13/01/2025

Giáo Hội là công giáo và tông truyền

Khi tuyên xưng đức tin chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội công giáo và tông truyền, nghĩa là Giáo Hội đại đồng vì được phổ biến khắp nơi và được sai đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, không phân biệt ai. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17-9-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Giáo Hội là công giáo và tông truyền
 
Khi tuyên xưng đức tin chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội công giáo và tông truyền, nghĩa là Giáo Hội đại đồng vì được phổ biến khắp nơi và được sai đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, không phân biệt ai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17-9-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô.


Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích hai từ “công giáo” và “tông truyền” rồi áp dụng vào cuộc sống cụ thể của tín hữu. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ ”công giáo” bằng cách trích lại định nghĩa của thánh Cirillo thành Giêrusalem như sau:

“Giáo Hội chắc chắn được gọi là công giáo nghĩa là đạị đồng, vì sự kiện Giáo Hội được phổ biến khắp nơi từ biên giới này tới biên giới kia của trái đất; và bởi vì Giáo Hội dậy tất cả các sự thật phải đến với sự hiểu biết của con người liên quan tới các sự trên trời cũng như các sự dưới dất một cách phổ quát và không khiếm khuyết.” (Giáo lý XVIII, 33),

Dấu hiệu hiển nhiên của tính cách công giáo đó là Giáo Hội nói tất cả mọi thứ tiếng. Và điều này không gì khác hơn là kết qủa của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 2,1-13): thật thế, chính Chúa Thánh Thần đã cho các Tông Đồ và toàn Giáo Hội làm vang lên Tin Mừng của ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, ngay từ đầu đã là ”hòa tấu” và chỉ có thể là công giáo, được dự phóng cho việc rao truyền Tin Mừng và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày nay Lời Chúa được đọc trong mọi thứ tiếng, mọi người đều có sách Tin Mừng trong tiếng của mình để đọc. Và tôi xin trở lại cùng ý niệm này: đó là chúng ta hãy đem theo một sách cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong xách tay, và trong ngày đọc một đoạn. Điều này sinh ích lợi cho chúng ta. Tin Mừng được phổ biến trong mọi thứ ngôn ngữ, bởi vì Giáo Hội, lời loan báo Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, thì có nghĩa là Giáo Hội đã sinh trong tư thế “đi ra ngoài”, là thừa sai. Nếu các Tông đồ đã ở lại đó trong Nhà Tiệc Ly, mà không đi ra và đem Tin Mừng, thì Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của dân tộc ấy thôi, của thành phố ấy, của Nhà Tiệc Ly ấy. Nhưng tất cả đã ra đi khắp nơi trên thế giới, từ lúc Giáo Hội khai sinh, từ lúc Chúa Thánh Thần xuống trên các vị. Vì thế Giáo Hội sinh ra đã đi ra, nghĩa là truyền giáo.

Và đó là điều mà chúng ta diễn tả bằng tính từ “tông truyền”, bởi vì apostolos là người được sai đi loan báo tin vui sự phục sinh của Chúa Giêsu. Từ này nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và trong sự tiếp nối với các vị, các Tông đồ đã ra đi thành lập các các Giáo Hội mới, đã cắt cử các giám mục mới, và như thế trên toàn thế giới, liên tục. Ngày nay chúng ta tất cả tiếp nối nhóm các Tông đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần rồi ra đi rao giảng, được sai đi đem lời loan báo Tin Mừng tới cho tất cả mọi người, đi kèm với các dấu chỉ sự hiền dịu và quyền năng của Thiên Chúa. Cả điều này nữa cũng phát xuất từ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: thật thế, chính Chúa Thánh Thần thắng vượt mọi kháng cự, chiến thắng cám dỗ tự khép kín trong chính mình, giữa ít người được tuyển chọn, và coi mình là những người duy nhất nhận được phước lành của Thiện Chúa.

Chẳng hạn nếu vài kitô hữu làm điều này và nói: ”Chỉ có chúng tôi mới là những người được tuyển chọn thôi”, sau cùng họ chết. Họ chết trong linh hồn trước, rồi chết trong thân xác, bởi vì họ không có sự sống, không có khả năng sinh ra sự sống, sinh ra người khác, sinh ra các dân tộc khác: họ không phải là các tông đồ.

Và chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta tởi chỗ gặp gỡ các anh em khác, kể cả những người xa xôi nhất trong mọi nghĩa, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu thương, hòa bình, niềm vui mà Chúa phục sinh đã để lại cho chúng ta.

