Không ai ‘trảm’ xi măng ô nhiễm
Trong lúc thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang) quanh năm hít thở… xi măng thì tại Hà Nam, gần 10.000 dân cũng kêu cứu suốt nhiều năm qua nhưng không ai xử lý những nhà máy xi măng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Không ai ‘trảm’ xi măng ô nhiễm
Trong lúc thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang) quanh năm hít thở… xi măng thì tại Hà Nam, gần 10.000 dân cũng kêu cứu suốt nhiều năm qua nhưng không ai xử lý những nhà máy xi măng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
|
Theo số liệu của Chi cục Môi trường Hà Nam, trên địa bàn H.Thanh Liêm hiện có 11 nhà máy xi măng đang hoạt động. Công suất mỗi nhà máy từ trên 100.000 tấn/năm đến 950.000 tấn/năm.
Từ hơn 2 năm nay, người dân ở thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, H.Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) hằng ngày phải hít thở khói bụi tỏa ra từ 3 nhà máy xi măng tại địa phương, trước sự làm ngơ đến mức khó tin của cơ quan chức năng.
|
Hứa rồi… quên
Tại thôn Bồng Lạng, năm 2002 Nhà máy xi măng Xuân Thành với công suất 950.000 tấn/năm đi vào hoạt động, đã cùng với 2 nhà máy xi măng hoạt động trước đó là Hoàng Long và Thành Thắng đẩy người dân vào chỗ chỉ còn biết hít thở xi măng mà chết mòn. Bức xúc vì gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng mà không thấy hồi âm, ngày 1.1.2014, người dân đã tập trung dựng lều trước cổng Nhà máy xi măng Xuân Thành để phản đối.
Sau sự kiện đó, đại diện chính quyền tỉnh Hà Nam tổ chức họp với đại diện người dân và 2 nhà máy xi măng Hoàng Long và Xuân Thành. Tại cuộc họp này, đại diện 2 nhà máy đã xin lỗi dân và cam kết cải thiện tình trạng ô nhiễm. Thế nhưng hơn nửa năm nay, lời hứa đó cũng đã tan biến. Ngược lại, thay vì xả khói bụi một cách ồ ạt như trước đây thì 2 công ty này xả trộm vào ban đêm.
|
Đến thôn Bồng Lạng vào đầu tháng 9.2014, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng ô nhiễm xi măng đến mức báo động. Ông Lê Hải Dự, một người dân ở xóm 1, than thở: “Khi dân vây cổng nhà máy thì họ hứa sẽ khắc phục sớm nhất tình trạng ô nhiễm, nhưng lời hứa ấy không ai thực hiện”. Biết chúng tôi đến, hơn chục người đã tề tựu sẵn ở nhà ông Dự, tranh nhau kể về sự thống khổ từ khi thôn nghèo, xã nghèo này “có” nhà máy xi măng. Ông Phạm Văn Lịch, một người dân trong thôn nói với chúng tôi: “Đã 2 năm nay, trên trời thì khói lò đốt xi măng thả ra, dưới đất thì bụi xi măng bốc lên, gần 10.000 dân của thôn sống giữa 3 nhà máy xi măng nên hứng tất cả. Khói bụi luồn vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân ở đây, từ ăn, ngủ đến mọi sinh hoạt”.
Vợ ông Dự, bà Đinh Thị Tài, thử “đo” mức độ ô nhiễm bằng cách dọn sạch sân nhà để “hứng” bụi. Kết quả sau một đêm, chỉ riêng ở đầu hè rộng 1,5 m, dài chưa đến 5 m, bà Tài đã gom được gần 1 kg bụi. Bà Tài mời hàng xóm đến làm chứng và gói gần 1 kg bụi quét được để làm bằng chứng tố giác nhà máy. Cũng như hầu hết các hộ ở thôn Bồng Lạng, nhà bà Tài cũng mua gần 100 m2 bạt, vải để căng che, mỗi tối đều lau rửa, quét dọn. Tuy nhiên, khi sờ tay đều thấy lớp bụi mỏng bám trên bàn ghế, giường tủ đến chiếc nón, lồng bàn, mâm bát trong chạn…
|
“Chưa có điều kiện” kiểm tra
Vợ chồng ông Dự cũng mời chúng tôi ngủ lại nhà một đêm để “mục sở thị” nhà máy xi măng xả khói. Hôm ấy mới 18 giờ 15, nhưng bắt đầu xuất hiện đám mờ mờ như sương mù ở trước sân. Ông Dự nói: “Bắt đầu xả đấy, sao lại xả sớm như vậy, mọi hôm thường phải sau 23 giờ”. Theo chân ông Dự leo lên trần nhà, chúng tôi chứng kiến phía bên kia đường, từ cột lò đốt xi măng của Công ty Xuân Thành, từng đám khói lúc đen, lúc trắng đục tỏa ra ngùn ngụt hết lớp này đến lớp khác hòa vào không khí. Chỉ 15 phút sau, từ trần nhà của ông Dự đã thấy toàn thôn Bồng Lạng chìm trong lớp khói mờ đục này.
