15/11/2024

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội

Ngày 1-6-2014 là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48. Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp tựa đề “Truyền thông phục vụ – Một nền văn hoá gặp gỡ” ngày 24-1-2014, lễ Thánh Phanxicô de Sales, bổn mạng giới truyền thông.

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội
 
Phỏng vấn bà Vania De Luca chuyên viên Vatican của Đài Truyền hình Rainews 24 
và Chủ tịch Liên hiệp Truyền thông Công giáo vùng Lazio Trung Italia


Ngày 1-6-2014 là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48. Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp tựa đề “Truyền thông phục vụ – Một nền văn hoá gặp gỡ” ngày 24-1-2014, lễ Thánh Phanxicô de Sales, bổn mạng giới truyền thông.

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha ghi nhận các tiến bộ kỹ thuật khoa học trong lĩnh vực di chuyển và liên lạc đã giúp thế giới này ngày càng trở nên bé nhỏ hơn, khiến cho con người gần nhau hơn trước đây và cũng tùy thuộc nhau hơn trong thế giới toàn cầu.

Nhưng bên trong gia đình nhân loại còn có qúa nhiều chia rẽ và xa cách, giữa người giầu và người nghèo, giữa những người vô gia cư phải sống trên vỉa hè đường phố và các hàng quán giải trí ăn chơi sang trọng. Thế giới khổ đau vì cảnh bị loại trừ, gạt bỏ ngoài lề xã hội, nghèo đói cũng như xung khắc chiến tranh, vì các lý do chính trị, kinh tế, ý thức hệ và cả tôn giáo nữa. Nhưng chính trong bối cảnh này truyền thống xã hội tốt có thể giúp con người gần gũi nhau hơn, hiểu biết nhau và hiệp nhất với nhau hơn. Ý thức hiệp nhất đó của gia đình nhân loại thúc đẩy liên đới và dấn thân tạo dựng một cuộc sống xứng đáng hơn với phẩm giá con người. Các bức tường chia rẽ chỉ có thể được vượt thắng, nếu chúng ta biết lắng nghe nhau và học hỏi nơi nhau. Chúng ta cần hóa giải các khác biệt qua các hình thức đối thoại giúp tăng trưởng sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Nền văn hóa gặp gỡ đòi buộc chúng ta không chỉ sẵn sàng cho đi, mà cũng sẵn sàng nhận lãnh từ người khác. Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta làm điều này, vì các mạng truyền thông đã đạt các phát triển chưa từng thấy. Cách riêng mạng Internet có thể cống hiến cho chúng ta các khả thể gặp gỡ và liên đới lớn hơn giữa tất cả mọi người. Đó là một ơn tốt lành của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, cũng có các nguy hiểm: Tốc độ thông tin nhanh chóng vượt qúa khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta, và không cho phép một kiểu trình bày có chừng mực và đúng đắn. Cái đa dạng của các ý kiến có thể diễn tả sự phong phú, nhưng cũng có thể khép kín trong khung cảnh thông tin chỉ đáp ứng các chờ mong và tư tưởng của chúng ta, hay các lợi lộc chính trị và kinh tế xác định. Môi trường truyền thông có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng cũng có thể làm chúng ta lạc hướng. Ước mong nối kết vi tính có thể khiến cho chúng ta bị cô lập khỏi người bên cạnh và những ai không thể tiếp xúc với các phương tiện truyền thông có nguy cơ bị loại trừ.

Như thế, cái gì giúp chúng ta trong môi trường vi tính lớn lên về nhân bản và sự hiểu biết lẫn nhau? Chúng ta phải tái chiếm lại sự chậm rãi và thanh thản. Điều này đòi hỏi thời gian và khả năng thinh lặng và lắng nghe. Chúng ta cũng cần phải kiên nhẫn, nếu muốn hiểu biết người khác. Nếu thực sự muốn lắng nghe tha nhân, chúng ta sẽ học nhìn thế giới với đôi mắt khác và đánh giá kinh nghiệm của con người như được biểu lộ trong các nền văn hoá và truyền thống khác nhau, cũng như đánh giá cao các giá trị được gợi hứng từ Kitô giáo như: quan niệm về con người như bản vị, hôn nhân và gia đình, việc phân biệt lĩnh vực tôn giáo với lĩnh vực chính trị, các nguyên tắc liên đới và phụ đới …