Vậy sự kiện là thành phần của Giáo Hội công giáo và tông truyền bao gồm điều gì đối với các cộng đoàn và từng người trong chúng ta? Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này như sau:

Trước hết nó có nghĩa là lưu tâm tới ơn cứu rỗi của toàn nhân loại, không thờ ơ hay lạ lùng trước số phận của biết bao nhiêu các anh chị em của chúng ta, nhưng cởi mở và liên đới với ho. Ngoài ra nó còn có nghĩa của sự trọn vẹn, của sự bổ túc, của sự hòa hợp của cuộc sống kitô, luôn luôn khước từ các lập trường thiên vị, một chiều tự khép kín trong chính mình.

Là thành phần của Giáo Hội tông truyền có nghĩa là ý thức được rằng đức tin của chúng ta được bỏ neo nơi lời loan báo và chứng tá của chính các Tông đồ của Chúa Giêsu; và vì thế cảm thấy mình luôn luôn được gửi đi, được sai đi, trong niềm hiệp thông với những người kế vị các Tông đồ,

loan báo Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn nhân loại với con tim tràn đầy niềm vui.

Ở đây tôi muốn nhớ tới cuộc sống anh hùng của biết bao nhiêu thừa sai nam nữ đã bỏ quê hương của mình để ra đi loan báo Tin Mừng cho các quốc gia khác, trên các đại lục khác. Có một Hồng Y người Brail nói với tôi rằng ngài làm việc khá nhiều tại vùng Amazzonia. Mỗi khi đến một vùng hay một thành phố, ngài luôn luôn đến nghĩa trang để thăm mộ của các thừa sai, các linh mục, tu huynh và nữ tu đã ra đi rao giảng Tin Mừng. Các vị là các tông đồ. Và ngài nghĩ rằng tất cả các thừa sai này đều có thể được phong thánh ngay bây giờ, các vị đã bỏ tất cả để ra đi loan báo Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Giáo Hội đã có biết bao nhiêu thừa sai và còn cần có nhiều thừa sai hơn nữa! Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì điều đó. Có lẽ trong số các bạn trẻ nam nữ hiện diện tại đây có vài người muốn trở thành thừa sai. Hãy tiến lên! Thật là đẹp đem Tin Mừng của Chúa Giêsu tới với người khác. Hãy can đảm lên!

Vậy chúng ta hãy xin Chúa canh tân nơi chúng ta ơn của Chúa Thánh Thần, để mọi cộng đoàn kitô và từng tín hữu được rửa tội diễn tả mẹ Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ các nước Pháp, Canada, Anh quốc, Scotland, Nam Phi, Đan Mạch, Na Uy, Trung quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Australia và Hoa Kỳ. Ngài cũng chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Mêhicô, Panama, Nicaragua, Argentina, Perù, Chilê, Bồ Đào Nha và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng Ả Rập đến từ Thánh Địa và vùng Trung Đông, Đức Thánh Cha khích lệ họ: “Ôi, con cái của các vùng đất thánh thiện, từ đó ánh sáng lời loan báo đã đi ra cho tới các bờ cõi trái đất, hãy luôn là những người can đảm tươi vui đem sứ điệp cứu độ, sự thật và phước lành tới cho mọi người. Xin Chúa chúc lành và luôn che chở anh chị em.”

Chào các tín hữu Ba Lan, ngài nhắc tới lễ nhớ thánh Stanislao Kostka, dòng Tên, bổn mạng giới trẻ, thứ năm hôm nay; và cầu mong gương sống của thánh nhân, ước ao nên thánh ngay từ thời niên thiếu và trung thành với các lý tưởng Kitô, nêu gương cho giới trẻ bảo vệ các giá trị cao quý.

Đức Thánh Cha cũng xin tín hữu cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài tại Albania, là quốc gia đã đau khổ nhiều vì chế độ cộng sản vô thần, vào Chúa Nhật tới đây.

Trong các nhóm nói tiếng Ý, Đức Thánh Cha đặc biệt chào các Nũ tu Dòng Bệnh viện Lòng Thương Xót, các nữ thừa sai Đức Bà An Ủi, và các Nữ Tu hiến sinh thánh Giuse đang họp Tổng Tu nghị tại Roma. Ngài cũng chào các tham dự viên khóa hội học do Caritas quốc tế và Hội quan sát quốc tế về Giáo huấn xã hội của Hội Thánh tổ chức.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc tới lễ nhớ thánh Roberto Bellarmino. Ngài cầu mong sự gắn bó với Chúa chỉ cho người trẻ thấy Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài xin thánh nhân trao ban can đảm cho các anh chị em đau yếu trong những lúc tối tăm của thập giá bệnh tật; và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng cuộc sống hôn nhân trên Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.