12/01/2025

Nhà khoa học từ chối nói về mình

“Tôi có ấn tượng đặc biệt với Nguyễn Xuân Hùng. Không chỉ là nhà nghiên cứu khoa học giỏi, Hùng còn có niềm đam mê cháy bỏng, không màng quyền chức và danh lợi để sẵn sàng dấn thân đến cùng trên con đường học thuật”

 

Nhà khoa học từ chối nói về mình

“Tôi có ấn tượng đặc biệt với Nguyễn Xuân Hùng. Không chỉ là nhà nghiên cứu khoa học giỏi, Hùng còn có niềm đam mê cháy bỏng, không màng quyền chức và danh lợi để sẵn sàng dấn thân đến cùng trên con đường học thuật”

Đó là tâm sự của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về người học trò yêu của mình – PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, người vừa được vinh danh là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.

Lấy việc làm thay lời nói

 

“Nhiều nhà khoa học Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài cũng đạt các danh hiệu, giải thưởng danh giá. Nhưng sống và nghiên cứu ở ngay nước nhà mà được như PGS Nguyễn Xuân Hùng là rất hiếm”

GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG 

 

Chúng tôi liên lạc với PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng. Anh rất vui, nhưng khiêm tốn xin không kể về bản thân. Anh nói rằng đời nghiên cứu khoa học của mình còn rất trẻ, đi sau nhiều thế hệ cha anh khác và có bao điều cần phải tiếp tục nghiên cứu, nên xin lấy việc làm cụ thể thay cho lời nói. GS Nguyễn Đăng Hưng, người thầy của PGS Hùng, rất mến học trò mình ở đức tính khiêm tốn này. Theo ông, đó chính là tinh thần học thuật thật sự, và chỉ có tinh thần này mới tránh được cạm bẫy tiền bạc, danh ảo đang ngáng chân biết bao người có học hàm, học vị.

* Theo GS, điều gì đã giúp một nhà khoa học trẻ tuổi như PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng được bầu chọn là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014?

– GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG: Ngay khi mới nhận được tin vui, tôi đã nghĩ ngay Hùng rất xứng đáng. Phải nói là từ năm 2001, tôi đã dạy dỗ, gắn bó và luôn dõi theo bước chân người học trò đặc biệt này. Ai gần gũi với Hùng đều biết đây là con người thông minh, siêng năng và làm việc rất khoa học. Nhưng tôi còn cảm nhận rõ sự đam mê khoa học trong con người này. Ngoài xã hội, tôi thấy có những người sử dụng học hàm, học vị của mình để tìm kiếm cơ hội thăng tiến quyền chức, chính trị và tiền bạc. Hùng cũng như một số học trò khác của tôi thể hiện rõ không màng đến những chuyện thế nhân thường tình đó.

* Có người nói muốn hiểu một học trò có thể nhìn vào hình ảnh người thầy và ngược lại. GS có thấy dấu ấn của mình trong con người PGS Hùng?

– Tôi gần gũi với Hùng cũng như 700 học viên khác trên đường học thuật thẳng thắn trong suốt 20 năm qua. Phải khẳng định rằng tôi không bao giờ bỏ qua hay chiếu cố, nương nhẹ cho những sự cố tình sai trái không đúng với tinh thần học thuật. Tôi từng rất buồn vì có học viên đã đạo luận án của tác giả khác rồi xin tôi “tha”. Nhưng tôi dứt khoát không là không. Tôi nói rằng con đường khoa học của em sẽ tàn lụi, đen tối nếu tôi cho qua lỗi lầm này. Tôi hướng dẫn luận án tiến sĩ về ngành tính toán cơ học của Hùng rất nhẹ nhàng, vì em chủ động nghiên cứu với sự thông minh và niềm say mê thật sự. Người ta mất bốn năm nghiên cứu sinh, nhưng em chỉ có hơn hai năm. Khi luận án được Hùng bảo vệ ở ĐH Liège, ban thẩm định gồm các GS Bỉ và tôi cũng làm việc nhẹ nhàng vì luận án quá xuất sắc. Đặc biệt, trước khi bảo vệ, Hùng đã có mười bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín và được độc giả khoa học quan tâm. Đây cũng là trường hợp rất hiếm vì thường người ta chỉ có thể có một vài bài. Hùng đã nhanh chóng thuyết phục được các GS thẩm định vốn rất khó tính.

