08/01/2025

Những đại sứ du lịch thầm lặng

Bên cạnh những phiền toái vốn đã trở thành “thương hiệu” tại nhiều điểm du lịch, chúng tôi còn gặp được những con người để lại ấn tượng ấm áp mỗi khi nghĩ đến vùng đất ấy. Họ là những đại sứ du lịch thầm lặng mà bất cứ du khách nào cũng có thể bắt gặp và làm quen trong những chuyến du lịch bụi.

 

Những đại sứ du lịch thầm lặng

Trong những chuyến du lịch cuối tuần sau những ngày làm việc căng thẳng, bên cạnh những phiền toái vốn đã trở thành “thương hiệu” tại nhiều điểm du lịch, chúng tôi còn gặp được những con người để lại ấn tượng ấm áp mỗi khi nghĩ đến vùng đất ấy.

Những người dân chân chất, làm ăn trung thực sẽ là những đại sứ du lịch hiệu quả nhất. Trong ảnh: du khách nước ngoài yêu thích Hội An có phần lớn nhờ người dân – Ảnh: T.T.D.

 

Họ là những đại sứ du lịch thầm lặng mà bất cứ du khách nào cũng có thể bắt gặp và làm quen trong những chuyến du lịch bụi.

Hạnh phúc của anh bán tôm tích

Lên chiếc xe khách đúng kiểu du lịch bụi vào những ngày cuối tuần, chúng tôi đến Hà Tiên, vùng đất đã đi vào thi ca với nhiều cảnh vật thơ mộng. Do vừa trải qua chuyện buồn về tình cảm, tôi ngồi ở bãi biển đầy người trong cái nắng ráng chiều đẹp mê hồn nhưng vẫn thấy tâm trạng mình ủ dột tựa như một buổi chợ chiều mưa tầm tã. Bất chợt, một người đàn ông đen nhẻm đi trên chiếc xe cà tàng chạy lại mời chào đon đả: “Các anh chị mua giúp Chôm ít tôm tích đi, tôm tích Chôm mới vừa bắt lên đó, ngon lắm”.

Đây là một anh ngư dân đúng nghĩa của miền biển này: đen nhẻm, ăn mặc xuềnh xoàng, người nhỏ thó nhưng rắn rỏi và đặc biệt có nụ cười hồn hậu, vô tư. Anh nhiệt tình chào mời hàng bằng giọng dân tộc nghe thật thà dễ chịu. Sau khi tho thuận giá cả xong, anh móc chiếc điện thoại Nokia đập đá thời kỳ đầu ra gọi người đến luộc tôm giúp chúng tôi. Anh còn mang ra hẳn một chai rượu của mình để uống cùng chúng tôi, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về vùng biển này, về những ngày anh đánh bắt cá tôm trên biển, về gia đình nhỏ của anh, về tuổi thơ cơ cực bằng một giọng nói chân chất nhưng đầy hạnh phúc.

Tôi nhìn anh và nhìn lại mình. Công việc của tôi chắc chắn không nguy hiểm, bấp bênh và nhiều sóng gió với những ngày ra biển rồi trở về với chiếc thuyền nhẹ hẫng như anh… Nhưng anh vẫn thấy hạnh phúc hơn tôi. Anh hạnh phúc trong chính cái thế giới tuềnh toàng, cực khổ và thiếu thốn của mình. Còn tôi thì bận buồn bã tìm kiếm những điều tôi chưa có hoặc vừa mất đi, vì đơn giản anh hài lòng với những điều mình có, còn tôi thì không.

Nụ cười của người bán khoai lang

Gần 10 năm rồi mới có dịp quay trở lại Đà Lạt, tôi vẫn không thấy thay đổi gì nhiều. Cũng những ngôi nhà cổ kính, những cánh rừng thông xanh mướt, mặt hồ Xuân Hương tĩnh lặng và trong trẻo. Nếu có đổi khác chắc chỉ là nhiều căn nhà được xây dựng hiện đại hơn. Chợ Đà Lạt cũng vậy, vẫn những bậc thang đi vào lòng chợ, những sườn dốc lên xuống làm mỏi chân khách bộ hành, những gánh hàng rong bên vệ đường luôn nghi ngút khói. Buổi tối cuối cùng tại Đà Lạt, cả nhóm chúng tôi đi dạo chợ để ăn cho đã thèm những món ăn vặt tại đây cũng như tận hưởng khí trời trong lành trước khi quay lại Sài Gòn khói bụi.

