12/01/2025

Phần thưởng được tham dự vào sứ mệnh của Đức Kitô và Hội Thánh Người

Mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn chấp nhận làm việc trong vườn nho của Chúa, dựa theo hình ảnh của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mt 20,1-16). Những người thợ khiêm nhường và quảng đại không xin phần thưởng nào khác ngoài phần thưởng được tham dự vào sứ mệnh của Đức Giêsu và của Giáo Hội Người

 Phần thưởng được tham dự vào sứ mệnh của Đức Kitô và Hội Thánh Người

Kinh Truyền Tin
Ding Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XXV TN, 18/9/2011

Anh chị em thân mến!

Trong phụng vụ hôm nay chúng ta bắt đầu đọc thư của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu thành Philipphê, nghĩa là các thành viên của cộng đoàn mà chính vị Tông đồ đã thiết lập tại thành phố Philipphê, một thuộc địa quan trọng của đế quốc Rôma tại vùng Maxêđônia, ngày hôm nay nằm ở bắc Hy Lạp. Phaolô tới Philípphê trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai của mình, khởi hành từ bờ biển Anatolie sau khi đã vượt qua biển Egée. Đây là lần đầu tiên Tin Mừng đặt chân đến châu Âu. Chúng ta đang ở vào khoảng giữa năm 50, nghĩa là khoảng 20 năm sau cái chết và sống lại của Đức Giêsu. Thế nhưng, trong thư gửi tín hữu thành Philipphê, đã có một thánh thi ca ngợi Đức Kitô, thánh thi này đã trình bày một tổng hợp đầy đủ về mầu nhiệm Đức Kitô: nhập thể, tự huỷ, nghĩa là chịu sỉ nhục cho đến cái chết trên thập tự, và vinh quang. Mầu nhiệm này đã trở nên «một» với cuộc đời của Tông đồ Phaolô, ngài viết lá thư này trong ngục, trong khi chờ án tha bổng hay án tử hình. Ngài khẳng định: “Đối với tôi, sự sống chính là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Đây là một ý nghĩa mới về sự sống, về cuộc hiện sinh của con người hệ tại việc thông hiệp với Đức Giêsu Kitô hằng sống, không chỉ với tư cách là một nhân vật lịch sử, một bậc thầy giảng dạy sự khôn ngoan, một nhà lãnh đạo tôn giáo, mà còn với tư cách là một con người nơi Thiên Chúa đích thân cư ngụ. Cái chết và sống lại của Đức Kitô là Tin Mừng phát xuất từ Giêrusalem, được dành cho tất cả mọi con người và mọi dân tộc, để biến đổi ngay từ bên trong mọi nền văn hoá và giúp các nền văn hoá đón nhận một chân lý cơ bản: Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã làm người trong Đức Giêsu, và qua hiến tế của Đức Giêsu, Ngài đã cứu chuộc nhân loại khỏi ách nô lệ của tà thần và mang lại cho con người một niềm cậy trông tin tưởng.

Thánh Phaolô đã tổng hợp lại trong bản thân mình ba thế giới: thế giới Do Thái, thế giới Hy Lạp và thế giới Rôma. Không phải vì tình cờ mà Thiên Chúa đã giao cho ngài sứ mệnh mang Tin Mừng từ Tiểu Á đến Hy Lạp, rồi đến Rôma, bắc một cây cầu đưa Kitô giáo đến tận cùng bờ cõi trái đất. Ngày hôm nay, chúng ta đang sống một giai đoạn tái rao giảng Tin Mừng. Những chân trời mới đang mở ra đón nhận việc loan báo Tin Mừng, trong khi đó thì những vùng có truyền thống Kitô giáo cổ xưa nay lại được mời gọi tái khám phá vẻ đẹp đức tin. Những người chủ chốt thi hành sứ mệnh này là những người đàn ông và phụ nữ, cũng như Thánh Phaolô, họ cũng có thể nói: “Đối với tôi, sự sống chính là Đức Kitô”. Mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn chấp nhận làm việc trong vườn nho của Chúa, dựa theo hình ảnh của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mt 20,1-16). Những người thợ khiêm nhường và quảng đại không xin phần thưởng nào khác ngoài phần thưởng được tham dự vào sứ mệnh của Đức Giêsu và của Giáo Hội Người “Nếu sự sống trong xác thịt này – Thánh Phaolô viết – còn cho phép tôi sinh hoa kết trái, thì tôi do dự không biết chọn đàng nào” (Pl 1,22): kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô bên kia cái chết hay phục vụ nhiệm thể của Người trên trần gian này.

 

Các bạn thân mến, Tin Mừng đã biến đổi thế giới, và Tin Mừng còn biến đổi thế giới như một dòng sông tưới mát một đồng lúa bao la. Chúng ta hãy dâng lời cầu lên Đức Trinh Nữ Maria xin cho các ơn gọi linh mục, tu sĩ và giáo dân phục vụ việc tái rao giảng Tin Mừng trong toàn thể Hội Thánh được chín muồi.