04/01/2025

Một con tim ngoan hiền

Vua Salomon không xin Đức Chúa ban cho mình một cuộc sống trường thọ, giàu sang, hay loại trừ được quân thù của mình; nhưng ngài xin Đức Chúa ban cho mình «một con tim ngoan hiền» – nghĩa là “một lương tâm biết lắng nghe, một con tim nhạy cảm với tiếng nói của chân lý, một con tim có khả năng phân biệt được thiện với ác”

 Một con tim ngoan hiền

Kinh Truyền Tin
Dinh Tông Toà Castelgandolfo
Chúa Nhật XVII TN, 24/7/2011

Anh chị em thân mến!

Bài đọc Cựu Ước trong phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta hình ảnh vua Salomon, là con và là người kế vị ngai vàng David. Bài đọc trình bày thời gian đầu của triều đại, khi Salomon còn trai trẻ. Salomon được giao cho một trọng trách nhiệm quan trọng, và trách nhiệm đè nặng trên đôi vai người thừa kế thì quá lớn đối với một vị vua còn trẻ tuổi. Trước tiên, nhà vua dâng tiến Chúa một hiến tế long trọng – “ngàn hiến vật”, Sách Thánh nói thế. Lúc đó Chúa hiện ra trong một thị kiến ban đêm và hứa ban cho nhà vua điều vua xin. Chính nơi đây ta thấy được tâm hồn cao thượng của Salomon: nhà vua không xin Đức Chúa ban cho mình một cuộc sống trường thọ, cũng như không xin giàu sang, hay loại trừ được quân thù của mình; mà trái lại nhà vua thưa với Đức Chúa: «Xin ban cho tôi tớ Ngài một tâm hồn biết xét xử để cai trị dân của Ngài, để biện phân điều lành điều dữ (1V 3,9). Và Đức Chúa đã nhậm lời vua xin, đến độ Salomon trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới về sự khôn ngoan và xét xử công minh.

Như thế, nhà vua xin Đức Chúa ban cho mình «một con tim ngoan hiền». Câu nói này có nghĩa gì? Chúng ta biết rằng «con tim» trong Sách Thánh không những chỉ một phần của thân thể, nhưng là tâm điểm của con người, là trung tâm của những ý hướng và những phán đoán của con người. Chúng ta muốn nói đến lương tâm. Như thế, «một con tim ngoan hiền» có nghĩa là một lương tâm biết lắng nghe, một con tim nhạy cảm với tiếng nói của chân lý, và như thế, là một con tim có khả năng phân biệt được thiện với ác. Trong trường hợp của vua Salomon, trách nhiệm hướng dẫn một quốc gia, hướng dẫn Israel, dân mà Đức Chúa đã chọn để bày tỏ cho thế giới thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa, là động cơ cho lời cầu xin này. Do đó, vua Israel phải tìm cách luôn sống hài hoà với Thiên Chúa, bằng cách lắng nghe Lời của Ngài, để hướng dẫn toàn dân trên những con đường của Đức Chúa, trên con đường công lý và hoà bình. Nhưng tấm gương của Salomon đều có giá trị cho bất cứ con người nào. Mỗi người trong chúng ta đều ý thức một cách nào đó mình là «vua», nghĩa là thể hiện một phẩm giá vĩ đại của con người trong việc hành động dựa theo một lương tâm ngay thẳng khi làm việc để phục vụ điều thiện và xa lánh điều xấu. Lương tâm luân lý giả thiết khả năng lắng nghe tiếng nói của sự thật, ngoan ngoãn nghe theo những chỉ dẫn của sự thật. Những ai được kêu gọi nắm quyền cai trị dĩ nhiên càng có một trách nhiệm quan trọng hơn nữa, và như thế – như vua Salomon đã dạy – họ càng cần Thiên Chúa giúp đỡ nhiều hơn. Nhưng mỗi người đều có bổn phận riêng cần phải chu toàn, trong tình huống cụ thể mà họ đang sinh sống. Một tâm tính sai lạc thúc đẩy chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều thuận lợi hay những điều kiện; trong thực tế, chất lượng đích thực của đời sống chúng ta và của xã hội lệ thuộc vào lương tâm ngay thẳng của mỗi người, vào khả năng của mỗi người và của tất cả mọi người là nhận biết điều thiện, bằng cách phân biệt thiện với ác và kiên nhẫn tìm cách thể hiện điều thiện hảo, và như thế, cộng tác vào công lý và hoà bình.

Để được thế, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, là Toà Đấng Khôn Ngoan, giúp  chúng ta. «Quả tim» của Mẹ hoàn toàn «ngoan ngoãn vâng theo» Thánh ý Chúa. Đức Maria vừa là một con người khiêm nhường và đơn sơ, vừa là một Nữ vương dưới cái nhìn của Thiên Chúa, và chúng ta tôn kính Mẹ như thế. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tạo cho mình, nhờ ơn Chúa giúp, một lương tâm luôn rộng mở đón nhận chân lý và nhạy cảm với công lý để phục vụ Nước Chúa.