16/01/2025

Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới và trợ giúp người di dân tị nạn

VATICAN – ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu sống tinh thần của Giáo Hội như người mẹ, để quảng đại liên đới, đón nhận và giúp đỡ những người di dân và tị nạn.

Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới và trợ giúp người di dân tị nạn
 
VATICAN – ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu sống tinh thần của Giáo Hội như người mẹ, để quảng đại liên đới, đón nhận và giúp đỡ những người di dân và tị nạn.

Trên đây là nội dung nòng cốt sứ điệp của ĐTC công bố ngày 23-9-2014, nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 18-1-2015, với chủ đề “Giáo Hội không biên giới: Mẹ của tất cả mọi người”.

Sứ điệp được ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Mục vụ Di dân và Người lưu động, giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh.

ĐTC viết: “Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người, phổ biến trên thế giới nền văn hóa đón tiếp và liên đới, theo đó không một ai bị coi là vô ích, ở ngoài lề hoặc bị gạt bỏ. Nếu cộng đồng Kitô sống thực chức phận làm mẹ của mình, thì sẽ nuôi dưỡng, định hướng và chỉ đường, kiên nhẫn tháp túng, trở nên gần gũi qua việc cầu nguyện và trong các hoạt động từ bi bác ái.

ĐTC áp dụng nguyên tắc trên đây vào hiện tượng di dân và tị nạn đang lan rộng trên thế giới ngày nay: bao nhiêu người phải bỏ nguyên quán, thực hiện cuộc du hành hy vọng với nhiều rủi ro nguy hiểm, với một hành lý đầy ước muốn và sợ hãi, đi tìm kiếm những điều kiện sống nhân bản hơn. Nhưng nhiều khi làn sóng di dân ấy khơi lên sự ngờ vực và đố kỵ, cả trong các cộng đồng Kitô…”

ĐTC nhận xét rằng những nghi ngờ và thành kiến là điều trái ngược với giới răn của Kinh Thánh dạy phải tôn trọng đón tiếp và liên đới với người ngoại kiều túng thiếu… Trong tình cảnh đó, “lòng can đảm tin, cậy, mến, giúp thu hẹp khoảng cách giữa những thảm trạng của con người. Chúa Giêsu Kitô luôn chờ đợi được nhìn nhận trong những di dân và tị nạn, những người tản cư và lưu vong; cả trong thế giới ngày nay, Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ tài nguyên, và nhiều khi cần từ bỏ một cái gì đó trong sự sung túc mà ta đã đạt được”.

Trong sứ điệp, ĐTC cũng nhận xét: “Các phong trào di dân ngày nay ở mức độ rộng lớn đến độ chỉ có sự cộng tác có hệ thống và thực sự, trong đó có sự can dự của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, mới có thể điều hành và xử lý các phong trào ấy một cách hữu hiệu. Thực vậy, các cuộc di dân đặt câu hỏi cho tất cả mọi người, không những vì thực tại những hiện tượng ấy, nhưng còn vì những vấn đề ”xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo mà chúng khơi lên, vì những thách đố bi thảm chúng đề ra cho cộng đồng quốc gia và quốc tế.” (Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate, 62).

ĐTC xác quyết: “Đối lại sự hoàn cầu hoá hiện tượng di dân, cần phải có sự hoàn cầu hoá tình bác ái và cộng tác, để làm cho điều kiện sống của người di dân xứng với con người hơn. Đồng thời, cần tăng cường những nỗ lực để kiến tạo những điều kiện thích hợp hầu đảm bảo việc giảm bớt từ từ những nguyên do thúc đẩy cả một dân tộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh và hạn hán, nhiều khi nguyên do này gây ra những nguyên do khác. Ngoài tình liên đới với người di dân và tị nạn, cần có lòng can đảm và óc sáng tạo cần thiết để phát triển trên bình diện thế giới, một trật tự kinh tế tài chánh công bằng và liên chính hơn, cùng với sự gia tăng dấn thân xây dựng hòa bình, là điều kiện không thể thiếu được để có tiến bộ đích thực.”

ĐHY Vegliò cho biết năm ngoái (2013) trên thế giới có khoảng 232 triệu người di dân, tức là tăng hơn 77 triệu người, tương đương với 50% trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2013. (SD 23-9-2014)