27/11/2024

Người Việt tài trí: Nhà khoa học yêu dân

Nguyễn Văn Trương là người thông minh, ham học hỏi, tính tình sôi nổi, có những đóng góp thiết thực cho cuộc sống. Ông được giới khoa học cả nước coi là nhà sinh thái học hàng đầu của VN.

 

Người Việt tài trí: Nhà khoa học yêu dân

Đã 7 năm trôi qua, cũng là tháng 6 nhưng của năm 2007 ngày cha tôi ra đi, kể từ ngày đó mặc dù chúng tôi không còn được gặp ông nữa nhưng những kỷ niệm với cha từ thuở ấu thơ vẫn còn giữ mãi trong ký ức của chúng tôi.

Người Việt tài trí: Nhà khoa học yêu dân
GS Nguyễn Văn Trương (trái) tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại trụ sở Ban Biên tập Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam mùa hè 1998 – Ảnh: Ngọc Thắng chụp lại tư liệu gia đình GS Trương

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, tôi được sống với cha mẹ ở quê nhà – nơi “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” – bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng hùng vĩ. Ngày nghỉ, cha thường đưa tôi và em trai tôi về thăm ông bà nội cách nhà tôi vài cây số. Ngày nay, đó không phải là một quãng đường xa, nhưng vào thời đó lại là một quãng đường không hề ngắn khi phương tiện đi lại chỉ có thể là xe đạp hoặc đi bộ. Có một lần xe hỏng giữa đường, cha tôi phải sửa đến khi trời chập choạng tối mới xong, rồi ba cha con lại tiếp tục lên đường. Khi gặp phải khó khăn, chưa bao giờ tôi thấy cha tôi nản lòng và đúng như trong tác phẩm Quốc học Huế xưa và nay đã viết: “Nguyễn Văn Trương là người thông minh, ham học hỏi, tính tình sôi nổi, có những đóng góp thiết thực cho cuộc sống. Ông được giới khoa học cả nước coi là nhà sinh thái học hàng đầu của VN. Cả cuộc đời, ông đem hết tâm sức tìm hiểu nghiên cứu về rừng VN và đã có những đóng góp lớn lao cho việc bảo vệ rừng, khai thác, tu bổ rừng ở nước ta”.

Cha tôi luôn yêu quý và chăm sóc dạy dỗ các con để nâng tầm kiến thức của con. Thuở nhỏ, chị em chúng tôi thường được cha kể chuyện về các nhà khoa học (Newton, Kovalevskaya), nhạc sĩ lớn (Beethoven, Tchaikovski, Mozart), các nhà thơ (Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm) và các nhà văn (Victor Hugo). Ông kể về những cái hay cái đẹp trong từng tác phẩm, và chính ông đã truyền đến các con một lòng đam mê khoa học thông qua các câu chuyện kể của mình. Và sau này khi tôi đã lớn, cha muốn tôi trở thành dược sĩ và tôi vẫn nhớ như in lời ông: “Việt Nam mình có nhiều cây thuốc như thế, tại sao vẫn phải nhập thuốc từ nước ngoài. Con phải cố gắng học và tìm ra được các cây thuốc quý để làm thuốc chữa bệnh cho dân”.

Xây làng cho dân

 

 
 

Trong tác phẩm Làng sinh thái – Người anh hùng, tác giả Hồng Khanh đã viết “GS-TSKH Nguyễn Văn Trương đã nói là làm, đã làm là kiên trì, không sợ vấp ngã quyết tâm thực hiện bằng được với một ý thức rất trong sáng, mãnh liệt, vô tư”.

 

 

 

Cha tôi là một nhà giáo và một trong những học trò của ông là nhà báo Hàm Châu. Trong một bài báo của nhà báo Hàm Châu đăng trên báo Nhân dân có kể lại rằng có lần gặp nhà nữ toán học Hoàng Xuân Sính, nhà báo Hàm Châu hỏi bà: “Tôi nghe nói ngày hôm qua chị Sính cùng đi với đoàn anh Nguyễn Văn Trương lên làng sinh thái dưới chân núi Ba Vì có phải không?”. Bà Sính trả lời: “Sao anh biết? Tôi phục các anh ấy quá! Các anh ấy giỏi ghê lắm, làm được những công việc thật ích quốc lợi dân. Hôm qua anh Trương đã chở một số áo rét lên tặng các cháu người Dao. Trời, sao bà con mình nghèo quá! Rét như cắt, thế mà các cháu mặc áo vải phong phanh…”. Ông lúc nào cũng lo nghĩ đến người dân nghèo. Cũng vì vậy, khi chứng kiến những nông dân nghèo của nước ta sinh sống gặp nhiều khó khăn trên ba hệ sinh thái đặc thù kém bền vững, từ vùng đồng bằng úng ngập nước, vùng cát hoang hóa ven biển và vùng đồi núi trơ trọc, và cũng xuất phát từ lòng yêu dân, yêu quê hương đất nước, trong ông đã nảy sinh ý tưởng về làng sinh thái – sau này trong Tạp chí Lâm nghiệp, nhà báo Hữu Kính đã nhận xét “Làng sinh thái – một mô hình sáng tạo về định canh định cư, bảo vệ rừng”.

