12/01/2025

Sứ mạng của những robot triệu đô

Không phải ai cũng biết để có những công trình hoành tráng phải có những robot trị giá hàng triệu USD miệt mài thi công dưới lòng đất. Có những robot đã hoàn thành sứ mệnh, nhưng cũng có robot đang kẹt lại dưới lòng đất.

 

Sứ mạng của những robot triệu đô

Không phải ai cũng biết để có những công trình hoành tráng phải có những robot trị giá hàng triệu USD miệt mài thi công dưới lòng đất.

 

Các công nhân, kỹ sư làm việc tại đầu robot khoan dưới đáy sông Sài Gòn nối Nhà máy bơm nước Bình Thạnh với Nhà máy xử lý nước  Thủ Thiêm, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Các công nhân, kỹ sư làm việc tại đầu robot khoan dưới đáy sông Sài Gòn nối Nhà máy bơm nước Bình Thạnh với Nhà máy xử lý nước Thủ Thiêm, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

 

 
 
 

              

  

          

 

 

Có những robot đã hoàn thành sứ mệnh, nhưng cũng có robot đang kẹt lại dưới lòng đất.

Robot mà thực chất là những máy móc thi công ngầm hiện đại vốn xuất hiện ở TP.HCM từ nhiều năm trước. 

Một robot 80 triệu USD

Bãi công trường ngổn ngang ở vị trí vốn là công viên Lam Sơn, phía trước Nhà hát TP, đối diện thương xá Tax vừa đóng cửa, những ngày này rộn rịp máy móc, khởi động cho tuyến metro ngầm đầu tiên của Sài Gòn.

Trung tâm của sự rộn rịp đó là sự chuẩn bị cho robot – chiếc máy khiên đào TBM – thực hiện việc xuyên lòng đất 2,6km (từ nhà ga trung tâm đến vị trí cảng Ba Son hiện tại).

Ông Dư Hữu Hoà, phó ban quản lý dự án metro Bến Thành – Suối Tiên, tỏ ra rất tin tưởng vào robot này. Ông Hoà nói nếu những robot trước đây thi công các công trình ngầm ở TP.HCM chỉ có đường kính 0,5-1m thì lần này robot thi công metro có đường kính đến 6,5m, rộng đúng bằng đường kính của đường hầm metro.

Chỉ tay vào đoạn metro ngầm đi từ nhà ga trung tâm đến Ba Son, ông Hoà khẳng định: “Có thiết bị này, việc thi công sẽ diễn ra nhanh và hoàn toàn nằm dưới lòng đất”.

Khác biệt lớn nhất mà robot này mang lại, theo ông Hoà, chính là việc đào đến đâu từng đốt hầm được lắp đặt đến đó. Mỗi đốt hầm dự tính được phân ra 7-9 miếng bêtông, robot vừa đào tới phía trước, vừa lắp đốt hầm ở đoạn đào xong.

Robot với công nghệ TBM còn có khả năng phá vỡ các chướng ngại nếu là bêtông. Khi đào, các vật cứng như đất đá được đưa vào buồng áp lực và phun nước vào để tạo lỏng.

Theo ông Hoà, hiện Nhật có đến năm nhà máy có thể sản xuất được robot với công nghệ khiên đào TBM. Giá mỗi robot như vậy khoảng 80 triệu USD, chưa rõ nhà thầu mua hay chỉ thuê “chuột chũi” thi công công trình metro đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là cả sáu dự án metro tại TP.HCM đều sẽ sử dụng những robot hiện đại.

Một bộ phận của robot bị nạn được cẩu trục lên tại vị trí bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (bên trong Thảo cầm viên TP.HCM), do liên doanh nhà thầu TMEC & CHEC 3 (Trung Quốc) thi công gói thầu số 7 thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM thực hiện (ảnh chụp ngày 11-5-2009) - Ảnh: T.T.D.
Một bộ phận của robot bị nạn được cẩu trục lên tại vị trí bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (bên trong Thảo cầm viên TP.HCM), do liên doanh nhà thầu TMEC & CHEC 3 (Trung Quốc) thi công gói thầu số 7 thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM thực hiện (ảnh chụp ngày 11-5-2009) – Ảnh: T.T.D.

Những bài học xương máu

Không phải ngẫu nhiên mà công trình metro đầu tiên của Việt Nam lại được khảo sát địa kỹ thuật và mặt cắt địa chất rất kỹ, để đảm bảo không một túi bùn hay một vỉa đá, bêtông… nào bị bỏ sót trên tuyến metro ngầm. Đây là một trong những giải pháp được rút kinh nghiệm bài học xương máu về những robot đang nằm lại dưới lòng đất.

