27/11/2024

Nước mắt ươi bay

Năm nay, ươi bay được mùa chưa từng có, giá trái lại lên cao chót vót. Hơn một tháng nay, cây ươi ở vùng Trường Sơn, Quảng Nam bị chặt hạ ồ ạt, bất kể lớn nhỏ. Trong dòng nhựa của cây có cả nước mắt và máu của những người chặt ươi.

Nước mắt ươi bay

Năm nay, ươi bay được mùa chưa từng có, giá trái lại lên cao chót vót. Hơn một tháng nay, cây ươi ở vùng Trường Sơn, Quảng Nam bị chặt hạ ồ ạt, bất kể lớn nhỏ. Trong dòng nhựa của cây có cả nước mắt và máu của những người chặt ươi. 
Một cụm cây ươi bay ở khu rừng kề làng thuộc thôn 3, xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My) bị đốn tiệt để hái trái – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

 

Trong số tám huyện miền núi của Quảng Nam, Bắc Trà My và Nam Trà My có nhiều cây ươi hơn cả. Từ TP Tam Kỳ theo tỉnh lộ 616 để đến hai huyện này, chừng một cây số đã thấy trái ươi được phơi tràn hai bên đường. Đến thị trấn Trà My, khung cảnh mùa ươi hiện rõ: ở những điểm mua bán, phụ nữ thoăn thoắt nhặt trái phân loại, những người cưỡi xe máy tập trung từng nhóm hỏi han giá cả…

Từ nhặt sang chặt

 

“UBND huyện Bắc Trà My vừa có kế hoạch lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với từng xã trong huyện lội rừng để đánh giá thực trạng cây ươi vừa bị đốn hạ hái trái, từ đó sẽ vạch kế hoạch quản lý, bảo vệ cây” – ông Phan Trung Sỏi, phó trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bắc Trà My, cho biết.

 

“Người làm ươi nay tiến vô những khu rừng sâu vì ở vùng ngoài người ta làm hết rồi. Muốn vô mấy chỗ đó cũng khó lắm, đi cả ngày mới tới, đèo dốc chập chùng, tui đi mấy chuyến rã người. Nhưng cực thì không nói, ngán nhất là người ta hạ cây đè nhằm mình. Cây ươi dài 20-30m, núi dốc, rừng rậm, không biết mô mà tránh, nguy hiểm lắm” – anh H., ở xã Trà Dương, người giúp dẫn tôi vào rừng, nói.

Tôi phải đóng vai người đi mua gỗ cây ươi vừa bị đốn hạ về làm ván bao bì để khỏi bị làm khó dễ khi ngang qua làng người Ca Dong ở thôn 3, xã Trà Giác.

Rừng nằm không xa làng. Cây ươi bay ở đây có khá nhiều, mọc thành từng cụm, vài chỗ mọc thưa hơn. Trên một khoảnh đất rộng chừng 500m2 có năm cây ươi, tất cả đều bị đốn hạ, gốc còn ứa nhựa, thân cây phơi vương vãi.

“Mấy cây ươi ni nằm gần rẫy của người địa phương mà còn bị đốn hạ, huống chi là ươi ở rừng sâu. Tui đi làm mấy chuyến thấy người làm ươi mười toán thì chỉ có một toán là đi lượm ươi tự rụng, còn lại đều đốn hạ ươi để hái trái. Cứ một cái cưa lốc (cưa máy cầm tay) thì có khoảng 5-6 người đi theo” – anh H. nói.

 

Những người từ xã Trà Dương đến rừng Nam Trà My hái ươi mang ra đường bán lúc chiều tối – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

 

Các vùng rừng xã Trà Giác, Trà Giang, Trà Tân đều thuộc hệ núi Hòn Bà (tức Ngok La Dang, có đỉnh cao trên 1.500m) thuộc những vùng núi rộng lớn của Bắc Trà My, có rất nhiều cây ươi. Nay chúng đã bị triệt hạ gần như hết sạch.

Anh H. dẫn chứng: “Ươi ở vùng ni có chỗ mọc dày như cây trồng, nhưng có nhiều mấy cũng không chịu nổi với số người đi làm ươi đông trăm đông ngàn. Dân Đồng Nai, Lâm Đồng đổ ra, dân các huyện kề Trà My như Tiên Phước, Phú Ninh đổ lên. Tui đã thấy có toán hạ một ngày 20 cây, nhưng chỉ lựa hái được chừng một trăm ký ươi già, còn trái non bỏ lại hết. Cây ươi mà biết nói chắc nó sẽ khóc vì bị đốn oan uổng”.

Đã gần cuối mùa, nhưng độ nóng của cơn sốt ươi bay vẫn chưa giảm mấy. Dọc theo đường Trà My – Trà Bồng (tức quốc lộ 24C) xuất hiện từng nhóm người mua trái ươi đến từ Quảng Ngãi tụm xe máy dưới bóng cây ven đường chờ người hái mang ra bán.

“Ươi ở vùng này đúng là có nhiều. Nhưng tiếc là trái năm nay không đẹp lắm vì người ta hái cả trái chưa già. Mấy năm trước không rộ mùa như năm nay, người ta chỉ chọn hái trái chín, trái già gần chín nên ươi đẹp, có chất lượng. Mình cố mua cho được nhưng về bán lại cũng rất khó vì bị chê là hàng xấu” – một người trong nhóm này nói.

 

Hạt ươi – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

 

Được mùa mất cả cây

5g chiều, anh Hồ Tấn Lộc cùng bốn người trong toán lọ mọ từ rừng sâu mang xách ra đường Nam Quảng Nam đoạn thuộc xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) chừng 10kg ươi.

“Chỗ nào cũng gặp người ta làm rồi. Toàn là mót lượm trái ươi bị chê bỏ lại. Tụi tui đi mấy ngày chỉ gặp lác đác mấy cây ươi nhỏ chưa có trái là chưa bị chặt. Nếu người ta đừng chặt cây, chỉ lượm trái chín bay (rụng) xuống lai rai thì toán nào cũng kiếm được một ít. Trái ươi chín bay giá đến trên hai trăm ngàn một ký, còn ươi chưa già như thế này chỉ dưới trăm ngàn” – anh Lộc nói như than.

Nhưng không chỉ những người nhặt trái ươi như anh Lộc than thở.

Ông Phan Trung Sỏi, phó trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bắc Trà My, không giấu được vẻ buồn bã khi nói về thực trạng “chặt ươi hái trái” đang diễn ra rầm rộ ở địa phương: “Nếu trước đây chỉ có người trong huyện lội rừng hái trái ươi bay thì năm nay chuyện không ai ngờ được là có cả người ở các tỉnh xa đổ đến đây hái ươi, đông nhất là từ Đồng Nai. Cũng vì ươi bay năm nay được mùa chưa từng thấy, mười cây ra trái cả mười thay vì chỉ dăm ba cây như trước đây”.

Theo ông Sỏi, người hái ươi đến từ Đồng Nai dùng ná thun bắn trái ươi rơi xuống xem trái trên cây đã đủ độ già để hái chưa. Nếu được, họ dùng đinh mang theo đóng vào thân cây làm chỗ tựa trèo lên mé cành rơi xuống hái. Kiểu làm này có thể chấp nhận được.

Nhưng cũng vì lượng người trong tỉnh, ngoài tỉnh đổ lên rừng hái ươi đông quá, việc tranh nhau hái trái ươi đã dẫn đến nạn chặt cây ồ ạt. Ngay cả người Cor, người Ca Dong ở địa phương cũng chỉ cố giữ lại những cây ươi gần nhà, gần rẫy, còn lại đều chặt tất vì “mình không chặt thì người ngoài cũng đến chặt thôi”.

 

Cây ươi lớn bên rẫy của người Ca Dong được đóng đinh vào thân để trèo lên mé cành xuống hái trái – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

 

Việc chặt cây để hái trái đã diễn ra ở Trà My từ lâu khi trái ươi trở thành mặt hàng xuất khẩu nhưng không quy mô, rầm rộ như năm nay. Những cây ươi to còn lại, những cây ươi tơ 15-20 năm tuổi vừa cho trái vài ba mùa nay đều bị đốn.

“Cây ươi ở Bắc Trà My bị chặt lần này nhiều quá. Trên 50% trong tổng số 83 tấn trái ươi được thu mua từ các chủ buôn ở Bắc Trà My có đăng ký với huyện là từ những cây ươi bị đốn hạ” – ông Sỏi cho biết.

Dẫu mức độ đốn hạ được đưa ra là quá khiêm tốn so với thực trạng, nhưng cứ tính mỗi cây ươi chỉ cho chừng 20kg trái tươi, và cứ từ 3kg trái tươi mới có 1kg trái khô, để có 83 tấn ươi khô thì bao nhiêu cây ươi đã bị đốn hạ? Đó là chưa kể lượng trái ươi được bán ở các điểm thu mua khác là không nhỏ.