Để có kinh phí thực hiện ý tưởng sáng tạo này, cha tôi đã đề xuất với các tổ chức như CCFD (Ủy ban Công giáo chống đói nghèo và vì phát triển) của Pháp và các nhà tài trợ nước ngoài khác đầu tư cho Viện Kinh tế sinh thái để “đặt vào tay người dân kỹ thuật tiên tiến cùng với nguồn kinh phí để xây dựng Làng sinh thái” – theo nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung (Báo Khoa học và Đời sống). Công trình làng sinh thái giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: tăng sản lượng nông nghiệp – lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, tăng thu nhập cải thiện đời sống dân cư, cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao giáo dục. Bên cạnh đó, công trình còn có ý nghĩa to lớn đối với môi trường thông qua việc phục hồi hệ sinh thái dựa trên các yếu tố của tự nhiên, góp phần thiết thực phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Trong Tạp chí Bảo vệ môi trường (2001), nhà báo Minh Viễn đã viết : “Các nghiên cứu khoa học của Viện Kinh tế sinh thái đã chỉ ra rằng, xây dựng thành công mô hình làng sinh thái ở các vùng sinh thái nhạy cảm, kém bền vững sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và làm giàu cho xã hội, tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên cơ sở phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả đến việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai dịch bệnh, đồng thời cũng bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Nó sẽ góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước…”. Từ những lợi ích mà công trình này mang lại, người dân truyền tai nhau một câu chuyện rằng: “Ngày nảy ngày nay, có các ông giáo sư tự bỏ tiền túi và trí tuệ của mình để đi giúp đỡ những người dân nghèo xây dựng cuộc sống mới…”.

Cống hiến cho đời những tri thức

 

 
 

VN mình có nhiều cây thuốc như thế, tại sao vẫn phải nhập thuốc từ nước ngoài. Con phải cố gắng học và tìm ra được các cây thuốc quý để làm thuốc chữa bệnh cho dân

 

GS-TSKH Nguyễn Văn Trương

 

 

Câu chuyện cổ tích hiện đại này hoàn toàn đúng với 20 vị giáo sư ở Viện Kinh tế sinh thái. Ít người biết chuyện GS Trương còn là viện trưởng nhiều năm nằm… ngoài danh sách trả lương của Viện. Ngoài ra, 19 giáo sư là thành viên hoạt động thì đều nhận một sự chi trả trên danh nghĩa cho những đóng góp của họ. Theo GS Trương thì “lương của chúng tôi là… niềm vui cống hiến cho đời những tri thức của mình”. Thật đơn giản! Nhà báo Nguyễn Ngọc Phúc (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp) kể lại: “Tôi kính trọng GS-TS Nguyễn Văn Trương bắt đầu từ cái tình ông đối với Quảng Bình quê tôi – cũng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ ai một lần gặp ông đều không quên: Sự thông minh cương nghị trên vầng trán cao rộng, cặp mắt sáng, gương mặt đẹp phúc hậu và giọng nói ấm áp tự tin”.

Ngoài công trình xây dựng 12 làng sinh thái, một đóng góp to lớn khác của ông chính là bộ Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm bốn tập dày tổng cộng hơn 4.000 trang khổ rộng, bao gồm 40.000 mục từ, thuộc 40 chuyên ngành văn hóa, khoa học, kỹ thuật của VN và thế giới. Năm 1990, khi mới giữ chức Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái, GS-TSKH Nguyễn Văn Trương được mời kiêm chức Tổng biên tập bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam cùng với giới trí thức thuộc mấy thế hệ, với lực lượng hơn 1.200 nhà khoa học (1/8 số cán bộ sau đại học trong cả nước) tham gia biên soạn bộ sách trong nhiều năm. Tác phẩm Quốc học Huế xưa và nay đã viết: “Ông đã làm việc này một cách nghiêm túc, tỉ mỉ với tất cả lương tâm của một trí thức VN chân chính. Ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới khi 83 tuổi. Đó là vị Anh hùng lao động cao tuổi nhất được phong tặng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII, năm 2005”.

 

GS- TSKH Nguyễn Văn Trương (1922-2007) quê xã Kim Liên, H.Nam Đàn, Nghệ An. Ông học ở Quốc học Huế từ năm 1940, đỗ tú tài năm 1942, tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp năm 1944. Năm 1976, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và hai năm sau bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Trường ĐH Tổng hợp Dresden (CHDC Đức). Năm 1980, ông được nhà nước phong tặng học hàm giáo sư. Ông là Phó chủ tịch Hội đồng khoa học – kỹ thuật Bộ Lâm nghiệp. Từ năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu sinh thái kinh tế và sau đó kiêm chức Tổng biên tập bộ Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2005. Các tác phẩm tiêu biểu: Tìm hiểu rừng Việt Nam (1965), Kiến tạo các mô hình nông lâm kết hợp (1985), Thâm canh rừng tự nhiên (1986), Rừng trong tầm nhìn của thời đại (1987), Sinh thái rừng Việt Nam (2000)… Ông tham gia xây dựng 12 làng sinh thái trên ba hệ sinh thái kém bền vững ở VN do CCFD và các tổ chức quốc tế tài trợ.

 

 

 

TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm