15/01/2025

Bao dung tôn giáo: Hội nghị Liên tôn vì Hoà bình của các nước Đông Nam Á lần I

ừ ngày 25 đến 29 tháng 9 năm 2014 đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất của các chức sắc tôn giáo vì Hoà bình trong cộng đồng các nước Đông Nam Á tại tỉnh Ayutthaya, Thái Lan, với chủ đề “Bao dung Tôn giáo”. Hội nghị do chính quyền Thái Lan kết hợp với Trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), tỉnh Ayutthaya, tổ chức, với sự cộng tác và cố vấn của các chức sắc các tôn giáo ở Thái Lan.

Bao dung tôn giáo: Hội nghị Liên tôn vì Hoà bình của các nước Đông Nam Á lần I
(25–29/9/2014)
 
Từ ngày 25 đến 29 tháng 9 năm 2014 đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất của các chức sắc tôn giáo vì Hoà bình trong cộng đồng các nước Đông Nam Á tại tỉnh Ayutthaya, Thái Lan, với chủ đề “Bao dung Tôn giáo”. Hội nghị do chính quyền Thái Lan kết hợp với Trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), tỉnh Ayutthaya, tổ chức, với sự cộng tác và cố vấn của các chức sắc các tôn giáo ở Thái Lan.

Ngày 25.9: Ngày tham quan các di tích của các tôn giáo ở Ayutthaya

Buổi sáng, các đại biểu đến trung tâm du lịch Ayutthaya để xem đoạn phim ngắn giới thiệu tổng quan về tỉnh Ayutthaya, sau đó bắt đầu chuyến tham quan Công viên lịch sử Ayuthaya (thuộc tỉnh Ayutthaya, Thái Lan). Nơi đây từng là kinh đô của Thái Lan. Công viên lịch sử Ayutthaya nổi tiếng với nhiều di tích đền chùa của Phật giáo. Sau giờ nghỉ trưa, đoàn tham quan nhà thờ thánh Giuse của người Công giáo, đền thánh Hồi giáo Phranancheang, nơi địa danh này trước đây hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo chung sống bên cạnh nhau. Các đại biểu dùng bữa tối trên thuyền dọc dòng sông với những điệu múa và bài hát tạo nên bầu không khí vui tươi, gần gũi…

Các đại biểu đến từ các 9 quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Họ là những chức sắc và những người làm việc cho các văn phòng đối thoại liên tôn của 5 tôn giáo (Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, đạo Hindu, đạo Sikh và đạo Baha’i). “Bạn từ nước nào đến?”, “Bạn thuộc tôn giáo nào?”… là những câu hỏi mở đầu những cuộc đối thoại dẫn đến sự gần gũi và hiểu biết nhau hơn giữa các đại biểu. Kết thúc ngày đầu tiên là bầu không khí vui tươi, thân thiện… Một bầu không khí của sự an hoà hướng đến những ngày thảo luận cho một nền Hoà Bình giữa các tôn giáo của các quốc gia Đông Nam Á.

Ngày 26.9: Ngày làm việc thứ nhất của hội nghị


Lễ khai mạc hội nghị diễn ra long trọng ở trường đại học Phật giáo MCU. Mở đầu buổi lễ là đoạn phim ngắn về “Bao dung Tôn giáo”. Tiếp đến, chức sắc các tôn giáo của các tôn giáo cùng lên cầu nguyện theo niềm tin của mình. Đức Hoà thượng Somdet Phra Maharatchamangkalacharn thắp nến khai mạc. Sau đó là các bài phát biểu của vị Bộ trưởng văn phòng thủ tướng và chức sắc các tôn giáo. Kết thúc buổi khai mạc là bài chia sẻ của giáo sư tiến sĩ Phra Brahampundit, hiệu trưởng MCU.

Giờ làm việc buổi chiều: Thảo luận “Sức mạnh của tôn giáo trong việc tạo nên sự khoan dung tôn giáo trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á”. Năm vị đại diện 5 tôn giáo (Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, đạo Hindu và đạo Sikh) trình bày quan điểm ở góc độ tôn giáo của mình. Sau đó, các đại biểu tham gia đặt câu hỏi hoặc đóng góp ý kiến. Nhiều vấn đề được nêu lên. Có những vấn đề được giải đáp thoả đáng nhưng cũng có những vấn đề phải bỏ lửng do giới hạn của thời gian.

Kết thúc ngày làm việc thứ nhất, các đại biểu trở nên thân thiết hơn. Đặt vấn đề và lắng nghe là cách để dẫn đến sự hiểu biết và chấp nhận sự khác biệt của từng tôn giáo.