Ông Trương Khắc Hoành – tổng giám đốc Công ty cổ phần BOO nước Thủ Đức, chủ đầu tư dự án – vẫn nhớ mãi thất bại của bảy năm trước. Ông Hoành kể để đặt ống cấp nước bên trong ống thép có đường kính 1,5m băng từ bờ Q.7 qua bờ Q.2, nhà thầu Hyundai (Hàn Quốc) sử dụng robot kích ngầm dưới đáy sông Sài Gòn khoảng 7m.

Khi thi công được 230m ra đến giữa sông Sài Gòn thì tuyến ống bị nước tràn vào. Người nhái lập tức được cử đến, xác định đường ống thép bị nứt mối hàn, khiến robot bị gục đầu vào lòng đất dưới đáy sông

Để cứu robot trị giá khoảng 2 triệu USD được sản xuất từ Đức, nhà thầu tính đến phương án ngăn một đoạn sông Sài Gòn để đào từ trên xuống chỗ “chuột chũi” bị chìm.

“Thế nhưng phương án này không khả thi vì không thể chặn tàu biển ra vào các cảng TP” – ông Hoành nói. Sau khi bị đình trệ thi công bốn tháng, chủ đầu tư phải đồng ý thay đổi phương án cũ bằng phương án lắp đặt hai ống cấp nước, mỗi ống có đường kính 1,2m, rồi sử dụng biện pháp “đánh chìm” đường ống cấp nước xuống đáy sông.

Tuy thi công đạt tiến độ nhưng nhà thầu bị thiệt hại nặng vì chỉ đưa được một số thiết bị bên trong của robot lên bờ, mọi cái khác đều bỏ lại dưới lòng sông.

Nhưng đó vẫn chưa phải là sự cố lớn nhất với các robot thi công dưới lòng đất. Câu chuyện tốn giấy mực nhất của báo chí từ năm 2005 đến 2008 chính là việc ba robot thi công kích ngầm trong lòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM) bị chôn vùi trong lòng đất.

Robot đầu tiên bị gục đầu ở độ sâu khoảng 18m ngày 22-7-2005, ngay gần trạm bơm nước thải ở vàm kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), phải mất gần một năm sau mới lấy lên được. Robot thứ hai bị gục đầu ngày 24-11-2006 tại khu vực Thảo cầm viên (Q.1) ở độ sâu khoảng 16m, mất gần ba năm sau mới được đưa lên.

Nghiêm trọng nhất là robot thứ ba bị hỏng ở giữa đáy sông Sài Gòn ngày 11-2-2008 ở độ sâu gần 40m từ phía bờ quận Bình Thạnh, do có những sợi dây thép trong lòng đất quấn vào đầu. Ba tai họa này khiến nhà thầu TMEC & CHEC 3 (Trung Quốc) phải bỏ “chuột chũi” để chạy lấy người, dù trước đó đã có thư bảo đảm chịu toàn bộ trách nhiệm nếu gặp sự cố.

Cuối cùng, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP phải liên danh với một nhà thầu Thái Lan để thi công tiếp đoạn cống còn lại.

Robot mắc kẹt là do con người

Theo ông Dư Hữu Hoà, về lý thuyết, những robot có kích thước lớn để thi công tuyến metro ngầm sẽ có tỉ lệ rủi ro cao hơn những robot kích thước nhỏ từng gặp nạn trước đây. Tuy nhiên, ông Hoà nói ông rất yên tâm về độ an toàn của robot khi thi công.

“Quan trọng nhất là phải thăm dò kỹ thuật địa tầng kỹ, nếu thăm dò không kỹ thì khi gặp túi bùn như dưới kênh Thị Nghè hoặc gặp phải thép gai như dưới sông Sài Gòn thì thiết bị nào cũng có thể bị sự cố” – ông Hoà nói.

Thực tế, khi thi công đường ống dẫn nước dưới đáy sông Sài Gòn, nhà thầu Hyundai không thuê nhà thầu phụ thực hiện công tác kích ống và hàn đường ống thép cho tuyến ống để giảm chi phí nên robot gặp nạn.

Tương tự, nhà thầu TMEC & CHEC 3 trước khi cho robot kích ngầm trong lòng đất đã không thực hiện gia cố nền đất yếu bằng phương pháp phun vữa ximăng áp lực cao nhằm ổn định nền đất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, bỏ ngoài tai mọi cảnh báo của tư vấn, hậu quả là có đến mấy robot mắc kẹt dưới lòng đất, gây thiệt hại cho nhà thầu và làm chậm tiến độ dự án.