11/01/2025

Trong Chúa Thánh Thần cùng với Mẹ Maria

Nhân lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ 2014, chúng tôi giới thiệu bài suy niệm rất hay của Đức Hồng y Suenens về mối tương giao giữa Chúa Thánh Thần với Mẹ Maria. Bài do giáo sư Nguyễn Đăng Trúc chuyển ngữ.

 

 Trong Chúa Thánh Thần cùng với Mẹ Maria

 

 

1. Chúa Thánh Thần 

Chúa yêu thương chúng ta trước, và điều đó chi phối tất cả sinh lực của tâm hồn chúng ta. Trong mối tương giao đó, chúng ta không đi bước trước để khởi xướng. Đất không tự mình vươn lên Trời: chính Trời đã đến với Đất, một cách nhưng không và hoàn toàn tự do từ phía Trời. Nếu không biết đến sức mạnh của ân sủng, ta có thể dám thốt lên rằng: thật đúng là điên! Vì theo lối tính toán con người, Thiên Chúa không được gì cả trong cuộc trao đổi này. Ngài không hùng mạnh hay giàu có gì hơn khi trao tặng cho con người thần tính tràn đầy của Ngài. Ngài luôn là Yêu Thương tràn đầy, một Tình Thương thông ban một cách đại độ không làm sao hiểu được.

Bằng Tình Yêu tạo dựng và vương giả đó, Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ Maria – và yêu thương chúng ta trong Mẹ – khi Ngài đến với Maria vào sáng Truyền Tin.

Kitô giáo là cuộc giao thoa giữa hai mối tình trong Chúa Giêsu Kitô.

 - Tình Yêu đến từ Trời để thực hiện giao ước thần thánh này được gọi tên là Chúa Thánh Thần.

 - Tình yêu từ Đất vươn lên để đón nhận cuộc gặp gỡ gọi là Maria.

Maria là sự đáp trả chân thành của loài thọ tạo được thánh hoá để xin vâng với lời kêu gọi của Thiên Chúa. Maria là tinh hoa, là sự triển nở tối hậu của những dặm đường Thiên Chúa đã chuẩn bị, qua bao thế kỷ, trong Cứu Ước, hầu xây dựng nên một dân của Chúa tại Israel, là một hiền thê ‘được thánh hoá trong sự thật và trong sự thánh thiện’. Trong Đức Maria, Đất đã sinh hoa trái và Trời đã mưa Đấng Cứu Độ.

Nơi điểm hẹn của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với nhân loại, nơi Israel, dân của Chúa, mầu nhiệm Nhập Thể định hình, với tất cả những hiệu quả phát xuất từ biến cố này.

Vì thế chúng ta hãy ân cần suy ngẫm thật kỹ Đấng đã bao phủ Maria bằng bóng của Ngài để khai sinh Đấng Cứu Độ. Chúng ta hãy ân cần đào sâu những mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần “Đấng mà các thiên thần chiêm ngắm một cách say đắm “(1 P 1, 12).

Chính Chúa Kitô hướng tâm hồn các môn đệ Ngài về Chúa Thánh Thần, khi Ngài từ giã họ: “Thầy nói thật với các con, Thầy ra đi thì tốt cho các con hơn. Vì nếu Thầy không ra đi thì Thánh Thần không đến với các con; nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ gửi Thánh Thần đến với các con” (Gioan 16,7).

Chúa Thánh Thần là lời hứa tối hậu, là bảo chứng sự hiện diện và toàn thắng của Chúa Kitô. Vào sáng Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ngài xuống trên các Tông Đồ quy tụ tại Nhà Hội Tiệc Ly, bấy giờ ta có thể nói là một kỷ nguyên mới mở ra cho thế giới: kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, kỷ nguyên trọn đầy của các thời đại.

Vì theo đúng nghĩa của ngôn từ, chính nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta đi vào trong giai đoạn tối hậu của lịch sử. Từ nay, có thể nói Ngài là Đấng ở vị trí hàng đầu hướng dẫn lịch sử. Chính Ngài sẽ đến gặp các ngư phủ Galilê đánh bắt ‘người’ và biến đổi họ thành tông đồ, chính Ngài xuống trên các tín hữu tiên khởi và ban cho họ các đặc sủng; cũng chính Ngài ban sức mạnh vô song cho các vị tử đạo, bắt đầu bằng thánh Stêphanô, vị tử đạo đầy tràn đức tin và Chúa Thánh Thần.

Những công vụ của các Thánh Tông Đồ mở ra lịch sử Giáo Hội thực ra cũng chỉ là trang đầu Phúc Âm Chúa Thánh Thần.

Chính Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy các Tông Đồ lên tiếng trước Hội Đồng Công Nghị của người Do Thái, trước các tổng đốc hoặc tổng trấn Rôma, cũng như trong các bài giảng mỗi ngày của các vị. Thánh Phaolô nói rằng: “Lời ta nói và rao truyền không phải là những lời giả tạo phát xuất từ một lối khôn ngoan nhằm thuyết phục người ta” (1Cr 2,4).

