10/01/2025

Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình

Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý của lòng cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 3-8-2014. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường Niên năm A, kể lại biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình
 
Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý của lòng cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 3-8-2014.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường Niên năm A, kể lại biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Chúa Giêsu làm phép lạ đó gần bờ hồ Galilea, trong một chỗ vắng vẻ, nơi ngài đã cùng các môn đệ rút lui vào đó sau khi nghe tin ông Gioan Tẩy Giả chết. Nhưng có biết bao người đã đi theo và tới với các ngài. Và khi trông thấy họ Chúa Giêsu cảm thương và chữa lành những người bệnh cho tới chiều. Khi đó các môn đệ lo lắng vì trời đã muộn, các ông gợi ý cho Chúa giải tán đám đông để họ có thể vào các làng mạc mua thức ăn. Nhưng Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời: “Chính các con hãy cho họ ăn.” (Mt 14,16). Rồi sau khi 5 chiếc bánh và 2 con cá được đem tới, Người chúc lành, bắt đầu bẻ ra, trao cho các môn đệ, và các ông phân phát cho dân chúng. Mọi người ăn no nê mà vẫn còn dư.


Trong biến cố này, chúng ta có thể tiếp nhận 3 sứ điệp. Thứ nhất là lòng cảm thương. Trước đám dông đuổi theo Người – và có thể nói rằng không để cho người yên – Chúa Giêsu không phản ứng với sự cáu giận, Người không nói: “Dân này làm phiền tôi.” Không. Không. Nhưng Người phản ứng với tâm tình cảm thương, bởi vì Người biết rằng họ tìm Người không phải vì tò mò, nhưng vì cần Người. Chúng ta hãy chú ý: cảm thương, đó là điều Chúa Giêsu cảm thấy. Nó không chỉ đơn sơ là thương hại, mà còn hơn nữa! Nó có nghĩa là đau khổ với, đồng hoá mình trong nỗi khổ đau của người khác, tới độ nhận lấy nó trên chính mình. Chúa Giêsu là như thế: Ngài cùng đau khổ với chúng ta. Ngài đau khổ với chúng và và cho chúng ta. Và dấu chỉ của lòng cảm thương đó là Ngài đã chữa lành nhiều người bệnh. Chúa Giêsu dạy chúng ta đặt các nhu cầu của người nghèo trước các nhu cầu của chúng ta. Các nhu cầu của chúng ta, cho dù hợp pháp, cũng sẽ không bao giờ cấp thiết như các nhu cầu của người nghèo, là những người không có cái tối thiểu để sống. Chúng ta thường nói về người gnhèo, nhưng khi nói về người nghèo, chúng ta có cảm thấy rằng người đàn ông này, người đàn bà nọ, các trẻ em ấy không có điều cần thiết để sống không? Rằng họ không có ăn, không có mặc, không thể có thuốc men. Cả các trẻ em nữa không thể đến trường… Và vì thế các nhu cầu của chúng ta, dù hợp pháp, sẽ không bao giờ cáp thiết bằng các nhu cầu của người nghèo không có điều tối thiểu để sống.

Sứ điệp thứ hai là sự chia sẻ. Thứ nhất là sự cảm thương, điều mà Chúa Giêsu cảm thấy với sự chia sẻ. Thật ích lợi đối chiếu phản ứng của các môn đệ trước người dân mệt mỏi và đói khát với phản ứng của Chúa Giêsu. Các môn đệ nghĩ rằng tốt hơn là giải tán dân chúng, để họ có thể đi mua thức ăn. Trái lại, Chúa Giêsu nói: các con hãy cho họ ăn đi. Hai phản ứng khác nhau, chúng phản ánh hai luận lý trái nghịch nhau: các môn đệ phản ứng theo thế gian, theo đó mỗi người nghĩ tới chính mình; họ đã phản ứng như thể nói: “Anh chi em hãy tự lo liệu.” Chúa Giêsu lý luận theo cái luận lý của Thiên Chúa, là cái luận lý của sự chia sẻ. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã quay mặt đi nơi khác để không trông thấy các người anh em cần giúp đỡ. Và cái nhìn đi chỗ khác này là một kiểu lịch sự để nói rằng, trong đôi găng tay trắng: “Hãy tư lo liệu lấy.” Điều này không phải là của Chúa Giêsu: đó là sự ích kỷ. Nếu Chúa Giêsu đã giải tán các đám đông, thì cũng sẽ còn có biết bao nhiêu người không có ăn.

Trái lại, ít chiếc bánh và cá, được chia sẻ và được Thiên Chúa chúc phúc, đã đủ cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy chú ý: đây không phải là một ma thuật, mà là một “dấu chỉ”! Một dấu chỉ mời gọi có niềm tin nơi Thiên Chúa, là Cha quan phòng, là Đấng không để cho chúng ta thiếu “lương thực hằng ngày”, nếu chúng ta biết chia sẻ nó như anh chị em!

Sau cùng, liên quan tới sứ điệp thứ ba, Đức Thánh Cha nói:

Phép lạ bánh báo trước Bí tích Thánh Thể. Chúng ta thấy nó nơi cử chỉ của Chúa Giêsu “đọc lời chúc tụng” (c. 19) trưởc khi bẻ bánh và phân phát cho đám đông. Nó cũng là chính cử chỉ Người sẽ làm trong Bữa Tiệc Chiều, khi Người thành lập việc tưởng niệm vĩnh cửu Hiến tế cứu độ của Người. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu không cho một chiếc bánh, nhưng cho bánh sự sống vĩnh cửu, trao ban chính Ngài, tận hiến chính mình cho Thiên Chúa Cha vì yêu thương chúng ta. Ai đến với Bí tích Thánh Thể mà không có lòng cảm thương các người túng thiếu và không chia sẻ, thì không hợp với Chúa Giêsu…

Cảm thương, chia sẻ và Thánh Thể. Đó là con đường mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta trong Tin Mừng này. Một con đường dẫn đưa chúng ta tới chỗ đối chiếu với các nhu cầu của thế giới này với tình huynh đệ; nhưng nó dẫn đưa chúng ta vượt quá thế giới này, bởi vì nó khởi hành từ Thiên Chúa và trở lại với Người.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của sự Quan Phòng thiên linh, đồng hành với chúng ta trên con đường này.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu Roma và các khách hành hương thuộc nhiều nước khác nhau. Ngài đặc biệt chào nhóm chạy bộ thuộc Giáo xứ Sao Biển ở Lido, tỉnh Latina, được tổ chức chung với Hiến binh Vatican và Đội Cận vệ Thuỵ Sĩ. Ngài đã làm phép ngọn đèn sẽ được thắp sáng suốt tháng 8 này để kính Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha cũng chào các bạn trẻ Giáo xứ Thánh Tâm ở Pontedera, thuộc Giáo phận Pisa, trung bắc Italia, hành hương đi bộ về Roma theo lộ trình Francigena, là lộ trình hành hương có từ thời Trung Cổ, đi qua các nước Pháp, Italia, Tây Ban Nha. Ngài cũng chào các hướng đạo sinh hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Họ đang cùng hàng ngàn hướng đạo sinh Italia trên đường đến tham dự đại hội hướng đạo sinh toàn quốc tại San Rossore.

Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và bữa ăn trưa ngon miệng.