08/01/2025

Người thầy chưa bao giờ gặp

Một chàng trai 26 tuổi, không phải dân sư phạm “xịn”, nhưng lại gây sốt trên cộng đồng mạng cả năm qua bằng những clip bài giảng tự quay. “Thầy giáo online” là biệt danh mà học trò khắp cả nước gọi thầy Đinh Tiến Nguyện (quê Vụ Bản, Nam Định).

 

Người thầy chưa bao giờ gặp

Một chàng trai 26 tuổi, không phải dân sư phạm “xịn”, nhưng lại gây sốt trên cộng đồng mạng cả năm qua bằng những clip bài giảng tự quay. “Thầy giáo online” là biệt danh mà học trò khắp cả nước gọi thầy Đinh Tiến Nguyện (quê Vụ Bản, Nam Định).

Thầy Nguyện giảng bài trước máy quay để thực hiện bài giảng online – Ảnh: Ngọc Hà

“Ứng dụng của tích phân là tính diện tích hình phẳng. Sau này, các em ra trường về làm chủ tịch xã sẽ phải thường xuyên tính diện tích đất, diện tích ruộng. Nếu mảnh đất, mảnh ruộng đó hình vuông, hình chữ nhật, các em có thể dùng công thức thông thường. Nhưng nếu mảnh ruộng bị méo méo thì phải dùng tích phân”. Đó là một phần nội dung trong bài giảng đầu tiên mà thầy Nguyện tự quay clip và đưa lên mạng giảng về các phương pháp tính tích phân cho học sinh lớp 12. “Ở lớp mình học bài này rồi, nhưng quả thật chẳng biết nó ứng dụng vào đâu. Nghe bài giảng của thầy, lúc đầu thấy buồn cười, nhưng về sau thì cứ nhớ mãi” – Tuyết Mai, một học sinh ở Hà Nội, chia sẻ.

Đầu tư webcam để dạy… miễn phí

 

Dù đang là thầy giáo “hot” với đủ lời mời dạy học từ nhiều trung tâm, nhưng Nguyện đặt ra một quy tắc: không nhận bất cứ lời mời dạy học nào vào chủ nhật. “Mỗi tuần mình đều về quê để dạy miễn phí cho hơn 30 học sinh quê mình ở chùa Thọ Linh, Vụ Bản. Nhiều em học giỏi, nhưng nhà nghèo như nhà mình ngày xưa vậy. Gieo chữ cho các em, mình sẽ được sống trọn vẹn cuộc sống của mình” – thầy Nguyện tâm sự. Song không chỉ có lớp học miễn phí ở quê hương, Nguyện còn cùng một số thầy giáo trẻ đang đứng lớp luyện thi ĐH miễn phí cho khoảng 250 học sinh ngay tại sân chùa Tân Hải, Đan Phượng, Hà Nội.

 

Nhưng ý tưởng giảng bài, tự quay clip không phải có ngay từ khi cậu sinh viên năm thứ ba ngành toán – tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rẽ sang con đường dạy học. Ban ngày, Nguyện đều đặn đi làm gia sư để trang trải thêm cho cuộc sống. Tối về, cậu lại cặm cụi lên mạng vào trang “Yahoo hỏi – đáp” để trả lời những thắc mắc về toán học của học sinh.

Thú vị với phần trả lời chuẩn xác và nhiệt tình của “thầy Nguyện”, một nhóm học sinh từ miền Nam đề nghị Nguyện dạy học qua Skype để có thể nhìn và nghe thầy giảng trực tiếp. Hào hứng với đề xuất của những học sinh phương Nam, Nguyện quyết định dành 1,5 triệu đồng – đúng bằng một tháng thu nhập từ công việc gia sư – để mua webcam gắn vào máy tính giảng bài cho học sinh. Ăn vận chỉnh tề, đứng trước webcam độc thoại, nhưng Nguyện phải tưởng tượng đằng sau chiếc máy nhỏ bé đó có 30-40 học sinh.

Theo kinh nghiệm của Nguyện, giảng bài online sẽ phải có tốc độ nhanh gấp 1,5 lần so với giảng bài trực tiếp. Những clip ban đầu lộ rõ sự nghiệp dư khi đang giảng bài thì có lúc người thân gõ cửa, lúc lại thầy giáo hướng dẫn đồ án gọi… khiến ông thầy trẻ phải “chữa cháy” đầy ngượng nghịu. Nhưng điều phiền toái nhất là đường truyền không ổn định, hình ảnh nhiều khi giật cục, nội dung bài giảng bị ảnh hưởng. Nghĩ ngợi mãi, Nguyện nảy ra ý tưởng giảng bài, quay clip xong xuôi mới tải lên mạng để chia sẻ cùng mọi người. Hiệu ứng bất ngờ khi những bài giảng online của Nguyện được đón nhận nhiệt tình. Clip đầu tiên giảng về các phương pháp tích phân đến nay đã đón nhận hơn 130.000 lượt truy cập.

Toán cũng là cuộc sống…

Trên trang “Toán thầy Nguyện”, dòng đầu tiên không phải một công thức toán học kinh điển mà là lời nhắn nhủ của chủ nhân trang web với học trò: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi. Đó là cuộc đời mà ta phải nỗ lực hết mình để đạt được những điều mình mong muốn, chứ không phải cuộc đời an nhàn bình lặng. Vì vậy, hãy sống hết mình, làm việc hết mình, học hết mình và chơi hết mình, trân trọng những phút giây trôi qua của mình để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ta không phải hối hận về những thời gian sống hoài, sống phí”.