|
Tại Chi cục Môi trường (thuộc Sở TN-MT Hà Nam), Chi cục trưởng Trần Đăng Trình nói rằng đến nay chưa thấy 2 nhà máy trên báo cáo về kết quả khắc phục ô nhiễm. Thậm chí, dù đã đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng đến nay Nhà máy xi măng Xuân Thành vẫn chưa báo cáo kết quả thực hiện các hạng mục bảo vệ môi trường mà họ đã cam kết trước khi xin phê duyệt dự án. “Đây là quy định bắt buộc trước khi đưa nhà máy vào hoạt động, nhưng hỏi thì lãnh đạo nhà máy cứ nói đang triển khai”, ông Trình than. Về công nghệ của các nhà máy, ông Trình cho biết trừ Nhà máy Xuân Thành mới xây dựng nên công nghệ “còn tạm được”, còn lại nhà máy Hoàng Long công nghệ đã cũ, tuổi đời hàng chục năm. Đặc biệt Nhà máy xi măng Thành Thắng vẫn sử dụng công nghệ lò đứng lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng khi hoạt động.
|
Ông Trình cũng thừa nhận hơn một năm qua, Chi cục “chưa có điều kiện” kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại Nhà máy xi măng Xuân Thành.
Mặc dù chưa có một nghiên cứu, thống kê nào về sức khỏe của người dân thôn Bồng Lạng nhưng theo những người dân ở đây, trong thời gian hơn 2 năm qua đã có nhiều người mắc các bệnh về hô hấp. Trong 6 xóm của thôn Bồng Lạng thì chỉ riêng tại xóm 1, từ năm 2012 đến nay có hơn 10 người chết vì ung thư phổi.
|
Cần điều tra dịch tễ để biết được tỷ lệ mắc ung thư
TS Nguyễn Thanh Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho rằng trong khói bụi công nghiệp có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe nhưng cần phải biết thực tế chất lượng khói bụi đó ở mức độ nào để có biện pháp can thiệp. Về nguyên tắc, trước khi nhà máy hoạt động đã phải được bộ, ngành chủ quản và cơ quan quản lý về môi trường thẩm định công nghệ sản xuất và trang thiết bị xử lý khí thải đạt yêu cầu. Có thể trong quá trình hoạt động cũng có các tình huống phát sinh, do đó cần được các cơ quan thẩm quyền phát hiện và chấn chỉnh. Để khẳng định các yếu tố nguy hại, cần có bằng chứng về các chất nguy hại, nồng độ các chất này cũng như quá trình thời gian. Nhà máy có trách nhiệm kiểm định và thông báo về kết quả kiểm định khói, khí thải đó có đạt yêu cầu hay không. Nếu không đạt các thông số an toàn, cần có nghiên cứu về tác động của các chất độc hại đối với môi trường, sức khỏe người dân. PGS-TS Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết: “Theo các nghiên cứu, các yếu tố bên ngoài như hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, thuốc lá… chiếm hơn 80% nguyên nhân gây ung thư. Trong trường hợp như báo nêu, cần có nghiên cứu phân tích xác định chất tồn tại trong khói bụi do nhà máy thải ra, tìm kiếm xem có chất nào đã được chứng minh là gây ung thư đang phát thải ra môi trường dân cư hay không. Ngoài ra, cũng cần điều tra dịch tễ để biết được tỷ lệ mắc ung thư theo lứa tuổi/100.000 dân tại địa phương, từ đó có con số so sánh với tỷ lệ mắc trung bình để biết được số mắc, tử vong do ung thư có bất thường hay không”. Liên Châu
|
Hoàng Long