15/11/2024

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người cao tuổi

Chúa Nhật 28 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người cao tuổi và các người ông người bà từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người cao tuổi
 
WHĐ (08.07.2014) – Chúa Nhật 28 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người cao tuổi và các người ông người bà từ khắp nơi trên thế giới.

Đây là một sáng kiến của Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, và chính Hội đồng sẽ đứng ra tổ chức sự kiện này tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật cuối tháng 9 tới.

Theo chương trình của Ngày Gặp gỡ với chủ đề “Phúc lành của một cuộc sống trường thọ”, Quảng trường sẽ mở cửa lúc 7g30 và cử hành chính thức bắt đầu lúc 9 giờ. Cao điểm là Thánh lễ lúc 10g30 do Đức Thánh Cha chủ sự.

Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, trình bày ngắn gọn tinh thần của Ngày Gặp gỡ này như sau:

“Ngày này dựa trên quan điểm cho rằng tuổi già không phải là một con tàu đắm nhưng là một ơn gọi. Tuổi đời chồng chất là nhờ ơn Chúa – xã hội cũng nhìn nhận điều đó – nhưng mặt khác, về vấn đề này, vẫn chưa có được một suy tư thích đáng, cả về mặt chính trị, kinh tế, cũng như văn hóa.

Vậy theo tôi, qua ngày này, chúng ta cần giúp mọi người quan tâm đến tầm quan trọng của giai đoạn này của cuộc sống con người. Cần nhấn mạnh rằng người già không chỉ là đối tượng để quan tâm hay chăm sóc, nhưng chính họ cũng mang một viễn tượng mới trong cuộc sống. Đó là vấn đề. Vì thế, cần phải nhận thức lại tuổi tác cao của họ, và nhìn nhận lại sự dấn thân của họ trong thế giới và trong Giáo hội. Hơn nữa cả Giáo hội cũng phải làm như thế đối với họ. Đây là một thí dụ: ngoài những nghĩa vụ truyền thống như thông truyền đức tin và giúp đỡ các cha mẹ, còn có những lĩnh vực khác cũng quan trọng cần được đào sâu, chẳng hạn cầu nguyện –người già có nhiều thời gian hơn cho việc này– và thông truyền Tin Mừng, theo gương nữ tiên tri Anna.

Hơn nữa, cũng liên quan đến tuổi già, ngoài tất cả các khía cạnh xã hội, còn có một nền văn hóa mà những người già có thể đặc biệt quan tâm truyền đạt, để đừng cho rằng khi đời sống suy yếu là một bi kịch cuối cùng, nhưng đúng hơn là một chứng từ về niềm hy vọng trong tương lai”.

[http://www.familiam.org]