09/01/2025

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Albania

Sáng ngày 31-7-2014, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố chương trình chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Albania vào ngày 21 tháng 9 tới đây.

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Albania
 
Phỏng vấn Đức cha Rrok Mirdita, Tổng Giám mục Tirana


Sáng ngày 31-7-2014, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố chương trình chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Albania vào ngày 21 tháng 9 tới đây.

Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 21-9-2014, Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường Fiumicino để bay sang Tirana và tới phi trường “Mẹ Têrêxa” lúc 9 giờ. Lúc 9 giờ 30, lễ nghi chào đón sẽ diễn ra tại Dinh Tổng thổng trong thủ đô Tirana. Sau khi chào thăm và hội kiến với tổng thống tại “Thư phòng Xanh”, lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng lãnh đạo Albania. Sau đó lúc 11 giờ, ngài sẽ cử hành Thánh lễ và đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu tại Quảng trường Mẹ Têrexa. Lúc 13 giờ 30, ngài dùng bữa trưa với các Giám mục Albania và đoàn tuỳ tùng tại Toà Sứ thần Toà Thánh.

Ban chiều, lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô và các tôn giáo khác trong Đại học Công giáo “Đức Bà Cố Vấn”. Lúc 17 giờ, ngài chủ sự buổi hát kinh chiều với sự tham dự của các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào giáo dân trong Nhà thờ Chính toà Tirana.

Lúc 18 giờ 30, Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em và phái đoàn đại diện các thành viên của các trung tâm bác ái khác trong Nhà nguyện Trung tâm Betania.

Lúc 19 giờ 45, lễ nghi tiễn biệt sẽ diễn ra tại Phi trường Quốc tế Mẹ Têrêxa. Máy bay chở Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường lúc 20 giờ và về tới phi trường Ciampino của Roma lúc 21 giờ 30.

Cộng hoà Albania rộng gần 29.000 cây số vuông, có hơn 3 triệu dân, gần 59% theo Hồi giáo, hơn 17% theo Kitô giáo và 25,30% không theo tôn giáo nào. Trước thời Đệ nhị Thế chiến, có 70% dân Albania theo Hồi giáo, 20% theo Chính thống và 10% theo Công giáo.

Vào cuối thế kỷ thứ IV, khi đế quốc Roma bắt đầu suy yếu, Albania đã là trung tâm của nền văn minh Illirica, và trong nhiều thế kỷ đã là một trong các trung tâm văn hoá và tôn giáo chính của đế quốc Bizantin. Vào thế kỷ XV, Albania rơi vào tay đế quốc Hồi Ottoman, và nằm dưới sự cai trị của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 28 tháng 11 năm 1912, Albania tuyên bố độc lập khỏi Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, và năm sau đó được thừa nhận trở thành Cộng hoà Albania, sau các cuộc chiến vùng Balcan.

Năm 1939, Albania bị sát nhập vào Vương quốc Italia. Trong các năm 1944 đến 1990, Albania đã là một nước cộng sản, có chính sách tự cô lập hoá, theo Stalin và chống việc xét lại. Trong 46 năm phải sống dưới chế độ cộng sản vô thần, tín hữu các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, đã bị bách hại rất gắt gao và đã có hàng chục ngàn tín hữu tử đạo, trong có đó nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ. Cũng giống như các nước cộng sản khác, nhà nước cộng sản Albania đã thẳng tay đàn áp các Kitô hữu, bắt giữ, bỏ tù, tra tấn và tàn sát họ không thương tiếc.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức cha Rrok Mirdita, Tổng Giám mục Tirana, về chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Albania

Hỏi: Thưa Đức cha Mirdita, Giáo Hội tại Albania chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tâm tình nào?

Đáp: Chúng tôi chờ đợi chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha với các tâm tình biết ơn. Giáo Hội của chúng tôi đã đâm rễ sâu trên vùng đất Albania này và gắn bó với người dân một cách sâu xa dọc dài lịch sử. Nhưng vì là một Giáo Hội nhỏ bé nó đã luôn luôn hướng nhìn về Roma với lòng trìu mến và sống ơn gọi là Giáo hội Công giáo. Chính qua sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô và lòng trung thành với ngài mà tín hữu của chúng tôi đã sống sự tuỳ thuộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cả trong các lúc, trong đó người kế vị Thánh Phêrô và Giáo Hội hoàn vũ đã bị coi là kẻ thù trên quê hương. Tôi nghĩ tới cuộc bách hại tôn giáo dài dưới chế độ cộng sản, nhưng tôi cũng nghĩ tới các thời điểm khác của quá khứ. Giờ đây, người kế vị Thánh Phêrô nhìn tới chúng tôi và đến thăm chúng tôi, để củng cố chúng tôi trong lòng tin và để tỏ lòng cảm phục đối với sự tử đạo và khổ đau của các tín hữu Công giáo Albania, nhưng không phải chỉ có thế. Giáo Hội tại Albania chờ đợi Đức Thánh Cha với niềm vui và lòng thương mến cùng với tín hữu các tôn giáo khác. Cả những người không tín ngưỡng cũng rất trân trọng vá quý mến Đức Thánh Cha.

