26/11/2024

Mảnh đất tốt

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mt 13,1-23), Đức Giêsu nói với dân chúng qua dụ ngôn nổi tiếng về người gieo giống. Người đồng hoá mình với người gieo giống ra đi gieo hạt giống tốt là Lời Chúa, và Người nhận thấy có những hiệu quả đạt được khác nhau, tuỳ theo thái độ đón tiếp của người nghe giảng.

 Mảnh đất tốt

Kinh Truyền Tin
Dinh Tông Toà Castelgandolfo
Chúa Nhật XV TN, 10/7/2011

Anh chị em thân mến!

Tôi cảm ơn anh chị em đã đến đây, tại Castel Gandolfo này, nơi mà tôi đã đến từ vài ngày nay, để gặp gỡ nhau và đọc Kinh Truyền Tin. Tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời chào thân ái đến tất cả dân chúng đang sinh sống trên vùng đất rất thân yêu này, và cầu chúc cho họ một mùa hè tốt đẹp. Đặc biệt, tôi xin chào Đức Giám mục Albano của chúng ta.

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mt 13,1-23), Đức Giêsu nói với dân chúng qua dụ ngôn nổi tiếng về người gieo giống. Một cách nào đó thì đây là một đoạn «tự truyện», bởi vì nó phản ảnh chính kinh nghiệm của Đức Giêsu, lời Người rao giảng: Người đồng hoá mình với người gieo giống ra đi gieo hạt giống tốt là Lời Chúa, và Người nhận thấy có những hiệu quả đạt được khác nhau, tuỳ theo thái độ đón tiếp của người nghe giảng. Có những người nghe Lời Chúa một cách hời hợt và không đón nhận; có những người đón nhận Lời Chúa ngay lúc đó, nhưng không kiên trì và đánh mất tất cả; có những người để cho những mối bận tâm và những quyến rũ của trần gian này chế ngự; và có những người biết lắng nghe và đón nhận như mảnh đất tốt: nơi đây Lời Chúa sinh nhiều bông hạt.

Nhưng Bài Tin Mừng này cũng nhấn mạnh đến «phương pháp» rao giảng của Đức Giêsu, nghĩa là cách Người sử dụng các dụ ngôn. «Tại sao Thầy nói với họ bằng dụ ngôn?» các môn đệ hỏi Chúa Giêsu như thế (Mt 13,10). Và Đức Giêsu trả lời bằng cách phân biệt họ với đám đông dân chúng: đối với các môn đệ, nghĩa là đối với những ai đã quyết định đi theo Đức Giêsu, thì Người nói về Nước Trời một cách rõ ràng, còn trái lại, đối với những người khác, thì Người phải loan báo Nước Trời bằng dụ ngôn, với mục đích khuyến khích họ có một quyết định, quy hướng lòng mình về với Thiên Chúa; thật thế, những dụ ngôn, dựa vào bản tính của chúng, chúng đòi chúng ta phải cố gắng chú giải, kêu gọi trí thông minh, nhưng cũng đòi hỏi tụ do của chúng ta. Thánh Gioan Kim Khẩu cắt nghĩa: «Đức Giêsu nói lên những lời này với mục đích lôi kéo thính giả về với Người và khuyến khích họ, cam đoan với họ là nếu họ đến với Người thì Người sẽ chữa lành họ» (Chú giải Phúc Âm theo Thánh Matthêu, 45,1-2). Thật ra, «Dụ ngôn» thực sự của Thiên Chúa, chính là Đức Giêsu, chính là con người của Người, dưới dấu hiệu nhân tính, giấu ẩn và đồng thời mạc khải thần tính của Người. Theo cách này thì Thiên Chúa không bắt buộc chúng ta phải tin vào Ngài, nhưng Ngài lôi kéo chúng ta về với Ngài bằng chân lý và bằng lòng tốt lành của Chúa Con nhập thể của Thiên Chúa: thật thế, tình yêu luôn tôn trọng tự do.

Các bạn thân mến, ngày mai chúng ta sẽ mừng lễ Thánh Biển Đức, là Viện phụ và là Quan thầy của châu Âu. Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy nhìn về thánh nhân như một bậc thầy trong việc lắng nghe Lời Chúa, một sự lắng nghe sâu xa và bền bĩ. Chúng ta phải luôn học hỏi từ vị đại tổ phụ của đời sống ẩn tu tại Tây phương để trả lại cho Thiên Chúa chỗ đứng riêng của Ngài, chỗ nhất, khi dâng lên cho Ngài sinh hoạt thường ngày của chúng ta qua lời kinh ban mai và chiều tối.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta bắt chước gương của Mẹ để trở nên «mảnh đất tốt» nơi hạt giống có thể sinh nhiều bông hạt.