Tôi sà vào hàng bán khoai lang nướng bên đường, trời lạnh thế này ăn khoai lang nướng là thích nhất và… tôi giật nẩy mình. Người bán khoai có khuôn mặt gần như biến dạng, làn da sần sùi đỏ ửng, ngay cả phần mí mắt và lông mày cũng không thể nhận ra, lỗ mũi chỉ còn trơ lại hai cái hốc, khuôn miệng bị kéo lệch qua một bên. Đằng sau khuôn mặt khủng khiếp đó hẳn là một quá khứ đau thương. Hình như quen với những cái giật mình và thái độ của mọi người vì vẻ bề ngoài của mình, anh chỉ nở nụ cười méo mó hiền lành: “Chị ăn củ nào lựa đi ạ”.

Cả nhóm chúng tôi ngồi cạnh anh bên bếp lửa, cố gắng tỏ ra bình thường không để lộ sự thương cảm hay sợ hãi trên nét mặt. Một anh trong nhóm cất tiếng hỏi phá vỡ sự yên lặng mất tự nhiên đó: “Anh… Anh bị thế này lâu chưa?”. Anh lại mỉm cười: “Cũng lâu lắm rồi, hồi còn nhỏ, trong một lần gia đình bị ho hoạn…”. Anh kể bằng giọng bình thường nhưng tôi sợ không dám nghe nữa, cũng không dám hỏi trong trận đó nhà anh còn lại mấy người, chỉ biết giờ anh sống một mình, đơn độc nuôi thân. Bà bán bánh tráng ngồi ngay kế đon đả mỉm cười: “Nó chịu khó lắm, nghèo vậy mà vẫn ráng đi học, học xong rồi ai kêu gì làm nấy, tối thì ngồi bán thế này đến tận khuya, nó hiền lành nên bà con ở đây ai cũng thương”.

Không thương sao được khi ngay chính tôi – một người hoàn toàn xa lạ – đã rời đi rồi vẫn muốn quay lại ôm anh một cái, với mong muốn có thể san sẻ một chút đau khổ mà anh đã trải qua. Thế nhưng ngoái đầu nhìn dáng người nhỏ thó đó, tôi lại thấy nụ cười hiền lành ấy (tôi không còn cảm thấy méo mó và kỳ dị nữa mà thật đẹp, lạ ghê!) đang vui vẻ chào mời hai người khách khác mua khoai. Khoảnh khắc đó tôi nhận ra anh không cần cái ôm của tôi, mà chính anh mới là người cho tôi thêm niềm tin, hi vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này.

“Quý ông” chạy xe ôm

Đến Phú Yên, chúng tôi không ở trung tâm thành phố mà đến bán đảo Xuân Thịnh, một nơi còn nhiều vẻ hoang sơ và mộc mạc. Vì nhà cách đường lộ 5km, chúng tôi phải thuê mấy bác xe ôm chở vào cũng như chở ra. Tại đây tôi gặp được một “quý ông” làm nghề chạy xe ôm. Người ông đen nhẻm, nhỏ nhắn, chân mang đôi dép tổ ong, quần áo cáu bẩn như vừa chui dưới gầm xe tải ra. Chỉ ngoài 50 tuổi nhưng khuôn mặt ông già nua khắc khổ. “Xoài ở đây ngon quá mà sáng nay ra chợ quên mua mất rồi!” – một người bạn trong nhóm chúng tôi chặc lưỡi vì tiếc thì “quý ông” lên tiếng hào phóng: “Để tôi chở về nhà kêu người yêu tôi hái cho, muốn lấy bao nhiêu cô cậu cứ lấy”.

Cả đám vừa khoái chí vì có quà mang về vừa ngạc nhiên vì một ông lão tuổi đã xế chiều còn tập yêu đương này nọ. Nhưng anh chủ nhà ghé vào tai nói nhỏ với chúng tôi: “Đừng hiểu lầm, ông ấy đang nói về vợ ổng đấy, ổng toàn gọi thế”. Bọn tôi ồ lên và bất giác bắt gặp mình cảm động. Tôi chưa bao giờ nghe được cách gọi nào lãng mạn và trang trọng như thế. Cách gọi đầy tình yêu chỉ những quý ông thật sự mới có mà thôi.

 

NGHÊ CHIÊU ANH