16/01/2025

Thiên Chúa cần tiếng xin vâng của chúng ta

Dụ ngôn hai người con được cha sai đi làm vườn nho: người thứ nhất nói thưa “không”, nhưng sau đó lại thi hành ý cha mình; người thứ hai thưa “có”, nhưng rồi lại không làm. Đàng sau hai người con này, một cách huyền nhiệm nào đó, còn có người con thứ ba. Người con trai thứ ba thưa “vâng” và làm ngay điều cha dạy…

 

Thiên Chúa cần tiếng xin vâng của chúng ta

Tông du Đức, 22-25/9/2011
Thánh lễ tại Phi trường Freiburg im Breisgau
Chúa Nhật XXVI TN, 25/9/2011

Anh chị em thân mến,

Tôi hết sức cảm động được cử hành Thánh Thể, Bí tích Tạ ơn, nơi đây với biết bao người đến từ các miền khác nhau của nước Đức và các quốc gia lân cận. Trước tiên, chúng ta muốn dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa, Đấng mà trong Ngài chúng ta sống và chuyển động và hiện hữu (x. Kh 17,28). Nhưng tôi cũng muốn cảm ơn tất cả anh chị em đã cầu nguyện cho người kế vị Phêrô, để người có thể thi hành thừa tác vụ của mình trong niềm vui và hy vọng vững chắc và kiên vững anh em mình trong đức tin.

“Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” chúng ta đã cầu nguyện như thế trong lời nguyện nhập lễ của Thánh lễ hôm nay. Trong bài đọc I, chúng ta đã nghe Thiên Chúa biểu lộ quyền năng lòng nhân từ của Ngài như thế nào trong lịch sử dân Israel. Kinh nghiệm về cuộc lưu đày tại Babilon đã làm cho toàn dân phải rơi vào một cuộc khủng hoảng đức tin lớn lao: tại sao nỗi bất hạnh này lại xảy ra? Có phải vì Thiên Chúa không thật sự tuyệt đối toàn năng?

Có một số nhà thần học, khi đối diện với tất cả những điều khủng khiếp xảy ra trên thế giới ngày hôm nay, đã nói rằng có lẽ Thiên Chúa không thể tuyệt đối toàn năng. Để trả lời cho vấn đề này, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng sáng tạo nên trời và đất. Và chúng ta cảm thấy vui mừng và biết ơn vì Ngài toàn năng. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng ý thức rằng Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài hoàn toàn khác với cách chúng ta thường làm. Thiên Chúa đặt một giới hạn đối với sức mạnh của Ngài, khi Ngài nhìn nhận tự do của tạo vật do Ngài sáng tạo. Chúng ta vui mừng và biết ơn Chúa đã ban cho chúng ta tự do. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy những điều khủng khiếp xảy đến do tự do của con người, thì chúng ta cảm thấy kinh hãi. Hãy đặt niềm tin  vào Thiên Chúa, Ngài biểu lộ quyền năng cách đặc biệt qua lòng nhân từ và sự tha thứ. Anh chị em tín hữu thân mến, hãy tin chắc rằng Thiên Chúa muốn cho dân của Ngài được cứu rỗi. Ngài muốn cho chúng ta được cứu rỗi, muốn cho tôi, muốn cho mỗi người được rỗi. Ngài luôn ở gần chúng ta đặc biệt trong những giờ nguy biến và thay đổi lớn lao, và quả tim Ngài đau đớn vì chúng ta, Ngài đến gần chúng ta. Chúng ta phải mở rộng lòng đón tiếp Ngài, để sức mạnh lòng nhân từ của Ngài có thể tác động con tim của chúng ta. Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ điều xấu, phải cởi bỏ tính lãnh đạm và mở lòng đón nhận Lời Chúa. Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài không cưỡng ép chúng ta. Ngài chờ chúng ta nói lên tiếng “xin vâng”, và có thể nói được rằng Ngài xin chúng ta cho Ngài tiếng xin vâng đó.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu lấy lại chủ đề cơ bản trong lời rao giảng của các tiên tri. Người kể dụ ngôn hai người con được cha sai đi làm vườn nho. Người con thứ nhất trả lời: “‘Con không muốn đi’. Nhưng sau đó hối hận và đi làm” (Mt 21,29). Còn trái lại, người con khác thưa với cha: ‘Vâng con đi, thưa cha!’ nhưng “anh lại không đi” (Mt 21,30). Khi được Đức Giêsu hỏi ai trong hai người con nghe lời cha, thì cử toạ đã trả lời ngay: “Người con thứ nhất” (Mt 21,31). Sứ điệp của bài dụ ngôn thật rõ ràng: lời nói không quan trọng, mà chính là hành động, những hành động hối cải và những hành động đức tin. Như chúng ta đã nghe, Đức Giêsu hướng sứ điệp này vào các đại tư tế và các bậc kỳ lão trong dân Israel, nghĩa là những chuyên gia tôn giáo trong dân của Người. Họ là những người trước tiên nói lên tiếng “xin vâng” với ý Chúa. Nhưng tình cảm tôn giáo của họ đã trở thành lề quen thói cũ, và Thiên Chúa không còn làm cho họ phải lo lắng nữa. Chính vì thế họ cảm thấy sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và sứ điệp của Đức Giêsu như một cái gì đó quấy rầy họ. Do đó, Chúa kết luận dụ ngôn của Người bằng những lời mạnh mẽ sau đây: “Những người thu thuế và các cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Bởi vì Gioan Tẩy Giả đã đến chỉ đường công lý cho các ông, nhưng các ông đã không tin vào ngài; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin ngài. Về phần các ông, thậm chí sau khi đã thấy vậy rồi, các ông cũng không chịu ăn năn hối cải mà tin ngài” (Mt 21,31-32). Nếu được diễn tả theo ngôn ngữ ngày nay, câu nói này có thể tương ứng ít nhiều như sau: những người theo thuyết bất khả toàn tri, khi bàn luận về Thiên Chúa, thì không hề tìm được bình an; còn những người đau khổ vì đã phạm tội và ao ước có một tâm hồn trong sạch, thì gần Nước Thiên Chúa hơn những tín hữu sống theo “lề quen thói cũ” và những người chỉ hoàn toàn nhìn Giáo Hội như một cơ cấu mà không để cho Giáo Hội tác động đến tâm hồn họ, cũng như không hề để cho đức tin tác động tâm hồn họ.

