14/11/2024

Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới

Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới. Giáo Hội do Chúa Giêsu thành lập, nhưng là một dân tộc có lịch sử dài được chuẩn bị từ rất lâu trước Chúa Kitô, một dân tộc được tình yêu của Thiên Chúa chúc phúc để đem phúc lành ấy đến cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới này.

Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới
 
Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới. Giáo Hội do Chúa Giêsu thành lập, nhưng là một dân tộc có lịch sử dài được chuẩn bị từ rất lâu trước Chúa Kitô, một dân tộc được tình yêu của Thiên Chúa chúc phúc để đem phúc lành ấy đến cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18-6-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau khi chào tín hữu, Đức Thánh Cha khen họ giỏi, vì với trời hay thay đổi bất thình lình trong những ngày này không ai biết sẽ có mưa hay không, nhưng ngài hy vọng Chúa thương để có thể kết thúc buổi tiếp kiến mà không bị ướt.
 


Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bất đầu loạt bai giáo lý mới về Giáo Hội. Ngài nói: nói về Giáo Hội cũng giống như một người con nói về mẹ mình và về gia đình mình. 

Ngài định nghĩa Giáo Hội: 

Thật thế, Giáo Hội không phải là một cơ cấu có mục đích là chính mình hay một hiệp hội tư, một tổ chức phi chính quyền, lại càng không phải là hướng về hàng giáo sĩ hay về Vatican… Giáo Hội là chúng ta tất cả. “Bạn nói về ai?” “Không, về các linh mục…”. A, nhưng mà các linh mục là phần của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta chứ. Đừng thu hẹp Giáo Hôi lại nơi các linh mục, các giám mục, Vatican. Tất cả những điều này là các phần của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta. tất cả là gia đình, là của người mẹ. Và Giáo Hội là một thực thể rộng rãi hơn nhiều, rộng mở cho toàn nhân loại và không nảy sinh từ một phòng thí nghiệm, không nảy sinh một cách bất thình lình, từ số không. Giáo Hội được xây dựng trên Chúa Giêsu, nhưng là một dân tộc có một lịch sử dài sau lưng và một sự chuẩn bị đã bắt đầu từ lâu trước Chúa Kitô.

Lịch sử hay “tiền sử” đó của Giáo Hội được tìm thấy trong Thánh Kinh Cựu Ước. Theo Sách Sáng Thế mà chúng ta đã nghe, Thiên Chúa đã lựa chọn Abraham là cha của chúng ta trong lòng tin, và đã xin ông ra đi, bỏ quê hương xứ sở để đi tới một miền đất khác, mà Người sẽ chỉ cho (x. St 12,1-9). Và trong ơn gọi này, Thiên Chúa không chỉ gọi Abraham như là cá nhân mà thôi, mà cũng lôi cuốn ngay từ đầu gia đình, bà con và tất cả những người phục vụ nhà ông nữa. Rồi một khi đã lên đường – Phải, và Giáo Hội bắt đầu bước đi như thế – Thiên Chúa sẽ còn nới rộng chân trời và sẽ đổ tràn đầy phúc lành của Người trên Abraham, bằng cách hứa cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và như cát dưới biển. Dữ kiện quan trọng đầu tiên bắt đầu từ Abraham Thiên Chúa làm thành một dân để đem phúc lành của Người tới tất cả mọi gia đình của trái đất. Và Đức Giêsu sinh ra trong lòng dân tộc ấy. Chính Thiên Chúa làm nên dân tộc này, lịch sử này, Giáo Hội tiến bước và Đức Giêsu sinh ra trong dân tộc đó.

Yếu tố thứ hai đó là không phải Abraham quy tụ một dân tộc chung quanh mình, mà là chính Thiên Chúa khai sinh ra dân tộc ấy. Bình thường con người hướng về thần linh, bằng cách tìm lấp đầy khoảng cách, bằng cách khẩn cầu sự yểm trợ và che chở. Người ta khẩn cầu các thần linh… Nhưng trong trường hợp này, trái lại, người ta chứng kiến điều chưa từng thấy. 

