16/01/2025

Lập đề án phòng chống… trời đánh

Năm nào ở Đồng Tháp cũng có người bị chết thảm do sét đánh, tới mức tỉnh này phải ban hành đề án phòng chống với kinh phí lên đến 11 tỉ đồng.

 

Lập đề án phòng chống… trời đánh

 

Năm nào ở Đồng Tháp cũng có người bị chết thảm do sét đánh, tới mức tỉnh này phải ban hành đề án phòng chống với kinh phí lên đến 11 tỉ đồng.

 

Lập đề án phòng chống... trời đánh
Vòi rồng xuất hiện trong mưa giông vào đầu tháng 9 ở H.Tam Nông – Ảnh: Anh Quân

 

Vụ sét đánh gần đây nhất xảy ra vào ngày 23.8 làm 3 thanh niên: Trần Thanh Phong (29 tuổi), Trần Văn Lanh (26 tuổi), Trần Thanh Tuấn (27 tuổi, cùng ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Thành, H.Lai Vung) bị bất tỉnh, nhưng may mắn thoát chết nhờ được cấp cứu kịp thời. Trước đó ngày 7.4, ông Lê Văn Quang (47 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Thọ, H.Cao Lãnh) bị sét đánh chết khi cầm cái thau nhôm múc nước rửa chuồng gà.

Hơn 50 người chết

 

 
 

Theo thống kê, từ ngày ban hành đề án, số người bị sét đánh tử vong có giảm, trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có 2 trường hợp bị tử vong, giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ.

 

 

 

Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2004 – 2013, trên địa bàn xảy ra 43 vụ sét đánh làm chết 51 người. Riêng năm 2006, có tới 14 nạn nhân bị tử vong do sét; trong đó thảm thương nhất là vụ 10 nông dân ở Bến Tre đi suốt lúa thuê ở ấp 3, xã Tân Hưng, H.Tháp Mười. Gặp mưa lớn, 5 người trong số đó rủ nhau chui vào máy suốt lúa trú mưa và tất cả đã tử vong do trúng luồng sét. Đến ngày 10.10.2010, vợ chồng ông Vừ Văn Nhớ và Nguyễn Thị Hiếu (ngụ ấp Hồng Kỳ, xã Phú Cường, H.Tam Nông) đi làm đồng trúng luồng sét khiến cả hai thiệt mạng. Địa phương có nhiều người chết do sét đánh là Tháp Mười (10 người), Tam Nông (7 người); còn lại là các huyện Thanh Bình, Lai Vung, Lấp Vò, Tân Hồng, Châu Thành.

Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Tháp, cho biết sét đánh chết người thường rơi vào cao điểm các tháng 3, 4 và 9, 10 hằng năm và hầu hết nạn nhân là nông dân đang đi làm đồng, thiếu kinh nghiệm, kiến thức về phòng tránh sét. Cũng theo lời ông Bình, do đến nay tỉnh chưa tiến hành nghiên cứu địa tầng nên chưa thể khẳng định vùng đất này có nhiễm từ tính, từ trường cực mạnh hay không.

Ứng phó toàn diện

Để hạn chế thiệt hại do sét đánh, ngày 20.8.2013, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành đề án “Phòng chống sét đánh trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 tới năm 2020” với tổng kinh phí trên 11 tỉ đồng. Đề án chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2013-2015, thực hiện tại các vùng trọng điểm thường xảy ra sét đánh gây thiệt hại về người và tài sản; giai đoạn từ 2016-2020 triển khai ra các vùng còn lại.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đưa sét đánh vào chương trình ngoại khóa dạy cho học sinh bậc THPT, xây dựng các trạm cảnh báo sét đánh, cho phát tờ rơi, dựng pa nô… tuyên truyền về phòng chống sét. Những kiến thức, kỹ năng cụ thể được phổ biến, như: Trời mưa giông nếu cảm thấy lông, tóc bị dựng lên thì có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lúc đó phải lập tức cúi người xuống, chụm hai chân lại làm một và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Còn gặp mưa giông khi đang ở giữa đồng trống, nếu không có điểm trú ẩn an toàn, người dân nên chọn nơi nào có mặt ruộng thấp không trũng nước, từng người ngồi riêng lẻ trùm áo mưa hoặc ni lông và càng hạ thấp độ nhô cao càng tốt. Tuyệt đối tránh gom thành nhóm đông người để giảm bớt tỷ lệ rủi ro cho cả nhóm.