Như thế, những lời nói này phải làm cho tất cả chúng ta dừng lại và suy nghĩ, trong thực tế, những lời nói đó làm cho chúng ta phải lo âu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những ai sống trong Giáo Hội và làm việc cho Giáo Hội đều bị xem là sống xa Đức Giêsu và sống xa Nước Chúa. Tuyệt đối không phải thế! Trái lại, đây chính là lúc ta phải bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với vô số cộng sự viên, nhân viên và tình nguyện viên, mà nếu không có họ thì ta khó mà tưởng tượng được đời sống trong các giáo xứ và trong toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội tại Đức có nhiều tổ chức xã hội và bác ái, mà qua đó, tình yêu đối với tha nhân được thể hiện dưới nhiều hình thức mang lại những lợi ích về mặt xã hội và vươn rộng đến tận cùng bờ cõi trái đất. Đối với tất cả những ai dấn thân làm việc trong tổ chức Caritas Đức, hay trong những tổ chức khác, hay quảng đại dùng thời giờ và sức lực của mình làm công tác thiện nguyện trong Giáo Hội, vào giờ phút này, tôi muốn biểu lộ lòng biết ơn và đánh giá cao. Trước tiên, việc phục vụ như thế đòi hỏi sự thành thạo khách quan và nghề nghiệp. Nhưng theo tinh thần giáo huấn của Đức Giêsu, thì còn có một cái gì đó cần thiết hơn: một con tim để cho tình yêu của Đức Kitô tác động, và như thế, mang lại cho tha nhân đang cần ở chúng ta một cái gì đó lớn lao hơn một sự phục vụ mang tính kỹ thuật: đó là tình yêu, mà qua đó, người anh em của chúng ta có thể thấy được Đức Kitô, Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta hãy tự vấn, dưới ánh sáng của bài Phúc Âm hôm nay: mối tương quan cá nhân của tôi với Thiên Chúa trong kinh nguyện, trong việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật, trong việc đào sâu đức tin bằng cách suy niệm Lời Chúa và học hỏi Giáo lý của Giáo hội Công giáo như thế nào? Các bạn thân mến, việc canh tân Giáo Hội rốt cuộc chỉ có thể thực hiện được bằng tâm hồn sẵn sàng hoán cải và bằng một đức tin được đổi mới.

