16/01/2025

Sửa sai huynh đệ

Bài Phúc Âm theo Thánh Matthêu trích từ chương 18 về đời sống của cộng đoàn Kitô hữu nói với chúng ta rằng tình huynh đệ cũng bao gồm một ý thức trách nhiệm hỗ tương. Vì lý do đó, nếu người anh em làm mất lòng tôi, thì tôi phải lấy tình bác ái mà đối xử, và trước tiên, tôi phải nói riêng với người đó, chỉ cho anh thấy điều mình nói hay làm là không đúng. Cách tiếp cận này được gọi là “sửa sai huynh đệ”.

 Sửa sai huynh đệ

Kinh Truyền Tin
Dinh Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XXIII TN, 4/9/2011

Anh chị em thân mến!

Các bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay đều quy về đề tài bác ái huynh đệ trong cộng đoàn những kẻ tin bắt nguồn từ sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Tông đồ Phaolô khẳng định toàn bộ luật Chúa được nên trọn trong tình yêu, do đó trong những mối quan hệ của chúng ta với tha nhân, Mười Điều răn và bất cứ giới luật nào cũng được gồm tóm trong những lời sau đây: “Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi” (x. Rm 13,8-10). Bài Phúc Âm theo Thánh Matthêu trích từ chương 18 về đời sống của cộng đoàn Kitô hữu nói với chúng ta rằng tình huynh đệ cũng bao gồm một ý thức trách nhiệm hỗ tương. Vì lý do đó, nếu người anh em làm mất lòng tôi, thì tôi phải lấy tình bác ái mà đối xử, và trước tiên, tôi phải nói riêng với người đó, chỉ cho anh thấy điều mình nói hay làm là không đúng. Cách tiếp cận này được gọi là “sửa sai huynh đệ”. Đây không phải là một phản ứng trước sự xúc phạm ta phải chịu, mà là một cử chỉ tình yêu dành cho người anh em. Thánh Âu Tinh chú giải như sau: “Ai xúc phạm đến bạn cũng đều gây cho mình một vết thương lòng: bạn không hề lo lắng đến vết thương của người anh em đó sao? (…) Như thế, bạn hãy quên đi sự xúc phạm mà đã phải gánh chịu, nhưng không được quên đi vết thương lòng của người anh em” (Diễn từ  82,7).

Và nếu người anh em của bạn không nghe bạn thì sao? Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta một cách tiếp cận tuần tự: trước tiên, cùng với hai hoặc ba người đi nói với người đó để giúp họ ý thức điều mình đã làm; nếu như thế mà người anh em ấy vẫn không chịu nghe thì ta cần phải nói với cộng đoàn; và nếu anh ta cũng không chịu nghe cộng đoàn, thì ta phải làm cho anh thấy anh đã tự mình tách khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội. Tất cả những điều trên đây chứng tỏ chúng ta có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống làm con Chúa: mỗi người, khi ý thức về những giới hạn và khuyết điểm của mình, đều được mời gọi đón nhận anh em sửa sai và giúp người khác qua sự phục vụ đặc biệt này.

Một thành quả khác của tình bác ái trong cộng đoàn là cầu nguyện chung. Đức Giêsu quả quyết: “Nếu ở dưới đất này, hai người trong anh em hợp nhau cầu xin bất cứ điều gì, thì sẽ được Cha Ta Đấng ngự trên trời ban cho. Quả thật, ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở giữa họ” (Mt 18,19-20). Cầu nguyện cá nhân chắc chắn là quan trọng, thậm chí còn rất cần thiết, nhưng Chúa cam đoan hiện diện trong cộng đoàn – cho dầu cộng đoàn đó rất bé nhỏ – biết đoàn kết và tâm đầu ý hợp, bởi vì cộng đoàn đó phản ảnh thực tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, là sự hiệp thông  tình yêu hoàn hảo. Origène nói rằng “chúng ta phải trình diễn bản nhạc giao hưởng này” (Chú giải Phúc Âm Thánh Matthêu 14,1), nghĩa là sự hoà hợp trong cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta phải thi hành cả hai, sửa sai huynh đệ, – một việc đòi hỏi khiêm nhường sâu thẳm và tâm hồn đơn sơ -, cũng như cầu nguyện, để cho lời cầu nguyện có thể bay lên trước tôn nhan Chúa từ một cộng đoàn thực sự đoàn kết trong Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta những ơn trên nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Mẹ của Giáo Hội, và của Thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng và Tiến sĩ Hội Thánh mà ngày hôm qua chúng ta mừng nhớ.