16/01/2025

Đức Thánh Cha chủ sự lễ cưới cho 20 đôi hôn phối

VATICAN – Sáng Chúa Nhật 14-9-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô và làm phép cưới cho 20 đôi hôn phối thuộc Giáo phận Roma. Đây là lần đầu tiên ngài cử hành lễ cưới kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng cách đây 1 năm rưỡi. Biến cố này diễn ra 3 tuần trước khi khai mạc Thượng HĐGM Thế giới khoá đặc biệt sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 5 đến 19-10 tới đây về việc mục vụ gia đình.

Đức Thánh Cha chủ sự lễ cưới cho 20 đôi hôn phối
 
VATICAN – Sáng Chúa Nhật 14-9-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô và làm phép cưới cho 20 đôi hôn phối thuộc Giáo phận Roma.

Đây là lần đầu tiên ngài cử hành lễ cưới kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng cách đây 1 năm rưỡi. Biến cố này diễn ra 3 tuần trước khi khai mạc Thượng HĐGM Thế giới khoá đặc biệt sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 5 đến 19-10 tới đây về việc mục vụ gia đình.

20 đôi hôn phối được Toà Giám quản Roma chọn từ các giáo hạt trong giáo phận: họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ 25 đến 56 tuổi, và ở trong những hoàn cảnh rất khác nhau: một số là những tín hữu rất chăm chỉ nhiệt thành trong giáo xứ, một số khác ít sốt sắng hơn. Cả môi trường xã hội của họ cũng khác nhau. Chẳng hạn anh chị Giulia và Flavio, như được báo “Quan sát viên Roma” nói tới trong số ra ngày 12-9 vừa qua, cho biết đã quyết định làm lễ cưới mặc dù tình trạng nghề nghiệp bấp bênh. Một số khác đã từng sống chung trước khi kết hôn và có vài cặp khác đã có con cái và tháp tùng cha mẹ. Trong số này có Gabriella, được con gái tháp tùng, và người chồng mà bà làm lễ cưới bây giờ đã được toà án hôn phối xác nhận hôn phối trước của ông là bất thành. Việc chọn các cặp ở trong tình trạng khác nhau như thế phần nào cũng phản ánh những vấn đề sẽ được bàn đến trong Thượng HĐGM sắp tới.


Lễ Hôn phối được tiến hành theo nghi thức thông thường. Các chú rể được thân mẫu tháp tùng tiến lên trước bàn thờ, còn các cô dâu tiến lên cầm cánh tay của thân phụ. 20 đôi hôn phối ngồi thành vòng cung trước bàn thờ chính. Phía sau là những người làm chứng và thân nhân, trước sự hiện diện của khoảng 8.000 người.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Giám quản Agostino Vallini, và Đức TGM Filippo Iannone, Dòng Camêlô, Phó Giám quản của Giáo phận Roma, cùng với 40 linh mục bạn của các đôi hôn phối.

Trong bài giảng, ĐTC đã dựa vào trình thuật dân Chúa trong sa mạc vì nổi loạn nên đã bị con rắn đồng cắn, và Chúa ban thuốc chữa là con rắn đồng, ai nhìn lên con rắn ấy sẽ được chữa lành. Ngài mời gọi các tín hữu, đặc biệt là các đôi vợ chồng hãy tín thác nơi lòng từ bi Chúa giữa những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha

“Bài đọc I nói với chúng ta về hành trình của dân trong sa mạc. Chúng ta hãy nghĩ đến đoàn dân ấy tiến bước dưới sự hướng dẫn của Môsê; nhất là họ là những gia đình: cha, mẹ, con cái, ông bà nọi ngoại, những người nam nữ ở mọi lứa tuổi, bao nhiêu trẻ em, với những người già đầy cơ cực.. Dân tộc này làm cho chúng ta nghĩ đến Giáo Hội đang lữ hành trong sa mạc thế giới ngày nay, Dân Thiên Chúa, gồm phần lớn là các gia đình.

Điều này làm cho chúng ta nghĩ đến các gia đình, các gia đình chúng ta, lữ hành trên các nẻo đường cuộc sống, trong lịch sử mỗi ngày… sức mạnh khôn lường của tình người chứa trong mỗi gia đình: sự giúp đỡ lẫn nhau, tháp tùng giáo dục nhau, những quan hệ gia tăng cùng với sự tăng trưởng của con người, chia sẻ vui mừng và những khó khăn.. Các gia đình là nơi đầu tiên trong đó chúng ta được hình thành như những con người và đồng thời là “những viên gạch” để xây dựng xã hội.

