14/01/2025

Bài 2: Môn Kitô học ứng dụng: Công việc nên làm mỗi ngày

Mỗi ngày chúng ta nên có một chương trình sống với những công việc quen làm, từ lúc thức dậy cho đến cuối ngày sống, lúc đi ngủ đêm. Bạn có thể chọn các việc quen làm sau đây.

 Bài 2: Môn Kitô học ứng dụng

Công việc nên làm mỗi ngày

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 

Nhiều người chúng ta coi thường ngày sống của mình và của người khác. Ta sống tuỳ tiện, mặc cho hoàn cảnh đẩy đưa: ăn giờ nào cũng được, ngủ nghỉ giờ nào cũng xong, bạn bè đến chơi lúc nào cũng quý. Vì thế mà ta thiếu sự điều độ, lãng phí nhiều thời giờ, mất nhiều sức lực, không phát huy trọn vẹn khả năng và ân sủng Chúa ban. Chúng ta cần biết tổ chức và quản lý đời sống để có thể thống nhất đời sống của mình trong Chúa Giêsu Kitô.

 

Lập chương trình ngày sống

Mỗi ngày chúng ta nên có một chương trình sống với những công việc quen làm có thời điểm rõ ràng, từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ đêm. Thí dụ: 5g00: Thức dậy; 6g30: Ăn điểm tâm; 10g00: Ngủ đêm; …. Khi lập chương trình sống bạn nên tôn trọng vài nguyên tắc như cần phải phát triển toàn diện con người, tôn trọng khoa tâm sinh lý và luôn biết thích nghi.

Bạn có thể viết chương trình ngày sống lên một mảnh bìa cứng, treo gần chỗ bạn ngồi học hay làm việc để nhắc nhớ mình.

Nếu bạn là tín hữu giáo dân, bạn có thể chọn các việc quen làm sau đây. Nếu bạn là linh mục, tu sĩ hay có sứ mạng đặc biệt, bạn có thể thêm các công việc riêng theo ơn gọi của mình.

1. Dâng ngày sống cho Chúa

Giống như Chúa Giêsu dành buổi sáng sớm, đi vào nơi thanh vắng để gặp gỡ Chúa Cha là nguồn lực của Người, ngay khi vừa thức dậy bạn nên quỳ gối để dâng ngày sống cho Chúa trước khi đánh răng, rửa mặt hay tập thể dục.

Trong tư cách là đầy tớ trung thành của Thiên Chúa, người chủ tuyệt đối, là người lính can trường của chủ tướng tối cao, là người hành khất Kitô của bang chủ Giêsu, bạn dâng lên Chúa mọi hoạt động trong ngày để xin Ngài chúc phúc, ban sinh lực và hướng dẫn làm theo ý Chúa và mưu ích cho mọi người.

Thực hành: học thuộc Kinh Dâng Ngày. Bạn đừng quên khi bạn cầu theo ý Đức Giáo Hoàng là mỗi ngày bạn được hưởng 1 ơn đại xá đấy.

2. Thở khí tự nhiên và siêu nhiên

Trong đời sống thường ngày chúng ta ít quan tâm đến khí thở và chưa phát huy được sự sống kỳ diệu cả về lĩnh vực tự nhiên lẫn siêu nhiên vì chưa ý thức được tầm quan trọng của khí thở.

Chúng ta biết trái tim nằm ở vị trí trung tâm để bơm máu đỏ đến từng tế bào rồi lại chuyển dòng máu đen về tim. Dòng máu ấy cũng được bơm lên đầu để bộ thần kinh trung ương phát lệnh cho các bộ phận hoạt động cũng như giúp cho trí óc ta có thể suy nghĩ, cảm nhận và diễn tả qua các giác quan. Dòng máu từ tim đó chỉ có thể đỏ mãi trong suốt cuộc đời nhờ có buồng phổi chuyển khí oxy từ khí trời vào tế bào và đem khí carbonic của tế bào ra ngoài khí trời.

Từ việc thở khí tự nhiên hết sức cần thiết để cơ thể hoạt động, chúng ta sẽ hiểu ra tầm quan trọng của khí siêu nhiên và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời tín hữu cũng như trong Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội.

Chúng ta có thể dành mỗi ngày chừng 5, 10 phút tập thở thần khí khi ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm thư giãn trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ tối. Ta hít vào từ từ bằng mũi, thể xác ta hít dưỡng khí vào thì tinh thần cũng hít thần khí vào. Ta hãy tưởng tượng một luồng khí mãnh liệt của Chúa đi vào trong con người mình, đi từ đỉnh đầu, chạy dọc theo xương sống và lan toả khắp người. Đó là thần khí Đức Kitô ban cho chúng ta, thần khí của tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng. Chúng ta có thể nói thầm với Chúa Giêsu khi hít vào: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thần Khí của Chúa cho con”.