Chúa Thánh Thần là Đấng chọn các Tông Đồ: “Khi họ chăm lo đọc kinh cầu nguyện và ăn chay, thì Chúa Thánh Thần nói: ‘Các người hãy để Barnabê và Saulô mỗi người một ngã để họ thi hành công việc ta đã gọi họ” (Cv 13,2).

Ngài là nguồn vui cho những người bị bắt bớ và là nguồn cậy trông của họ: “Tuy thế các môn đệ vô cùng hân hoan và tràn đầy Chúa Thánh Thần” (Cv 13,52).

Ngài là Đấng hướng dẫn những quyết định xây dựng tương lai cho Giáo Hội đang khai sinh, và các Thánh Tông Đồ chuyển lại những chỉ thị đó của Ngài qua chứng tá những lời này: “Chúa Thánh Thần và chính chúng tôi không hề muốn áp đặt trên anh chị em gánh nặng nào…” (Cv 15,28).

Đó là thực tại cụ thể mà Giáo Hội thời nguyên sơ biểu lộ và đặt lòng tin của mình vào Chúa Thánh Thần.

 2. Với Mẹ Maria

 Kết giao giữa Chúa Thánh Thần với Đức Maria

Chúng ta nói rằng Kitô giáo là một sự kết giao của hai mối tình trong Chúa Kitô. Lời Hứa của Chúa nay được thể hiện rõ ràng, liên kết Chúa Thánh Thần và Đức Maria; một mối liên kết nền tảng nơi lời tuyên xưng đức tin của chúng ta.

Chúa Thánh Thần: tình yêu của Thiên Chúa đến với chúng ta.

Mẹ Maria: tình yêu của nhân loại – của toàn thể thọ tạo tinh tuyền nhất – vươn lên Thiên Chúa.

Chúa Giêsu-Kitô: điểm nối kết, nơi gặp gỡ giữa hai mối tình yêu.

Trong cuộc sống Kitô hữu, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của mối liên kết này giữa Chúa Thánh Thần và Thánh Nữ Maria. Chúng ta cũng phải khám phá thật sâu xa về Chúa Kitô như là hoa trái của mối tình qua lại này.

Ngay trong Kinh Tin Kính của người công giáo, chúng ta gặp những chữ này: “Và Chúa Giêsu đã làm người bởi phép Đức Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh Nữ Maria”. Chúng ta cúi đầu cung kính đọc câu ấy để tuyên xưng mầu nhiệm trên các mầu nhiệm.

Trong những trang sau đây, chúng tôi cung kính dừng lại nơi mối kết giao giữa Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria, là tâm điểm cho mầu nhiệm này. Không phải nói lại điều mà Phúc Âm đã kể cho chúng ta về một biến cố đã qua, nhưng cố đi sâu vào những hiệu quả linh hoạt đang tác động trên chúng ta do sự nối kết kỳ diệu đó, một mối tương giao đóng ấn giao ước mới và vĩnh cữu. ‘Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và thần lực của Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên Bà… …’

Sứ điệp của thiên thần chuyển đến Mẹ Maria thực ra không giới hạn vào việc hứa ban Chúa Thần như một cuộc thăm viếng nhất thời, một sự đổ tràn Ân phúc để chỉ sinh ra một Người Con Trai gọi là Giêsu, bởi vì Ngài sẽ là Đấng Cứu Độ. Mầu nhiệm Nhập Thể sẽ còn mặc khải ở một tầm độ rộng lớn hơn, và vinh quang uy lực của nó bao la trải tràn qua các thế hệ. Mẹ Maria đã am tường tầm độ đó nên trong Lời Ca Ngợi Magnificat, Mẹ không ngại lên tiếng nói lời tiên tri này: “Từ nay mọi thế hệ sẽ gọi tội là người có phúc”. Mẹ biết rằng lịch sử thế giới gắn liền với Mẹ.

Thiên chức làm Mẹ của Maria bắt nguồn từ chính mầu nhiệm Nhập Thể này. Chúng ta cần luôn quay lại đây để cảm nhận. Vì mầu nhiệm Nhập Thể đã chứa đựng chính mầu nhiệm Cứu Chuộc. Đấng được sinh ra trong thế gian là chỉ để chết làm lễ tế cứu chuộc. Ngài không chết như mọi đứa con nào của con người, có sinh thì có chết: Còn Ngài, Ngài sinh ra để chết.  Ngài sinh ra là vị tư tế và cũng là của lễ hiến tế Cứu Chuộc. Những người mẹ trong chúng ta sinh ra những đứa con, có người một ngày kia có thể làm linh mục. Đối với các người này, phẩm cách tư tế sẽ là một ân huệ nhưng không không đương nhiên gắn liền với bản tính của mình. Trái lại, Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng sinh ra đã là tư tế; và từ nơi việc ngài sinh ra, Ngài là Chiên Thiên Chúa.

