12/01/2025

Chuyện ở Ngôi nhà xanh

Vào năm 2010, giữa vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mọc lên một công trình kiên cố được đặt tên là Ngôi nhà xanh.

 

Chuyện ở Ngôi nhà xanh

Vào năm 2010, giữa vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mọc lên một công trình kiên cố được đặt tên là Ngôi nhà xanh.

Thầy Huỳnh Văn Em dạy nhạc miễn phí cho học trò tại Trung tâm âm nhạc Tấm Lòng – Ảnh: Trường Trung

 

Ngôi nhà mang cái tên đặc biệt là vì những chủ nhân của nó mong muốn từ đây sẽ cho đi yêu thương và những điều tốt đẹp.

Mùa này đường về các xã vùng A huyện Đại Lộc hiền hòa, thơ mộng như tranh vẽ. Những bãi bồi ven sông với cát mịn lóng lánh, những cánh đồng đầy bóng người canh tác khác xa với cảnh con nước hung tợn cuồn cuộn băng qua đường đồng mỗi mùa mưa lũ. Về thôn Tân Hà (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) hỏi đường đến Ngôi nhà xanh, chúng tôi được cụ bà Lê Thị Tuyết, nhà ở đầu thôn, chỉ đường bằng giọng xúc động: “Cứ đi thẳng, thấy cái nhà sơn màu xanh đổ bêtông có ươm cây phía trước thì dừng lại. Đợt bão số 14 vừa rồi (bão Haiyan tháng 11-2013) hai vợ chồng tui cũng trú ở đó. May mà có ngôi nhà này chứ không mấy năm nay vợ chồng già tui chẳng biết trú ở mô. Con lũ nào về, mấy người già xóm ni cũng vào đó ở hết. Chỉ cần mang theo những thứ giá trị và chăn mền thôi, vì trong Ngôi nhà xanh đã có sẵn đồ ăn nước uống rồi”.

Sau 30 mùa mưa lũ…

 

 

“Là con em địa phương, chúng tôi rất biết ơn tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng thầy Em cùng bè bạn. Từ đôi bàn tay thầy cô đã nuôi dưỡng bao nhiêu tâm hồn thế hệ học trò địa phương. Nhiều giáo viên, sinh viên nhạc viện của địa phương đều trưởng thành từ những nốt nhạc vỡ lòng của cô thầy. Cô Lan, thầy Em không những bỏ tiền túi ra giúp đỡ những hoạt động của địa phương mà còn kêu gọi bạn bè có nhiều đóng góp cho xã nhà”.

Ông Phạm Thế Chất (chủ tịch UBND xã Đại Lãnh)

 

Đặt tên và điều hành Ngôi nhà xanh là vợ chồng thầy Huỳnh Văn Em và cô Trương Thị Phương Lan (giáo viên dạy nhạc và văn Trường THCS Quang Trung, xã Đại Hưng). Cô Phương Lan là người gốc Huế, tốt nghiệp đại học văn khoa xong là theo chồng về đây dạy học, đến nay cô đã nghỉ hưu được gần năm năm. “30 năm dạy học ở đây là 30 mùa mưa lũ tôi chứng kiến cả vùng Đại Lãnh, Đại Hưng này bị ngập bởi con nước. Mùa mưa lũ, việc đi lại, học hành của học sinh vùng này gặp khó khăn bởi nước sông Kôn và sông Vu Gia dâng cao. Ngày ngày tiếp xúc với đàn học trò vùng quê nghèo chỉ có mỗi “đặc sản” là lũ lụt nên trong đầu tôi luôn luôn bâng quơ ý nghĩ phải làm sao để các em không bị thua thiệt so với nơi khác. Thế là vợ chồng tôi mở lớp dạy kèm miễn phí cho học trò nghèo từ đó tới giờ” – cô Lan kể.

Khi cô Lan sắp nghỉ hưu, một người bạn chí cốt thuở thiếu thời từ TP.HCM ra thăm. Thấy cô thầy không có nơi dạy học kiên cố bèn nảy ra ý định đầu tư xây một ngôi nhà với chức năng vừa là nơi dạy học vào ngày thường, vừa là nơi tránh trú bão cho người dân địa phương vào những ngày mưa lũ. Đầu năm 2010, sau nhiều tháng chọn mua đất rồi lên thiết kế xây dựng, một ngôi nhà nhỏ xinh kiên cố trị giá hơn 300 triệu đồng “mọc” lên ở khu vực cao ráo thuộc thôn Hà Tân trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Ngôi nhà rộng hơn 100m2 được đổ bêtông với thiết kế bốn nhà vệ sinh, khu vực chạy máy phát điện, khu bếp rộng để nhiều người có thể nấu cùng một lúc, khu vực giá sách vở và nhạc cụ… “Ngày ngôi nhà đi vào hoạt động, bà con, thầy cô và học trò hai xã Đại Hưng và Đại Lãnh đến chung vui đông kín. Họ mừng là từ nay con em có được nơi khang trang để học nhạc, học văn miễn phí, còn người dân có nơi trú tránh bão. Còn với vợ chồng tôi thì thấy nhẹ nhõm hẳn vì tâm niệm một đời làm nhà giáo của hai vợ chồng và tấm lòng bạn mình đã thành hiện thực” – thầy Em bộc bạch.

