13/01/2025

Các học giả Hồi giáo công bố Thư ngỏ gửi “Nhà nước Hồi giáo”

Hơn 120 học giả Hồi giáo trên khắp thế giới đã cùng ký tên trong một bức thư ngỏ gửi cho “các chiến binh và tín đồ” của Nhà nước Hồi giáo, tố cáo tổ chức này là phi-Hồi giáo; thư ngỏ sử dụng chính các thuật ngữ của Hồi giáo.

Các học giả Hồi giáo công bố Thư ngỏ gửi “Nhà nước Hồi giáo”
 
WHĐ (28.09.2014) – Hơn 120 học giả Hồi giáo trên khắp thế giới đã cùng ký tên trong một bức thư ngỏ gửi cho “các chiến binh và tín đồ” của Nhà nước Hồi giáo, tố cáo tổ chức này là phi-Hồi giáo; thư ngỏ sử dụng chính các thuật ngữ của Hồi giáo.

Chủ yếu dựa trên kinh Koran, bức thư dài 18 trang được công bố hôm thứ Tư (24 tháng 9) vạch trần tư tưởng cực đoan của các chiến binh, những kẻ đã thẳng tay giết người và huỷ diệt trên đường tiến đến việc thiết lập một nhà nước Hồi giáo xuyên quốc gia ở Iraq và Syria.

Dù đã được dịch sang tiếng Anh, bức thư vẫn còn nghe như xa lạ với hầu hết người Mỹ, ông Nihad Awad, giám đốc điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, cho biết. Ông là người công bố bức thư này tại Washington với 10 nhà lãnh đạo phong trào cổ võ các quyền về tôn giáo và dân sự cho người Hồi giáo Hoa Kỳ.

Ông Awad cho biết bức thư viết bằng tiếng Ả Rập, sử dụng các bản văn bản tôn giáo rất cổ và trích dẫn các học giả tôn giáo cổ điển mà ISIS (từ viết tắt để chỉ tổ chức quá khích này) đã dùng để chiêu mộ các thanh niên tham gia lực lượng của họ. “Bức thư này không dành cho mọi người”.

Ông nói, ngay cả những người Hồi giáo chính thống cũng có thể thấy nó khó hiểu.

Ông cho biết bức thư nhằm là bác bỏ toàn diện, “từng điểm một”, triết thuyết của “Nhà nước Hồi giáo” và bạo lực mà nó gây ra. Các tác giả của bức thư là những nhân vật tôn giáo và trí thức nổi tiếng trong thế giới Hồi giáo, trong đó có Sheikh Shawqi Allam, đại mufti của Ai Cập, và Sheikh Muhammad Ahmad Hussein, mufti của Jerusalem và toàn Palestine.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Hồi giáo cùng nhau lên án Nhà nước Hồi giáo. Chẳng hạn vào tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hồi giáo tại Đức, ông Aiman Mazyek, đã nói với người Hồi giáo ở đây rằng họ phải lên tiếng chống lại “những kẻ khủng bố và giết người”, đó là những kẻ chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo và những kẻ đã dìm Hồi giáo “xuống bùn”.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo ủng hộ bức thư này nói rằng đây là sự một bác bỏ tư tưởng “Nhà nước Hồi giáo” chưa từng có của các học giả tôn giáo hợp tác với nhau. Bức thư được gửi tới kẻ cầm đầu tự phong của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi, và “những chiến binh và tín đồ của tổ chức  tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo”.

Trong bức thư, các chữ “Nhà nước Hồi giáo” được đặt trong ngoặc kép, và các nhà lãnh đạo Hồi giáo công bố bức thư đã đề nghị mọi người không sử dụng thuật ngữ này; vì họ nói nó thể hiện thứ logic vô căn cứ của nhóm này, logic ấy cho rằng nó đang bảo vệ các quốc gia Hồi giáo trước những ngoài Hồi giáo và đang phục hồi Khilafa – là nhà nước do một nhà lãnh đạo Hồi giáo xưa kia đã từng kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở Trung Đông.

“Xin đừng gọi họ là ‘Nhà nước Hồi giáo’, bởi vì họ không phải là một nhà nước và họ không phải là một tôn giáo”, ông Ahmed Bedier, một người Hồi giáo, phát biểu. Ông là Chủ tịch Liên hiệp Tiếng nói Hoa Kỳ, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm khuyến khích các nhóm dân tộc thiểu số tham gia vào đời sống dân sự.

