15/11/2024

Đại hội lần thứ 37 của Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh Italia tại Roma

Chiều Chúa Nhật mồng 1-6-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Đại hội lần thứ 37 của Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh Italia tại sân vận động Olimpico ở Roma. Trong số các tham dự viên có hơn 1.300 nhân viên thiện nguyện, 1.500 đại diện cho 52 quốc gia trên thế giới, 1.000 lnh mục, 150 đại chủng sinh, 350 nữ tu và 3.000 trẻ em.

Đại hội lần thứ 37 của Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh Italia tại Roma
 
Chiều Chúa Nhật mồng 1-6-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Đại hội lần thứ 37 của Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh Italia tại sân vận động Olimpico ở Roma. Trong số các tham dự viên có hơn 1.300 nhân viên thiện nguyện, 1.500 đại diện cho 52 quốc gia trên thế giới, 1.000 lnh mục, 150 đại chủng sinh, 350 nữ tu và 3.000 trẻ em.

Đại hội đã bắt đầu sáng thứ bảy 31-5-2014 và kéo dài tới chiều Chúa Nhật mồng 1-6-2014 với đề tài “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Cho một Giáo Hội đi ra ngoài và truyền giáo”. Đã có 52.000 người tham dự Thánh lễ do Đức Hồng y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân, chủ sự.

Cùng dấn thân chuẩn bị đại hội lần này có “Tổ chức Canh tân Đặc sủng Thánh Linh Thế giới” và “Huynh đoàn Công giáo các cộng đoàn ái hữu giao ước đặc sủng”.

Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh đã chào đời hồi tháng 1 năm 1967 ở Hoa Kỳ, nhờ cuộc gặp gỡ của vài sinh viên Công giáo với thế giới Pentecostal.

Được Hội đồng Gám mục Hoa Kỳ chấp nhận, từ đó như một ngọn lửa bùng cháy Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh lan nhanh trong Giáo hội Công giáo. Năm 1971, Phong trào lan sang Italia và được gọi là “Canh tân Đặc sủng Công giáo”, rồi “Canh tân Đặc sủng trong Thánh Linh” như là hiệu quả của suy tư thần học đầu tiên và trung gian văn hoá mà các người khởi xướng phải có để chứng thực căn cước Công giáo của nó.

Tên gọi này được rút ra từ thư Thánh Phaolô gửi Titô, trong đó thánh nhân khẳng định rằng chúng ta được cứu rỗi “nhờ một sự tẩy rửa tái sinh và canh tân trong Thánh Thần” (Tt 3,5). Tính cách không thể nhầm lẫn được của tên gọi là sự chú ý đến Chúa Thánh Thần, chứ không phải là các ơn của Chúa Thánh Thần. Như thế hiển nhiên là không ai có thể nói mình là đặc sủng, nếu không quy chiếu về Giáo Hội là đặc sủng.

Đây là điều rất quan trọng, mà thường khi nhiều thành viên, kể cả một số linh mục của Phong trào, có nguy cơ hiểu sai lệch, khi chỉ chú ý tới các đặc sủng, cách riêng đặc sủng nói hay cầu nguyện bằng tiếng lạ, và hiện tượng té ngã khi cầu nguyện. Từ đó các thành viên này đi tới kết luận hoàn toàn sai lạc cho rằng ai không nói được tiếng lạ khi cầu nguyện và không té ngã, thì không nhận được ơn của Chúa Thánh Thần. Một sai lạc có tính cách “bệnh hoạn” khác nữa là từ khi sinh hoạt trong Phong trào, một số thành viên gặp ai cũng muốn đè đầu người ta ra đặt tay cầu nguyện, và tệ hại nhất là trông thấy ma quỷ ở khắp mọi nơi, cái gì cũng cho là do ma quỷ gây ra, tệ hại nhất là có cung cách hành xử kỳ thị và gây chia rẽ trong cộng đoàn. Không kể kiểu cầu nguyện múa máy, quay cuồng, la hét, té xỉu, co giật gây chia trí và hoảng sợ, những thái độ lệch lạc trên đây chắc chắn đã là lý do khiến cho các vị hữu trách tại nhiều nơi không cho phép phong trào hoạt động.

Ngày nay, Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh được phổ biến trong 204 quốc gia năm châu và đã đánh động suộc sống và kinh nghiệm tinh thần của hơn 100 triệu tín hữu Công giáo. Riêng tại Italia phong trào nảy sinh tại Emilia Romagna, San Mauro Pascoli với cha Valeriano Gaudet. Tiếp đền nảy sinh ra nhiều nhóm khác tại Roma, đặc biệt là tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, rồi trong nhiều thành phố khác. Phong trào đã lan nhanh và được nhiều linh mục thần học gia tên tuổi, đặc biệt một số linh mục Dòng Tên, ủng hộ, với các đóng góp suy tư thần học và mục vụ. Năm 1977, Uỷ ban Quốc gia Italia được thành lập và do Cha Dino Foglio làm chủ tịch cho tới năm 1997. Trong cùng năm, Phong trào đã tổ chức hai đại hội miền: trung bắc Italia và nam Italia. Nhưng đại hội toàn quốc lần đầu tiên của phong trào đã được triệu tập tại Rimini, trung Italia, năm 1978.