Độc lập và phản biện

* Từ câu chuyện cuộc đời khoa học của PGS Hùng, ông có thể nhận định gì về tinh thần khoa học thời nay?

– Tôi biết một số nhà khoa học trẻ VN như Nguyễn Xuân Hùng đâu có nhiều điều kiện gì, nhưng họ vẫn mải mê dấn thân cho tâm huyết của mình. Theo tôi, khoa học là thượng tôn sự thật, soi sáng những gì đúng đắn, không chấp nhận sự khuất lấp, cúi đầu trước những gì sai trái. Những người làm khoa học luôn đề cao tự do học thuật. Họ chỉ có một ông chủ duy nhất, một nhà quản lý duy nhất, đó chính là trí tuệ khoa học. Nói một cách cụ thể là nhà khoa học phải được làm chủ chính mình thì họ mới có thể làm việc tốt được. Tôi tin rằng nhà khoa học cứ hết mình với khoa học thì chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng.

* Là người có nhiều năm quan sát, làm việc với các sinh viên quốc tế cũng như sinh viên VN, theo GS, đâu là điểm yếu của sinh viên VN?

– Điều tôi hay lưu tâm đến các học trò VN của mình nhất là tính thụ động và có thể thỏa hiệp với sai trái. Lối giáo dục từ chương, sao chép đã in vào đầu nhiều thế hệ sinh viên VN rằng những gì thầy dạy luôn đúng, cấp trên nói cấp dưới phải vâng lời. Tinh thần khoa học là sự phản biện, sẵn sàng gạt bỏ cái cũ để chọn lựa cái mới đúng đắn hơn. Nhà khoa học đúng nghĩa là phải dám tranh luận… Sự thụ động, thỏa hiệp với cái sai sẽ làm tê liệt khoa học. Ngoài ra, ngoại ngữ vẫn đang là trở ngại rất lớn cho sinh viên lẫn nhà khoa học VN.

* Nếu cần có lời khuyên chân tình với những nhà khoa học trẻ như PGS Hùng, GS thường nói điều gì?

– Với Hùng thì tôi không cần phải có những lời này. Nhưng với một số bạn khác, tôi hay nói anh sẽ không làm khoa học được nếu không có sự độc lập. Khoa học rất cần tinh thần độc lập và nhất là tính trung thực, mà bài học về tính trung thực là sự khó dạy nhất. Không có tinh thần độc lập và tính trung thực, anh sẽ không bao giờ trở thành nhà khoa học được.

QUỐC VIỆT thực hiện

 

 

 

 

Vinh danh ba nhà khoa học Việt Nam

“Những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014” là công trình nghiên cứu của Tập đoàn Thomson Reuters. Trên cơ sở thống kê, khảo sát dữ liệu về các công trình khoa học được trích dẫn nhiều nhất từ năm 2002-2012, Thomson Reuters công bố danh sách khoảng 3.200 nhà khoa học thuộc 21 lĩnh vực có các công trình được trích dẫn nhiều nhất. Trong danh sách này, Việt Nam có ba nhà khoa học được vinh danh là GS Đàm Thanh Sơn (lĩnh vực vật lý), GS Nguyễn Sơn Bình (hóa học) và PGS Nguyễn Xuân Hùng (khoa học máy tính). Đáng chú ý, PGS Nguyễn Xuân Hùng hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam, trong khi GS Sơn và GS Bình đều đang làm việc tại các trường đại học Hoa Kỳ.

“Những người được vinh danh lần này là các nhà khoa học có ảnh hưởng lớn. Họ là những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Các công trình của họ được đồng nghiệp đánh giá là có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của khoa học. Không nghi ngờ gì nữa, họ là những nhà khoa học ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại chúng ta” – Thomson Reuters đánh giá.