Chúng ta hãy trở lại trình thuật Kinh Thánh. Đến một lúc “dân không chịu nổi cuộc du hành nữa” (Ds 21,4). Họ mệt mỏi, thiếu nước và chỉ ăn “manna”, một lương thực lạ lùng, được Thiên Chúa ban, nhưng trong lúc khủng hoảng ấy dường như quá ít. Bấy giờ họ than trách và phản đối chống Thiên Chúa và chống Môsê: “Tại sao các ông đưa chúng tôi đi?…” (x. Ds 21,5). Có cám dỗ muốn trở lại đàng sau, từ bỏ hành trình.

Ta nghĩ đến các đôi vợ chồng “không chịu nổi cuộc hành trình” của đời sống hôn nhân và gia đình. Sự vất vả của hành trình trở thành sự mệt mỏi nội tâm; họ không còn niềm vui hôn nhân, không kín múc nước từ nguồn mạch bí tích nữa. Đời sống thường nhật trở thành nặng nề, “buồn nôn”.

Kinh Thánh kể, trong lúc lạc hướng ấy, các con rắn độc bò tới và cắn dân chúng, và bao nhiêu người chết. Sự kiện này làm cho dân chúng hối hận, họ xin lỗi Ông Môsê và xin ông cầu xin Chúa để các con rắn bỏ đi. Ông Môsê xin Chúa và Ngài ban cho thuốc chữa: một con rắn bằng đồng treo trên cột; bất kỳ ai nhìn con rắn ấy, thì được khỏi độc dược chết chóc của các con rắn.

Biểu tượng này có nghĩa là gì? Thiên Chúa không loại trừ các con rắn, nhưng ngài tặng “thuốc giải độc”: qua con rắn đồng do Môisê đúc và treo lên, Thiên Chúa thông truyền sức mạnh chữa lành, là lòng từ bi của Ngài, mạnh mẽ hơn chất độc của kẻ cám dỗ.

Như chúng ta đã nghe trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng hoá với biểu tượng ấy: Thật vậy, Chúa Cha, vì yêu thương, đã ban Đức Giêsu là Con duy nhất của Ngài cho loài người, để họ được sống (x. Ga 3,13-17); và tình yêu bao la của Chúa Cha thúc đẩy Chúa Con trở thành người, trở nên người tôi tớ, chết cho chúng ta và chết trên một cây thập giá; vì thế, Chúa Cha đã cho người sống lại và ban cho Người quyền làm chủ trên toàn thể vũ trụ. Như Thánh Ca trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philiphê diễn tả (2,6-11). Ai tín thác nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh thì nhận được lòng từ bi của Thiên Chúa chữa lành khỏi nọc độc chết chóc của tội lỗi.

Thuốc chữa mà Thiên Chúa ban cho dân Ngài cũng đặc biệt có giá trị đối với các đôi vợ chồng “không chịu nổi hành trình nữa” và bị tấn công vì những cám dỗ nản chí, bất trung, thoái lui và từ bỏ… Thiên Chúa là Cha cũng ban cho họ Chúa Giêsu Con của Ngài, không phải để lên án họ, để để cứu thoát họ: nếu họ tín thác nơi Ngài, Ngài chữa lành họ bằng tình yêu thương bừ bi xuất phát từ Thập Giá của Ngài, bằng sức mạnh của ơn thánh tái sinh và đưa họ trở lại hành trình đời sống hôn nhân và gia đình.