Ba năm trước đó, ngày 15 tháng 5 năm 1975, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã triệu tập một đại hội thế giới của Phong trào tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đây là cuộc gặp gỡ quốc tế đầu tiên tại Vatican. Đức Gioan Phaolô II đã tiếp kiến riêng các thành viên Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh 3 lần và viết nhiều thư riêng đề cao quyền tối thượng của Chúa Thánh Thần và khích lệ các thành viên Phong trào tiến bước trên con đường hoán cải thường xuyên. Trong cuộc tiếp kiến đầu tiên 10.000 thành viên Phong trào ngày 23 tháng 11 năm 1980, Đức Gioan Phaolô II gọi họ là “các người đánh cắp Nước Trời”. Lần thứ hai ngày 15 tháng 11 năm 1986, với 15.000 thành viên. Lần thứ ba ngài tiếp Ủy ban lãnh đạo quốc gia Italia. Lần thứ tư ngày 14 tháng 3 năm 2000 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, và cũng là ngày Nội quy của Phong trào được Toà Thánh chấp nhận. Lần cuối cùng là ngày 29 tháng 5 năm 2004, Đức Gioan Phaolô II triệu tập Phong trào tại Quảng trường Thánh Phêro để cử hành buổi hát Kinh Chiều trọng thể áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với 25.000 thành viên tham dự.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã hai lần tiếp ông chủ tịch Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh Italia. Trong thư gửi đại hội lần thứ 30 tại Rimini, Đức Bênêđictô XVI định nghĩa Phong trao Canh tân Đặc sủng Thánh Linh là một “kinh nghiệm tinh thần ngoại thường”, cần tái đề nghị như “việc loan báo Tin Mừng cho con người thời đại ngày nay”.

Chiều mồng 1-6-2014, khi đến sân vận động Olympico Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Hồng y Giám quản Roma Agostino Vallini và ông Salvatore Martinez, Chủ tịch phong trào, tiếp đón, giữa tiếng reo vui của các thành viên tham dự đại hội. Đức Thánh Cha đã trả lời các chứng từ của một linh mục, một bạn trẻ, một gia đình, người tàn tật và người già. Ngài khuyên các linh mục biết sống gần gũi: gần gũi Chúa Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện và thờ lậy, gần gũi dân chúng và yêu thương họ. Ngài khích lệ các bạn trẻ biết đánh liều cuộc sống cho các lý tưởng cao cả và sử dụng tuổi trẻ một cách đúng đắn. Ngài nhắn nhủ các gia đình hãy là Giáo Hội tại gia nơi Chúa Giêsu lớn lên trong tình yêu vợ chồng con cái. Nhưng ma quỷ không muốn điều đó nên nó đánh phá gia đình.

Cần phải can đảm tiến tới trong đức tin và tình yêu Chúa để chu toàn sứ mệnh của gia đình, trong đó có sứ mệnh truyền sinh. Đức Thánh Cha khích lệ các anh chị em đau yếu tàn tật là những người được xức dầu khổ đau của Chúa Giêsu noi gương Chúa trong những lúc khó khăn của thập giá. Nhân danh Giáo Hội ngài cám ơn chứng tá hy vọng và việc chấp nhận khổ đau của họ cho toàn Giáo Hội. Ngài xin Chúa luôn ban cho xã hội và Giáo Hội các người già khôn ngoan trao ban ký ức dân tộc và Giáo Hội cho mọi người.

Rồi ngài nói lên lời cầu: “Lạy Chúa, xin nhìn dân Ngài đang chờ đợi Thánh Thần. Xin nhìn giới trẻ, các gia đình, các trẻ em, người đau yếu, các linh mục, các người nam nữ sống đời thánh hiến, các giám mục, xin nhìn tất cả chúng con, và ban cho chúng con sự say sưa thánh thiện, say sưa Thần Khí khiến cho chúng con nói mọi ngôn ngữ, các ngôn ngữ của tình bác ái, luôn gần gũi các anh chị em cần đến chúng con. Xin dậy chúng con đừng đánh nhau để có thêm một mảnh quyền lực; xin dạy chúng con khiêm nhường, biết yêu thương Giáo Hội hơn đảng phái của chúng con, hơn các cãi vã nội bộ của chúng con; xin dạy chúng con có con tim rộng mở để nhận lấy Thần Khí. Ôi, lạy Chúa, xin gửi Thần Khí Chúa xuống trên chúng con.”

