27/11/2024

Tìm nước sạch cho 150 triệu người Ấn Độ

150 triệu dân Ấn Độ đang hằng ngày đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt. Các giải pháp cụ thể đang chứng tỏ hiệu quả.

Tìm nước sạch cho 150 triệu người Ấn Độ

150 triệu dân Ấn Độ đang hằng ngày đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt. Các giải pháp cụ thể đang chứng tỏ hiệu quả.

Giới thiệu các trụ ATM nước của doanh nghiệp xã hội Sarvajal - Ảnh: Sarvajal 

Tại thủ đô New Delhi, hình ảnh cư dân với xô chậu lỉnh kỉnh xếp hàng dài dưới cái nóng 45OC chờ xe chở nước là một cảnh tượng quen thuộc. Một sáng kiến mới sử dụng công nghệ để phân phối nước sạch đang được hi vọng mang lại lối thoát cho hàng triệu người dân nước này.

Do áp lực dân số lớn và điều kiện khí hậu khắc nghiệt quanh năm tại nhiều vùng miền Ấn Độ, việc phân phối nước cho người dân luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.

Số liệu của Chính phủ Ấn cho biết khoảng 150 triệu cư dân quốc gia này sống trong tình trạng thường xuyên thiếu nước sạch.

“Chúng tôi chỉ nhận được nước một lần mỗi tuần và lần nào cũng phải giành giật để có phần” – một phụ nữ trả lời phỏng vấn đài CNN.

Mở trụ cấp nước

 

“Hơn 2/3 hộ dân ở Ấn Độ không lọc nước sinh hoạt và đó là lý do của sự xuất hiện nhiều bệnh lây nhiễm liên quan đến nước thiếu vệ sinh”

Ông Ushpreet Singh Bawa(giám đốc bộ phận Nhà & lối sống của GfK ở Ấn Độ)

 

Tìm kiếm một giải pháp dài hạn sẽ còn mất nhiều thời gian, nhưng trước mắt chính quyền thành phố New Delhi đã có kế hoạch ứng phó bằng cách lắp đặt 500 cây “ATM nước ” trên khắp thành phố.

Về cơ bản, đây là một cỗ máy hình trụ đúc bêtông chạy bằng năng lượng mặt trời, nhìn bên ngoài và cách hoạt động của nó giống như máy ATM rút tiền, nhưng thay vì tiền thì nó “nhả” ra nước.

Ý tưởng này thuộc về doanh nghiệp xã hội Sarvajal – tên gọi có nghĩa “nước cho tất cả”.

Nước ngầm được xử lý tại các trạm nhỏ và phân phối qua các ATM nước này. Chỉ với 1 cent (khoảng 210 đồng), người ta có thể bơm được 4 lít nước. Với mặt bằng sinh hoạt chung của Ấn Độ, đây là giá rất rẻ.

Dù chưa được nhiều người biết đến, những hộ gia đình sử dụng dịch vụ này cho biết đã cải thiện rất nhiều cuộc sống của họ. “Giờ không còn căng thẳng như trước nữa, chúng tôi có thể có nước bất cứ khi nào cần” – cư dân Bhagwati cho biết.

 Trước đây, cô phải dậy sớm với câu hỏi thường trực là tìm nước ở đâu, và cả ngày dài chỉ xoay quanh lịch chạy của chiếc xe chở nước.

Ông Amit Mishra, người điều hành dự án của Sarvajal, cho biết các căn bệnh liên quan đến nguồn nước đã giảm kể từ khi dự án được triển khai cuối năm 2013.

 Tuy nhiên nhiều người nghèo vẫn chưa nhận ra việc trả một ít tiền cho nước sạch có thể giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe sau này.

Mishra và nhóm của ông đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với cộng đồng để tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch. Sẽ mất thời gian để người dân thay đổi cách suy nghĩ nhưng giải pháp đơn giản và hiện đại này có thể giúp nhiều người trong tương lai.

Bùng nổ thị trường máy lọc nước

Ở Ấn Độ, để giải quyết vấn đề thiếu nước, người dân cũng phải dùng đến giải pháp khoan giếng tìm nước ngầm và chất lượng nước này đương nhiên khó đảm bảo an toàn.

Vì thế, tại nhiều vùng của Ấn Độ cũng ghi nhận sự bùng nổ của thị trường máy lọc nước nhằm có được nước sinh hoạt đủ chất lượng để uống.

Theo một báo cáo của Tổ chức GfK, trong năm tháng đầu năm nay người Ấn đã chi đến hơn 150 triệu USD để mua máy lọc nước, tăng hơn 40 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Các số liệu gần đây cho thấy nhu cầu máy lọc nước dùng điện và không dùng điện đều tăng cao ở Ấn Độ. Những năm gần đây, loại máy lọc không dùng điện đã bán ra tăng đáng kể nhưng số máy lọc dùng điện cũng được ưa chuộng nhờ tính năng vượt trội so với loại không điện.

Những cảnh báo về sức khỏe với việc không dùng nước sạch đã có tác động trong cộng đồng dân chúng. Vì thế trong năm tháng đầu năm nay, số máy lọc dùng điện chiếm đến 31% số máy lọc bán ra trên thị trường.

Các doanh nghiệp cũng nhận thấy đây là thị trường béo bở. Tính riêng trong năm 2013 đã có đến 30 loại máy lọc mới ra mắt tại Ấn Độ.

 “Thị trường máy lọc sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới, không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở các đô thị cấp 2, cấp 3” – ông Ushpreet Singh Bawa, giám đốc bộ phận Nhà & lối sống của GfK ở Ấn Độ, nhận định.

Thị trường này chắc chắn sẽ mang tính cạnh tranh nhờ nhu cầu cao ở đất nước đông dân thứ hai thế giới này. Nó sẽ liên tục được cải tiến bởi đó là điều phải làm do chất lượng nước ngầm không đồng đều tại các địa phương.

MINH TRUNG