Đối với một kitô hữu gương của người Samaritanô nhân lành có thể giúp hiểu ý nghĩa của truyền thông như sự “gần gũi”, bắng cách dùng các phương tiện kỹ thuật truyền thông tân tiến. Người Samaritanô không chỉ đến gần, mà còn lãnh trách nhiệm lo lắng cho người bị nạn. Đây không phải là nhận ra người khác giống mình, mà là khả năng làm cho mình giống người khác. Hiệp thông truyền thông có nghĩa là ý thức được mình là người, là con cái của Thiên Chúa. Sự gần gũi là quyền lực của truyền thông. Khi truyền thông có mục đích ưu tiên là dẫn đưa tới chỗ tiêu thụ hay lèo lái người khác, thì chúng ta đứng trước một tấn công bạo lực như sự tấn kích mà người bị cướp đánh và bỏ rơi giữa đường. Thầy Lêvi và thầy tư tế không coi anh ta là người thân cận, nhưng như người xa lạ cần tránh xa. Ngày nay một số phương tiện truyền thông có nguy cơ khiến cho chúng ta không biết tới người thân cận. Đi qua dọc các con đường “kỹ thuật số”, nghĩa là được nối kết không thôi, không đủ. Sự nối kết cần phải được đi kèm bởi sự gặp gỡ đích thực nữa. Chúng ta không thể sống một mình khép kín trong chính mình, nhưng cần yêu thương và được yêu thương và cần sự dịu hiền. Mạng kỹ thuật số không thể xa lạ với việc chăm lo cho nhân loại. Nó đựơc mời gọi diễn tả sự hiền dịu và có thể là nơi giàu nhân bản. Chỉ có ai thông truyền bằng cách dấn thân chính mình mới có thể diễn tả điểm tham chiếu…

Tiếp tục sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: Giữa một Giáo Hội gặp tai nạn trệch đường và một Giáo Hội bị bệnh tự quy chiếu về mình, tôi vẫn thích Giáo Hội bị tai nạn hơn. Và các con đường của thế giới là nơi người dân sống… Trong các con đường ấy cũng có các con đường kỹ thuật số, đầy nhân bản, thường bị thương tích: các người nam nữ tìm sự cứu rỗi hay một niềm hy vọng. Nhờ liên mạng mà sứ điệp Kitô có thể du hành cho “tới tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8). Mở cửa các nhà thờ cũng có nghĩa là mở chúng trong môi trường kỹ thuật số, để cho người ta có thể vào trong bất cứ điều kiện nào của cuộc sống, và để cho Tin Mừng có thể bước qua các ngưỡng cửa của đền thờ để ra gặp gỡ mọi người. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho một Giáo Hội nhà của mọi người… Trong bối cảnh của truyền thông cần có một Giáo Hội biết đem tới hơi ấm, biết thắp sáng con tim.

Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Chúa Kitô Phục Sinh và hai môn đệ trên đường về làng Emmaus day cho chúng ta phải biết len vào cuộc đối thoại với con người ngày nay để hiểu biết các chờ mong, các nghi ngờ, các niềm hy vọng của họ và cống hiến cho họ Tin Mừng, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người, chết và sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết… Đối thoại có nghĩa là xác tín rằng người khác cần cái gì tốt lành để nói, dành chỗ cho quan điểm và các đề nghị của họ. Đối thoại không có nghĩa là khước từ các tư tưởng và truyền thống của mình, nhưng là từ bỏ yêu sách chúng là duy nhất và tuyệt đối… Đừng sợ trở thành các công dân của môi trường vi tính. Thật quan trọng sự chú ý và hiện diện của Giáo Hội trong thế giới truyền thống để đối thoại với con người ngày nay và đưa nó tới chỗ gặp gỡ Chúa Kitô: một Giáo Hội đồng hành và lên đường với tất cả mọi người. Trong bối cảnh đó cuộc cách mạng của các phương tiện truyền thông và thông tin là một thách đố lớn và đam mê, đòi hỏi các năng lực tươi mát và một sự tưởng tượng mới để thông truyền cho người khác vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Bà Vania De Luca, chuyên viên Vatican của Đài Truyền hình Rainews 24 và Chủ tịch Liên hiệp Truyền thông Công giáo vùng Lazio, trung Italia, về nội dung sứ điệp nói trên của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Bà Vania, biết tiến bước cùng với người khác ở đây có nghĩa là gì?

Đáp: Biết cùng bước đi với những người khác có nghĩa là tạo ra các cây cầu với tất cả mọi người và đối thoại với tất cả mọi người. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng cách mạng các phương tiện truyền thông cũng là một thách đố, và là một thách đố đòi hỏi các năng lực tươi mát và một trí tưởng tượng mới mẻ, nhưng chúng ta không thể làm được điều này, nếu không gặp gỡ người khác ở nơi họ sống với các tình trạng, các nỗi lo âu, bấp bênh và các vấn nạn của họ.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ những tư tưởng và truyền thống của mình, nhưng là từ bỏ các yêu sách chúng là duy nhất và tuyệt đối.” Điều này trao ban một thúc đẩy đặc biệt cho việc cùng tiến bước với tất cả mọi người, có phải thế không, thưa bà?


