Dịch Ebola có nguy cơ bùng phát lần nữa
Số người thiệt mạng vì Ebola đến nay đã vượt con số 1.200. WHO phối hợp với Chương trình lương thực của LHQ để cấp lương thực cho cộng đồng bị cách ly. Các chuyên gia y tế WHO cho biết cách tốt nhất để kiểm soát dịch là phát hiện và cách ly người bệnh, theo dõi tất cả những người từng tiếp xúc với họ.
Dịch Ebola có nguy cơ bùng phát lần nữa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có một số tín hiệu tích cực ở Tây Phi khi những cộng đồng ở Guinea từng từ chối sự giúp đỡ từ bên ngoài nay đã chấp nhận việc điều trị.
WHO mô tả tình hình tại Guinea “ít đáng báo động” hơn hai nước láng giềng Liberia và Sierra Leone. Dịch bệnh xuất phát từ Guinea nhưng Liberia là nước có số người tử vong cao nhất và Sierra Leone có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất.
Giới nghiêm ở Liberia
Các chuyên gia y tế WHO cho biết cách tốt nhất để kiểm soát dịch là phát hiện và cách ly người bệnh, theo dõi tất cả những người từng tiếp xúc với họ.
WHO đã kêu gọi các nước ở vùng dịch kiểm soát tất cả hành khách rời các sân bay quốc tế, cảng biển và các trung tâm giao thông đường bộ. Tuy nhiên tình hình tại Tây Phi vẫn rất rối rắm khi “dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Tình hình rất mong manh và dịch có thể sẽ bùng phát một lần nữa” – tổ chức này cảnh báo.
Việc kiểm soát dịch bệnh ở Liberia hầu như bế tắc.
“Chúng tôi không thể kiểm soát được sự lây lan do người dân cứ bác bỏ, do phong tục chôn cất, không tuân thủ các khuyến cáo của nhân viên y tế và bỏ ngoài tai các cảnh báo của chính phủ – Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf biện hộ – Cộng với sự tập trung dân số lớn, căn bệnh đã lan rộng ở thủ đô Monrovia và các vùng lân cận”.
Rất nhiều người chọn cách lẩn trốn thay vì đến trung tâm điều trị. Ở vùng dịch khác là Lofa, việc chôn cất các bệnh nhân phải tạm ngưng vì không còn túi đựng xác.
Trong kho của bộ y tế chỉ còn ba đôi ủng cao su và hết sạch nước khử khuẩn. “Chính phủ đã thất bại trong cuộc chiến chống Ebola, tình hình đang ngoài tầm kiểm soát” – Reuters dẫn lời sinh viên địa phương Samuel Zorh nói.
Bất lực trước dịch bệnh, tổng thống Liberia đã cho áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 21g tới 6g sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 19-8, và tiến hành cách ly toàn bộ khu vực West Point nơi xảy ra vụ tấn công trung tâm điều trị trước đó.
Quyết định này đã khiến cư dân nổi giận. Hôm qua, cảnh sát Liberia đã phải dùng đến lựu đạn cay để giải tán đám đông biểu tình ném đá về cảnh sát do bực tức vì chuyện bị cô lập.
Những điểm sáng
May mắn là Liberia đã tìm lại được 17 bệnh nhân trốn thoát sau vụ tấn công và đưa vào trung tâm điều trị mới ở thủ đô Monrovia. Các chuyên gia y tế Liberia cũng đang gõ cửa từng nhà để giải thích về mức độ nguy hiểm của dịch và việc phải cách ly những người có triệu chứng sốt, nôn mửa và tiêu chảy.
Tại Nigeria, nước được đánh giá có cơ hội chặn đứng được sự lây lan Ebola, chính quyền đã lập ra trung tâm cách ly cho những người nghi nhiễm virút, lập các chốt kiểm soát ở biên giới và theo dõi sát những người có thể đã tiếp xúc với người bệnh.
Tổng thống Goodluck Jonathan đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế tuần trước và khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông. Ở Lagos, ủy viên y tế Jide Idris thậm chí yêu cầu các gia đình tự cách ly người nghi nhiễm bệnh.
WHO cho biết đang gấp rút cùng Chương trình lương thực của Liên Hiệp Quốc cung cấp thực phẩm và hàng cứu trợ cho hàng ngàn người tại các vùng bị cách ly, nơi việc trồng trọt và sản xuất lương thực hầu như bị tê liệt do lệnh phong tỏa. Ngoài ra, việc cung cấp lương thực cũng giúp hạn chế việc người dân bỏ đi làm lây lan dịch bệnh.
Nỗi sợ trong vùng dịch
Cuộc sống trong vùng dịch cũng là nỗi sợ của các nhân viên y tế và phóng viên. Họ phải đối mặt với áp lực chữa trị cho quá đông bệnh nhân, cái nóng và những tin đồn. “Với tỉ lệ tử vong hiện nay, mỗi ngày sẽ có vài bệnh nhân trong khu vực của bạn không vượt qua được” – bác sĩ Robert Fowler nói.
Còn chuyên gia vệ sinh Cokie van der Velde cho biết bà không thể quên cảnh tượng hãi hùng khi bước vào căn phòng với bốn người chết trong vũng máu và phân vương vãi khắp nơi
Trong khi đó, theo AP, công việc của họ khó khăn hơn do nhiều người ở Tây Phi cho rằng các nhân viên y tế đang đưa dịch Ebola vào lục địa đen, làm lây nhiễm virút và đánh cắp thi thể.
Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) hôm 19-8 cho biết tình hình ở Tây Phi hiện tại như thảm họa trong khi sự hỗ trợ của thế giới hầu như là con số không. Lãnh đạo Joanne Liu của MSF cho biết họ chỉ có hai trung tâm điều trị tại mỗi trong số ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất.
Việc tuyển tình nguyện viên hỗ trợ cũng vô cùng khó khăn. Trong khi đó, giám đốc các chương trình của MSF Brice de la Vigne kêu gọi các nước phát triển hành động thật sự để giúp ngăn chặn dịch. “Các lãnh đạo phương Tây chỉ nói về chuyện an toàn của họ, áp dụng các biện pháp như đóng cửa hàng không và chẳng giúp đỡ ai” – ông Brice de la Vigne bức xúc.
Nhiều nhân viên Hãng hàng không Air France của Pháp mới đây từ chối bay sang các nước đang bị dịch. “Chúng tôi rất sợ – một nhân viên của hãng nói trên tờ Le Parisien – Chúng tôi biết đây là một nghề nguy hiểm. Chiến tranh, độc tài thì còn được nhưng Ebola là chuyện khác”. Công đoàn của hãng cũng đã bắt đầu chiến dịch kêu gọi ngưng các chuyến bay đến Guinea và Sierra Leone.
TRẦN PHƯƠNG
Tín hiệu tốt từ thuốc ZMapp Các quan chức Liberia cho biết các bác sĩ của nước này sau gần một tuần được điều trị bằng loại huyết thanh thử nghiệm ZMapp đang hồi phục tốt. “Các chuyên gia y tế thông báo quá trình hồi phục của họ rất đáng kể” – Bộ trưởng Thông tin Lewis Brown nói Liberia chỉ nhận được một lượng nhỏ ZMapp và quyết định điều trị cho hai bác sĩ của nước này và một bác sĩ Nigeria với hi vọng họ có thể cứu được những người khác. |