28/12/2024

Giáo sư tự kỷ và liều thuốc âm nhạc

Giáo sư Stephen Shore thuộc Đại học Adelphi (Mỹ) có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ và có bằng tiến sĩ về giáo dục. Nhưng để đạt được điều đó, ông đã phải trải qua một cuộc chiến dài với chứng tự kỷ.

Giáo sư tự kỷ và liều thuốc âm nhạc

Giáo sư Stephen Shore thuộc Đại học Adelphi (Mỹ) có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ và có bằng tiến sĩ về giáo dục.

Giáo sư Stephen Shore – Ảnh: Truth Atlas 

Nhưng để đạt được điều đó, ông đã phải trải qua một cuộc chiến dài với chứng tự kỷ.

Stephen Shore bị tự kỷ khi chưa được 2 tuổi. Trong khi những đứa trẻ khác bắt đầu khám phá thế giới, cậu bé Shore không có khả năng giao tiếp và thu mình vào thế giới riêng. Khi tròn tuổi, bác sĩ cho biết chưa từng thấy đứa bé nào bị tự kỷ nặng như vậy và đề nghị đưa Shore vào cơ sở đặc biệt.

Nhưng mẹ Shore, bà Carole, từ chối và quyết định giành lại cuộc sống cho con trai theo cách riêng của mình.

Bà Carole dùng đủ mọi cách, từ tập thể chất đến kể chuyện, nhưng Shore vẫn thờ ơ trước mọi thứ. Cho đến khi bà thử bắt chước các âm thanh kỳ quặc của cậu con trai.

“Khi bà ấy bắt chước tôi, tôi bắt đầu nhận biết được xung quanh” – giáo sư Shore kể lại.

Năm 4 tuổi, Shore bắt đầu nhận thức được ngôn ngữ và bắt đầu đi học mẫu giáo năm lên 6. Thói quen lặp lại các âm thanh như tiếng chó sủa, nói những từ khó hiểu khiến Shore luôn bị bắt nạt. Nhưng dù học hành không khả quan, Shore tỏ ra thông minh trong việc tháo lắp thiết bị điện tử và thích đọc sách, ngốn hầu hết mọi thứ có trong thư viện. Giáo viên lớp 3 phàn nàn Shore không biết làm toán.

“Giờ thì tôi học toán đủ để dạy môn thống kê ở đại học” – ông cười nói.

Shore bắt đầu tìm đến âm nhạc và tham gia một ban biểu diễn ở trường, nói chuyện thường hơn và bắt đầu có bạn bè. Đến khi tốt nghiệp đại học, Shore đã vượt qua hầu hết những khó khăn của bệnh tự kỷ. Nhưng thật sự nó vẫn luôn tồn tại. “Tự kỷ là thứ kéo dài cả đời, chúng ta có thể học cách sống chung với nó hay thậm chí tận dụng nó như thế mạnh, nhưng nó vẫn luôn ở đó” – ông nói.

Bây giờ, Shore nghiên cứu về các cách tiếp cận để giúp đỡ trẻ bị tự kỷ, tham gia đào tạo những giáo viên dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, trở thành một nhà hoạt động cho người mắc bệnh tự kỷ, đi diễn thuyết khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, ông cũng dùng âm nhạc để tiếp xúc với trẻ tự kỷ.

Ông dùng giấy dán ký tự lên từng nốt nhạc của đàn piano và kiên nhẫn giúp những đứa trẻ cảm thấy thoải mái trước khi học. Một trong các học sinh của Shore là Marisa Rubin, cô bé luôn nghiến răng và giơ nắm đấm để chống cự. “Nhưng ông ấy luôn xoa dịu được, như thể chẳng có gì to tát” – mẹ của Rubin kể.

Rubin, 23 tuổi, hiện là một thiếu nữ năng động, yêu thích thời trang và có hai công việc.

“Nhiều người thường hỏi tôi cách tốt nhất để dạy trẻ tự kỷ trong khi câu hỏi phải là điều gì là tốt nhất cho đứa trẻ này” – ông Shore nói trên Truth Atlas, giải thích rằng mỗi đứa trẻ mắc tự kỷ cần cách tiếp cận khác nhau. Cũng như người mẹ mạnh mẽ của mình, ông cũng dùng sự tò mò và kiên nhẫn để giúp trẻ em tự kỷ sống tích cực hơn và khám phá sức mạnh đặc biệt của mình.

 

TRẦN PHƯƠNG