 

Hỏi về số tiền học trò ăn ký nợ cho mình, thầy Triều lắc đầu bảo không thể nhớ nổi.

Và ông thầy “báo thức”

“Hễ đầu năm học mới đứa nào được mình chủ nhiệm là mấy khóa trên trêu ghẹo rằng mấy đứa khỏi sắm đồng hồ báo thức” – thầy Nguyễn Hồng Phúc kể nguồn gốc biệt danh “báo thức” mà học trò đặt cho mình.

Nguyên do là thầy sẽ điện thoại cho tất cả học trò của mình vào các giờ ngặt như 11g tối hay 4g sáng để nhắc nhở các em học bài hay khảo bài.

Thầy Phúc giải thích: “Đầu năm học thầy căn dặn các trò phải dành nhiều thời gian để ôn bài, ít nhất phải đến 11g tối, mới được ngủ hoặc nếu không quen thức khuya thì dậy sớm lúc 4g.

Ban đầu thầy điện thoại cho cả thảy hơn 40 trò trong lớp để kiểm tra. Sau đó sàng lọc dần những em tự ý thức, còn những trường hợp yếu kém thầy đeo theo nhắc nhở cho đến cuối năm”.

Nhờ chiêu thức đặc biệt này của thầy mà những năm qua, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp của lớp thầy chủ nhiệm tăng đều.

Em Lương Lê Thạnh Phú, một cựu học sinh từng được thầy Phúc chủ nhiệm, chia sẻ: “Ban đầu em cảm thấy khó chịu khi bị thầy đánh thức bắt học bài nhưng sau quen dần.

Em nghĩ nếu thầy không thật sự quan tâm đến tụi em thì không cần phải tốn công và tốn tiền điện thoại nhắc nhở tụi em vậy. Kết quả học tập của em tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là những môn xã hội”.

 

“Gần 30 năm gắn bó với công tác giảng dạy, không ít lần cô nhìn thấy chiếc áo đã sờn vai, đứt chỉ, hư nút, lai quần thì rách te tua do bị cuốn vào sên xe đạp của học trò đến lớp.

Những lúc như thế cô thấy lòng mình nặng trĩu và nghĩ phải làm điều gì đó cho các em. Cô mong muốn các em khi bước vào cổng trường sẽ bỏ lại đằng sau những mặc cảm, những cách biệt giàu nghèo và chỉ chuyên tâm học hành”.

Cô NGUYỄN THỊ LÂU (hiệu phó Trường THPT Tứ Kiệt)