Ngày 27.9: Ngày thảo luận bàn tròn

Giờ làm việc buổi sáng: Đại biểu của 5 tôn giáo nhóm họp lại theo tôn giáo của mình để thảo luận 4 câu hỏi về tôn giáo của mình:

1. Đặc điểm tôn giáo
2. Giáo lý cơ bản của tôn giáo
3. Thần học và bối cảnh tôn giáo
4. Hướng đến ánh sáng của hài hoà tôn giáo và bao dung tôn giáo

Sau 45 phút thảo luận theo nhóm tôn giáo, các đại biểu trở về phòng hội. Đại diện mỗi tôn giáo có 5 phút trình bày về tôn giáo mình theo 4 câu hỏi trên.

Giờ làm việc buổi chiều: có 2 phần:

Phần 1: Đặt vấn đề về những khó khăn hay thách đố trong việc đối thoại liên tôn để đưa đến hài hoà và khoan dung tôn giáo ở mỗi quốc gia.

Phần 2: Chia sẻ những kinh nghiệm hoặc những hoạt động đối thoại liên tôn ở mỗi quốc gia, trình bày cách giải quyết những vấn đề đặt ra ở phần 1.

Các đại biểu có ý kiến đóng góp hay đặt câu hỏi thì giơ tay xin phát biểu. Ở mỗi phần thảo luận có 2 đại biểu phụ trách dẫn dắt cuộc thảo luận.

Kết thúc ngày làm việc thứ hai là bữa cơm tối và chương trình văn nghệ thực hiện bởi 5 tổ chức tôn giáo ở Thái Lan với bầu không khí vui tươi và thân thiện.

Ngày 28.9: Tổng kết và bế mạc hội nghị

Giờ làm việc buổi sáng: 


Các vị cố vấn hội nghị tổng kết những ý kiến đã thảo luận và chia sẻ của ngày hôm trước. Sau đó trình bày bản sơ thảo Tuyên Ngôn Ayutthaya gồm 6 điểm. 

Sau đó đại biểu các tôn giáo của mỗi quốc gia ngồi thảo luận theo quốc gia mình: đồng ý với những điểm nào hay những điểm nào cần thêm vào hoặc làm rõ hơn. Các nhóm có khoảng 45 phút để thảo luận. Sau khi thảo luận xong, các đại biểu trở lại phòng hội chính. Đại diện mỗi quốc gia trình bày ý kiến đóng góp cho Bản Tuyên ngôn. Cuối cùng, các vị cố vấn hội nghị tóm lược lại. Tất cả các đại biểu đồng ý với nội dung của Bản Tuyên ngôn. Để xác nhận điều này, các đại biểu cùng ký tên trên một dải vải trắng. Một bầu không khí vui tươi, hài hoà tràn ngập phòng hội khi các đại biểu lần lượt viết tâm tình của mình và ký tên trên dải vải trắng. Tất cả cho hoà bình giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo, đặc biệt trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

Trong giờ cơm trưa, các vị cố vấn tranh thủ thời gian để hoàn thành Bản Tuyên ngôn Ayutthaya chính thức.

Giờ làm việc buổi chiều: Chính thức kết thúc hội nghị

Các đại biểu quy tụ trong phòng hội ở Khách sạn Classic Kameo Ayutthaya lúc 13 giờ để cùng nhau đọc lại Bản Tuyên ngôn Ayutthaya chính thức. Các đại biểu cùng vỗ tay tán thành. Hội nghị chào đón 2 vị chính khách của Văn phòng Thủ tướng đến đọc diễn văn kết thúc hội nghị lần thứ nhất về Đối thoại liên tôn vì Hoà Bình ở cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á. Trước khi bế mạc hội nghị, tất cả các đại biểu cùng xem lại đoạn phim ngắn những hình ảnh trong những ngày qua. Đây chính là giây phút các đại biểu cùng nhìn lại tinh thần hài hoà trong đối thoại, vui tươi khi giao tiếp và cởi mở để chấp nhận sự khác biệt của nhau. Bế mạc hội nghị, tất cả mọi người, bao gồm cả những người phục vụ âm thầm, ban tiếp tân, ánh sáng, âm thanh… phục vụ cho hội nghị cùng nhau chụp hình lưu niệm với kỷ niệm chương của hội nghị.

Những cái bắt tay cảm ơn, chào tạm biệt cùng với những lời chúc, những lời hẹn hy vọng gặp lại nhau ở nơi nào đó, trong một dịp khác. Khoảng cách về địa lý, khác biệt văn hoá và tôn giáo dường như không còn là điều cản trở mọi người xây dựng mối tương quan thân thiện, tốt đẹp.
 

A.T., Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn Tổng Giáo phận TP. HCM