09/01/2025

Nước Mỹ cũng thiếu nước

Nguồn cung nước ngọt là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho con người, nhưng tại một trong những “rốn lương thực” quan trọng nhất thế giới là Mỹ, nguồn tài nguyên này đang cạn kiệt đến mức báo động.

 

Nước Mỹ cũng thiếu nước

Nguồn cung nước ngọt là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho con người, nhưng tại một trong những “rốn lương thực” quan trọng nhất thế giới là Mỹ, nguồn tài nguyên này đang cạn kiệt đến mức báo động.
Nông dân Mỹ ở Texas từng phải treo bảng “Cầu trời mưa xuống” – Ảnh: AFP

 

Những nông dân bang Texas đang phải trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn trong nhiều năm gần đây: nguồn nước tưới tiêu trở nên khan hiếm trong khi lượng mưa tự nhiên quá ít ỏi. Nguồn cơn của cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm bắt đầu từ vỉa nước ngầm khổng lồ Ogallala đang cạn dần.

Do bàn tay con người

 

“Nước Mỹ được như ngày nay phần lớn nhờ chúng ta có nguồn cung nước ổn định, tuy nhiên điều này đang bị đe dọa nghiêm trọng”

Tiến sĩ VENKATESH UDDAMERI (giám đốc Trung tâm các nguồn tài nguyên nước ĐH Kỹ thuật Texas nhận định với Đài NBC

 

Ogallala là một trong những vỉa nước ngầm lớn nhất thế giới, trải rộng trên tám bang của nước Mỹ, từ Texas đến South Dakota, với diện tích xấp xỉ 450.000km2. Đây không chỉ là nguồn sống cho dải đất Texas khô hạn mà còn cho cả vùng đồng bằng lớn, khu vực sản xuất nông nghiệp sản lượng cực lớn được mệnh danh là “vựa bánh mì” của nước Mỹ.

Đầu thập niên 1980, người Mỹ bắt đầu sử dụng rộng rãi các thiết bị bơm tưới tự động. Chúng giúp tăng sản lượng thu hoạch đáng kể nhưng đồng thời cũng hút một lượng lớn nước ngầm từ lòng đất. Vỉa nước này hình thành cách đây 10 triệu năm, tại nhiều nơi nó không có đặc tính tự bổ sung bởi nước trên bề mặt quá ít; một khi đã hết, nó sẽ khô cạn trong nhiều thế kỷ. Người ta ước tính mỗi năm lượng nước mưa thấm xuống được đến tầng đất này chỉ bổ sung được lớp nước cao khoảng 2,5cm.

Một nghiên cứu của Trường ĐH Kỹ thuật Texas dự đoán nếu tốc độ khai thác nước ngầm không giảm, nhiều khu vực thuộc các quận phía nam của bình nguyên Texas sẽ sớm không còn đủ nước. Chỉ tính riêng 10 năm đầu của thế kỷ 21, vỉa nước ngầm Ogallala đã mất lượng nước tương đương 1/3 lượng nước đã bị lấy trong cả thế kỷ 20.

Hậu quả quy mô toàn cầu

“Sự cạn kiệt của vỉa nước ngầm Ogallala là một cuộc khủng hoảng mang tầm quốc tế. Việc các bang (của Mỹ) xử lý vấn đề này ra sao sẽ tạo ra những hệ quả vĩ mô tương ứng” – tiến sĩ Burke Griggs, làm việc tại Trung tâm Bill Lane nghiên cứu miền tây nước Mỹ thuộc ĐH Stanford, bình luận.

Theo số liệu của Ủy ban Bảo vệ môi trường Mỹ, các mặt hàng lương thực chính như lúa mì, bắp và gạo mà Mỹ đang xuất khẩu chiếm hơn 30% tổng sản lượng thị trường toàn cầu. Do vậy, một khi Mỹ gặp khủng hoảng nước thì sự thay đổi trong sản xuất nông nghiệp có thể ảnh hưởng trực tiếp lên giá lương thực thế giới và cuộc sống của nhiều người.

Trong điều kiện dân số thế giới tăng không ngừng, nhu cầu tiêu thụ của con người tăng lên nên các vỉa nước ngầm trên khắp thế giới cũng đang chịu chung cảnh ngộ như Ogallala. Các nhà khoa học thừa nhận nếu “vựa bánh mì” của Mỹ không còn khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực, hàng triệu người có thể chết vì đói.

Viễn cảnh “tận thế” mà các nhà khoa học đang dự báo tuy vậy không làm những nông dân Mỹ như ông Dale Artho ở Texas ngạc nhiên nữa vì đối với ông, ngày đó đã đến cách đây ba năm – vào mùa hè 2011.

“Đó là ngày 26-6, nóng đến 45oC và gió thổi đến 80 km/giờ khiến cánh đồng bắp của tôi chuyển thành một màu trắng bệch. Tất cả nước đều bốc hơi” – ông Artho nhớ lại. Tại quê hương ông, cuộc chạy đua để sinh tồn trước một thay đổi khắc nghiệt mới đã diễn ra từ lâu.

James Mahan, nhà sinh lý học cây trồng thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, so sánh tình cảnh trước mắt như việc “chúng ta đang chạy thẳng đến một bức tường gạch với tốc độ 100 dặm mỗi giờ, trong khi đó tác động của biến đổi khí hậu giống như những cành cây ven đường đập vào tấm kính chắn gió”.

Còn hiện tại, trong khi những giọt nước cuối cùng từ Ogallala đang được sử dụng và những năm tháng khô hạn chưa có dấu hiệu kết thúc, nông dân Mỹ đang chiến đấu với tất cả công cụ hiện đại nhất mà con người nghĩ ra để tiết kiệm nước và giữ được sản lượng.

“Không chỉ riêng miếng cơm manh áo của chúng tôi, phần còn lại của thế giới đều phụ thuộc vào cuộc chiến này” – Glen Schur, chủ một trang trại ở Texas, bày tỏ.

MINH TRUNG