26/11/2024

Vào kiến trúc dù bàn tay 3 ngón

Thi đỗ vào ngành kiến trúc vốn không dễ dàng, vì năng khiếu vẽ được xem là tiêu chí đầu tiên, thế nhưng cậu học trò mà bàn tay phải chỉ còn 3 ngón đã làm được điều đó.

Vào kiến trúc dù bàn tay 3 ngón

 

Thi đỗ vào ngành kiến trúc vốn không dễ dàng, vì năng khiếu vẽ được xem là tiêu chí đầu tiên, thế nhưng cậu học trò mà bàn tay phải chỉ còn 3 ngón đã làm được điều đó.


Tùng say mê vẽ dù chỉ với 3 ngón tay - Ảnh: Diệu Hiền 

Huỳnh Thanh Tùng (P.Hoà Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bước chân vào giảng đường ngành kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng mùa tuyển sinh nay, với 33,7 điểm, trong đó môn vẽ đạt 8,25 điểm (chưa nhân hệ số).

Tùng kể vào hè năm lớp 3, cậu cùng bạn bè nhặt được một vật hình thù kỳ lạ, không hề giống bom mìn. Khi đập ra chơi thì vật này phát nổ. Bạn bè ai cũng bị thương nhẹ, riêng Tùng bị nặng nhất, thương tật cả tay lẫn chân, phải nằm điều trị tại bệnh viện suốt 3 tháng hè. “Bác sĩ chẩn đoán em mất 3 ngón tay phải. Thế nhưng, về sau các bác sĩ nối được ngón tay giữa. Những ngày tháng sau đó là quãng thời gian đáng sợ nhất, khi em phải tập đi trở lại, tập cầm bút để viết bằng 3 ngón tay”, Tùng kể.

Nhưng trở ngại đó không ngăn được Tùng đến với bộ môn hội hoạ. Mê vẽ, ngay từ năm học THCS, Tùng đã xác định học để vào bằng được ngành kiến trúc. Năm đầu tiên thi ĐH không đủ điểm nhưng Tùng không nản lòng, tiếp tục luyện thi và đã đạt điểm thi vẽ rất cao, thuộc top 7 trong số thí sinh trúng tuyển vào ngành kiến trúc Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm nay.

“Theo quan sát riêng của tôi, đề thi vẽ năm nay rất khó, do những thầy học ở nước ngoài về ra đề”, PGS-TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhận định về đề thi. Còn đối với Tùng, đề thi không chỉ khó mà còn khá vất vả khi cố gắng cho kịp thời gian hoàn tất bài làm trong vòng 3 tiếng.

Không chỉ nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, sống với đam mê của mình, Tùng còn là một người con hiếu thảo. Sinh ra trong gia đình 7 anh chị em, đời sống chật vật, mỗi năm cứ đến hè Tùng lại theo cha đi phụ hồ. “Ai gọi gì thì làm nấy. Bưng gạch, trộn hồ, kéo đá… Tùng đều làm được. Có làm vậy mới thấy cha vất vả như thế nào để nuôi gia đình”, Tùng trăn trở.

Khi nhận được tin trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Tùng cũng chính thức được một trung tâm nhận về làm trợ giảng để giúp đỡ những học sinh thế hệ đàn em đến với ngành kiến trúc.

Diệu Hiền