Do đó thiên chức làm Mẹ của Maria được thành toàn do bởi mầu nhiệm Cứu Chuộc.

Chúa Thánh Thần làm nên Chúa Kitô trong chúng ta

“Con biết rằng Ngài (Chúa Thánh Thần) đã đến tái sinh thế gian trong Chúa Giêsu Kitô và Ngài chỉ muốn làm việc đó nhờ bởi Mẹ Maria”. Những chữ này của thánh Louis-Marie de Montfort chỉ cho chúng ta thấy việc làm đặc loại của Chúa Thánh Thần, sứ vụ không thể thay thế của Ngài: Ngài tái sinh thế gian trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài đến với chúng ta trong tư cách là Đấng được Chúa Con gửi tới để tiếp nối và hoàn thành sứ vụ của Chúa Con.

Chúa Kitô đã cứu thế gian bằng khổ nạn của Ngài, nhưng Ngài trao việc áp dụng toàn công cuộc Cứu Độ chúng ta cho Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần – là Thần lực ban Sự Sống làm nên những con người sống nhân tính đích thực của mình – đến để soi sáng thấu đáo những lời dạy của Thầy, để hước dẫn chúng ta hiểu biết Lời Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, để mở mắt trần tục của chúng ta, để khai thông tai điếc của chúng ta, để đưa chúng ta đi vào ‘trong sự thật toàn bích’. Sứ vụ của Ngài không phải thêm thắt một điều gì khác ngoài Mặc Khải của Chúa Kitô.

Đức Mẹ đón nhận Chúa Kitô trong chúng ta

Chúng ta mạnh dạn nói thêm điều này: ai muốn sống cuộc sống Chúa Kitô thì phải rộng lòng đón nhận Mẹ Maria.

Mọi việc sùng kính Đức Mẹ phải quy về Chúa Giêsu như sông chảy ra biển. Tư tưởng thủy chung như nhất và bất biến của Mẹ Maria nằm gọn nơi những lời Mẹ nói với những ngươi giúp việc trong tiệc cưới Cana: “Các anh chị hãy thực hiện điều Ngài sẽ dạy cho các anh chị”. Mẹ không có sứ điệp nào khác. Trong những lần Mẹ hiện ra đây đó qua các thế kỷ, dưới nhiều dạng thức khác nhau, người ta đều nghe lại tiếng vọng của lời nói duy nhất này, lời nói thổ lộ tâm can của Mẹ với chúng ta.

Mẹ Maria không phải chỉ quy hướng về Chúa Kitô, Mẹ còn là Kitô hữu đầu tiên.

Các Thánh không rụt rè quá như chúng ta khi họ ca ngợi mối kết hợp tâm hồn khắng khít giữa Mẹ và Chúa Con. Thường ngày, thánh Jean Eudes không ngại lên tiếng cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giêsu, Trái tim của Mẹ Maria, xin thương xót chúng con”. Còn hơn thánh Phaolô và tất cả các thánh, Mẹ là chứng nhân hùng hồn về nguồn sống kết hợp với Chúa: “Không phải tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Giữa Mẹ và Chúa Kitô luôn thể hiện một mối tương giao khôn tả, một sinh lực siêu nhiên kết liền với nhau.

Vì thế, bất cứ việc làm trung gian nào của Mẹ đều nhằm làm cho chúng ta thành ‘những Kitô’ khác, uốn nắn chúng ta trong từng nét một cho giống với hình ảnh Chúa Kitô. Toàn thể bản thân Mẹ là ‘Mẹ Chúa Giêsu’, là Mẹ đang làm nên Chúa Giêsu trong chúng ta (vì thế Maria là Mẹ chúng ta).

Lúc bế  mạc Công đồng Vaticanô II, Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên dương Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội, nghĩa là của toàn dân Chúa, từ người tín hữu giáo dân cho đến người tín hữu làm mục tử, và đã nhấn mạnh việc Mẹ Maria giúp chúng ta sống cuộc sống Chúa Kitô. Ngài nói:

‘Trong cuộc sống nơi trần thế, Mẹ Maria đã thực hiện hình ảnh hoàn hảo của người môn đệ Chúa Kitô:  Mẹ là tấm gương mọi nhân đức, là hiện thân của những mối phúc mà Chúa Kitô đã tuyên dương. Vì thế, trong Mẹ, Giáo Hội […] đạt được hình thái chân thực nhất về việc bắt chước Chúa Kitô … [ Mẹ là ] mẫu mực lòng  tin và sự đáp trả toàn vẹn mỗi lời kêu gọi của Chúa, là mẫu mực thực thi trọn đầy lời dạy của Chúa Kitô và tình yêu của Ngài …”. Như thánh Ambrôsiô đã từng nói: “Mỗi người chúng ta hãy có trái tim của Mẹ Maria để ngợi khen Chúa, có trí khôn của Mẹ Maria để chúc tụng Chúa”.[1]

Mẹ Maria hướng về Thiên Chúa

Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Maria luôn hướng về Thiên Chúa.