Hỏi: Bách hại tôn giáo là một từ ám chỉ sự chia rẽ và kỳ thị hiện nay. Chỉ cần nghĩ tới tình hình tại Trung Đông, nhưng tại Albania sự bách hại của chế độ vô thần đã củng cố sự hiệp thông giữa các tôn giáo. Chúng ta nhớ rằng bốn cộng đoàn tôn giáo chính là Hồi giáo Suunít, Chính thống, Công giáo và Hồi giáo Bektashi đã chung sống hoà bình với nhau. Chung sống hoà bình là điều có thể giữa các tôn giáo trong cùng một quốc gia không, thưa Đứcc ha?

Đáp: Tuyệt đối là có thể chứ. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, có người giả thuyết rằng với sự tự do tôn giáo sẽ nảy sinh ra các căng thẳng giữa các tôn giáo, nhưng đã không xảy ra như vậy. Albania cống hiến một mô thức gương mẫu của sự chung sống giữa các tôn giáo với nhau. Tôi không nói rằng chúng tôi đã đạt đến sự hài hoà này mà không có các hy sinh, nhưng các hy sinh hoàn thành dọc dài lịch sử đã cho các hoa trái hoà bình, mà ngày nay tất cả mọi công dân đều được hưởng trong nước. Người Albani đã học được dọc dài các thế kỷ rằng có thể hoàn toàn trung thành với tôn giáo của mình, trong sự tôn trọng tràn đầy đối với tôn giáo của người khác. Không thể đẹp lòng Thiên Chúa nếu vi phạm các quyền lợi của các anh chị em khác. Nhưng người ta có thể tôn thờ Thiên Chúa, cả trong lĩnh vực công cộng, mà không xâm lấn không gian của người khác. Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô tìm thấy tại Albania một mô thức gương mẫu của sự chung sống hoà bình giữa các tôn giáo.

Hỏi: 21 năm đã qua đi, kể từ chuyến viếng thăm Albania của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Giáo Hội và xã hội Albania đã thay đổi như thế nào, thưa Đức cha?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã như là một sự vuốt ve trên thân xác băn khoăn của Giáo Hội tử đạo Albania. Đó đã là một ngày ánh sáng cho toàn dân nước. Đức Gioan Phaolô II tái lập hàng giáo phẩm và tấn phong 4 giám mục đầu tiên. Qua việc khẩn nài Chúa Thánh Thần cho việc phong chức các giám mục, mà tôi là 1 trong 4 vị ấy, cơ cấu Giáo hội được tái hồi sinh. Trong 2 thập niên qua, Giáo hội Albania đã thay đổi nhiều. Chúng tôi có hàng giáo sĩ bản xứ, các tu sĩ nam nữ người Albani hoạt động bên cạnh biết bao thừa sai với lòng quảng đại, nhưng dần dần các thừa sai nhường chỗ cho các thế hệ trẻ Albani.

Chúng tôi cũng có các giáo dân dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội. Như là Giáo Hội, chúng tôi điều hành nhiều việc phục vụ trong lĩnh vực xã hội, nhưng cũng có nguy cơ trở thành một Giáo Hội thiết định, dừng lại một chỗ. Vì thế, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đem tới sự tươi mát, lay động chúng tôi khỏi các thói quen và làm cho chúng tôi sống trở lại sự mới mẻ thường hằng của Tin Mừng. Cả xã hội Albania cũng đã thay đồi nhiều, nhưng có vài thách đố vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như nạn gian tham hối lộ, nghèo túng, thất nghiệp, các tổ chức tội phạm và công lý yếu kém.

Hỏi: Chuyến viếng thăm Tirana là chuyền viếng thăm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lục địa Âu châu. Có thể nói Đức Thánh Cha đã bắt đầu từ một vùng ngoại biên hay không?

Đáp: Nếu người ta hiểu trung tâm là sự giàu có vật chất, thì đúng thế. Albania là một ngoại biên của Âu châu, nhưng đất nước chúng tôi giàu các giá trị khác. Chúng tôi có người dân trẻ nhất Âu châu, mặc dù có các làn sóng di cư, chúng tôi có gia đình còn mạnh mẽ, trong đó người già còn được tôn trọng, được lắng nghe và được phục vụ. Chúng tôi có sự chung sống hoà bình giữa các tôn giáo, và tuy có các chấn thương của chế độ độc tài và nỗi khổ đau của quá khứ gần đây, nhưng chúng tôi đã không ngã vào cạm bẫy của một cuộc đấu tranh giai cấp mới, và chúng tôi đã duy trì được hoà bình xã hội. Có thể nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào đại lục Âu châu qua việc gặp gỡ với một dân tộc nghèo nàn, đã đau khổ nhiều, nhưng cũng đã đóng góp nhiều cho Âu châu.

(SD 31-7-2014)