Đức Thánh Cha giải thích điểm này:

Chính Thiên Chúa đưa ra sáng kiến. Chúng ta hãy nghe nhé! Chính Thiên Chúa gõ cửa nhà Abraham vá nói với ông: Hãy ra đi, hãy rời bỏ đất đai, hãy bắt đầu bước đi và Ta sẽ khiến cho ngươi trở thành một dân tộc lớn. Đó là khởi đầu của Giáo Hội và trong dân tộc này Chúa Giêsu sinh ra. Nhưng Thiên Chúa đưa ra sáng kiến và hướng lời Ngài tới con người bằng cách tạo ra một mối dây, một tương quan mới với ông. “Nhưng thưa cha, làm sao? Thiên Chúa nói với chúng ta ư?” “Phải.” “Và chúng ta có thể dàm thoại với Thiên Chúa à?” Phải, và điều này gọi là lời cầu nguyện, nhưng chính Thiên Chúa ban đầu đã làm điều đó. Như vậy, Thiên Chúa làm thành một dân với tất cả những ai bước đi và tín thác nơi Ngài. Đây là điều kiện duy nhất: tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nếu bạn tin tưởng nơi Thiên Chúa, lắng nghe Ngài và bước đi đó là làm thành Giáo Hội. Tình yêu của Thiên Chúa đi trước tất cả. Thiên Chúa luôn luôn là đầu tiên, Ngài đến trước chúng ta, Ngài đi trước chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Ngôn sứ Isaia hay Giêrêmia, tôi không nhớ rõ, một trong hai vị đã nói rằng Thiên Chúa như hoa hạnh đào, bởi vì đó là cây đầu tiên nở hoa trong mùa xuân. Để nói rằng Thiên Chúa luôn luôn nở hoa trước chúng ta, lôi chúng ta tới, Ngài chờ đợi chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta, Ngài làm cho chúng ta bước đi. Ngài luôn luôn đi trước chúng ta. Và điều này gọi là tình yêu bởi vì Thiên Chúa luôn luôn chở đợi chúng ta. “Nhưng mà thưa cha, con không tin điều này, bởi vì cuộc đời con đã rất là xấu xa, làm sao con có thể nghĩ rằng Thiên Chúa chờ đợi con được?” “Thiên Chúa chờ đợi bạn. Và nếu bạn đã là một người tội lỗi lớn, thì Ngài lại càng chờ đợi bạn hơn với biết bao tình yêu, bởi vì Ngài là nhất. Đó là vẻ đẹp của Giáo Hội, đem chúng ta tới với Thiên Chúa, là Đấng chờ đợi chúng ta! Ngài đi trước Abraham. Ngài cũng đi trước cả Ađam nữa!