Như chúng ta đã nói, Mẹ là lời đáp trả của nhân loại trước sứ điệp của thiên thần. Sau tình yêu của Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ là tình yêu thuần khiết nhất, tình yêu vô nhiễm duy nhất từ Đất vươn lên gặp gỡ Tình Yêu Chúa Trời.

Toàn thân xác, tâm hồn Mẹ là xin vâng theo lời truyền qua lời đáp trả của Mẹ. Mẹ chỉ muốn điều đó: sẵn sàng tuân theo Chúa Thánh Thần, vâng theo ý của Ngài, hợp tác và hoàn toàn trung thành với công việc của Ngài. Mẹ trao gửi trọn vẹn cho Chúa Thánh Thần.

Mẹ thực hiện sự tự do gắn bó với Chúa ở mức độ cao cả nhất và uy dũng nhất. Nhưng, ta chớ lầm ở đây, vì sự tự do nói xin vâng lại chính là một ân huệ duy nhất. Sự hợp tác tự do và tích cực của Mẹ Maria được nuôi dưỡng và thấm nhuần Tình Yêu đang tác động ‘ý muốn và hành động’ nơi Mẹ. Khi Chúa hành động, Mẹ luôn tiếp nhận trong chính sinh lực của sự tự do thuận nhận của Mẹ. Không phải Mẹ xướng xuất: chính Thiên Chúa nâng Mẹ lên với Ngài, chính Thiên Chúa ban cho Mẹ ơn phúc lạ lùng về nhân tính trọn đầy.

Nơi Mẹ, lời nói hay đẹp này của Maurice Zundel về ân huệ bao la của Chúa được chứng thực từng ngàn lần hơn nơi bất cứ ai trong chúng ta:

“Ngài thật sự cho điều Ngài cho,
           Ngài mãi còn cho điều Ngài đòi hỏi
          Ngài cho hai lần hơn điều Ngài nhận.”

Chưa từng có tạo sinh nào nhận được ơn dứt khoát, cao cả và huy hoàng hơn Mẹ Maria đã nhận. Tuy vậy, chưa từng có tự do con người nào được toàn vẹn hơn tự do của Ngài.

Mẹ Maria hướng về Chúa, chạy đến với Chúa với cả tấm lòng hớn hở khiêm cung … Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ: dưới đất này, sau khuôn mặt của Chúa Giêsu, còn gì đẹp hơn Mẹ. Mẹ hướng về Thiên Chúa không phải chỉ trong một giây phút nhất thời thoáng qua.

Chúng ta thích tưởng tượng Mẹ Maria đi lên Chúa rồi quay về con người trong một chuỗi qua lại, như một kẻ ban phát ơn đi vào kho tàng lục tìm rồi quay về trao lại cho chúng ta. Nhưng không phải như thế.

Thực tại siêu nhiên mà chúng ta cố khai phá còn cao đẹp vô vàn trong mối nhất thống toàn bích. Mẹ Maria luôn hướng về Chúa Thánh Thần: đó là thái độ căn cơ của tâm hồn Mẹ. Và chính trong Chúa Thánh Thần mà Mẹ nhìn chúng ta, chính trong Chúa Thánh Thần mà Mẹ yêu thương chúng ta. Mẹ Maria đến với con người trong Thiên Chúa, Mẹ không hề có giây phút nào cách ly với Thên Chúa. Mẹ như một bầu trời để mặt trời rọi sáng đem lại hoan lạc cho trái đất.

Trong mối kết hợp an bình với Thiên Chúa, Mẹ nhìn chúng ta đang khốn khổ, và yêu thương chúng ta với tình yêu Mẹ tiếp nhận nơi Thiên Chúa, yêu thương chúng ta nơi nguồn căn của nhân tính nơi Mẹ, nơi mà từ đó chúng ta được khai sinh. Sự hiểu biết của Mẹ về chúng ta là một sự hiểu biết sâu xa khôn ví; tình yêu Mẹ đối với chúng ta bắt nguồn từ Tình Yêu thâm sâu; thiên chức hiền mẫu của Mẹ nuôi dưỡng chúng ta từng bước; từng bước tô bồi sinh lực cho chúng ta để chúng ta luôn lớn lên cho đến mức hoàn thành!

Nhưng vẫn còn chưa đủ. Khi tôi nhìn lên Mẹ Maria, Người Mẹ luôn hướng về Chúa trong mối hợp nhất qua lời xin vâng, tôi còn khám phá được một mầu nhiệm nữa. Mẹ không trả lời với tư cách cá nhân Mẹ. Thánh Tôma nói với chúng ta rằng lời xin vâng của Mẹ là lời xin vâng “nhân danh toàn  nhân loại”.  Trong lời AMEN của Mẹ, dội lên tiếng Amen của toàn trần thế hướng về Trời cao. Sung sướng biết bao vì khi Mẹ tín thác cho Chúa là Mẹ đã kéo chúng ta về Trời, với Mẹ và trong Mẹ!