Rồi khi thở ra từ từ bằng miệng: thể xác ta thở thán khí, tinh thần đẩy tà khí, uế khí ra ngoài.

Uế khí là những khí dơ của tinh thần: buồn phiền, chán nản, giận hờn, thất vọng, ghen tương, sợ hãi…và  tất cả những gì tiêu cực trong con người ta. Vừa thở ra ta vừa nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin xua đuổi tà khí ra khỏi con”. Mỗi lần thở như thế là ta thanh tẩy tinh thần mình để bỏ đi những gì xấu xa trong lòng ta.

Thực hành:

– Đo lượng khí thở cho mình (x. Bài 13: Thở được Thần Khí của Chúa Kitô trong cuốn Cẩm Nang Tân Phúc Âm Hoá, tr. 164).

– Đo lượng Oxy trong máu.

– Tập thở khí tự nhiên và siêu nhiên.

3. Đẹp người, đẹp nết

Chúa của chúng ta là nguồn của mọi vẻ đẹp trong thiên nhiên, vũ trụ và con người. Bạn là con cái của Ngài nên bạn phải đẹp từ trong ra ngoài. Vẻ đẹp của bạn là sự hài hoà của tâm hồn và thể xác. Vì thế, bạn hãy tu thân luyện đức để có tâm hồn đẹp cũng như ăn uống điều độ, ăn mặc đứng đắn với quần áo sạch sẽ, tập thể dục, chơi thể thao, luôn mỉm cười để chia sẻ niềm vui Phúc Âm, luôn biết chào hỏi lễ phép, nói năng lịch sự với mọi người, ân cần giúp đỡ những ai thiếu thốn, hoạn nạn,… Bạn sẽ thấy nơi mình toát ra một vẻ đẹp lạ lùng và vầng hào quang kỳ diệu thu hút mọi người, mọi vật quanh bạn.

Thực hành:

– Tập bắt tay. Bạn bắt tay với đôi mắt nhìn thẳng vào người đối diện, tay nắm chặt vừa phải, đầu hơi cúi hay nghiêng mình nếu bạn là người dưới, miệng hơi mỉm cười thân thiện.

– Bạn có để ý đến quần áo mình mặc, như màu sắc, kiểu đáng tương phản hay hài hoà hoặc bạn cho rằng mặc gì cũng được miễn sao sạch sẽ là đủ?

4. Mỉm cười với chính mình

Khi bạn soi gương để chải tóc, trang điểm trước khi đi làm, đi học, đi chơi, bạn hãy mỉm cười với chính mình trong gương và giữ nụ cười đó trong suốt ngày sống để chia sẻ niềm vui Phúc Âm cho mọi người bạn gặp.

Tha nhân chính là hình ảnh bạn phản chiếu qua tấm gương: bạn cười với nó thì nó cười với bạn. Bạn nhăn mặt, cau mày với nó, nó làm thế với bạn! Muốn đạt được mối tương quan tốt và thành công trong đời, bạn hãy giữ lòng vui và mỉm cười với mọi người vì tất cả đều là anh em của bạn, là con cái cùng một Cha Trên Trời. Ngay cả khi bạn gặp tấm gương phù thuỷ, bạn cười mà hình trong gương lại nhăn mặt, trợn mắt với bạn, bạn cứ an tâm, vì Cha Trên Trời đã ghi nhớ nụ cười của bạn rồi.

5. Ăn uống

Bạn hãy ăn bữa điểm tâm và các bữa ăn trong ngày với tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa dựng nên muôn loài, tạ ơn bao người làm ra cơm bánh và tạ ơn muôn vật hy sinh cho ta mà nhiều người chẳng quan tâm. Thật vậy, trong bữa ăn, bao nhiêu tôm cá, rau quả, gia súc hy sinh sự sống cho ta. Chúng làm thế vì biết rằng: khi đóng góp vào sự sống của ta, chúng hy vọng cũng được chia sẻ với ta sự sống vĩnh hằng.

Thân thể của ta là phần nhỏ của 1 thân thể vô cùng lớn lao là vũ trụ này. Vì thế, ta cần phải yêu thương muôn loài thụ tạo làm nên xương thịt mình và bảo vệ môi trường sống cho thật lành mạnh và tốt đẹp.

Thực hành:

– Bạn có ăn ngon miệng hay không thích ăn vì không bao giờ cảm thấy đói?