Tổ phụ Abraham và người nhà ông lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và lên đường, mặc dù họ không biết rõ Thiên Chúa đó là ai và Ngài muốn dẫn họ đi đâu. Đúng thế, bởi vì Abraham lên đường và không có sách thần học để nghiên cứu xem vị Thiên Chúa đã nói với ông là ai. Ông tín thác, ông tín thác nơi tình yêu. Thiên Chúa làm cho ông cảm thấy tình yêu và ông tín thác nơi Ngài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các người đó luôn luôn xác tín vá trung thành. Trái lại, ngay từ đầu đã có các kháng cự, khép kín trong chính mình, trên các lợi lộc riêng, và cám dỗ mặc cả với Thiên Chúa và giải quyết các sự việc theo ý riêng. Đó là các phản bội và các tội lỗi ghi dấu con đường của dân dọc dài toàn lịch sử cứu độ, là lịch sử sự tín trung cảu Thiên Chúa và sự bất trung của dân. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mệt mỏi. Thiên Chúa kiên nhẫn, rất kiên nhẫn và trong thời gian Ngài tiếp tục giáo dục và đào tạo dân Ngài, như một người cha giáo dục và đào tạo con mình. Thiên Chúa bước đi với chúng ta. Ngôn sứ Hôsê nói: “Ta đã bước đi với con và dạy con bước đi như một người cha dạy cho con mình.” Thật là hình ảnh dẹp về Thiên Chúa! Ngài làm với chúng ta như thế. Ngài dạy chúng ta bước đi. Đó cũng là thái độ Ngài có đối với Giáo Hội. Thật vậy, cả chúng ta nữa, tuy có ý hướng theo Chúa Giêsu, nhưng hằng ngày chúng ta sống kinh nghiệm sự ích kỷ và cứng lòng. Nhưng khi chúng ta nhận mình là những kẻ tội lỗi, thì Thiên Chua đổ tràn đầy lòng thương xót và tình yêu của Ngài trên chúng ta. Ngài tha thứ cho chúng ta, ngài luôn tha thứ cho chúng ta. Chính điều đó làm cho chúng ta lớn lên như dân của Thiên Chúa, như Giáo Hội: không phải vì chúng ta giỏi, không phải do công lao của chúng ta, chúng ta ít ỏi chẳng là gì cả. Không phải cái đó mà là kinh nghiệm thường ngày cho chúng ta biết Chúa thương chúng ta và lo lắng cho chúng ta. Chính điều đó khiến cho chúng ta cảm thấy chúng ta là của Ngài, ở trong tay Ngài, và làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông với Ngài và giữa chúng ta với nhau. Là Giáo Hội có nghĩa là cảm thấy mình ở trong tay Thiên Chúa, là Cha và yêu thương chúng ta, vuốt ve chúng ta, chờ đợi chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy sự dịu hiền của Ngài. Và đây là điều rất đẹp!

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến đó là chương trình của Thiên Chúa. Khi Ngài gọi Abraham, Thiên Chúa đã nghĩ tới điều này: làm thành một dân tộc được phúc phúc bởi tình yêu của Ngài để dân tộc đó đem phước lành của Ngài đến với tất cả mọi dân tộc của trái đất. Chương trình ấy không thay đổi nó luôn luôn đang được thực hiên. Nơi Chúa Kitô nó đã có sự thành toàn và cả ngày nay nữa Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện nó trong Giáo Hội. Chúng ta hãy xin ơn trung thành với việc theo Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Ngài, sẵn sàng ra đi mỗi ngày, như Tổ phụ Abraham, hướng tới miền đất của Thiên Chúa và của con người, là quê hương thật của chúng ta, và như thế trở thành phước lành, dấu chỉ tình yệu thương của Thiên chúa đối với tất cả các con cái Ngài. Tôi thích nghĩ tới một từ đồng nghĩa, một tên gọi khác mà Kitô hữu chúng ta có thể có, đó là những người nam nữ, là dân chúc tụng. Với cuộc sống của mình, Kitô hữu phải luôn luôn chúc tụng Thiên Chúa và chúc tụng cả chúng ta nữa. Kitô hữu chúng ta là dân chúc lành, biết chúc lành. Và đó là một ơn gọi đẹp!

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương các nước Bắc Mỹ và Tây Âu cũng như các nhóm tín hữu Nigeria, Zimbabwe, Kuweit, Ấn Độ, Nigeria, Australia, Mexico, Puerto Rico, Argentina và Brasil. Ngài chúc họ có những ngày hành hương tươi vui, bổ ích. Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết ngày thứ năm 19-6 lá lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngài cầu mong Thánh Thể dưỡng nuôi đức tin của người trẻ. Ngài khích lệ người đau yếu đừng mỏi mệt thờ lạy Chúa trong thử thách, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới học yêu thương, noi gương Chúa Giêsu hiến mình vì yêu thương và để cứu rỗi chúng ta.

Sau cùng, ngài cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.