Mẹ không phải chỉ là ‘một’ sự đáp trả, nhưng là sự đáp trả của toàn nhân loại trước tình yêu thương của Chúa. Và đó sẽ là phận vụ làm Mẹ của Maria trong việc giúp chúng ta trả lời một cách tự do với ân sủng, tiếp nhận ơn của Chúa; giúp chúng ta đưa những nỗi ước mong và những lời cầu xin của chúng ta lên Chúa. Còn nơi nương tựa nào để được tiếp nhận trước Đấng Tối Cao hơn là Mẹ; Mẹ nâng chúng ta lên đến Chúa, khi Mẹ là Đấng được tuyên dương là: “Bà đã được Thiên Chúa sủng ái”. Phận vụ của Mẹ cũng sẽ là giúp chúng ta tin vào mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Lòng tin của Mẹ là nơi nương náu cho lòng tin chúng ta. Khi chúng ta được cư ngụ nơi lòng tin của Mẹ, thì như được cư ngụ trong lâu đài Đavít, chúng ta không ái ngại trước tình yêu thương quá lớn lao so với sự thấp hèn của chúng ta, và chúng ta dám tin vào điều ngoài sức chúng ta.

Nhưng nếu Mẹ Maria là tất cả những điều đó, thì Mẹ hẳn cũng là đường dẫn lối cho chúng ta đến với Chúa Thánh Thần: không có Mẹ Maria, chúng ta không thể biết và yêu mến Chúa Thánh Thần.

Chúng ta từng biết rằng Mẹ Maria là một thế giới của muôn muôn kỳ diệu mà chỉ có Chúa Thánh Thần, là Đấng am tường những chân lý sâu thẳm của Thiên Chúa mới khám phá được. Thánh Louis-Marie de Montfort diễn tả như thế này: « Maria là kỳ công tuyệt với của Đấng Tối Cao, chỉ có Chúa Tối Cao mới biết và làm chủ kỳ công đó của Ngài …Maria là nguồn suối bí nhiệm và là Hiền Thê trung tín của Chúa Thánh Thần, và chỉ có Chúa mới tiếp cận được. Maria là cung thánh và là nơi cư ngụ của Chúa Ba Ngôi; không nơi nào trong vũ trụ, ngay cả các thiên thần Chêrubim và Sêraphim, là nơi mà Chúa Ba Ngôi có thể được ca ngợi và tôn vinh xứng đáng hơn; và nơi ấy không một tạo sinh nào, dù tinh khiết đến độ nào đi nữa, được phép  tiếp cận nếu không có được một đặc quyền lớn lao.”[2]

Và thánh nhân còn nói thêm: “Maria là thiên đàng của Thiên Chúa và là thế giới khôn tả của Ngài, nơi mà Chúa Con đã ngự đến để thực hiện những việc kỳ diệu, và giữ lấy làm nơi cư ngụ. Chúa đã làm ra một thế giới cho con người lữ thứ, nơi chúng ta đang sống; Ngài đã làm nên một thế giới cho người được hưởng phúc, đó là thiên đàng. Nhưng Ngài làm nên một thế giới cho Ngài, và Ngài đặt tên nơi ấy là Maria”.[3]

Nhưng ngược lại thì cũng đúng. Nếu chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta biết Mẹ Maria, nhưng không có Mẹ Maria thì chúng ta không thể biết và yêu mến Chúa Thánh Thần. Do một sự trao đổi diệu kỳ, Mẹ Maria trở thành Đấng dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Thánh Thần, Mẹ là kho tàng chứa đựng những bí mật của Vua. Đến với Mẹ là đến với Chúa Thánh Thần, bằng một hứng khởi chung. Không, chúng ta đừng ngại đón nhận Mẹ Maria: những gì sinh ra từ Mẹ đều đến từ Chúa Thánh Thần.

Chúng ta đi sâu sát hơn chút nữa vào mầu nhiệm này. Muốn thế, chúng ta nhắc lại lời thánh Louis-Marie de Montfort: «Khi Chúa Thánh Thần, Hiền Phu của Mẹ, đã tìm gặp được Mẹ Maria trong một tâm  hồn nào, thì Ngài bay đến, cư ngụ trong đó và hiệp thông gắn bó với tâm hồn ấy, và càng gắn bó hơn nữa khi tâm hồn này càng gắn bó với Mẹ Maria; và một trong những lý do tại sao bây giờ Chúa Thánh Thần không làm những việc rạng ngời trong các tâm hồn, đó chẳng qua là vì Ngài không thấy nơi các tâm hồn có một sự gắn bó thiết tha với Hiền Thê trung thành và không thể phân ly của Ngài. Tôi nói không thể phân ly, vì từ khi Tình Yêu muôn thủa của Chúa Cha và Chúa Con là Thánh Thần đã nhận Maria là Hiền Thê để sinh ra Chúa Giêsu Kitô, là kẻ đứng đầu của những người được chọn, và sinh Chúa Giêsu Kitô trong những người được chọn, thì Chúa Thánh Thần không bao giờ từ bỏ Mẹ, vì Mẹ luôn trung thành và luôn sinh sản”[4]

Thật đúng như thế, ta có thể nói ai không biết Mẹ Maria thì không biết trái tim của Thiên Chúa.

