10/01/2025

Dự báo bão số 2 đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư, trưa ngày 16.7, bão Rammasun đã vượt qua kinh tuyến 120 độ kinh đông và trở thành cơn bão số 2 đi vào biển Đông trong năm nay, có cường độ mạnh hơn so với dự báo ban đầu.

 

Dự báo bão số 2 đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng

Ngày 16.7, bão Rammasun đổ bộ vào khu vực đông bắc Philippines và tàn phá nặng nề khu đô thị Metro Manila, bao gồm cả thủ đô Manila, của Philippines. Đến nay, đã có ít nhất 13 người thiệt mạng và 350.000 người phải sơ tán vì ảnh hưởng của bão, theo AFP.

Bản đồ dự báo đường đi bão số 2 đến chiều 16.7 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư
Bản đồ dự báo đường đi bão số 2 đến chiều 16.7 – Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư 

Với sức gió gần 200 km/giờ, cơn bão phá hủy tất cả những gì trên đường quét qua, nhà cửa sụp đổ, cây cối bị trốc rễ trong khi xe hơi bị hất tung, nằm ngổn ngang trên đường phố Manila. Hiện nay hàng triệu người dân ở Manila phải chịu cảnh mất điện và giao thông, liên lạc rất khó khăn. Các chuyên gia khí tượng nước này dự đoán bão Rammasun sẽ tăng cường độ từ cấp độ 2 lên 3 (trong thang 5 cấp độ) vào hôm nay 17.7. Tuy nhiên, bão Rammasun chưa đạt mức độ khủng khiếp như bão Haiyan làm hàng ngàn người thiệt mạng cuối năm ngoái.

Đại sứ quán VN tại Philippines cho biết tại Metro Manila có hàng trăm người Việt đang sinh sống. Bí thư thứ ba của đại sứ quán là ông Hoàng Nghĩa Cang nói với Thanh Niên rằng người Việt ở khu vực này khó tránh khỏi ảnh hưởng của bão. “Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi chưa ghi nhận được thiệt hại nào cả về người và của liên quan đến kiều bào”, ông Cang nói.

Theo Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trưa ngày 16.7, bão Rammasun đã vượt qua kinh tuyến 120 độ kinh đông và trở thành cơn bão số 2 đi vào biển Đông trong năm nay, có cường độ mạnh hơn so với dự báo ban đầu.

Đến 16 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ vĩ bắc và 118, 5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 710 km về phía đông đông nam. Vùng gần tâm bão, gió mạnh cấp 13, tức là từ 134 – 149 km/giờ, giật cấp 15 – 16. Trong 24 giờ tiếp theo, bão số 2 di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 16 giờ ngày 17.7, tâm bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230 km về phía đông đông bắc. Gió vùng gần tâm bão mạnh lên cấp 13 – 14, tức là từ 134 – 166 km/giờ, giật cấp 16 – 17. Dự báo trong khoảng 24 – 48 giờ tiếp theo, bão số 2 có sự thay đổi quỹ đạo khi di chuyển, chủ yếu đi theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc với tốc độ khoảng 20 – 25 km/giờ.

Ông Cường cho biết, dự báo của VN và các đài khí tượng quốc tế, cơn bão này đổ bộ vào phía bắc đảo Hải Nam với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 13 – 14, giật cấp 16 – 17. Khi ma sát với mặt đất, bão giảm 1 – 2 cấp, sau đó đi vào vịnh Bắc Bộ trong khoảng tối hoặc đêm 18.7 với cường độ gió mạnh cấp 11 – 12. “Nhiều khả năng bão số 2 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với sức gió cấp 10, thời điểm dự kiến khoảng trưa và chiều 19.7. Sau đó, bão suy yếu xuống cấp 8 – 9 và tiếp tục suy yếu nhanh hơn trên khu vực trung du Bắc bộ”, ông Cường nhận định.

Bão sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía bắc từ ngày 19 – 22.7.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với địa phương liên lạc đến từng tàu để hướng dẫn các phương tiện di chuyển tránh bão. Đặc biệt trong vịnh Bắc bộ, các địa phương chủ động thông báo, gọi tất cả các loại tàu cá, vận tải, tàu du lịch vào bờ neo đậu tránh bão trước khi bão đổ bộ. Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng lên phương án ứng phó bão đổ bộ vào đất liền, các tỉnh miền núi phía bắc rà soát các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét trong mưa lớn có biện pháp sơ tán dân.

Phan Hậu – Minh Quang