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, như chúng ta đã thấy, nói đến hai người con trai, tuy nhiên, đàng sau hai người con này, một cách huyền nhiệm nào đó, còn có người con thứ ba. Người con trai thứ nhất nói thưa cha “không”, nhưng sau đó lại thi hành ý cha mình. Còn cậu con trai thứ hai thì thưa “có”, nhưng rồi lại không làm điều cha truyền. Người con trai thứ ba thưa “vâng” và làm ngay điều cha dạy. Người con trai thứ ba này chính là Người Con độc nhất của Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã quy tụ tất cả chúng ta về nơi đây. Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã thưa: “Lạy Chúa, này con xin đến […], để thực thi ý Chúa” (Hr 10,7). Đức Giêsu không những nói “vâng”, mà Người còn hành động theo tiếng “xin vâng” này, và Người đã chịu đau khổ, thậm chí cho đến chết trên cây thập tự. Như Thánh thi Kitô học trong bài đọc II nói: “Phận là Thiên Chúa, Người không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; mà trái lại, Người đã hoàn toàn tước bỏ vinh quang mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân, và sống như người trần thế, Người lại còn tự hạ vâng lời cho đến chết, và chết trên cây Thập giá” (Pl 2,6-8). Khi sống khiêm nhường và vâng lời, Đức Giêsu đã chu toàn Thánh ý Chúa Cha, Người đã chết trên cây thập tự cho anh chị em mình – cho chúng ta – và Người đã cứu chúng ta khỏi tính kiêu ngạo và sự bướng bỉnh. Hãy cảm ơn Chúa đã hy sinh cho chúng ta, hãy gối quỳ trước Thánh Danh Người, và cùng với các môn đệ của thế hệ đầu tiên tuyên xưng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa – để làm vinh danh Thiên Chúa Cha” (Pl 2,10).

Ta phải luôn đo lường cuộc đời Kitô hữu theo Đức Kitô: “Giữa anh em với nhau hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5), Thánh Phaolô đã viết như thế trong phần dẫn nhập vào Thánh ca Kitô học. Và trước đó một vài câu, thánh nhân đã khuyến khích chúng ta: “Nếu quả thật trong Đức Kitô chúng ta uỷ lạo nhau, nếu chúng ta khuyến khích nhau trong tình bác ái, nếu chúng ta hiệp thông với nhau trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì để cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, xin anh em hãy có cùng một cảm nghĩ, có cùng một tình yêu, có cùng một tâm hồn; hãy tìm kiếm sự hợp nhất” (Pl 2,1-2). Cũng như Đức Kitô hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha và vâng lời Ngài, thì cũng thế, những môn đệ của Đức Kitô cũng phải vâng lời Thiên Chúa và có cùng một cảm nghĩ như nhau. Các bạn thân mến, cùng với Thánh Phaolô, tôi cũng dám khuyến khích anh em: hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn khi anh em kết hợp khăng khít với Đức Kitô! Giáo Hội tại Đức sẽ vượt qua những thách đố lớn lao của hiện tại và tương lai, và vẫn là men trong xã hội, nếu các linh mục, những người sống đời thánh hiến và những tín hữu giáo dân trung thành với ơn gọi riêng của mình, cùng nhau làm việc trong sự hợp nhất; nếu các giáo xứ, các cộng đoàn và các phong trào nâng đỡ nhau và giúp cho nhau được phong phú hơn; nếu những người đã được rửa tội và thêm sức, cùng hợp nhất với giám mục của mình, giơ cao ngọn đuốc đức tin tinh tuyền, và để cho ngọn đuốc đức tin khai sáng kiến thức phong phú và kỹ năng của mình. Giáo Hội tại Đức sẽ tiếp tục là ơn phúc cho toàn thể cộng đoàn Công giáo trên thế giới, nếu Giáo Hội này biết trung thành liên kết với những người kế vị Thánh Phêrô và các tông đồ, nếu Giáo Hội này tăng cường hợp tác, dưới nhiều hình thức khác nhau, với các nước truyền giáo, và để cho niềm vui đức tin của các Giáo Hội non trẻ này “chinh phục” mình.

Cùng với lời khuyên hợp nhất, Thánh Phaolô cũng kêu gọi mọi người sống khiêm nhường, ngài nói: “Đừng bao giờ dùng mánh khoé hay huyên hoang tự đắc, nhưng hãy sống khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình. Ước gì mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,3-4). Cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống vì người khác: một hữu thể cho người khác, một sự dấn thân khiêm nhường cho tha nhân và công ích. Các tín hũu thân mến, khiêm nhường là một nhân đức, mà trong thế giới hôm nay, và cách chung trong mọi thời đại, không được người ta coi trọng là bao nhiêu. Nhưng người môn đệ của Chúa thì biết rằng nhân đức này là dầu, nếu ta có thể nói được như thế, làm cho tiến trình đối thoại đạt được nhiều thành quả, làm cho sự hợp tác khả thi và sự hợp nhất trở nên chân thành. Từ Latinh Humilitas [khiêm nhường] bắt nguồn từ chữ humus [đất] và biểu thị sự gần gũi đất, thực tế. Những ai khiêm nhường đứng vững trên đôi chân đạp đất, nhưng tiên vàn họ lắng nghe Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng không ngừng canh tân Giáo Hội và mỗi thành viên của Giáo Hội.

Hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và khiêm nhường để bước đi trên con đường đức tin, để kín múc nơi lòng thương xót vô biên của Ngài và chú mục vào Đức Kitô, Ngôi Lời, Đấng đổi mới mọi sự, và là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) cho chúng ta; người là tương lai của chúng ta. Amen.