Một bí quyết của ân sủng

“Bí quyết để chu toàn ơn gọi của người chịu phép rửa là sự hợp nhất gắn bó với Mẹ, là Đấng đã hợp nhất hoàn toàn với Chúa Thánh Thần”.

Bí quyết… vâng, đúng như thế, vì có một bí quyết ở đây. Thánh Louis-Marie de Montfort từng nói rằng có những bí quyết của sinh hoạt cuộc sống tự nhiên, nhưng cũng có những bí quyết của ân sủng “để thực hiện trong thời gian ngắn, một cách đơn sơ nhẹ nhàng những tác động cuộc sống siêu nhiên: làm cho tâm trống rỗng xóa đi con người tự mãn, và đón nhận Thiên Chúa ngập tràn con người mình”. Bí quyết ấy nằm gọn trong mấy chữ này: “Hợp nhấtgắn bó với Mẹ, là Đấng đã hợp nhấthoàn toàn với Chúa Thánh Thần”.

Đây là hệ luận thực tiển và linh hoạt phát sinh từ tất cả những gì đã trình bày ở trên. Nếu Mẹ Maria là Đấng như thế, thì chúng ta phải kết hiệp với Mẹ một cách hết sức gắn bó.

Mọi Kitô hữu gọi Maria là mẹ của mình. Mọi người xưng mình là con của Mẹ. Nhưng ta có thể là ‘con thơ’ của mẹ mình qua nhiều lứa tuổi khác nhau. Đừng sợ phải lui về thời mình còn là đứa trẻ trong vòng tay mẹ, ngay cả còn trong bụng mẹ.

Người con là con của mẹ hơn bao giờ hết khi còn ở trong lòng mẹ mình. Vì trẻ bé sống hoàn toàn và tuyệt đối gắn liền với mẹ. Trẻ sống cuộc sống của mẹ, hít thở nhờ vào sự sống của mẹ.

Đúng với giáo huấn tinh tuyền của Phúc Aâm, Kitô hữu cần sống gắn bó với Mẹ Maria trong mối hợp nhấtkhắng khít như thế.

Hợp nhất với Mẹ là con đường đưa đến Thiên Chúa

Hiệu năng của mối hợp nhấtnày rất đa dạng và phong phú khôn lường.

Khi hợp nhất với Mẹ, không phải tôi tiến bước đến với Chúa nhưng là Mẹ. Mẹ Maria là sự trinh trong vô tội mặc lên trên tôi để tôi mặc lấy Chúa Kitô và đến với Thiên Chúa Tối Cao. Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của tôi dâng lên Ngài, lời cầu nguyện bên trong ngôi đền thánh này, đó là Mẹ Maria. Vì đền thánh ấy làm chốn cư ngụ cho Đấng Thánh của các thánh, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Khi đưa lời kinh và sự dâng hiến của chúng ta ngập vào trong Mẹ, thì mọi sự đổi thay một cách kỳ diệu. Của lễ của chúng ta tỏa ra một hương thơm mới làm đẹp lòng Chúa. Lời của Mẹ là tiếng vọng tinh thuần nhất của Lời Chúa Con, con Mẹ, ngân lên những âm điệu hợp với trái tim Chúa: “Hãy cho ta nghe tiếng của nàng, vì tiếng nói của nàng dịu ngọt” (Diễm Tình Ca 2, 14).

Có một khoảng cách giữa lòng tôn sùng thánh mẫu thông thường của dân chúng và sự hợp nhấtvới Mẹ Maria mà chúng ta nói ở đây.

Chúng ta hãy nghe lại những lời nói tuyệt vời của Linh mục Olier [5], và cân nhắc từng chữ: “Một phần nhỏ nhất nơi tâm hồn Maria, một cử chỉ đơn giản nhất tham dự vào ân phúc của Mẹ đã là một kho tàng lớn hơn tất cả những gì mà các thiên thần Sêraphim và các thiên thần, các thánh muôn đời chúc tụng Chúa. Trời đất không có gì ví được với đời sống này, với tâm hồn này, nơi mà ta gặp được mọi sự phụng thờ, mọi lời ca ngợi, mọi tâm tình yêu mến của Giáo Hội, của mọi người và các thiên thần; và (đời sống này, tâm hồn này) cao quý ngàn lần hơn tất cả những gì mà mọi thụ tạo mang lại. Sự cao cả vô song của ân sủng và thánh thiện nơi Mẹ là như thế. Chính vì vậy mà khi ta hiệp thông với Mẹ Maria, thì ta thể hiện vinh quang của Chúa, mang lại lợi ích cho Giáo Hội và thánh hoá con người mình một cách nhanh chóng hữu hiệu hơn bất cứ con đường đạo hạnh nào khác ta có thể thực hiện.”