– Bạn ăn mỗi bữa thật no hay ăn vừa đủ? Bạn có ăn đúng giờ?

– Ngay sau khi ăn bạn thường làm gì: đọc sách, xem phim đi dạo chút ít cho tiêu đồ ăn, rửa chén bát…?

6. Học hành

Là học sinh hay sinh viên, bạn đến lớp, đến trường để hoà mình với bao người đang miệt mài đi tìm sự thật của vạn vật, xã hội, con người trong mọi ngành khoa học kỹ thuật để làm cho đời sống tốt đẹp và phong phú hơn.

Có thể bạn ngại ngùng, chán nản vì những giờ học khô khan, nặng nề, vì những bài tập, bài làm khó giải. Nhưng xin bạn hãy nghĩ đến 6,7 triệu người mù què câm điếc bại não… ở Việt Nam và hàng trăm triệu người kém may mắn như thế trên khắp thế giới. Họ muốn học như bạn mà không thể được. Nhiều người phải dùng chân để viết, phải dùng tay để dò từng con chữ. Bạn hãy cố gắng học cho mình và học thay cho họ.

Tương lai gia đình nhân loại tuỳ thuộc phần nào vào bài học hôm nay của bạn đấy! Tương lai ấy chỉ thật sự tươi sáng nếu bạn trung thực trong bài làm, bài thi thay vì quay cóp của bạn bè hay sách vở vì bạn chỉ đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Thực hành:

– Bạn đang đi học hay đã nghỉ học?

– Bạn nghĩ mình có thể trau dồi kiến thức qua các môn tự học? Bạn chọn môn học nào?

7. Làm việc

Ngày sống mới bắt đầu với những công việc bạn làm trong các lĩnh vực và môi trường khác nhau để xây dựng và phát triển đời sống con người. Như thế là bạn đang cộng tác với Đấng Tạo Hoá để làm chủ muôn loài. Người nông dân đã ra đồng từ tờ mờ sáng chăm bón cho cây lúa đơm bông. Chị công nhân đã vào ca dệt chuẩn bị cho những áo quần bạn mặc. Chẳng ai muốn ăn bám người khác như những loài giun sán trong bụng dạ con người. Vì thế lao động của bạn vừa là ơn ban của Đấng Tạo Hoá vừa là nghĩa vụ bạn đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc và nhân loại. Vậy xin bạn hãy làm việc với tất cả tình yêu và trách nhiệm làm người!

Thực hành:

– Bạn đang làm việc gì? Hay thất nghiệp?

– Nếu thất nghiệp, bạn có thể làm việc gì ích lợi thay cho các giờ nhàn rỗi?

8. Nghỉ ngơi – giải trí

Những giờ phút nghỉ ngơi giải trí rất cần để thư giãn tinh thần, tái tạo sức lao động. Vậy bạn hãy chọn lựa những cách nghỉ ngơi giải trí có hiệu quả tốt cho sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần của bạn. Đừng để những bạn bè xấu lôi kéo vào những thói nghiện ngập nguy hại: rượu bia, cờ bạc, phim ảnh đồi truỵ, trò chơi trực tuyến, sách truyện ngôn tình… trong những quán ăn trá hình, tiệm massage, phòng trọ đầy cạm bẫy.

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp ở khắp miền đất nước và nhiều khi bạn chẳng cần phải du lịch nước ngoài mới học được “sàng khôn”. Con người và vạn vật luôn là những mầu nhiệm ở ngay trong tầm tay bạn để bạn khám phá, tìm được sự nghỉ ngơi và thư giãn tâm hồn nếu lòng bạn chứa đầy tình yêu và mở ra với muôn loài!

Thực hành: Bạn giải trí cách nào? Nghe nhạc, đọc truyện, xem phim, đi dạo, Shopping để mua sắm hay chi đi xem cho vui,, chơi tem hay thu thập các đồ vật khác, …?

9. Tương quan xã hội

Tương quan xã hội được diễn tả bằng các lần thăm viếng, các buổi gặp gỡ bạn bè, đi chơi chung với nhau, thư từ liên lạc và nhất là qua bữa ăn chung mỗi ngày của gia đình. Thời nay nhiều bạn trẻ đánh mất các mối tương quan này khi lúc nào cũng ôm kè kè chiếc máy vi tính hay Ipad, Iphone. Họ lướt web rất nhanh, dùng internet rất thạo để nối kết với bạn bè trên khắp thế giới, nhưng lại bỏ quên và đánh mất chính người thân sống trong cùng một mái nhà, người bạn làm chung 1 phòng. Bạn đừng biến nhà bạn, cộng đồng bạn sống thành quán trọ, quán ăn khi sống vô tình, xa lạ với nhau, nhưng thành một gia đình yêu thương vì trái đất này là mái nhà chung của mọi người..

