28/11/2024

Ebola: trong hoang tưởng và hoảng loạn

Tại các cộng đồng nhỏ ở Tây Phi, những bi kịch vẫn đang tiếp diễn từng giờ, tước đi mạng sống con người một cách không thể hiểu nổi. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hôm 18-9, vừa thông qua nghị quyết kêu gọi các nước chi viện khẩn cấp và dỡ bỏ hạn chế di chuyển đối với các quốc gia có Ebola vì việc này cản trở nỗ lực tiếp cận và hỗ trợ vùng dịch.

 

Ebola: trong hoang tưởng và hoảng loạn

Tại các cộng đồng nhỏ ở Tây Phi, những bi kịch vẫn đang tiếp diễn từng giờ, tước đi mạng sống con người một cách không thể hiểu nổi.

Nhân viên tình nguyện đi tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em cách vệ sinh phòng dịch ở thủ đô Conakry của Guinea - Ảnh: Reuters
Nhân viên tình nguyện đi tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em cách vệ sinh phòng dịch ở thủ đô Conakry của Guinea – Ảnh: Reuters

Tám thi thể, trong đó có ba nhà báo, đã được tìm thấy bị sát hại tại một khu vực hẻo lánh vùng đông nam Guinea. Những người này bị tấn công trong lúc làm nhiệm vụ tuyên truyền về dịch Ebola cho người dân.

“Tám thi thể được tìm thấy trong nhà vệ sinh của một ngôi làng. Ba người trong số họ bị cắt ở cổ họng”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Guinea, ông Damantang Albert Camara, ngày 18-9.

Giết người vì thiếu kiến thức

Tuy nhiên, trong một thông điệp trên truyền hình, Thủ tướng Mohamed Said Fofana thông báo chỉ có bảy thi thể trong chín người mất tích được tìm thấy.

Nhóm tuyên truyền gồm quan chức địa phương, hai nhân viên y tế, một nhà thuyết giáo và ba phóng viên đã bị một đám đông tấn công bằng đá khi họ cố giảng giải về dịch Ebola. Sáu người liên quan đến vụ việc đã bị bắt.

Đài BBC cho biết một phóng viên trong nhóm đã trốn thoát được. Cô kể lại rằng trong lúc mình đang ẩn náu, đám đông vẫn tiếp tục truy lùng người sống sót sau khi đã giết nhiều người khác. Thảm kịch xảy ra vào ngày 16-9 tại làng Wome, gần thị trấn Nzerekore, nơi dịch Ebola được ghi nhận hồi tháng 3.

Cách khu vực đó không xa, hồi tháng trước đã xảy ra nhiều vụ bạo động vì dân địa phương cho rằng các nhân viên y tế, vốn đang tiến hành khử trùng khu chợ, đang lây truyền Ebola cho họ.

Tại Guinea, nhân viên y tế và nhà chức trách bị dân chúng, đa số mang tâm trạng hoảng loạn, buộc tội đã làm lây lan con virút chết người.

Các nhà hoạt động chống Ebola thường xuyên bị đe dọa tính mạng bởi dao, rựa và đá. Người dân từ chối hợp tác với chính quyền vì sợ rằng việc xét nghiệm cũng đồng nghĩa với cái chết chắc chắn.

Còn ở Liberia, một vài chính khách thậm chí còn bày tỏ nghi ngờ về mức độ của dịch Ebola. Họ cáo buộc chính phủ “làm quá lên” để kiếm tiền tài trợ từ nước ngoài.

Chính quyền địa phương tại các quốc gia vùng dịch đang tỏ ra bất lực trước nỗi sợ hãi lan rộng, vấn đề thiếu thông tin và thiếu hiểu biết trong dân chúng.

Đã có hơn 120 nhân viên y tế chết vì Ebola kể từ khi dịch bùng phát, nhưng đây là lần đầu tiên họ bị giết bởi những người họ đang cố bảo vệ.

Máu người trên chợ đen

Một mối nguy khác đang khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải lên tiếng báo động là tình trạng săn lùng mua máu người đã khỏi bệnh Ebola để làm thuốc trị bệnh trong thời điểm chưa có loại thuốc gì hữu hiệu.

Chẳng là họ tin rằng trong máu những người này có kháng thể chống lại virút Ebola nên dùng huyết thanh từ đó có thể trị được bệnh. WHO lo ngại rằng trong điều kiện vệ sinh và y tế không đảm bảo, loại máu trên có thể làm lây lan những căn bệnh chết người khác cho cộng đồng.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hôm 18-9, vừa thông qua nghị quyết kêu gọi các nước chi viện khẩn cấp và dỡ bỏ hạn chế di chuyển đối với các quốc gia có Ebola vì việc này cản trở nỗ lực tiếp cận và hỗ trợ vùng dịch.

Văn bản cũng kêu gọi các hãng hàng không, các công ty vận tải hỗ trợ giao thương và di chuyển cho các quốc gia có dịch. Một ủy ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cũng đã được thành lập để đối phó với Ebola.

Theo số liệu của WHO, kể từ lúc bùng phát dịch Ebola đã giết chết 2.630 người trong số ít nhất 5.357 người nhiễm bệnh, phần lớn tại các quốc gia như Guinea, Sierra Leone và Liberia. Dịch cũng đã lây lan đến Senegal và Nigeria.

Điều đáng báo động là một nửa số người nhiễm bệnh được phát hiện trong ba tuần gần đây, tuần mới nhất ghi nhận hơn 700 ca cho thấy dịch đang lây lan với tốc độ ngày càng tăng, WHO cho biết. Liên Hiệp Quốc cảnh báo cứ mỗi ba tuần, số ca nhiễm Ebola lại tăng gấp đôi.

Nhà khoa học Mỹ: virút Ebola sẽ không lây qua không khí

Sẽ không có nguy cơ virút Ebola biến đổi sang dạng thức lây nhiễm qua không khí, và cách tốt nhất để ngăn chặn sự biến đổi này là chấm dứt đại dịch.

Đó là quan điểm của nhà khoa học hàng đầu Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (Mỹ).

Thời gian qua, giới khoa học Mỹ đã nghiên cứu kỹ lưỡng những biến đổi của virút Ebola, nhưng sau khi xem xét tất cả các yếu tố ông Fauci cho biết mối lo về sự biến đổi của virút Ebola đã không còn là “cái khiến tôi quá bận tâm”.

Ông lý giải: chắc chắn virút liên tục biến đổi tạo ra những sai lệch trong quá trình tự sao để phát triển và lây lan. Nhưng hầu hết biến đổi đó không liên quan hay gắn kết gì với bất cứ biến đổi sinh học nào.

“Rất, rất hiếm khi các biến thể làm thay đổi hoàn toàn cách thức lây nhiễm của virút” – ông Fauci kết luận.

Nhưng ông cũng lưu ý ông không nói điều đó là không thể. “Mọi người cho rằng tôi đang xem thường loại virút đó. Tôi không nghĩ vậy” – ông nói.

D. KIM THOA