Tình yêu Chúa Giêsu, Đấng đã chúc lành và thánh hóa sự kết hiệp vợ chồng, có thể duy trì và canh tân tình yêu của họ, khi tình yêu ấy – về mặt con người – bị mất đi, bị rách nát, bị khô cạn. Tình Yêu của Chúa Kitô có thể trả lại cho đôi vợ chống niềm vui được đồng hành, vì hôn nhân là sự đồng hành của một người nam và một người nữ, trong đó người nam có nghĩa vụ giúp vợ mình ngày càng trở thành một người nữ và người nữ có nhiệm vụ giúp chồng mình ngày càng trở thành một người nam. Đó là nghĩa vụ của anh chị em đối với nhau. “Anh yêu em vì thế anh làm cho em trở nên người nữ hoàn hảo hơn – Em yêu anh, và vì thế em làm cho anh thành người nam hoàn hảo hơn.” Đó là sự hỗ tương giữa những khác biệt. Đó không phải là một cuộc hành trình xuôi chảy, không có xung đột, không phải thế, chẳng vậy thì chẳng phải là con người. Đó là một cuộc du hành cam go, nhiều khi khó khăn, nhiều khi xung đột, nhưng cuộc sống là như thế! Và giữa nền thần học này mà Lời Chúa ban cho chúng ta về dân lữ hành, và cả về các gia đình đang lữ hành, về các đôi vợ chồng đang tiến bước, tôi có một lời khuyên nhỏ. Các đôi vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường. Thường vẫn xảy ra như thế. Nhưng tôi khuyên anh chị em: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. Không bao giờ. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, và thế là đôi vợ chồng tiếp tục tiến bước. Hôn nhân là biểu tượng đời sống, đời sống thực, chứ không phải là một chuyện tưởng tượng! Đó là bí tích tình yêu của Chúa Kitô và của Giáo Hội, một tình yêu tìm được nơi Thánh Giá sự kiểm chứng và bảo đảm.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một cuộc hành trình thật đẹp: một hành trình phong phú; ước gì tình yêu tăng trưởng. Tôi cầu chúc anh chị em được hạnh phúc. Sẽ có những thánh giá, nhưng Chúa luôn ở đó để giúp chúng ta tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!”

Sau bài giảng là nghi thức hôn phối. ĐTC lần lượt hỏi các đôi kết hôn có ý thức và tự do thành hôn hay không, có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau trọn đời không, có sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban và giáo dục chúng theo luật của Chúa Kitô và Giáo hội hay không. Sau khi các đôi kết hôn khẳng định ý chí như thế, ĐTC mời gọi họ biểu lộ sự đồng thuận trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội. Ngài hỏi từng cặp xem họ có đón nhận người bạn đường của mình, luôn chung thuỷ, trong lúc an vui cũng như lúc đau khổ, khi khoẻ mạnh cũng như lúc bệnh tật, yêu thương và tôn trọng người phối ngẫu của mình mọi ngày trong cuộc sống hay không?

Nghi thức Hôn phối

Sau đó, ĐTC đã làm phép nhẫn cưới để 20 cặp tân hôn lần lượt trao nhẫn cho nhau theo công thức của nghi lễ hôn phối, rồi ngài đọc lời nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn hồng ân Thánh Linh, nâng đỡ các đôi tân hôn và chúc lành cho họ.

Thánh lễ được tiếp nối với Kinh Tin Kính và đến phần rước lễ, 60 linh mục đã trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Buổi lễ kết thúc lúc gần 11 giờ. Sau đó, lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu thật đẹp..

Kinh Truyền Tin

Trong bài huấn dụ ngắn, sau khi giải thích ý nghĩa Lễ Suy tôn Thánh giá ĐTC nói thêm:

“Trong khi chiêm ngắm và cử hành Thánh Giá, chúng ta xúc động nghĩ đến bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bách hại và bị giết vì trung thành với Chúa Kitô. Điều này đặc biệt xảy ra tại nơi mà tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hoặc chưa được hoàn toàn thực thi. Nhưng nó cũng xảy ra tại những nước và những môi trường trên nguyên tắc bảo vệ tự do và các quyền con người, nhưng trong thực tế cụ thể các tín hữu, nhất là các tín hữu Kitô, bị giới hạn hoặc kỳ thị. Vì thế hôm nay, chúng ta nhớ đến và đặc biệt cầu nguyện cho họ.”

ĐTC cũng nhắc đến sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá và ngày 15-9 này là Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Ngài nói:

“Tôi phó thác hiện tại và tương lai của Giáo Hội cho Đức Mẹ, để tất cả chúng ta luôn biết khám phá và đón nhận sứ điệp yêu thương và cứu độ của Thập Giá Chúa Kitô. Tôi đặc biệt khó thác cho Đức Mẹ các đôi tân hôn mà tôi đã vui mừng kết hiệp họ trong Bí tích Hôn Phối sáng chúa nhật hôm nay, tại Đền thờ Thánh Phêrô.”