Thomson Reuters là một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu và lâu đời nhất thế giới, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có việc thống kê và công bố thông tin khoa học.

N.HUY

Học trò “ruột”

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng đang giảng dạy tại Trường ĐH Việt Đức, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và một số trường ĐH khác. Anh sinh năm 1976, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ “Mô hình mô phỏng các môi trường cơ học bằng phần tử hữu hạn đặc biệt” trước hội đồng khoa học ĐH Liège tại Bỉ năm 2008.

GS Nguyễn Đăng Hưng là Việt kiều giảng dạy ở ĐH Liège. Sau năm 1975, ông nhiều lần về nước với nguyện vọng cống hiến cho khoa học. Ông đã trực tiếp giảng dạy cho khoảng 700 học viên trong nước, trong đó hơn 300 người đã trở thành thạc sĩ, tiến sĩ đang tham gia giảng dạy, làm việc, nghiên cứu khoa học ở nhiều nước trên thế giới. PGS Hùng là một trong ba học trò “ruột” thành công nhất của GS Nguyễn Đăng Hưng, hai người còn lại là GS người Bỉ và Pháp.

Q.VIỆT

 

 

 

 

* GS.TS Đặng Đức Trọng (chủ nhiệm khoa toán – tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM):

Khả năng đặc biệt về nghiên cứu khoa học

Trước khi chuyển sang công tác tại Trường ĐH Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng có thời gian công tác rất dài tại khoa toán – tin của chúng tôi. PGS Hùng là một nhà khoa học trẻ, nhưng chuyên môn rất tốt và có khả năng đặc biệt về nghiên cứu khoa học. Chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên khi một nhà khoa học trẻ thế hệ 7X như PGS Hùng có năm công bố đến hơn mười công trình trên các tạp chí ISI có impact factor (chỉ số ảnh hưởng) cao.

Hùng có khả năng nghiên cứu độc lập, có quan hệ quốc tế về chuyên môn rất rộng. Đó là các phẩm chất để có thể tiến hành nghiên cứu tốt. Đóng góp của Hùng nằm trong lĩnh vực cơ học tính toán, xây dựng các phần tử hữu hạn mới để giúp việc tính toán cơ học nhanh và mạnh hơn.

* GS.TSKH Nguyễn Hoa Thịnh (chủ tịch Hội Cơ học VN):

Gắn nghiên cứu với thực tiễn

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là một nhà khoa học trẻ, luôn có ý thức sáng tạo, đổi mới để vươn lên. Điểm đáng quý là Hùng luôn biết gắn công trình nghiên cứu của mình với thực tiễn, mong muốn cống hiến ngày càng nhiều cho khoa học. Tiếp xúc với Hùng, cảm nhận được phong thái tự tin của một nhà khoa học trẻ, những nhà khoa học lâu năm như chúng tôi càng cảm thấy tin cậy hơn vào thế hệ trẻ với những đóng góp đặc biệt của họ cho tiền đồ đất nước sau này.

Chúng tôi thật sự ấn tượng với những kết quả nghiên cứu của Hùng ở lĩnh vực cơ học tính toán, cơ học các bài toán đa môi trường, tính toán và phân tích sự lan truyền các vết nứt đặc biệt trong kết cấu máy bay. Hùng đã dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu mới, đầy triển vọng, nhưng cũng không kém phần thách thức.

Riêng tôi, với vai trò một nhà nghiên cứu cơ học trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, tôi rất kỳ vọng vào công trình nghiên cứu của Hùng vì có thể sẽ đem lại những ứng dụng trực tiếp trước mắt và lâu dài trong kinh tế và quốc phòng, cả ở lĩnh vực dân sự và quân sự, góp phần cho sự phát triển đi lên của đất nước.

*Chú thích ảnh: PGS Nguyễn Xuân Hùng (thứ hai từ phải sang) và GS Nguyễn Đăng Hưng (thứ ba từ trái sang) cùng hội đồng giáo sư thẩm định luận án tiến sĩ ở ĐH Liège, Bỉ – Ảnh do GS Nguyễn Đăng Hưng cung cấp

NGỌC HÀ ghi