29/12/2024

Công ty Mỹ và Úc hợp tác ngăn chặn rác vũ trụ

Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin vừa hợp tác Công ty Úc Electro Optic System để xây một trạm giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ rác vũ trụ phá hủy vệ tinh.

Công ty Mỹ và Úc hợp tác ngăn chặn rác vũ trụ

Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin vừa hợp tác Công ty Úc Electro Optic System để xây một trạm giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ rác vũ trụ phá hủy vệ tinh.

Hình vẽ minh họa rác vũ trụ bay trên quỹ đạo Trái đất - Ảnh: Live Science 

Theo báo Wall Street Journal,  Lockheed và Electro sẽ xây một trạm giám sát tại Úc để theo dõi rác vũ trụ trên quỹ đạo trước nguy cơ chúng đâm vào các vệ tinh thương mại và quân sự.

“Mỗi ngày có tới 200 mảnh rác vũ trụ đe dọa các vệ tinh – người phát ngôn Lockheed Trevor Thomas cho biết – Mỗi ngày các mảnh vụn nhỏ đâm vào các vệ tinh, gây thiệt hại lên đến 500 triệu USD”.

Lockheed và Electro sẽ sử dụng công nghệ laser từng được triển khai tại chiến trường Iraq để theo dõi các mảnh rác vệ tinh di chuyển trên quỹ đạo với tốc độ lên đến tới 28.000 km/giờ. Hệ thống rađa lắp đặt ở Úc sẽ theo dõi tổng cộng 200.000 mảnh rác vũ trụ.

Hiện có gần 2.000 vệ tinh thương mại và quân sự bay trên quỹ đạo Trái đất và rác vũ trụ là mối đe dọa thường trực đối với chúng. Ước tính mỗi năm một vệ tinh bị phá hủy vì rác vũ trụ. Hơn 21.000 mảnh vỡ có đường kính hơn 10cm có thể đe dọa các vệ tinh.

Thậm chí cả những mảnh vỡ cực nhỏ cũng có thể gây thiệt hại lớn. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết thường xuyên phải thay thế cửa sổ các tàu con thoi vì bị các mảnh vụn nhỏ xuyên qua. NASA ước tính có tới 100 triệu mảnh vụn nhỏ hơn đầu móng tay đang bay trên quỹ đạo.

Năm 1996, mảnh vỡ từ một quả tên lửa Pháp nổ từ 10 năm trước đã làm hư hại một vệ tinh của nước này. Năm năm trước, một vệ tinh đã hỏng của Nga đâm vào và phá hủy một vệ tinh thương mại của Mỹ, tạo ra thêm 2.000 mảnh rác vũ trụ.

Năm 2007, Trung Quốc bắn tên lửa phá vỡ một vệ tinh thời tiết nước này, tạo ra 3.000 mảnh vỡ lớn bay trên quỹ đạo. NASA và các công ty điều khiển vệ tinh phải dùng cảm biến trên mặt đất theo dõi các mảnh vỡ để giúp các phi hành gia tránh nguy hiểm.

Đã có một số trường hợp các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải trú ẩn trong thuyền cứu sinh của tàu vũ trụ Soyuz vì mối đe dọa từ rác vũ trụ.

Dự kiến hệ thống của Lockheed và Electro đi vào hoạt động từ năm 2016. Khi đó năng lực chống rác vũ trụ của các nước sẽ tăng thêm 25%.

NGUYỆT PHƯƠNG