Thực hành:

– Thử liệt kê danh sách những người bạn năng lui tới, thăm viếng, “chat” trên Internet. Có người nào làm cho bạn lãng phí thời giờ?

– Trung bình mỗi ngày hay mỗi tuần,  bạn mất bao nhiêu giờ hay phút cho các mối tương quan này? Bạn có tốn tiền  nhiều cho các mối tương quan này ?Bạn đổi mới đời sống thế nào?

10. Thể dục thể thao

Chúa chúng ta là nguồn đẹp nên bạn phải đẹp cả thể xác lẫn tinh thần. Thể dục thể thao giữ cho thân xác bạn gọn gàng, mạnh mẽ; tinh thần nhanh nhẹn, trẻ trung để có sức khoẻ hoàn thành ý Chúa và phục vụ mọi người. Vì thế, bạn nên cố gắng vận động, tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày hay mỗi tuần một vài giờ.

Thực hành:

– Vài thế tập thể dục cho khoẻ bộ phân tiêu hoá, bài tiết, sinh dục và để kiểm soát cột sống.

– Bạn đã từng chơi môn thể thao nào? Bạn có đang tập thể dục hay vận động mỗi ngày? Bao nhiêu phút?

11. Tổng kết ngày sống

Vào giây phút cuối ngày, bạn nên dành vài phút để nhìn lại ngày sống như một doanh nhân tính sổ mua bán, xem lời lỗ thế nào hoặc rút kinh nghiệm cho một biến cố hay sự kiện trong ngày.

Bạn nên có một lịch bàn và ghi cách vắn tắt các sự kiện, công việc, chi tiêu, hoạt động trong ngày để dễ dàng làm tổng kết khi tĩnh tâm tháng. Lịch bàn là phương thức quản lý tốt nhất giúp bạn sử dụng hiệu quả thời giờ, nguồn lực. Bạn chỉ cần 1,2 phút là có thể ghi lại các hoạt động chính trong ngày. Thí dụ: – TL + (Thánh lễ sốt sắng); XT (xưng tội), Anh 2g (học Anh ngữ 2 g); K, Tuyển, mượn sách, 15’ (tiếp khách, bạn Tuyển đến mượn sách, 15 phút); kem, 30k (ăn kem với bạn, tiêu 30.000đ).

Bạn hãy dành một phút để nói lên lời cám ơn với Chúa, với Đức Mẹ, các thần thánh vì bao ơn lành nhận được; xin lỗi Chúa vì những lầm lỗi, thiếu sót và xin Ngài chúc lành cho công việc dự định sẽ làm ngày mai. Bạn có thể ghi ngay việc phải làm ngày mai trên đầu trang lịch mới để dễ nhớ.

Thực hành:

– Cách ghi trên lịch để bàn vào cuối ngày.

– Đọc Kinh Cám Ơn

12. Ngủ đêm

Giấc ngủ đêm rất cần để bạn hồi phục sức khoẻ toàn diện nhưng nhiều người lại ngăn cản giấc ngủ do bộ não bị xáo trộn bởi những phim ảnh đồi truỵ, trò chơi căng thẳng, tiếng nhạc đinh tai nhức óc trước khi ngủ. Một số người phải tìm đến men rượu, lon bia để dỗ giấc ngủ nhưng chẳng ngủ dễ dàng. Nhiều người khác phải dùng đến thuốc an thần, thuốc ngủ. Bạn không cần làm như họ.

Thật ra, ngủ không phải là chỉ nhắm mắt, thiếp đi, nhưng đó là sự thư giãn thần kinh. Người ta có thể đo nó bằng điện não đồ với những bước sóng dài rộng, thay vì bước sóng ngắn, hẹp, dồn đập khi bộ não hưng phấn. Nhiều người ngủ nhưng điện não đồ cho thấy họ không thư giãn. Để làm cho tâm trí thật thanh thản, thoải mái trước khi ngủ, bạn có thể thở Thần Khí trong vòng 5-10 phút trên giường.

Bạn đừng quên “chúc ngủ ngon” cho người thân yêu trong gia đình.

Thực hành:

– Bạn có ngủ ngon giấc? Trước khi ngủ bạn thường làm gì? Khi không ngủ được bạn thường làm gì để dỗ giấc ngủ?

– Khi ngủ bạn nằm nghiêng một bên hay nằm thẳng?

 

– Bạn có ôm gối khi ngủ? Có đóng kín cửa sổ hay để cho thoáng khí? Bạn luôn bật máy lạnh khi ngủ?