Ngỏ lời với mọi người, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ vui mừng được hiện diện giữa các thành viên Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh và cảm thấy “thoải mái như ở nhà vậy”. Ngài nói: Anh chị em Canh tân Đặc sủng, anh chị em đã nhận được một ơn vĩ đại của Chúa. Anh chị em được sinh ra từ ý muốn của Chúa Thánh Thần như là một dòng ơn thánh trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Đó là định nghĩa của phong trào: một dòng ơn ơn thánh. Ơn đầu tiên Chúa Thánh Thần ban là Chính Người, Đấng là tình yêu và làm cho chúng ta say mê Chúa Giêsu. Và tình yêu này thay đổi cuộc sống. Vì thế nên người ta nói “tái sinh vào cuộc sống trong Thần Khí”. Anh chị em đã nhận ơn lớn là các đặc sủng khác biệt, sự khác biệt đem tới sự hài hoà của Chúa Thánh Thần, để phục vụ Giáo Hội.

Tôi nghĩ tới một dàn nhạc lớn, trong đó mỗi một nhạc cụ đều khác nhau và cả các tiếng cũng khác nhau, nhưng tất cả đều cần thiết cho việc hoà nhạc. Như thế giống như một dàn nhạc, không ai trong phong trào canh tân đặc sủng Thánh Linh có thể nghĩ mình quan trọng hay lớn hơn người khác.

Đức Thánh Cha đã kể lại kinh nghiệm cá nhân của ngài với Phong trào tại Buenos Aires. Ban đầu ngài nói về phong trào như “một trường dạy nhảy Samba”, vì ngài không chia sẻ kiểu cầu ngnyện và biết bao điều mới lạ xảy ra trong Giáo Hội. Sau đó ngài bắt đầu tìm hiểu biết họ và cuối cùng hiểu được thiện ích mà Phong trào đem lại cho Giáo Hội. Ít tháng trước khi tham dự Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng, ngài đã được Hội đồng Giám mục Argentina chỉ định làm Tuyên uý Phong trào.

Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh là một sứ mạng lớn phục vụ việc loan báo Tin Mừng trong niềm vui của Chúa Thánh Thần. Anh chị em đã nhận được Thánh Thần khiến khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người và đối với Lời Chúa. Trong các thời gian đầu người ta nói các thành viên luôn đem Thánh Kinh theo mình. Hãy trở lại với tình yêu đầu tiên đó, luôn mang trong túi sách Thánh Kinh và đọc Thánh Kinh… Hãy chú ý đừng để mất đi sự tự do, mà anh chị em nhận được từ Thánh Thần.

Đức Thánh Cha cảnh cáo hai nguy cơ rình rập Phong trào: óc tổ chức quá đáng và trở thành “các người kiểm soát” ơn của Thiên Chúa, làm như thể mình là các quản lý ơn thánh, quyết định ai có thể nhận sự đổ tràn hay phép rửa trong Thánh Thần, ai không.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Con đường của Phong trào là rao truyền Tin Mừng, đại kết tinh thần, săn sóc các người nghèo túng thiếu và tiếp đón người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Và tất cả những điều đó dựa trên nền tảng của sự thờ lạy. Nền tảng của Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh là thờ lạy Thiên Chúa. Điều mà Giáo hoàng chờ đợi nơi Phong trào là hoán cải trở về với tình yêu của Chúa Giêsu, khiến cho cuộc sống thay đổi và làm cho họ trở thành chứng nhân của Tình Yêu Thiên Chúa; chia sẻ ơn Phép Rửa trong Thánh Thần với tất cả mọi người trong Giáo Hội; rao truyền Tin Mừng với Lời Chúa loan báo Chúa Giêsu sống và yêu thương mọi người; làm chứng tá cho phong trào đại kết tinh thần với các anh chị em thuộc các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô khác; hiệp nhất trong tình yêu của Chúa Giêsu qua lời cầu nguyện; gần gũi người nghèo khổ túng thiếu để sờ mó được thịt bị thương tích của Chúa Giêsu; tìm kiếm sự hiệp nhất, vì sự hiệp nhất đến từ Thánh Thần và nảy sinh từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong khi chia rẽ đến từ ma quỷ. Hãy tránh xa các chống đối nội bộ. Xin anh chị em hãy nhớ: nền tảng là thờ lạy Chúa. Hãy tìm kiến sự thánh thiện trong cuộc sống mới của Thánh Thần. Hãy là những người ban phát ơn thánh của Thiên Chúa. Tránh nguy cơ của sự tổ chức rườm rà quá đáng. Và tôi chờ anh chị em thành viên của Phong trao Canh tân Đặc sủng Thánh Linh toàn thế giới vào năm thánh của anh chị em ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô.


(SD 1-6-2014)