 

Người già và trẻ nhỏ ở thôn Hà Tân (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) tránh bão Hải Yến (tháng 11-2013) trong Ngôi nhà xanh – Ảnh: Phương Lan

 

Cây xanh và nốt nhạc

Để lớp học được đi vào chính quy, bạn bè và học trò cũ của thầy Em người góp đàn, người góp sách. Hai vợ chồng thầy lại chạy vạy mua quạt máy, đóng bàn ghế đa năng với công dụng vừa làm bàn học vừa có thể ghép thành giường để bà con nằm mỗi khi trú bão… Giờ đây mỗi khi có bão lũ là hàng trăm hộ dân ở vùng thấp trũng hai thôn Hà Tân và Tân Hà lại đến tránh trú. Những lúc như thế, thầy Em và cô Lan mang luôn chiếc máy phát điện ở nhà mình xuống rồi nạp cho những bếp dầu để bà con được thuận tiện trong sinh hoạt.

Khi lớp học đàn và lớp học nhạc đi vào hoạt động thường xuyên, vợ chồng thầy Em lại nghĩ ra một công năng khác cho Ngôi nhà xanh là ươm cây xanh để tặng người dân và các trường học. “Khi bác Nguyễn Hữu Mai, nguyên phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, về quê Đại Lộc nghỉ hưu và phát động phong trào trồng cây bảo vệ làng mạc ven sông, chúng tôi thấy rất cần thiết và ý nghĩa. Hai vợ chồng vận động bạn bè ủng hộ để có kinh phí ươm cây, với những trường hợp cần thiết thì mua cây tặng các trường học” – thầy Em kể. Trung bình mỗi năm Ngôi nhà xanh ươm trồng, mua tặng người dân và các trường trong vùng hơn 5.000 cây tạo bóng mát, chống xói mòn như dương liễu, tre điền trúc, sao đen…

Đi dưới những bóng cây rợp mát, thầy Huỳnh Văn Bình – hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hòa (xã Đại An, huyện Đại Lộc) – xúc động nói: “Nhờ có sự hỗ trợ gần 500 cây xanh từ thầy Em mà hiện nay khắp khuôn viên nhà trường đều đã phủ bóng mát. Có được cây xanh bóng mát, học trò có nơi vui chơi, học thể dục, và phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cũng vì thế được nâng lên. Hiện nay tất cả cây xanh được hỗ trợ nhà trường đều đã sử dụng để học sinh học lâm nghiệp, trồng cải tạo cảnh quan xung quanh và chống sạt lở ở một số điểm. Quan trọng hơn, học trò cũng đã có ý thức hơn về việc trồng cây giữ đất ở nơi vốn chịu nhiều thiên tai này”.

Giữa năm học 2013-2014, hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan về thăm các điểm trường học ở vùng rốn lũ huyện Đại Lộc. Bất ngờ khi nghe câu chuyện về Ngôi nhà xanh và chứng kiến học trò nghèo nơi đây chơi nhạc, hoa hậu Phương Lan đã đề nghị hỗ trợ nhạc cụ để mở Trung tâm âm nhạc Tấm Lòng. Hiện nay, lớp học nhạc miễn phí của thầy Em đã được dời về Trường THCS Quang Trung. Với sự hoạt động hiệu quả của Ngôi nhà xanh tại xã Đại Lãnh, tại phường Cẩm Phô (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) một ngôi nhà xanh nữa đã được xây dựng với sự góp sức của vợ chồng thầy Em và bạn bè. Ngôi nhà này có chức năng chính là nơi trao học bổng cho học sinh và là nơi gặp gỡ bạn bè. “Vợ chồng tôi đã bàn với bạn bè, nếu ở Hội An có cá nhân nào có tấm lòng thiện nguyện, muốn dạy học miễn phí cho trẻ em, chúng tôi sẵn sàng cho mượn Ngôi nhà xanh để biến nơi đây trở thành nơi cho đi yêu thương” – cô Lan cho biết.

 

TRƯỜNG TRUNG