15/01/2025

Rác giúp người Mông Cổ thoát nghèo

Mông Cổ đang thành công với chương trình “Biến rác thành vàng” vừa giúp xử lý rác thải vừa thu ngắn khoảng cách giàu nghèo, giảm tỉ lệ thất nghiệp.

 

Rác giúp người Mông Cổ thoát nghèo

Mông Cổ đang thành công với chương trình “Biến rác thành vàng” vừa giúp xử lý rác thải vừa thu ngắn khoảng cách giàu nghèo, giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Khu người nghèo ở ngoại ô Ulan Bator – Ảnh: Reuters

“Biến rác thành vàng” hiện đang được triển khai ở các quận ngoại ô của thủ đô Ulan Bator là Khan-Uul, Chingeltei và Songino Khairkha.

“Mục đích của dự án này là sản xuất các sản phẩm tái chế và giảm thất nghiệp ở Mông Cổ” – ông Galindev Galaariidii, giám đốc của Tổ chức Tehnoj, nói với Hãng tin IPS.

Rác là tiền

Ulziikhutag Jigjid, 49 tuổi, là thành viên của nhóm 10 người sống ở quận Khan-Uul. Nhóm của Jigjid sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ dùng gia đình làm từ rác thải rắn.

Sản phẩm của họ đã trở thành quà lưu niệm cho du khách, thậm chí đã có đơn hàng từ những cơ quan và hộ gia đình tại Mông Cổ. “Chúng tôi có thể thoát nghèo, rác đã giúp chúng tôi thoát nghèo. Đó là tiền” – bà Jigjid khoe.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2012-2013 cho biết tỉ lệ đói nghèo của Mông Cổ đang chiếm 27,4% trong tổng số 2,9 triệu dân, tỉ lệ khá cao so với thế giới.

Rất nhiều gia đình không có khả năng mua được thực phẩm cơ bản và hàng hóa cần thiết để sinh sống.

Con số này hầu như không thay đổi kể từ khi chính phủ của nền dân chủ non trẻ nắm chính quyền vào đầu năm 1990.

Qua bàn tay cần mẫn của những người dân nghèo Mông Cổ, chai lọ và những loại rác thải rắn rơi vãi trên đường đã biến thành những cây chổi, chiếc ghế, thùng chứa, túi xách và thậm chí là những món hàng thời trang cho người tiêu dùng.

Sản phẩm này trước khi ra thị trường đều đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng.

Jigjid cho biết hằng ngày bà và những bạn nghề tranh thủ nhặt nhạnh “nguyên liệu thô” trên đường phố, sau đó đem về khử trùng và bắt đầu công đoạn sản xuất.

Tất cả công việc thủ công được hoàn tất trong buổi sáng, bởi buổi chiều họ còn phải đi làm ở nhà máy chế biến thịt tươi tại địa phương.

Nhóm của Jigjid là một trong nhiều nhóm lao động ở Mông Cổ đang làm việc theo chương trình “Biến rác thành vàng” do Quỹ sáng tạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc tài trợ và được tổ chức phi chính phủ Tehnoj phát triển.

Thành lập năm 2007, Tehnoj đang hỗ trợ tạo ra những cộng đồng doanh nghiệp nhỏ lẻ ở Mông Cổ chuyên sản xuất và bán sản phẩm thủ công “tái chế” từ rác thải đường phố.

Ước tính Tehnoj đã tổ chức huấn luyện cho khoảng 30.000 người Mông Cổ, nhằm giúp những cộng đồng này thoát nghèo bằng chính năng lực của mình. Tehnoj chuyên huấn luyện nghề cho đối tượng là phụ nữ, ưu tiên cho phụ nữ đơn thân hoặc có con khuyết tật và các đối tượng thất nghiệp.

Ước mơ thoát nghèo

Jigjid và hai thành viên của nhóm là Baguraa Adiyabazar và Baasanjav Jamsranjav cho biết sẽ dùng số tiền bán sản phẩm do nhóm làm ra để xây dựng một nhà trẻ, một nông trại nuôi gia cầm nhằm tạo thêm nguồn thu. Trong tương lai gần, người phụ nữ này muốn nhóm của mình sẽ hỗ trợ vốn cho những thành viên khác trong cộng đồng, vì mục tiêu “càng nhiều người thoát nghèo càng tốt”.

Xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề nhức nhối ở Mông Cổ, nhất là khu vực ngoại ô của thủ đô. Cơ sở hạ tầng yếu kém và lực lượng chính phủ không đủ đáp ứng nhu cầu xử lý hai vấn đề này nên hiện nay 90% rác thải ở các vùng ngoại ô đều “tọa lạc” trên đường phố.

“Thủ đô Ulan Bator mỗi ngày thải ra khoảng 1.100 tấn rác thải rắn, gây ra những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và khiến môi trường bị tổn hại” – Thomas Eriksson, phó chủ tịch Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc ở Mông Cổ, khẳng định.

Hơn nữa, hơn 10.000 hộ gia đình đang di chuyển đến thủ đô Ulan Bator là gánh nặng cho xã hội ở nơi này, tỉ lệ thất nghiệp đang tăng nhanh. Nhiều người Mông Cổ trở thành vô gia cư và không nghề nghiệp ngay trên chính đất nước mình. Có những gia đình phải sống chui rúc dưới lòng đất, ngay trên nơi họ sống là thủ đô hoa lệ.