Đáp: Vâng, chắc chắn là như thế rồi, vì Giáo Hội, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, không phải là một Giáo Hội có căn tính yếu đuối, nhưng là một Giáo Hội không yêu sách có tiếng nói duy nhất và cuối cùng về tất cả mọi vấn đề. Một Giáo Hội biết gần gũi với con người và cũng biết xây dựng các lộ trình chung, bởi vì vượt ngoài các khác biệt có sự nhân bản nối liền tất cả mọi người với nhau. Ngày nay nhớ tới điều này có thể là một con đường giúp vượt thắng biết bao nhiêu ranh giới, biết bao nhiêu chia rẽ và biết bao nhiêu thù nghịch, xung khắc và chiến tranh.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rõ ràng trong sứ điệp: “Giữa một Giáo Hội bị tai nạn trệch ra khỏi đường và một Giáo Hội bị bệnh tự quy chiếu về chính mình, thì chắc chắn tôi thích Giáo Hội bị trệch đường hơn.” Rồi ngài chỉ cho thấy các con đường: các con đường của thế giới, nơi người ta sống, nhưng cũng có các con đường vi tính, ngày nay với các phương tiện truyền thông mới. Có đúng vậy không, thưa bà?

Đáp: Vâng, thật đúng như thế. Ngày nay, chúng ta sống một cuộc sống chạy vội vã và thông tin cũng chạy vội vã: một việc thông tin nhanh chóng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng điều này vượt quá khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta. Một ít nó là giới hạn, nhưng cùng du hành với năng lực – tôi muốn nói về tin tức được truyền đi trực tiếp, trong khi các sự việc đang xảy ra, thì chúng đã được chuyển đi rồi. Một khả thể giúp vượt thắng ranh giới này có thể là ở nơi sự kiện sau khi tin được loan đi và thông truyền, không cần phải khước từ các khoảng trống suy tư, phân tích và cả đào sâu chính các tin tức đó, chẳng hạn bằng cách giúp dựng lại bối cảnh trong đó một tin tức hay một sự kiện hoặc biến cố chín muồi. Có một hạn chế lớn khác nữa mà sứ điệp cảnh giác chúng ta đó là xem ra tất cả chúng ta đều liên quan tới nhau: thế giới ngày càng liên luỵ với nhau hơn và một cách nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cũng có người không thể tiếp cận với các phương tiện truyền thông xã hội và có nguy cơ bị loại trừ.

Hỏi: Thế rồi cũng có vấn đề của những người làm truyền thông, nhưng ngồi đàng sau màn ảnh máy vi tính, nghĩa là không để cho mình bị liên luỵ thực sự. Như Đức Thánh Cha nói, “chỉ có ai truyền thông bằng cách dấn thân chính mình mới có thể là một điểm tham chiếu trong cuộc đối thoại với người khác mà thôi”. Bà nghĩ sao?

Đáp: Đó là một nguy cơ mà chúng ta trông thấy nơi giới truyền thông, đặc biệt nơi những người trẻ nhất, và nhất là người trẻ sinh ra trong nền văn hoá vi tính, tức lớp thanh thiếu niên ngày nay. Sứ điệp của Đức Thánh Cha có một đoạn rất hay trong đó ngài nói rằng chúng ta cần yêu thương, cần được yêu thương, chúng ta cần sự dịu hiền và không phải các chiến thuật truyền thông bảo đảm cho vẻ đẹp, lòng tốt, sự thật của việc truyền thông. Đây là đoạn tôi thích nhất và nó theo sau phần phân tích của Đức Thánh Cha Phanxicô là người nói rằng truyền thông phải trở thành sự gần gũi.

Hỏi: Thưa Bà Vania, trái nghịch với sự gặp gỡ là việc loai trừ, gạt bỏ ra bên lề, sự nghèo nàn, mà Đức Thánh Cha đã nói với chúng ta nhiều lần. Chúng là các bức tường chia cách chúng ta, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng như thế. Trái nghịch với tất cả những điều mà chúng ta đã nói là một thế giới loại trừ, một thế giới vô cảm với các khác biệt luôn ngày càng sâu đậm hơn, chẳng hạn như các cách biệt giữa người giầu và người nghèo. Sự kiện trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu bật sự xa cách gây gương mù gương xấu giữa cái xa hoa của những người giàu và sự bần cùng của những người nghèo là một dò xét quan trọng. Thật thế, ở đây, chúng ta nói tới truyền thông và có thể tự hỏi: nói về người giàu và người nghèo có nghĩa gì? Nhưng chìa khoá này của sự nghèo túng và của loại trừ xã hội là một chìa khóa quan trọng mà Đức Thánh Cha Phanxicô lập lại trong mọi khung cảnh, kể cả bối cảnh của truyền thông xã hội.

(RG 1-6-2014)