Trò chuyện cùng những học sinh của thầy Nguyện mới hay rằng sức hấp dẫn của những bài giảng lượng giác, hình học… hóa ra không chỉ nằm ở kiến thức mà thầy giáo trẻ mày mò trang bị cho học trò. “Thầy dạy chúng em biết sống yêu thương. Muốn học giỏi trước hết phải biết thương cha mẹ, thương sự tảo tần, hi sinh của mẹ cha dành cho mình. Thầy cũng dạy chúng em luôn nỗ lực hết mình để không hối tiếc, nhưng cũng phải luôn biết bằng lòng với những gì mình đang có” – Bùi Thị Đào, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản, Nam Định), chia sẻ. Những câu chuyện về cuộc sống lâu nay, nếu có, chỉ gặp ở những bài giảng văn chương, bất ngờ lại được thầy Nguyện đưa vào giờ toán đầy công thức và con số.

Không ít người, kể cả người thân trong gia đình, đã từng rất lo lắng khi bạn bè cùng lớp toán tin ứng dụng đều đi làm những ngành thời thượng như phân tích chứng khoán, rồi làm cho các tập đoàn bảo hiểm thì Nguyện lại say sưa với nghề “gõ đầu trẻ”. Nhưng mọi lo lắng dần tan biến khi chỉ sau khoảng một năm, tự “sản xuất” được khoảng 30 clip với lượng truy cập “khủng”, Nguyện được rất nhiều trung tâm luyện thi mời đi dạy. “Mọi thứ đến rất tự nhiên. Bây giờ mình dạy ở 3-4 trung tâm luyện thi lớn. Riêng bài giảng online mình vẫn thực hiện đều đặn, nhưng không phải tự làm như trước mà có hẳn một êkip đứng phía sau hỗ trợ. Clip giờ không còn phải quay bằng chiếc webcam nhỏ, mà được thực hiện nhờ máy quay hiện đại trị giá cả trăm triệu đồng” – thầy Nguyện chia sẻ.

 

 

Thầy đã dạy tôi rất nhiều

Tôi chưa bao giờ được gặp thầy ngoài đời thực, nhưng qua cử chỉ và thái độ của thầy tôi biết thầy là một nhà giáo yêu nghề, luôn tận tâm, hết lòng vì học sinh. Tôi được biết đến thầy từ một video clip bài giảng trên YouTube. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là nụ cười tươi và sự vui tính. Nụ cười của thầy làm cho tôi cảm thấy gần gũi, thân thiện và thoải mái hơn bao giờ hết. Thầy có cách giảng bài rất vui và dễ hiểu, làm cho học sinh nhớ bài lâu hơn. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ thầy cũng như nhiều giáo viên khác, nhưng càng biết nhiều về con người thầy tôi lại càng kính trọng và nể phục thầy hơn.

Thầy đã thực hiện hàng chục video clip bài giảng bổ ích cho học sinh trên khắp cả nước, thầy tạo hẳn một trang web về toán học cung cấp những bài tập làm thêm và những bí quyết học tập có ích cho học sinh, thầy mở lớp học miễn phí một tháng cho những học sinh mất căn bản, và khi nhận được câu hỏi của học sinh từ khắp mọi nơi trên cả nước thầy đều trả lời rất nhiệt tình, thậm chí còn thực hiện cả một video clip giải đáp thắc mắc cho học sinh… Nếu không có tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết thì không thể nào làm được như thầy. Hết bất ngờ thì tôi lại xúc động: Hóa ra trên đời vẫn còn những nhà giáo yêu nghề như thầy! Điều làm tôi quý nhất ở thầy chính là thầy đã bỏ thời gian, công sức và tâm huyết của mình phục vụ sự nghiệp giáo dục mà không nghĩ đến tiền bạc, cũng không mong được đền đáp hay trả ơn, tất cả chỉ là tấm lòng dành cho học sinh.

Thầy đã dạy tôi rất nhiều, không chỉ về tri thức mà còn làm thay đổi cách nhìn nhận của tôi về cuộc sống. Thầy dạy tôi từ một đứa không biết tí gì về hình học không gian nay đã có thể làm rành rọt từ đầu đến cuối. Thầy đã cho tôi thấy trong cuộc sống này vẫn còn nhiều nhà giáo dạy học bằng cả trái tim với mong muốn được truyền lại kiến thức cho thế hệ mai sau. Tôi thật sự biết ơn thầy vô cùng! Tôi không biết nói gì hơn ngoài câu cảm ơn thầy! Cảm ơn thầy vì những việc làm cao quý của thầy. Cảm ơn thầy đã giúp em hiểu thêm về cuộc sống, về tấm lòng của những nhà giáo như thầy. Và em tin chắc rằng đâu đó trên khắp cả nước cũng có nhiều học sinh biết ơn thầy như em, cũng có những nhà giáo hi sinh thầm lặng vì sự nghiệp giáo dục như thầy để cuộc sống này đầy ắp tình người và yêu thương. Một lần nữa em cảm ơn thầy – người thầy em chưa bao giờ gặp.

VŨ THỤY PHƯƠNG NHƯ
(trích thư gửi về chuyên mục Dạy học bằng cả yêu thương)