TP.HCM: kẹt xe gây thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm
Ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, nhập cư… là những vấn đề lớn nhất đang thách thức sự phát triển các đô thị lớn tại Việt Nam, mà tiêu biểu là TP.HCM.
TP.HCM: kẹt xe gây thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm
Ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, nhập cư… là những vấn đề lớn nhất đang thách thức sự phát triển các đô thị lớn tại Việt Nam, mà tiêu biểu là TP.HCM.
Kẹt xe – nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM. Trong ảnh: kẹt xe trên đường Minh Phụng, Q.6 – Ảnh: Đức Phú |
Theo đánh giá, những thách thức này thể hiện sự lạc hậu, đi sau của Việt Nam vì các TP trong khu vực đã giải quyết xong các vấn đề này hàng chục năm trước.
Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Cơ hội và thách thức cho phát triển đô thị bền vững” tổ chức sáng 15-9 tại ĐH KHXHNV TP.HCM, với sự tham gia của 71 giáo sư, học giả quốc tế đến từ các nước Nhật Bản, Pháp, Malaysia, Philippines, Nepal, Lào… cùng các chuyên gia về đô thị tại Việt Nam.
Đây được xem là một trong những hội thảo về phát triển đô thị quy mô nhất trong khu vực Đông Nam Á năm nay.
Kẹt xe, ngập nước: vấn đề nghiêm trọng của TP.HCM
Trao đổi bên lề hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, trưởng khoa Đô thị học, ĐH KHXHNV TP.HCM, trưởng ban tổ chức đánh giá: “Mỗi đô thị trên thế giới đều trải qua những giai đoạn phát triển nhất định và phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, mà cụ thể là TP.HCM, thách thức lớn nhất là vấn đề kẹt xe, ô nhiễm… những vấn đề mà các thành phố trong khu vực đã giải quyết xong cách đây 15-20 năm, thậm chí là 30 năm rồi. Trong nhiều nguyên nhân, một điều đáng chú ý là chúng ta đã không biết rút ra kinh nghiệm từ những đô thị đi trước”.
Trong tham luận, ông Hòa trình bày: “Hiện nay, tổng diện tích bề mặt dành cho giao thông tại TP.HCM chỉ chiếm từ 1,7 đến 2% tổng diện tích đất đô thị. Trong khi đó, tổn thất hàng năm do tắc nghẽn giao thông tại TP.HCM ước tính lên đến khoảng 23.000 tỉ đồng, tương tương 1,2 tỉ USD, một con số khổng lồ. Chính vì thế, tắc nghẽn giao thông là một trong những vấn đề nghiêm trọng và khó giải quyết nhất tại TP.HCM hiện nay, bên cạnh vấn đề ngập nước”.
“VN xây dựng hệ thống metro là tất yếu”
GS Hidefuma Imura (bên phải) trao đổi với các học giả bên lề hội thảo. Ảnh: M.Hoa |
Ý kiến của giáo sư Hidefumi Imura, chuyên gia về phát triển đô thị sinh thái bền vững đến từ Đại học Yokohama City (Nhật Bản) ngay lập tức nhận được sự phản biện của các chuyên gia về tính khả thi của việc phát triển hệ thống metro tại Việt Nam.
Các câu hỏi được đặt ra là, cơ sở hạ tầng có đủ đảm bảo để không bị ngập? Kinh phí thực hiện liệu có đội lên quá cao so với dự kiến hay không?…
“Đối với những thành phố có dân số lên đến hàng triệu, việc xây dựng những hệ thống giao thông lớn như hệ thống metro là điều tất yếu, chỉ ở những thành phố có số dân ít như một số nước châu Âu thì mới duy trì hệ thống xe buýt, tàu điện đơn giản trong thời gian lâu dài”, GS Hidefumi Imura lý giải.
“Cách đây hai mươi năm, khi tôi làm việc với các chuyên gia ở Bangkok và cả ở Thượng Hải, tất cả họ đều cho rằng việc xây dựng hệ thống metro ở các thành phố này là hoàn toàn bất khả thi, đặc biệt là Bangkok, nơi có nền đất thấp, thường xuyên ngập nước. Nhưng giờ thì họ đều đã có hệ thống metro rất hiện đại và tiện lợi. Tất cả đều xuất phát từ ý thức rằng một hệ thống giao thông đô thị chất lượng cao sẽ mang đến rất nhiều lợi ích.
Ở Việt Nam, khi có hệ thống metro, người dân không còn phải lo lắng về việc bị kẹt cứng trong biển xe máy, họ sẽ có nhiều thời gian và tâm lý thoải mái hơn để đầu tư cho công việc và cả giải trí, tiêu dùng”. Tuy nhiên, ông Imura cũng lưu ý rằng việc phát triển hệ thống giao thông này cũng cần hài hòa với việc giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử và môi trường của thành phố.
Tiềm năng “đô thị thông minh”
Tranh luận tại hội thảo – Ảnh: B.Châu |
Trong diễn đàn, nhiều tham luận đã đề xuất hướng đi mới cho các thành phố đang phát triển với tốc độ nhanh, đơn cử như TP.HCM, đó là “smart city”, được định nghĩa như một thành phố có hệ thống quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên tự nhiên, dựa trên các tiến bộ công nghệ khoa học kĩ thuật, từ đó nâng cao khả năng phát triển đô thị thông minh và giải quyết các vấn đề xã hội hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Masahiko Nakanishi, đến từ ĐH Yokohama City cho biết: “Nhiều người cho rằng phát triển công nghệ kĩ thuật sẽ làm người ta quên đi các yếu tố liên quan đến xã hội. Tuy nhiên, ở Nhật, rất nhiều ứng dụng công nghệ hướng về cộng đồng, như phương tiện giao thông thông minh cho người khuyết tật, hệ thống điện tự ngắt khi không có người ở đó nhằm tiết kiệm năng lượng… Thử thách kế tiếp mà chúng tôi đang quan tâm là thúc đẩy sự kết hợp giữa trí tuệ con người với các cơ sở hạ tầng công nghệ”.
Cùng quan điểm này, giáo sư Hidefuma Imura cũng cho biết thêm: “Tôi nhận thấy Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có tiềm năng lớn trong việc trở thành một đô thị thông minh khi các bạn thích ứng rất nhanh với công nghệ thông tin, điện thoại di động… Tuy nhiên, để đi từ thích ứng cá nhân đến áp dụng rộng rãi vào đời sống công cộng, tất nhiên cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu kĩ lưỡng về kĩ thuật, nguồn lực kinh tế”.
Song song với diễn đàn là triển lãm 100 ý tưởng giúp TP.HCM thu hút khách du lịch. Để thực hiện triển lãm này, 41 sinh viên của ĐH Yokohama City đã cùng với sinh viên khoa Đô thị học, ĐH KHXHNV TP.HCM thực hiện hành trình khám phá khu vực quận 1 và quận 5, TP.HCM, sau đó đưa ra các giải pháp về mặt đô thị để giúp các khu vực này trở nên thu hút và tiện lợi hơn cho khách du lịch, trong đó có nhiều giải pháp dựa vào so sánh tương đồng giữa đô thị Việt Nam và Nhật Bản.
|