Nước mắt của người

Rừng tan người dễ đâu yên. Việc tranh nhau đốn ươi hái trái đã dẫn đến tai họa cho chính người hái ươi.

Cây ươi cao 20-30m, nếu đứng chỗ dốc dựng, hố sâu khi bị đốn thân cây lao đi rất xa và càn quét dữ dội. Rừng dày cây, khi cây ươi ngã luôn kéo nhiều cây bên cạnh ngã đổ theo. Rừng rậm cản tầm nhìn, mặt rừng cheo leo khó tránh chạy khi cây đổ. Đó là những lý do khiến nhiều người hái ươi bị thương, thiệt mạng.

Trong mùa ươi năm nay ở huyện Nam Trà My đã có năm người chết, trong đó bốn người là dân địa phương.

“Họ không chặt ươi nhưng vì rủ nhau rung cây ươi bị người các nơi đến chặt lỡ dở rồi bỏ lại, khi cây ngã họ bị đè chết thảm. Còn một người miền xuôi đến Nam Trà My thăm con thấy hái trái ươi có tiền nên đi theo lượm và bị trượt xuống hố sâu chết” – phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Ngọc Kích cho biết.

 

Bà Đặng Thị Tuyết, có chồng bị chết vì cây ươi đè hôm 8-7, xoa bóp cho mẹ chồng 83 tuổi bị liệt một chân – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

 

Ở Bắc Trà My cũng đã có hai người chết vì cây ươi đè. Mới nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Thiên (47 tuổi) ở thôn Dương Thạnh, xã Trà Dương.

“Anh Thiên nhà tui chỉ mới đi chuyến đầu tiên là gặp nạn. Anh em trong toán kể chiều 8-7 cả toán sẽ về, nhưng giữa buổi mai thì ảnh bị cây ươi toán khác chặt đè nhằm đầu làm ảnh chết. May nhờ anh em trong xóm lên tận núi xa khiêng xác ảnh ra đường để đưa về…” – bà Đặng Thị Tuyết (43 tuổi) vừa khóc vừa kể bên bàn thờ chồng.

Ở thôn Dương Lâm kề cận trước đó một tuần dân làng cũng bàng hoàng trước cái chết của anh Phạm Văn Thống (25 tuổi) vì bị cây ươi ngã đè. Cũng như ông Thiên, anh Thống thuộc hộ nghèo tại địa phương, ước mong kiếm được vài triệu đồng từ mùa ươi bay, không ngờ nay gia đình họ lâm vào cảnh khốn khổ hơn.

Và tin chẳng lành từ rừng ươi có lẽ vẫn chưa chấm hết, bởi mùa ươi năm nay vẫn chưa qua. Theo ước tính của Hạt kiểm lâm Nam Trà My, có khoảng 40% cây ươi bị đốn hạ để hái trái.

“Dù huyện đã có kế hoạch quản lý, bảo vệ cây ươi trong mùa trái này từ sớm, nhưng cuối cùng vẫn không làm tốt được. Chúng tôi nghĩ phải có kế hoạch để người dân địa phương cùng tham gia giữ rừng mới có hiệu quả. Phải chấn chỉnh hoạt động của các nhóm hộ giữ rừng vốn được hưởng phụ cấp lâu nay…” – ông Lê Ngọc Kích nhìn nhận.

HUỲNH VĂN MỸ

 

 

Cây ươi bay (tên khoa học Sterclia lyhnophora) là loại cây rừng phân bố rải rác ở Trường Sơn Trung Trung bộ, Tây nguyên. Cây cao từ 15-30m, đường kính gốc hơn 1m. Cây ra hoa kết trái vào mùa xuân, trái chín vào mùa hạ.

Trái ươi bay có hai cánh ở đầu hạt, nhờ vậy khi trái chín tự rụng rơi là là tựa như bay. Trái chín rơi xuống đất nếu được nhặt kịp thời (để khỏi bị mưa làm hỏng) là trái đạt phẩm chất cao nhất, còn trái già, trái non bị vặt hái chất lượng kém xa.

Trái ươi vừa là dược liệu vừa là món ăn bổ, lành. Người ta thường đem trái ươi khô (to bằng nửa ngón tay cái) ngâm nước ấm chừng 15 phút để thịt trái nở bung ra, sau đó gỡ bỏ lớp vỏ ngoài và hột ở giữa rồi trộn đường vào phần thịt trái ăn.