|
Báo cáo của WHO vừa công bố con số giật mình: cứ 40 giây, lại có 1 người trên thế giới tự tử – Ảnh: Reuters |
Theo WHO, con số này nhiều hơn số người chết vì chiến tranh và thảm hoạ tự nhiên hàng năm cộng lại.
Tổ chức này cũng đổ lỗi cho giới truyền thông khi đưa tin thiếu kiềm chế về các vụ tự tử của người nổi tiếng, dẫn đến nhiều người khác bắt chước theo, như trường hợp diễn viên Hollywood Robin Williams hay cầu thủ bóng đá người Đức Robert Enke.
“Tự tử đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động. Cứ mỗi 40 giây lại có 1 người tự tử, một con số khủng khiếp”, Shekhar Saxena – Giám đốc phụ trách sức khỏe tâm thần của WHO, nói tại buổi công bố báo cáo ở Geneva (Thụy Sĩ), AFP ngày 5-9 trích đăng.
Theo báo cáo, 75% trường hợp tự tử là người dân các nước nghèo và thu nhập trung bình. Guyana là nước có tỉ lệ tự tử cao nhất (44,2 trường hợp trên 100.000 dân), kế đó là CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.
|
Theo báo cáo, mỗi năm trên thế giới có 800.000 người tự tử. Khu vực châu Á, trung và đông Âu là nơi có tỉ lệ tự tử cao nhất, trong đó có 25% là ở các nước giàu.
Xét theo giới, đàn ông tự tử cao gấp hai lần so với phụ nữ, đa số chọn cách treo cổ, dùng súng, đặc biệt là dùng thuốc trừ sâu ở những vùng nông thôn.
Xét theo độ tuổi, những người trong độ tuổi 70 trở lên là nhóm tự tử cao nhất. Tuy nhiên ở vài nước, giới trẻ lại là nhóm tự tử cao nhất. Đáng chú ý, tự tử là nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết của các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-29 trên toàn cầu.
WHO cho biết mục tiêu của họ là kéo giảm tỉ lệ tự tử xuống khoảng 10% trong 5 năm tới. Họ cũng thừa nhận một thách thức lớn là nạn nhân tự tử thường thuộc các nhóm thứ yếu trong dân cư, đa số là người nghèo và dễ bị tổn thương, nhưng khẳng định “tự tử có thể ngăn chặn được”.
Báo cáo của WHO được công bố trước Ngày thế giới phòng chống tự tử (10-9).