Đây quả là một đoạn văn nào vừa cô động, vừa súc tích trong văn chương về Thánh Mẫu học mà chúng ta thường gặp. Chúng ta cần đào sâu và áp dụng trong cuộc sống chúng ta.

Khi hợp nhất với Mẹ, chúng ta đi vào trong Chúa Kitô và đến với Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không thể tách ly Chúa ra bên ngoài thế giới các thiên thần, các thánh của Giáo Hội khải hoàn, và các linh hồn trong luyện ngục. Trời cao là một gia đình bao la bát ngát, mà vì chúng ta là người thân của Thiên Chúa và của ‘những thành phần trong mái nhà Chúa, nên chúng ta có những tương giao vô hình, nhưng phong phú và linh hoạt, với Chúa và với họ. Đức tin mở ra cho chúng ta biết có các thiên thần, như ban đêm chúng ta thấy được muôn vàn vì sao. Chúng ta mở ra với thế giới mới để cảm nhận những mối tương liên giữa các thiên thần và chúng ta. Chúng ta cảm được mình đang được các thiên thần bao quanh, gần gũi thân mật: các thiên thần luôn hiện diện, đồng hành với chúng ta, như thị khải của Giacop từng thấy các thiên thận lên xuống không ngừung trên đầu mình. Và Mẹ Maria là Nữ Vương các thiên thần; hẳn nhiên, Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến gần các vị ấy.

Mẹ cũng là Nữ Vương các thánh, đưa chúng ta đến với họ. Khi kết hiệp với Mẹ, chúng ta có thể yêu mến các thánh với trái tim, sự trìu mến và lòng biết ơn của Mẹ. Ai có thể yêu mến các thánh như Mẹ? Trong Mẹ, chúng ta có thể yêu mến các thánh với một trái tim mới, một tâm hồn mới. Và trong Mẹ mối thân mật giữa chúng ta với các thiên thần và các thánh càng thanh cao, càng diệu vợi, càng chân thành. Chúng ta cùng hưởng gia nghiệp Nước Trời và đã sống được thân phận làm con trong nhà Chúa.

Mẹ Maria là đường đưa chúng ta đến với con người

Nếu đến với Chúa, chúng ta cần Mẹ, thì chúng ta cũng cần qua Mẹ để đến với những người chung quanh ta. Sùng kính Đức Mẹ không có nghĩa lý gì hết, nếu việc đó không mang sứ vụ tông đồ. Cha Louis-Marie de Monfort có công rất lớn khi gắn liền Đức Mẹ với sứ vụ tông đồ. Thường thường người ta quen đóng khung việc sùng kính Đức Mẹ như một cuộc gặp gỡ riêng, rồi dừng lại đó, thay vì múc lấy nơi lòng sùng kính Đức Mẹ của mình một nền tảng cho sứ vụ truyền giáo[6]. Việc kính mến Đức Mẹ sẽ nghèo nàn và sai lạc vô cùng nếu chỉ biết đóng khung trong một vài cử chỉ sùng mộ cá nhân, đóng kín, làm mất đi nhựa sống và vùng đất dưỡng nuôi nó.

Sứ vụ tông đồ (có tính cách thiêng liêng, truyền bá Phúc Âm hay trực tiếp) liên quan đến việc kính mến Đức Mẹ là việc khai sinh về mặt siêu nhiên. Nó mang nhiều hình thái khác nhau hoặc tập thể hoặc cá nhân. Tiếp cận với các linh hồn được thực hiện bằng nhiều phương cách. Nhưng, kỳ cùng, làm tông đồ là làm cho Chúa Giêsu Kitô sinh ra hoặc lớn lên trong anh chị em chúng ta. Với tính cách cao cả đó, làm tông đồ là tiếp nối chính công việc của Mẹ Maria.

Hợp nhấtvới Mẹ ở đây phải được xem là một điều luật không thể bỏ qua. Kitô hữu khi đi đến với kẻ khác, ý thức được rằng không phải mình đi, nhưng Mẹ Maria dùng mình để đến với họ. Ông Frank Duff, vị sáng lập Đạo Binh Đức Mẹ từng nói: “Những nỗ lực mà không có Mẹ dẫn dắt không khác gì dầu mà không có lửa đốt để cháy sáng”. Đây là một định hướng cho bất cứ nhóm tông đồ nào, phải đặt Đức Mẹ làm vị trí trung tâm quy tụ những người trong nhóm, như các Tông Đồ đã làm khi cầu nguyện tại Nhà Hội Tiệc Ly; ở đấy, Đức Trinh Nữ sẽ cổ súy chúng ta kiên trì, chỉ cho chúng ta thấy những người con của Chúa đang gặp nguy cơ. Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường truyền giáo.

