17/01/2025

Vẫn bừng cháy ngày về

Đã 60 năm kể từ mùa thu lịch sử quân ta tiến vào tiếp quản thủ đô Hà Nội (10-10-1954). Trong tâm trí những người còn sống vẫn nhớ như in những giây phút hạnh phúc lịch sử ấy.

 

Vẫn bừng cháy ngày về

Đã 60 năm kể từ mùa thu lịch sử quân ta tiến vào tiếp quản thủ đô Hà Nội (10-10-1954). Trong tâm trí những người còn sống vẫn nhớ như in những giây phút hạnh phúc lịch sử ấy.

Tiểu đoàn 307 (đại đoàn 308) tiếp quản cầu Long Biên - Ảnh tư liệu
Tiểu đoàn 307 (đại đoàn 308) tiếp quản cầu Long Biên – Ảnh tư liệu

Sau ngày tiếp quản thủ đô, căn nhà số 8 ngõ Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) của gia đình đại tá Lê Duy Tư trở thành “điểm hẹn” của những chiến sĩ tiểu đoàn Bình Ca (trung đoàn thủ đô – sư đoàn 308) năm xưa, những người đầu tiên trở về tiếp quản thủ đô ngày 8-10-1954.

Sau 60 năm, đại tá Lê Duy Tư giờ đã bước sang tuổi 80, nhớ về ký ức của ngày thu lịch sử ấy.

Nhiệm vụ đặc biệt

“Ngày 19-9-1954, Bác Hồ đã trực tiếp gặp chiến sĩ sư đoàn 308 tại đền Hùng. Bác giao sư đoàn 308 thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt”: trở về tiếp quản thủ đô. Tiểu đoàn 18 còn gọi là tiểu đoàn Bình Ca – đơn vị cuối cùng rút khỏi thủ đô sau ngày toàn quốc kháng chiến, được chọn là đơn vị đầu tiên trở lại thủ đô tiếp quản những cứ điểm quan trọng. Đích thân anh Vũ Huy Hậu, chính trị viên tiểu đoàn, tuyển chọn 214 chiến sĩ, lập ra 35 tổ, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho ngày tiếp quản chính thức” – đại tá Tư kể.

Sáng 8-10-1954, tiểu đoàn Bình Ca hành quân đến cầu Đuống của huyện Gia Lâm bây giờ. Cứ điểm đầu tiên tiểu đoàn đặt chân tới là nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108). Tại đây, 35 tổ công tác bắt đầu công việc thầm lặng, bảo vệ 35 cứ điểm quan trọng.

Trong ký ức của những người lính tiểu đoàn Bình Ca, dù là lực lượng đầu tiên tiếp quản thủ đô nhưng ngày về của họ không có cờ hoa.

“Khi chúng tôi vào nội thành, lính Pháp vẫn giữ nguyên lực lượng. Hai bên giáp mặt nhau, nhưng mỗi người lính đều biết mình phải âm thầm thực hiện sứ mệnh Bác Hồ giao. Ngày đó, tổ của chúng tôi chỉ có năm người, nhận nhiệm vụ bảo vệ điểm chốt tại tòa án tối cao. Suốt hai ngày đêm 8 và 9-10, trong tổ không ai ngủ phút nào. Sau này mới biết gần như cả tiểu đoàn đều không ngủ. Lý do phần vì lạ nước lạ cái, phần vì lo lắng, làm sao để hoàn thành nhiệm vụ khi quân Pháp vẫn còn trong nội thành” – đại tá Tư nói.

“Những lúc ôn lại truyền thống, anh em đều nói khi đó mình còn trẻ nhưng ý chí sắt đá. Sau này các tổ đều tự hào cả 35 cứ điểm quan trọng được bảo vệ an toàn, hai ngày đêm dù đói khát nhưng bình yên, không có tiếng súng, xe điện vẫn chạy leng keng, nước máy vẫn chảy, điện vẫn sáng, cuộc sống của người dân thủ đô vẫn yên bình… Đến 5g sáng 10-10-1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, thủ đô Hà Nội như được khoác tấm áo mới, đường phố cờ hoa chào đón những người lính chiến thắng tiến vào, còn chúng tôi, 214 chiến sĩ của tiểu đoàn Bình Ca, miệng cười nhưng mắt ai cũng rưng rưng” – ông Tư hồi tưởng.

“Đêm trước” ngày tiếp quản

Nhà văn Lê Phương Liên (hiện là biên tập viên NXB Kim Đồng) là người được chứng kiến bức tranh Hà Nội hai nửa sáng tối trong những giây phút lịch sử ấy.

“Đêm trước” ngày giải phóng thủ đô, nhiều giọt nước mắt lặng lẽ của người Hà Nội đã rơi cùng sự chia ly.

Bà Liên kể lại: “Từ khi có tin phía ta ký kết Hiệp định Genève và quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội, trong nhiều gia đình đã có những cuộc chia ly. Ai theo kháng chiến thì quyết tâm ở lại đón bộ đội giải phóng về tiếp quản thủ đô. Nhưng một số gia đình đã bỏ lại nhà cửa, tài sản lên tàu vào Nam với ý nghĩ đơn giản rằng sau hai năm sẽ tổng tuyển cử trong cả nước, Bắc – Nam sum họp một nhà, họ lại được trở về. Nhưng chẳng ai ngờ rằng phải hơn 20 năm sau, hoặc với nhiều người thì chẳng bao giờ họ được quay về Hà Nội nữa”.

Buổi sáng mùa thu 10-10 năm ấy, đường phố Hà Nội vắng ngắt, trên vỉa hè cũng không có ai qua lại, cả thành phố như nín thở đợi giây phút quân Pháp rút hết. Ấn tượng mạnh mẽ nhất với bà Liên là tiếng xe Jeep của quân Pháp phóng đi gầm rít trên phố khiến bà giật mình. Mọi căn nhà đều đóng cửa im ỉm, không ai dám ra đường.

Nằm trong nhà, bà nghe rõ âm thanh tiếng giày đinh nện xuống đường “sầm sập, sầm sập” của toán lính Pháp cuối cùng rút qua đường Nguyễn Hữu Huân ra cầu Long Biên. Bà kể: “Mẹ cấm chúng tôi không được ra phố, không được thò đầu ra ngoài xem vì sợ quân Pháp có thể bắt chúng tôi mang đi cùng, hoặc biết đâu trước khi rút đi sẽ có những viên đạn lạc trên phố”.

Chỉ đến khi tiếng giày đinh khua trên đường xa dần, không nghe rõ nữa, những căn nhà mới mở tung cửa. Người Hà Nội ùa ra đường phố với tâm trạng như chưa bao giờ vui mừng đến thế. Học sinh vẫn đến trường nhưng không phải vào lớp học, mà được các cô giáo phát cờ đỏ sao vàng cầm tay, cùng đi ra bờ hồ đón bộ đội giải phóng quân.

Bà Liên kể: “Chưa thấy bóng bộ đội, nhưng từ xa đã nghe tiếng kèn thổi bài Bao chiến sĩ anh hùng theo gió bay đến, ai nấy đều hô to: “Bộ đội đã về!”. Người già, trẻ nhỏ đều vẫy cờ vui mừng khôn tả. Người dân hô vang cả khu phố Hàng Đào, bờ hồ… những nơi có bộ đội hành quân qua, người dân ùa ra tặng hoa, vẫy cờ và tìm người thân”.

Lễ chào cờ lịch sử

Trước khi quân giải phóng tiến vào tiếp quản thủ đô, từ sáng 7-10-1954 ông Nguyễn Trọng Hàm đã vào Hà Nội với tư cách phái viên của Bộ tổng tham mưu làm việc với quân Pháp về kế hoạch rút khỏi Hà Nội.

Ông Hàm đã về hưu với cấp hàm đại tá. Ông từng là “quyết tử quân” chiến đấu bảo vệ Hà Nội 60 ngày đêm năm 1946. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên khi được trở về tiếp quản thủ đô sau chín năm xa cách, ông không khỏi xúc động, nghẹn ngào. 

Đến tận bây giờ, dù tuổi đã cao, chân tay đều run, ông vẫn nhớ buổi lễ chào cờ lịch sử chiều 10-10 năm ấy. “Đó là lễ chào cờ lịch sử. Lần đầu tiên sau chín năm dài và sau bao nhiêu năm dưới ách thống trị của người Nhật, người Pháp… lá cờ đỏ sao vàng được tung bay trên nóc cột cờ Hà Nội” – ông nói.

Ông Hàm vẫn nhớ rõ lúc kéo cờ lên đỉnh cột gặp nhiều khó khăn vì cột cao, cờ lớn. Bộ đội đã nhờ anh em công nhân nhà máy tàu điện lắp các ống thép lại thành cán cờ. Một người dân đã tự nguyện xung phong trèo lên cột cờ cắm và chỉnh lại lá cờ Tổ quốc cho ngay ngắn.

“Phải nói rằng đó là giờ phút thiêng liêng nhất đối với tôi. Bản thân tôi sinh ra, lớn lên gắn bó với Hà Nội, gia đình tôi sống qua mấy thế hệ chịu ách đô hộ của Tàu, Tây, Nhật nên giờ phút ấy tôi đã khóc. Đó là buổi chào cờ được đổi bằng xương máu của bao anh em, đồng chí và nhân dân”.

 

Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Nguyễn Khánh

“Hà Nội ngày giải phóng”

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày tiếp quản thủ đô, từ ngày 4-10 tại đình Kim Ngân (42-44 phố Hàng Bạc, Hà Nội), Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp cùng tạp chí Xưa & Nay tổ chức triển lãm ảnh Hà Nội ngày giải phóng.

Triển lãm trưng bày 42 bức ảnh tư liệu đen trắng tái hiện không khí Hà Nội cách đây 60 năm, khi những đoàn giải phóng quân tiến vào tiếp quản thủ đô trong tiếng hoan hô và cờ hoa rực rỡ của nhân dân Hà Nội.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 31-10.