Tổng thống Obama cũng đưa ra quan điểm tương tự, khi dùng từ viết tắt ISIL để gọi nhóm này: “nhóm được gọi là ISIL” trong bài phát biểu tại Liên hiệp quốc hôm thứ Tư trước đó. Trong bài phát biểu, ông Obama cũng phân biệt nhóm này với Hồi giáo.

Kể ra những tội ác của tổ chức này: hiếp dâm phụ nữ hàng loạt, bắn chết trẻ em, gây ra nạn đói cho các nhóm tôn giáo thiểu số, ông Obama kết luận: “Không có Thiên Chúa nào dung túng loại khủng bố này”.

Sau đây là tóm tắt các điểm chính trong bức thư nói trên:

1. Hồi giáo cấm công bố các fatwa (phán quyết dựa trên đức tin Hồi giáo) mà không có tất cả những kiến thức đòi hỏi cần có. Ngay cả các fatwa cũng phải tuân theo nguyên lý pháp luật Hồi giáo theo quy định tại các văn bản cổ điển. Hồi giáo cũng cấm trích dẫn một phần của một câu trong Kinh Koran để đưa ra một phán quyết mà không xem xét mọi điều Kinh Koran và Hadith dạy liên quan đến vấn đề đó. Nói cách khác, có những điều kiện tiên quyết chủ quan và khách quan rất chặt chẽ cho fatwa, và không được phép “trích riêng” câu nào trong Kinh Koran để lập luận cho hợp lý mà không xét đến toàn bộ Kinh Koran và Hadith.

2. Hồi giáo cấm đưa ra phán quyết pháp lý về bất cứ điều gì mà không nắm vững ngôn ngữ Ả Rập.

3. Hồi giáo cấm đơn giản hóa các vấn đề Shari’ah (luật Hồi giáo) mà không xét đến các khoa học Hồi giáo chính thức.

4. Hồi giáo cho phép [các học giả] có ý kiến khác về các vấn đề, ngoại trừ những nguyên tắc cơ bản của tôn giáo mà tất cả các người Hồi giáo phải biết.

5. Hồi giáo cấm làm ngơ thực tế của thời hiện đại khi đưa ra các quyết định pháp lý.

6. Hồi giáo cấm giết người vô tội.

7. Hồi giáo cấm giết các sứ giả, đại sứ, các nhà ngoại giao; do đó không được phép giết các nhà báo và nhân viên cứu trợ.

8 Jihad trong Hồi giáo là chiến tranh tự vệ. Không được phép tiến hành Jihad mà không có nguyên nhân đúng đắn, mục đích đúng đắn và các luật lệ đúng đắn.

9. Hồi giáo cấm tuyên bố người nào là không phải Hồi giáo, trừ khi ông/anh (hay bà/chị) ấy công khai tuyên bố họ không tin.

10. Hồi giáo cấm làm hại hoặc ngược đãi –bằng bất cứ cách nào– các Kitô hữu hoặc “Dân tộc của Thánh Kinh” nào.

11. Bắt buộc phải coi người Yazidis là Dân tộc của Thánh Kinh.

12. Hồi giáo cấm tái lập chế độ nô lệ. Chế độ này đã bị bãi bỏ theo sự đồng thuận chung.

13. Hồi giáo cấm cưỡng bách cải đạo.

14. Hồi giáo cấm phủ nhận quyền của phụ nữ.

15. Hồi giáo cấm phủ nhận quyền của trẻ em.

16. Hồi giáo cấm ban hành hình phạt pháp lý (hudud) mà không theo đúng thủ tục để bảo đảm sự công bằng và lòng thương xót.

17. Hồi giáo cấm tra tấn.

18. Hồi giáo cấm hành xác người chết.

19. Hồi giáo cấm gán hành vi xấu xa cho Thiên Chúa.

20. Hồi giáo cấm triệt hạ mồ mả và đền thờ của nhà Tiên tri và Các bạn.

21. Hồi giáo cấm nổi dậy bằng vũ trang vì bất cứ lý do nào khác hơn là vì người lãnh đạo minh nhiên không tin và không cho phép mọi người cầu nguyện.

22. Hồi giáo cấm tuyên bố một Khilafa mà không cần được tất cả các tín đồ Hồi giáo đồng thuận.

23. Hồi giáo cho phép trung thành với tổ quốc của mình.

24. Sau khi Vị Tiên Tri qua đời, Hồi giáo không đòi buộc người nào phải di cư đến bất cứ đâu.

(Lauren Markoe, huffingtonpost.com)