Nhưng cần đi sâu, đi xa hơn nữa. Không những sùng kính Đức Mẹ và dấn thân truyền giáo phải gắn liền nhau, nhưng việc hợp nhấtvới Mẹ Maria còn mang lại cho lòng bác ái truyền giáo của chúng ta một ấn dấu riêng.  Như ta có thể nói đến đức khó nghèo thánh Phanxicô như một dấu riêng cho việc quên mình, thì ta cũng nói đến một đức yêu thương, bác ái ‘Đức Mẹ’ để chỉ về phương cách riêng trong việc thực thi bác ái.

Khi một tâm hồn kết hiệp gắn bó với Mẹ Maria, thì tình yêu người của người đó trở nên sâu xa, táo bạo và sống động cụ thể hơn. Mẹ chuyển trao cho Kitô hữu những nét dịu hiền tế nhị hoặc có thể nói là ‘một sự tinh tế của lòng kính trọng tha nhân’.

 Người ta hay nói, vinh quang của lòng bác ái là tiền cảm. Nét riêng của các bà mẹ là tiền cảm những âu lo câm nín và không nói lên bằng lời được. Bác ái ‘Đức Mẹ’ có nét đặc trưng đó. Lòng bác ái này không xem người ta như một con số trong đám đông, hoặc một loạt người vô danh.

Nó cống hiến cho các tâm hồn đơn sơ bình dị những bàn tay nối kết và nguồn hơi ấm của tấm lòng chân thành. Nét thanh cao của một tâm hồn quảng đại và siêu nhiên, một lối tiếp cận tinh tế dịu hiền đó hẳn là một dấu chỉ về sự hợp nhấtbên trong với Chúa, và sự hiện diện của Ngài.

Hợp nhất với Mẹ Maria là một con đường tắt, con đường trực tiếp giúp các linh hồn có được những nét tinh tế, cảm nhạy trong lúc tiếp cận tha nhân. Chúng ta nghe lại lời Đức Mẹ nói với cô Bernadette vào lần hiện ra ngày 18 tháng Hai: “Con có vui lòng đến lại nơi đây trong mười lăm ngày hay không?”. Đó đúng là lối nói dịu hiền của Nữ Vương trên trời nói với cô bé thô lậu không biết chữ. Ta có thể nói Mẹ Maria không hề đối xử với ai như bề trên nói với thuộc cấp, hoặc như hai kẻ ngang hàng. Mẹ luôn nói như một thuộc cấp nói với bề trên. Vì Mẹ Maria luôn luôn thấy Chúa Giêsu Kitô trong mỗi linh hồn đang ở cạnh Mẹ, và Mẹ luôn ở trong tư thế thuỷ chung như nhất là làm kẻ phục vụ Chúa. Công việc tông đồ mang ấn dấu ‘Mẹ Maria’ không cách gì không nhận ra được nơi phong cách cung kính dịu hiền này.

Và dần dà, tâm hồn Kitô hữu thấm nhuần cung cách của Mẹ để được biến cải sâu xa. Ta có thể nói rằng: “Người mang sứ điệp Tin Mừng đi rao truyền, biết kết hiệp với Mẹ Maria, sẽ sớm mang một trái tim hiền mẫu, trái tim của Mẹ Maria, khi tiếp cận với mọi người; người ấy sẽ là một người mẹ hiền với cách cư xử tinh tế đầy yêu thương, với tâm tình trìu mến, với những lo toan không ngừng cho con mình; đó những đức tính cao quý không ai có thể nghi ngờ được”.

Mẹ Maria và cuộc sống tông đồ

Linh đạo của cha Louis-Marie de Montfort luôn dự trên sự hợp nhất sinh động giữa Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria, trung tâm điểm của Kitô giáo:

“Việc sùng kính Mẹ Maria một cách chân thật chỉ phát huy được khi nó hàm chứa ưu tư làm tông đồ. Việc sùng kính Mẹ Maria chân thực nhất thiết phải lo cho các linh hồn. Đức Maria mà không mang thiên chức làm mẹ, một Kitô hữu mà không làm tông đồ: hai việc đó y như nhau, cả hai đều không đầy đủ. Theo thánh Louis-Marie de Montfort, cả hai đều là sự bôi bác linh đạo về sự sùng kính Đức Mẹ.”

 



[1] Trích René LAURENTIN: La Vierge au Concile, tr. 48. Lethielleux, Paris, 1965.

[2] L-M de Montfort, Traité de la Vriae Dévotion, N. 5.

[3] L-M de Montfort, Le Secret de Marie, N. 9.

[4] L-M de Montfort, Traité de la Vriae Dévotion, N. 36.

[5] Chú thích của người dịch : Linh mục  Jean-Jacques OLIER (1608-1657), vị sáng lập hội các linh mục Xuân Bích.

 

[6] Ở một bình diện khác, chúng ta cũng phải đưa việc tham dự Thánh Lễ của chúng ta thành nguồn sinh lực thực thi lòng bác ái cộng đồng.