27/11/2024

Hơn 162.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp

Số liệu trên được Bộ LĐ-TB-XH công bố tại Hội thảo công bố “Bản tin cập nhật thị trường lao động số 2.2014”, ngày 1.7. Cụ thể, trong quý 1/2014, cả nước có 1.045.000 người trong độ tuổi lao động (LĐ) bị thất nghiệp, tăng gần 146.000 người so với quý 4/2013. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,21%, tăng 1,9% so với quý 4/2013.

 

Hơn 162.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp

Số liệu trên được Bộ LĐ-TB-XH công bố tại Hội thảo công bố “Bản tin cập nhật thị trường lao động số 2.2014”, hôm qua 1.7.

Cụ thể, trong quý 1/2014, cả nước có 1.045.000 người trong độ tuổi lao động (LĐ) bị thất nghiệp, tăng gần 146.000 người so với quý 4/2013. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,21%, tăng 1,9% so với quý 4/2013. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,72%, cao gấp 2,4 lần khu vực nông thôn (1,53%).

Theo TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, nhóm LĐ có trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm, có 162.000 người có trình độ từ ĐH trở lên bị thất nghiệp (4,14%), tăng 4.000 người so với quý 4/2013; 79.000 người có trình độ CĐ thất nghiệp. Đáng chú ý, có tới 505.000 người (15-24 tuổi) bị thất nghiệp, chiếm 6,66%, tăng 54.400 người so với quý 4/2013 và tăng 17.000 so với quý 1/2013. Đặc biệt, có 21,2% thanh niên trong độ tuổi 20-24 có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp.  

Lý giải nguyên nhân LĐ có trình độ cao thất nghiệp tăng, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng do một số doanh nghiệp sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Theo Bộ LĐ-TB-XH, so với quý 4/2013, trong quý 1/2014 LĐ một số ngành nghề có biến động lớn. Dẫn đầu là ngành xây dựng giảm 488.000 người, ngành công nghiệp chế tạo giảm 257.000 người, ngành bán buôn bán lẻ giảm 218.000 người. 

Trong quý 1/2014, do có các khoản thưởng tết nên thu nhập bình quân/tháng của LĐ làm công ăn lương là 4,8 triệu đồng, tăng 533.000 đồng so với quý 4/2013. Tính theo ngành nghề, thu nhập bình quân trong tháng của LĐ các ngành tài chính, ngân hàng và kinh doanh bất động sản cao nhất: 8,1 và 7,6 triệu đồng. Đây cũng là các ngành có mức tăng nhiều nhất so với quý 4/2013. Điều này phù hợp với nhận định về sự phục hồi trở lại của thị trường bất động sản.

Thu nhập bình quân tháng của LĐ nhóm ngành nông – lâm nghiệp thủy sản vẫn thấp nhất: 3,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng là 4,5 triệu đồng và nhóm ngành dịch vụ là 5,4 triệu đồng/tháng.

Thu Hằng